GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng - Nguyên Phó trưởng ban Thưởng trực Ban khoa giáo Trung ương Đảng: “Công tác khoa giáo bộc lộ những vấn đề lớn cần phải xem xét!”
Trao đổi với vusta.vn, GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng – Nguyên Phó trưởng ban Thưởng trực Ban khoa giáo Trung ương Đảng cho biết, hiện nay phổ biến trong xã hội hiện nay và cũng xuất hiện trong các ngành khoa giáo, đó là hiện tượng tham nhũng và tiêu cực. Không phải tất cả các cấp, các cơ quan, cán bộ khoa giáo đều tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, hiện tượng đó đã xảy ra ở nhiều nơi, xã hội bàn luận công khai và có khi người trong cuộc phải chấp nhận để được việc của cá nhân, nhưng đã tới giới hạn, cần phải giải quyết (mua điểm, mua lớp, mua bán chức tước, bằng cấp....). Tuy tham nhũng ở các ngành khoa giáo không lớn như ở các ngành kinh tế, nhưng tác hại của nó có chiều sâu, đó là tạo một nếp suy nghĩ tiêu cực, thậm chí tạo ra đạo đức suy đồi cho lớp trẻ tương lai. Cuộc chiến chông tham nhũng trong xã hội còn phải lâu dài. Nhưng đối với khối khoa giáo, nơi có đông đảo trí thức, với trí tuệ và phẩm chất trung thực, minh bạch của đội ngũ trí thức, bất bình trước những sự việc bất công và với tinh thần trách nhiệm trước đất nước, chúng ta chịu khoanh tay trước “vấn nạn” này hay sao? Chống được tham nhũng là một thành công lớn cho khối khoa giáo, đưa hoạt động của khối phát triển tích cực. Nên thành lập tổ chức nghiên cứu chống tham nhũng trực thuộc Ban Tuyên giáo, từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong khối.
GS Tăng cho biết thêm, công tác quản lý nhà nước đang là khâu yếu trong các ngành khoa giáo. Điều này đã được nêu trong các văn bản sơ kết, tổng kết. Quản lý yếu gây ra những bức xúc trong xã hội, thậm chí tạo nên bầu không khí căng thẳng, phẫn nộ trong dân, dẫn tới xô xát, đổ máu. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới công tác quản lý yếu kém. Ngoài nguyên nhân về năng lực của cán bộ có một nguyên nhân không kém phần quan trọng là nhiều văn bản pháp luật đã lỗi thời, sửa đổi chậm hoặc không phù hợp với thực tiễn. Để có văn bản Nhà nước tốt hơn, tại sao chúng ta không quy định bắt buộc các cơ quan nhà nước phải lấy ý kiến tư vấn, phản biện của các tổ chức xã hội có liên quan. Trong công tác khoa giáo có 2 lĩnh vực thể hiện rõ nét tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội, đó là lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe người dân, nhưng xã hội có nhiều bức xúc đối với 2 lĩnh vực này. Tư vấn, phản biện tốt chỉ làm cho công tác quản lý tốt hơn và điều đó thể hiện thái độ tích cực trong xã hội hiện đại. Trong khối khoa giáo có một tổ chức mạnh về tư vấn, phản biện, được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, đó là Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Cần có sự hợp tác giữa các bộ, ngành trong khối với Liên hiệp Hội.
Theo GS Tăng cho rằng, công tác khoa giáo của Đảng cần tập trung đẩy mạnh 2 lĩnh vực quốc sách hàng đầu, đó là giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Cơ quan tham mưu của Đảng cần xác định được nội dung định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Việc triển khai các định hướng là nhiệm vụ của cơ quan chức năng nhà nước.
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đạo tạo phải bảo đảm yêu cầu tiếp cận với xu thế phát triển của thời đại và bảo tồn các giá trị tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới cũng đang tiến hành cải cách giáo dục để đào tạo lực lượng lao động mới có thể làm việc trong một xã hội thông tin. Nghị quyết trung ương số 29-NQ/TW về giáo dục và đào tạo đã xác định những định hướng lớn trong thời gian tới. Trên tinh thần đó cần tiếp túc làm sáng tỏ các vấn đề sau:
Thứ nhất là cần tiếp tục làm sáng tỏ bằng hành động thể hiện giáo dục là quốc sách hàng đầu. Quan điểm quan trọng này của Đảng chưa được quán triệt xuyên suốt nên dẫn tới tình trạng giáo dục xuống cấp, lộn xộn trong thời gian qua. Quan điểm này cần được thể hiện qua cac quy định cụ thể. Như vậy, chúng ta mới có thể đánh giá cơ quan nào, địa phương nào đã coi trọng phát triển giáo dục và đào tạo. Phải chăng, quốc sách hành đầu thể hiện ở chỗ, lãnh đạo phải quan tâm đầu tiên tới giáo dục, chỉ đạo xây dựng chiến lược, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, giải quyết kịp thời khó khăn; ngân sách đầu tư thỏa đáng, kịp thời, huy động động từ nhiều nguồn nhưng từ nhà nước là chủ yếu; nhân lực dành cho giáo dục là tốt nhất; cơ chế, chính sách hợp lý, kịp thời, khuyến khích đội ngũ làm công tác giáo dục; xây dựng cơ sở đảng vững mạnh.
Thứ hai là đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục và đào tạo phải bắt đầu từ đâu? Theo tôi, phải bắt đầu từ bộ máy lãnh đạo, bộ máy quản lý. Phải có bộ máy mạnh có năng lực chỉ đạo và quản lý, có nhiệt huyết và dám hành động, chịu trách nhiệm. Bộ phận này có ý nghĩa quyết định cho công cuộc đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Ngoài ra, huy động sức mạnh của đội ngũ các nhà khoa học để tham mưu cho việc đổi mới quan trọng này. Nếu chúng ta đi chệch hướng hoặc đổi mới nửa vời thì nền giáo dục nước ta tụt hậu xa hơn, không đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.
Thư ba là cần làm rõ nội dụng đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở. Đây là một định hướng hiện đại, tiếp cận với xu thế toàn cầu hóa. Ngoài nội dung về tổ chức hệ thống giáo dục mở (là nhu cầu tất yếu do ưu thế của công nghệ thông tin), còn có nội dung nào khác, chẳng hạn các hệ tư tưởng triết học, các mô hình phát triển xã hội,...
Thứ tư là cần làm rõ nội dung cụ thể tính ưu việt của chủ nghĩa xã hộ trong giáo dục và đào tạo mà Đảng ta phấn đấu hướng tới, một mục tiêu bảo đảm cho sự phát triển bền vững của chế độ. Đến bao giờ người dân có thể học hết trung học cơ sở mà không phải đóng học phí,....
Thư năm là cải cách giáo dục đại học trở thành nhiệm vụ cấp bách. Chất lượng giáo dục đại học ở bậc đại học là một khâu quá yếu về lĩnh vực giáo dục trong thời gian qua. Theo tôi, bộ phận kiểm định chất lượng giáo dục đại học nên nằm ngoài Bộ Giáo dục và Đào tạo để có tính khách quan.
Trao đổi với GS Tăng về khoa học và công nghệ, GS cho biết, thời gian qua, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành lĩnh vực quốc sách hàng đầu thể hiện ở sự lãnh đạo, chỉ đạo, ở đầu tư của nhà nước, việc ứng dụng của các doanh nghiệp và các cơ chế, chính sách gắn khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh. Khoa học và công nghệ muốn thực sự trở thành động lực phát triển bền vững, muốn gắn kết nhà khoa học, nhà công nghệ với doanh nghiệp thì khâu quyết định là khâu tổ chức. Nhà tổ chức biết yêu cầu của sản xuất đối với công nghệ và có khi phải cưỡng bức doanh nghiệp đổi mới công nghệ; nhà tổ chức cũng phải biết chỗ mạnh của viện, của trường đại học và của từng nhà khoa học, cho nên nhà tổ chức vừa có trách nhiệm lôi cuốn người nghiên cứu gắn kết với doanh nghiệp, vừa phải tháo gớ cơ chế, chính sách cần thiết. Chúng ta không nên dồn hết trách nhiệm gắn kết này lên “đầu” nhà khoa học và doanh nghiệp. Để khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển thì nên có Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm chính trong vai trò nhà tổ chức để gắn kết giữa khoa học và công nghệ (nếu đầu tư cho khoa học và công nghệ từ 1 – 2% GDP thì có khả năng đóng góp cho phát triển kinh tế tới 30%), cấm sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường và thúc đẩy nhanh phát triển thị trường công nghệ.
Thành tựu khoa học thì không có biên giới, nhưng thành tựu công nghệ là có biên giới. Cho nên đã đến lúc cần thúc đẩy năng lực nội sinh, gắn kết giữa nghiên cứu khoa học – công nghệ - doanh nghiệp để có những phát minh công nghệ nội địa, tạo nên các sản phẩm có sức mạnh cạnh tranh.
Ngoải ra, theo tôi cần thu hẹp hướng ưu tiên phát triển khoa học và công nghệ hơn nữa. Tiềm lực của nước ta có hạn, nên không thể dàn trải theo nhiều hướng như hiện nay.
Từ khi Nghị quyết số 27-NQ/TW về công tác trí thức ra đời cho tới nay, chính sách đối với trí thức vẫn dậm chân tại chỗ. Phải chăng nên có chính sách đãi ngộ đối với trí thức lớn tuổi mà có công lao đóng góp đáng kể cho đất nước; chính sách đối với trí thức tài năng, nhất là đối với trí thức trẻ; chính sách đối với trí thức người dân tộc ít người. Những chính sách này không chỉ có tác dụng đối với các đối tượng trên mà là nguồn cổ vũ đối với đội ngũ trí thức.
Vị trí, vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã được khẳng định và nâng cao nhờ có sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhất là từ khi có Nghị quyết số 27-NQ/TW về công tác trí thức và Chỉ thị số 42-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về Liên hiệp Hội và sự nhiệt tình hoạt động của những người làm công tác hội. Tuy nhiên, hoạt động của Liên hiệp Hội còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về cơ chế, chính sách, nhận thức sai lệch của một bộ phận cơ quan quản lý nhà nước. Củng cố và đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp Hội trong thời gian tới chính là tăng cường sự vững mạnh của liên minh công nhân – nông dân – trí thức, nền tảng của cách mạnh Việt Nam. Do đó cần có những giải pháp mạnh mẽ, xây dựng Liên hiệp Hội Việt Nam vững mạnh. Để tìm các giải pháp mạnh mẽ và cụ thể thúc đẩy sự phát triển của Liên hiệp Hội Việt Nam, đề nghị Ban Bí thư cho tiến hành sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW từ Trung ương tới địa phương.