Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 03/06/2014 18:08 (GMT+7)

GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ: “Biến đổi khí hậu – Một thách thức to lớn mà Việt Nam phải vượt qua!”

GS có thế cho biết những thách thức nảy sinh ngay trong hoạt động ứng phó của biến đổi khí hậu?

GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ:Trước tiên đó là thách thức ở chính sách đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội với yêu cầu “phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững” trong bối cảnh phải ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, được đánh giá là rất nặng nề, trong khi nguồn lực còn hạn chế.

Biến đổi khí hậu tác động đến tất cả các lĩnh vực và các vùng, song chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ven biển và những vùng đất thấp ven biển, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hệ thống đê biển, cảng biển, đường giao thông, các công trình xây dựng công nghiệp, dịch vụ và dân dụng như hiện nay, chắc chăn sẽ rất khó để ứng phó hiệu quả.

Việc cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình đòi hỏi phải có đầu tư lớn, trong khi nguồn lực phát riển của Việt Nam hạn chế, nợ nước ngoài còn đang ở mức cao.

Thứ hai là thách thức trong chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, lĩnh vực nhạy cảm và dễ bị tổn hại nhất do tác động của biến đổi khí hậu, nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lượng thực quốc gia với yêu cầu hạn chế phát triển khí thải meetan trong canh tác nông nghiệp, một loại khí đang chiếm một tỷ lệ tương đối cao trong tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam, góp phần giảm nhẹ biến đối khí hậu.

Thách thức thứ ba là trong chính sách khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên giữa yêu cầu khai thác, sử dụng ngày càng nhiều các nguồn tài nguyên để đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa, với xu thế suy giảm các nguồn tài nguyên đó do tác động biện đổi khí hậu, nước biển dâng và ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, kể cả ô nhiễm xuyên quốc gia.

Thứ tư là thách thức trong chính sách phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển công nghệ ít chất thải để hạn chế phát thải khí nhà kính, công nghệ sạch và thân thiện với môi trường, tiến tới một nền kinh tế phát triển các bon thấp, tăng trưởng xanh trong tương lai, khi nền tảng công nghệ của Việt Nam còn thấp và lạc hậu, hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là năng lượng còn thấp.

Năm là thách thức về nhận thức và hành động của các nhà lập chính sách, các nhà quản lý, các tầng lớp xã hội và cộng đồng về biền đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Biến đổi khí hậu là vấn đề của sự phát triển, những khả năng bị tổn hại trong tương lai do biến đổi khí hậu còn phụ thuộc vào con đường và cách thức phát triển. Trong khi vấn đề biến đổi khí hậu chưa được lồng ghép có hiệu quả vào quan điểm về phát triển bền vững, vào các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ điều tiết khác của Nhà nước.

Tất cả những thách thức nói trên liên quan đến một thách thức quan trọng có tính quyết định đối với nước ta. Đó là nguồn lực con người trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu vừa thiếu vừa yếu. Khắc phục được thách thức về nguồn lực con người, chúng ta sẽ vượt qua được các thách thức nêu trên, tận dụng được những cơ hội, hơn nữa có thể biến thách thức thành cơ hội. Hiện nay, nguồn lực con người, nhất là nguồn lực chất lượng cao, kể cả cán bộ chuyên môn và cán bộ quản lý của chúng ta trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu còn rất thiếu và yếu. Điều đó đã ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện những hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Có thể nêu ra nhiều dẫn chứng về những hạn chế này như chậm chỉ đạo, chỉ đạo không đúng trọng tâm trong một thời gian dài về ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều hạn chế trong việc xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của các địa phương.

Vai trò và sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội vào hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu như thế nào, thưa GS?

GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ:Trong thời gian qua, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể quần chúng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường rất đa dạng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình nghị sự 21 về bảo vệ môi trường của Việt Nam. Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, các tổ chức chính trị - xã hội đã có nhiều đóng góp vào việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư trên khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình nghị sự 21 cũng như chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế trong tất cả các khâu, từ tổ chức, quản lý đến cơ chế, chính sách, chỉ đạo thực hiện, đầu tư và sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quá trình lập quy hoạch phát triển, xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trên thực tế, các vấn đề môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu chưa được lồng ghép hiệu quả vào các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội như đã xác định trong Chương trình nghị sự 21 và Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến các tổ chức chính trị - xã hội chưa được cụ thể hóa thành cơ chế, quy chế hoặc hướng dẫn thực hiện. Vì vậy, các chủ trương, chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Mọi giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đều phải được triển khai trên một địa bàn cụ thể. Điều đó có nghĩa là các cộng đồng dân cư địa phương chính là những người thực hiện, đồng thời họ là những người hưởng thành quả của các giải pháp, nếu những giải pháp lựa chọn là đúng, phù hợp với quy luật tác động và quy luật thích ứng. Trái lại, họ sẽ là những người chịu các hậu quả xấu do những giải pháp không phù hợp gây ra sẽ tác động đến cuộc sống không chỉ của thế hệ họ hiện nay mà đến cả các thế hệ con, cháu mai sau. Hơn nữa các tổ chức chính trị - xã hội và các cộng đồng địa phương còn là lực lượng giám sát, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện các kế hoạch và giải pháp ứng phó, đề xuất các kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch và giải pháp để nâng cao hiệu quả của chúng. Chính vì vậy, mọi quyết định về chính sách, giải pháp ứng phó đều cần có sự tham gia của tất cả các đối tượng liên quan tại cộng đồng địa phương, bảo đảm sự đồng thuận cao nhất.

Để khắc phục những thách thức trên, cần phải có giải pháp gì trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, thưa GS?

GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ:Theo tôi, trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế, cần có định hướng trong việc phân bổ các nguồn vốn đầu tư cho các mục tiêu lớn nhằm tránh đầu tư dàn trải, manh mún, song song với việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn, bảo đảm hiệu quả cao nhất. Chẳng hạn, theo tôi, nguồn ngân sách nhà nước cần tập trung ưu tiên đầu tư cho việc tăng cường hạ tầng kỹ thuật ở những khu vực, lĩnh vực trọng điểm, có nguy cơ cao về khả năng tổn hại do tác động của biến đổi khí hậu, nhấ là nước biển dâng.

Về vấn đề nông nghiệp: mục tiêu là bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Cần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nhất là trong sản xuất lúa ở những vùng đất bị thoái hóa hoặc có nguy cơ thoái hóa, ngập lụt, nhiễm mặn, những vùng khô hạn, thường xuyên thiếu nước; Ở miền núi và cao nguyên, nên chuyển sang phát triển kinh tế rừng, cây công nghiệp, chăn nuôi, không nhất thiết phải sản xuất lương thực. Thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó đặc biệt là tăng cường hạ tấng kỹ thuật và dịch vụ cho khu vực nông thôn, miền núi.

Về nguồn nhân lực: Cần đào tạo, huấn luyện bằng các hình thức khác nhau phù hợp với đặc điểm hoạt động của cán bộ từ trung ương đến địa phương, với việc xác định các mục tiêu đào tạo cụ thể cho từng loại đối tượng, song mục tiêu chung là triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch hành động của các bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương. Yêu cầu chủ yếu cần đật được qua đào tạo phải cụ thể là có khả năng tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động, các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành, địa phương mình, tránh đào tạo chung chung.

Về kế hoạch hành động: Nhà nước cần chỉ đạo tổ chức thẩm định, đánh giá các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trước khi trình Nhà nước phê duyệt và quyết định đầu tư nhằm loại bỏ những sai sót, trùng lặp, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn trong việc lựa chọn các giải pháp ứng phó, nhất là đối với các tỉnh trong cùng một vùng và các tỉnh liền kề cũng như giữa các bộ, ngành, lĩnh vực liên quan, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Xin cảm ơn GS về cuộc trao đổi!

Bài, ảnh: HT

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.