GS. TSKH Nguyễn Hữu Tăng: Chương trình sách giáo khoa phổ thông - cần phải được làm lại
Phóng viên Văn Nghệ Trẻ (PV):Thưa, Giáo sư được Liên hiệp hội phân công, chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động đánh giá Chương trình và Sách giáo khoa bậc phổ thông (theo đề nghị của Bộ giáo dục và Đào tạo), xin Giáo sư cho biết đôi điều về hoạt động đánh giá vừa được trình bày kết quả trong Hội nghị của ngành Giáo dục và Đào tạo vừa qua.
GS. TSKH Nguyễn Hữu Tăng (NHT):Trước hết, cần phải nói thế này: chúng tôi - Liên hiệp hội - làm công việc phản biện sách giáo khoa lần này không phải là lần đầu tiên. Trước đây, lúc mới ra sách giáo khoa Tiểu học và Trung học cơ sở, theo đề nghị của Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi cũng có đánh giá về tính khoa học, tính sư phạm của những bộ sách mới đó. Sau đó chúng tôi lại đánh giá về thiết bị dạy học. Và vừa rồi, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại yêu cầu chúng tôi tiến hành đánh giá toàn bộ chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Nếu muốn làm công việc phản biện khoa học, phải có nghiên cứu, phải có thời gian. Nếu không có thời gian, trong đầu có cái gì thì nói ra cái ấy. Vì đợt đánh giá vừa rồi thời gian cho phép chỉ có một tháng, nên chúng tôi chủ trương chỉ tập trung đánh giá chương trình, và để minh họa cho những nhận xét, đánh giá, có thể lấy minh họa từ sách giáo khoa. Làm như vậy là bởi vì Chương trình là cái được lấy làm chuẩn để soạn sách giáo khoa.
PV:Thưa Giáo sư, bình thường ra là vậy, là phải có cái “bản thiết kế” rồi mới có “ngôi nhà”.
NHT:Nhưng lần này Bộ Giáo dục và Đào tạo cho viết Sách giáo khoa trước, rồi sau này mới xây dựng Chương trình. Như vậy, từ đầu quy trình đã ngược rồi.
PV:Thật đúng là “sinh con rồi mới sinh cha”, xây trước cái nhà, thiết kế vẽ sau. Vậy đánh giá chung về Chương trình phổ thông của Liên hiệp Hội là như thế nào? Thưa Giáo sư?
NHT:Quy trình trong thực tế là nó ngược như thế… Thời gian tổ chức đánh giá cập rập quá, cho nên chúng tôi chỉ có thể sử dụng phương pháp chuyên gia, lấy ý kiến của những nhà khoa học am hiểu về công việc này. Nhìn chung, so với chương trình và sách giáo khoa của những kỳ trước, kỳ này các thầy xây dựng chương trình và soạn sách giáo khoa đã có những cố gắng rất lớn. So với trước, sách đẹp hơn nhiều!
PV:(Cười)…
Nặng nề và lạc hậu - Vì sao và như thế nào
NHT:Đẹp, nhất là môn địa lý, bản đồ các thứ in rất đẹp. Trước, sách giáo khoa của mình giở ra toàn thấy chữ, rất ít hình, mà hình cũng chỉ đen nhẻm. Giờ: đẹp, rất đẹp. Đẹp là cái thứ nhất, cái thứ hai là: Chương trình và sách giáo khoa kỳ này cũng theo được những cái nét lớn: Luật Giáo dục, các Nghị định, rồi các văn bản của Bộ… cũng nhiều điểm tích cực chứ không phải không. Thế nhưng nhìn chung, có mấy ý, theo tôi nó nổi lên như thế này: thứ nhất, nhiều môn học nặng nề. Cái này báo chí cũng đã phản ánh, rồi các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh cũng có ý kiến như vậy. Tại sao nặng nề? Nặng nề là vì cái phần thuyết minh trong sách giáo khoa của ta còn dài dòng và nhiều khi thiếu thuyết phục. Ví dụ, ta phải tiếp cận với cái hiện đại, phải theo kịp tình hình chung trên thế giới. Tiếp cận về mặt khoa học, nó có những phần rất cổ điển và những phần rất hiện đại. Chọn cái gì, đưa vào chương trình và sách giáo khoa những gì? Cái gì thì cần? Bằng nào thì vừa?... Nói chung là cần phải trao đổi. Chương trình và sách giáo khoa của ta, nhiều khi vẫn chỉ dừng lại ở phần cổ điển, chưa tiếp cận được phần hiện đại, và thuyết minh rất dài. Nên học sinh học bài thấy mệt. Người làm chương trình, thầy soạn sách giáo khoa, nếu nắm vững vấn đề, tiếp cận được những cái hiện đại, thì sẽ có cách diễn giải vừa hiện đại, vừa gọn ghẽ mà lại dễ hiểu. Cái này cũng phải thông cảm với thầy, bởi vì thầy được đào tạo từ trước. Đến bây giờ anh muốn xây dựng chương trình, soạn sách giáo khoa, anh phải luôn luôn tự bồi dưỡng kiến thức hiện đại, thì mới mong làm tốt công việc được.
PV:Vâng, với một ông thầy này đó, một loại sách vở nào đó, bà con ta ai cũng có thể dễ dàng thông cảm. Nhưng đây lại là chương trình giáo dục và đào tạo của quốc gia, đây lại là sách giáo khoa độc quyền một bộ dùng cho tất tật học sinh cả nước. Thông cảm cho ai, và thông cảm để làm gì, khi cả dân tộc phải dốc tiền ra để học và học đến hầu như kiệt sức mà kết quả thì thực sự không hơn thất học là bao, thưa Giáo sư?
NHT:Còn một vấn đề nữa: soạn sách giáo khoa, thì nên ít người soạn thôi. Chọn những người thật giỏi, kiến thức vững vàng, có khả năng diễn giải đúng, ngắn gọi và dễ hiểu để mà giao việc. Chứ còn ở ta, việc soạn sách giáo khoa lại cũng giống như làm các công trình nghiên cứu khác, lôi cuốn rất nhiều người vào, cho nên nó rời rạc, ngay cả văn phong cũng không thống nhất. Rồi kiến thức: ông này cổ điển, ông kia hiện đại… cho nên thiếu tính nhất quán.
Việc sắp xếp các tiết học trong từng môn, bố trí số tiết học cho các môn nhiều khi cũng không hợp lý. Tôi nêu một ví dụ từ môn vật lý. Bây giờ lại có môn công nghệ. Thời lượng dành cho công nghệ lại trội hơn vật lý. Đối với bậc học phổ thông, vật lý là một môn học rất cơ bản, nó là nền tảng cho công nghệ. Việc này, phải tính lại. Ngay trong vật lý, những kiến thức hiện đại được đưa vào một cách… chưa được bài bản.
Trong Báo cáo tóm tắt của Liên hiệp Hội trình bày tại Hội nghị đánh giá vừa rồi, chúng tôi có viết: “… Chương trình giảng dạy một số môn học còn những nội dung chưa thật cơ bản, làm cho khối lượng kiến thức gia tăng quá mức cần thiết và chương trình trở nên nặng nề…”.
Cần làm lại từ đầu, vì một nền giáo dục tử tế
PV:Từ kết quả đánh giá chương trình và sách giáo khoa, Liên hiệp Hội có kiến nghị gì, thưa Giáo sư?
NHT:Nhìn chung, qua kết quả đánh giá, chúng tôi chưa thật hài lòng với chương trình và sách giáo khoa phổ thông hiện hành. Chỉ có một vài môn, ví dụ như môn địa lý, là thấy được, còn các môn khác thì thấy chưa ổn. Trước mắt, đã có sách giáo khoa như thế, bây giờ bảo bỏ ngay đi thì không được, cho nên các thầy cứ việc sử dụng. Trong báo cáo đánh giá, chúng tôi nêu rõ: “… Tiếp tục sử dụng các tài liệu giáo khoa hiện có, với những điều chỉnh cần thiết”. Nhưng: “Sớm tổ chức xây dựng chương trình giảng dạy mới, biên soạn sách giáo khoa và các tài liệu sư phạm mới cho các môn học trong nhà trường phổ thông”. Đấy, phải làm lại. Và làm lại với tinh thần Hiện đại, Phát triển và Hội nhập. Phải chuẩn bị ngay để có được chương trình mới, trên cơ sở đó soạn mới sách giáo khoa. Muốn đến năm 2020 nước ta về cơ bản công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì phải làm như vậy. Cứ như thế này thì không ổn.
Nói như vậy có nghĩa là chúng tôi muốn nền giáo dục của ta hướng tới một cuộc cải cách, cải cách triệt để! Không dùng từ “cách mạng” mà dùng từ “cải cách triệt để”. Cải cách triệt để trên tất cả các mặt: chương trình, nội dung, phương pháp và kể cả về quản lý. Hiện nay, không thể an tâm với cách làm giáo dục như thế này.
PV:Vậy nhưng trong giờ giải lao của Hội nghị, phát biểu trước báo giới, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển lại cho rằng: “Không có việc viết lại SGK hay viết lại chương trình. Chỉ là điều chỉnh những gì cần điều chỉnh. Về cơ bản SGK được đánh giá tốt. Nên về cơ bản không thay đổi”. Thưa Giáo sư…
NHT:Như vậy, thì sẽ bị xã hội lên án. Bây giờ cần phải thừa nhận rằng: nền giáo dục phổ thông của ta, và kể cả đại học, nếu cứ để như thế này thì sẽ còn lạc hậu. Ngay cả về mặt phương pháp, cũng vậy. Tôi từng dạy đại học, và đã nói cách đây hàng nhiều chục năm: đại học mình không khác gì phổ thông cấp IV. Cách tổ chức nền giáo dục của mình, cho đến nay, chưa khơi dậy được tính sáng tạo cho người học.
PV:Thưa, điều Giáo sư vừa nói, cái phát hiện, cái đề xuất ấy đã có từ nhiều năm rồi. Và rất nhiều người tâm huyết và hiểu biết về giáo dục cũng đã lên tiếng về những điều tương tự. Tại sao, cho đến tận bây giờ, tình hình vẫn chưa thể nói là có biến chuyển?
NHT:Đấy là vấn đề của quản lý. Quản lý phải thay đổi. Cũng có vị Giáo sư hỏi tôi: biết rằng giáo dục của ta hiện nay cần những đột phá, cần đổi mới triệt để. Thế thì phải đi từ đâu? Tôi đã nói ngay: đi từ tổ chức! (Cười).
PV:Một tổ chức bộ máy như thế, một cái “công nghệ” như thế, thì sản phẩm của nó phải là như vậy, không thể nào khác được, thưa Giáo sư.
NHT:Nhà quản lý phải xác định cho chinh xác, cho cụ thể định hướng của nền giáo dục, từ đó phải xây dựng cơ chế để vận hành nền giáo dục, phải tổ chức đội ngũ để làm giáo dục… Cho nên, đổi mới triệt để cho nền giáo dục không phải là chuyện đơn giản.
PV:Đổi mới, đổi mới triệt để. Để tồn tại bình thường và để phát triển, ta phải làm như vậy. Nhưng khó khăn thật là nhiều bề. Ngay như câu chuyện về cái chương trình và những cuốn sách giáo khoa phổ thông mà ta đang bàn ở đây, để có được cái mới như cần phải có cũng có vẻ như không thể nào. Người ta vẫn cứ bảo: của chúng tôi ổn đấy, chỉ sửa chữa tí ti thôi. Thật không dễ gì người ta chịu từ bỏ “cái của mình”, bởi gắn chặt với nó là quyền và lợi, là chỗ đứng, chỗ ngồi và tiền bạc. Tình có thể “cho không, biết không”, chứ quyền và tiền thì khó có chuyện “cho không, biếu không” được, thưa Giáo sư.
NHT:Cho nên đòi hỏi người cầm trịch nền giáo dục phải tinh thông, tinh thông về giáo dục và tinh thông về nhiều lĩnh vực khác nữa. Và khi anh quản lý, anh phải quyết đoán và nhất quán.
PV:Dù cho những nhà cầm quyền giáo dục bây giờ chịu rũ bỏ cái hiện có, cái cũ, thì một chương trình giáo dục phổ thông mới, Hiện đại - Phát triển – Hội nhập, như Giáo sư nêu ở phần trên, nếu cứ tình hình này, e là cũng chẳng thể nào có được. Rất có thể trong trường hợp muốn làm lại, làm mới, người ta lại giao cho một “đơn vị chức năng” nào đó đảm trách, ví dụ như lại Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục chẳng hạn, thì rồi ta lại phải nhận lấy một cái chương trình mới mà cũ, phải nhận lấy những cuốn sách giáo khoa đẹp mà nặng mà lạc hậu… như cũ mất thôi. Vì cái tầm, cái tâm nó vốn đã là như thế. Nên chăng, hãy mơ mộng một chút, ta xin phép xã hội hóa công việc xây dựng chương trình và soạn sách giáo khoa này đi. Tổ chức thi, như thi hoa hậu, rồi thì công bố công trình ứng thí công khai, cho đánh giá rộng rãi và dân chủ, cuối cùng hãy chọn. Và cái nào được chọn thì Nhà nước trả tiền cho cái đó. Để tránh tình trạng tiền mất, tật mang. Làm như vậy liệu có được không thưa Giáo sư?
NHT:Tôi thì tôi thiên về cái ý là nên có nhiều bộ phận cùng nghiên cứu. Thí dụ, nếu mà Nhà nước tin vào đội ngũ các nhà khoa học thuộc Liên hiệp Hội này, nếu Nhà nước đặt hàng, thì chúng tôi sẽ có trách nhiệm tổ chức thực hiện. Hiện bây giờ, vì nhận thấy vấn đề giáo dục nó bức xúc quá, nên Liên hiệp Hội đang chuẩn bị để tổ chức một hệ thống các hội thảo về vấn đề giáo dục. Sẽ bàn, bắt đầu từ những vấn đề về quan điểm, triết lý của nền giáo dục. Sau đó sẽ bàn đến chuyện chương trình cần phải như thế nào và vân vân. Cuối cùng mới đưa ra những kiến nghị với Đảng và Nhà nước về một cuộc cải cách giáo dục triệt để.
PV:Vâng, những việc cần làm ngay, làm ra làm, không hình thức, chiếu lệ. Phụ huynh cả nước, thế hệ trẻ cả dân tộc chắc chắn sẽ rất phấn khởi đón nhận thông tin này cùng với niềm hy vọng vào một nền giáo dục tử tế trong tương lai. Xin cảm ơn Giáo sư.
Nguồn: Báo Văn Nghệ Trẻ, số 22, 1/6/2008, tr 7