“Giáo sư Thưa” và chiếc bản đồ theo dõi bão
Nhà ông Lê Văn Thưa nằm ở đầu thôn Tiền, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Theo cách nói vui của Thiếu tá phục viên thì danh hiệu “Giáo sư” mà người dân tự phong cho ông liên quan đến chiếc máy tính cũ - công cụ và là phương tiện quyết định giúp ông định hình và phát minh những sơ đồ theo dõi bão bằng phương pháp đồ họa.
Thành tựu sau 3 năm tự nghiên cứu của ông là những sơ đồ được thể hiện dễ hiểu và hệ thống trên nền những tấm bản đồ vùng biển Đông thông qua hệ thống lưới kinh độ, vĩ độ và tỷ lệ giãn cách mỗi ô tương đương 50km 2thực địa. Tác dụng của sơ đồ có thể phóng to, thu nhỏ cùng với sự hỗ trợ của radio, ngư dân trên biển có thể nhận biết chính xác bão đang ở đâu cũng như khả năng ảnh hưởng của bão.
Cựu chiến binh Lê Văn Thưa cho biết: “Sau khi theo dõi bão nhiều năm, tôi thấy quy luật rất nổi bật, rất cụ thể. Thông thường đầu mùa bão, gió đi về hướng bắc thuộc Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam . Sau đó, về giữa và cuối mùa bão, thì nó dịch dần từ miền Bắc về miền Trung, đặc biệt là giữa mùa bão, tập trung ở miền Trung rất nhiều, cuối mùa bão hướng về miền Nam”.
Sinh sống ở vùng đất chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lụt khiến ông Lê Văn Thưa luôn nghĩ về người dân thường gánh chịu hậu quả thiên tai, sơ đồ theo dõi bão ấp ủ và ra đời từ đó. Trong thời gian chờ sự thẩm định của cơ quan chuyên môn về tính ứng dụng của nó, thì niềm vui lớn nhất của người Cựu chiến binh này là những lời cảm ơn của bà con ngư dân ở Bạc Liêu - miền Tây Nam bộ và vùng biển Quảng Bình về sự hữu dụng của sơ đồ trong mùa mưa bão.
Cựu chiến binh Lê Văn Thưa mong ước, sơ đồ theo dõi bão sẽ được chính quyền sản xuất và nhân rộng, bởi nó rất hữu ích không chỉ cho ngư dân, mà còn cho cả nhiều người dân.
Miền Trung bắt đầu bước vào mùa mưa bão, Thiếu tá phục viên Lê Văn Thưa lại chuẩn bị bước vào thời kỳ bận rộn, nhưng ông rất tự nguyện với công việc này. Dự tính, trong thời gian 2 năm nữa, ông sẽ hệ thống hoàn chỉnh sơ đồ theo dõi bão của mình.