Giáo dục đại học: Thành tựu và những giải pháp nâng cao chất lượng
Thành tựu sau 23 năm đổi mới
Đa dạng hoá về loại hình trường và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng.Nếu như năm 1987, cả nước mới chỉ có 101 trường đại học và cao đẳng thì đến tháng 9/2009 đã có 376 trường đại học và cao đẳng, tăng gấp 3,7 lần. Ở bậc đào tạo sau đại học, đến nay cả nước có 159 cơ sở đào tạo (71 viện nghiên cứu và 88 trường đại học), trong đó có 121 cơ sở đào tạo tiến sĩ và 100 cơ sở đào tạo thạc sĩ. Về loại hình trường và sở hữu cũng có nhiều thay đổi, trong số 101 trường đại học và cao đẳng năm 1987 không có trường nào ngoài công lập thì chỉ 10 năm sau, năm 1997 đã có 15 trường đại học ngoài công lập trên tổng số 126 trường đại học và cao đẳng. Đến tháng 9/2009, con số này tăng lên 81 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập nên tổng số 376 trường, chiếm 21,5%.
Mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đã phủ gần kín cả nước. Đến nay, đã có 40/63 tỉnh, thành phố có trường đại học; 60/63 tỉnh, thành có trường cao đẳng và có 62/63 tỉnh, thành có ít nhất một trường cao đẳng hoặc đại học (đạt tỷ lệ 98%).
Quy mô đào tạo cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ được mở rộng.Năm 1987, số sinh viên tuyển mới là 34.110 thì năm 1997 là 123.969 và đến năm 2009 là 503.618 (tăng 14,7 lần so với năm 1987). Số con em diện chính sách, miền núi, dân tộc, vùng sâu, vùng xa được thu hút ngày càng đông vào các trường đại học và cao đẳng.
Số sinh viên tăng dần qua các năm, năm 1987 tổng số sinh viên là 133.136, năm 1997 là 715.231 và năm 2009 là .719.499 (tăng 13 lần so với năm 1987). Năm 1987, có 19.900 sinh viên tốt nghiệp thì năm 1997 con số này tăng lên 73.736 sinh viên và năm 2009 là 222.665 sinh viên. Số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng đã từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ở bậc sau đại học, từ năm 2000 đến nay, các cơ sở đào tạo trung bình mỗi năm 650 tiến sĩ trong nước. Năm 2008, các cơ sở đào tạo sau đại học đã tuyển được 1.805 nghiên cứu sinh và 22.885 học viên cao học. Năm 2009, các cơ sở đào tạo sau đại học trong nước đã đăng ký 2.504 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ và 30.628 chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ. Những con số này đã cho thấy vai trò quan trọng của đào tạo sau đại học trong nước đối với việc cung ứng nhân lực trình độ cao cho đất nước.
Cơ cấu trình độ, ngành nghề đạo tạo thay đổi theo xu hướng hợp lý và hình thức đào tạo đa dạng hơn. Quy mô đào tạo đại học giảm từ 79,4% (năm 1997) xuống 72,3% (năm 2009). Tỷ lệ đào tạo các ngành kỹ thuật - công nghệ, nông - lâm - ngư, y dược, văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao tăng lên. Đặc biệt, đào tạo nguồn nhân lực thuộc các lĩnh vực công nghệ, thông tin, sinh học, vật liệu mới được ưu tiên.
Hình thức đào tạo cao đẳng, đại học được đa dạng hóa, gồm đào tạo chính quy tập trung và giáo dục thường xuyên/đào tạo không chính quy. Tổng quy mô đào tạo không chính quy hiện nay khoảng gần 900.000 sinh viên (trong đó đào tạo từ xa khoảng 220.000 sinh viên), chiếm gần 50% tổng quy mô đào tạo của các trường đại học, cao đẳng. Đào tạo không chính quy đã có những đóng góp đáng kể trong việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chất lượng giáo dục đại học bước đầu được kiểm soát và từng bước cải thiện. Trước năm 2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có cơ quan chuyên trách quản lý chất lượng giáo dục, thì năm 2004 Bộ đã thành lập Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, sau đó hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng hình thành 77 tổ chức chuyên trách về đảm bảo chất lượng ở các trường đại học, cao đẳng. Trên cơ sở đó, đến nay đã có 114 trường đại học, cao đẳng tiến hành tự đánh giá chất lượng, chiếm trên 70% số trường đại học cả nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy chế thực hiện 3 công khai (công khai chất lượng đào tạo và chất lượng thực tế của cơ sở đào tạo; công khai nguồn lực phục vụ đào tạo; công khai thu chi tài chính) đối với các cơ sở giáo dục từ tháng 5/2009 để tạo sự giám sát xã hội về chất lượng đào tạo. Cũng để tạo động lực cho quá trình nâng cao chất lượng đào tạo, từ năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai chủ trương "Đào tạo theo nhu cầu xã hội". Theo đó, nhà trường cần xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của mỗi ngành đào tạo. Đến nay có khoảng 10 trường đại học, cao đẳng công bố chuẩn đầu ra của mình.
Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh.Trong thời gian qua, chúng ta đã đàm phán ký kết được thoả thuận công nhận tương đương bằng cấp giữa Việt Nam với 10 nước trên thế giới, gia hạn và đàm phán mới nhiều hiệp định hợp tác về giáo dục với nước ngoài. Trong gần 10 năm từ năm 2000, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử 7.039 lưu học sinh đi học nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước và Hiệp định. Có trên 30 trường đại học có chương trình hợp tác quốc tế tốt, hiệu quả, đã đạt được thoả thuận công nhận liên thông chương trình với các trường đại học nước ngoài. Số sinh viên nước ngoài đến học tại Việt Nam ngày một tăng, theo thống kê chưa đầy đủ hiện có khoảng 10.000 sinh viên nước ngoài đang theo học.
Những hạn chế cần khắc phục
Thực tế gần 30 năm chúng ta chưa thực sự quản lý được chất lượng giáo dục đại học. Chất lượng giáo dục là khâu yếu nhất hiện nay, chất lượng đào tạo còn thấp, đang còn nhiều bất cập. Cho đến năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có chủ trương là các trường đại học, cao đẳng phải công bố chuẩn năng lực của người tốt nghiệp các ngành nghề của các trường nào công bố chuẩn năng lực sinh viên tốt nghiệp của trường mình. Các yếu tố đầu vào để đảm bảo chất lượng cho đào tạo thực tế chưa được kiểm soát triệt để. Năm 1987, một giảng viên đại học, cao đẳng đào tạo bình quân 6,6 sinh viên, đến năm 2009 một giảng viên đại học, cao đẳng đào tạo bình quân 28 sinh viên. Sau 23 năm, số sinh viên tăng 13 lần, số trường đại học, cao đẳng tăng 3,7 lần, nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. Năm 1987, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ là 10,09%, năm 2009 con số này cũng chỉ 10,16% trong khi số sinh viên thì nhiều lên. Giáo trình đại học, cao đẳng của nước ta hiện nay đang bị cho là lạc hậu cần thay đổi nhưng đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chưa ban hành quy chế về giáo trình đại học, cao đẳng. Hàng năm, Bộ cũng không có đánh giá chất lượng giáo dục đại học một cách có cơ sở khoa học và thực tiễn.
Vấn đề thu chi tài chính trong các trường đại học, cao đẳng còn mập mờ, chưa rõ ràng. Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tiến hành thanh tra công tác chuẩn bị năm học mới tại 11 sở giáo dục đào tạo và 12 trường đại học trên cả nước. Kết quả của đợt kiểm tra cho thấy, đa số các cơ sở đào tạo đã công khai thu chi tài chính trên website, bằng các văn bản nhưng chưa dán thông tin công khai trong trường để phụ huynh, học sinh, sinh viên giám sát. Một số trường chưa có danh mục, tỷ lệ các khoản chi từ khoản tăng học phí. Đặc biệt, có trường còn chưa công khai mức thu học phí và các khoản đóng góp trên website của trường, chưa xây dựng được cụ thể danh mục đầu tư từ nguồn tăng học phí. Cũng theo kết luận của Bộ, ngoài việc thiếu thống nhất về mức thu học phí, một số trường chưa tính toán được số học phí trong thực tế là bao nhiêu, chưa có kế hoạch cụ thể cho các mức chi từ nguồn thu được do mức tăng học phí, chưa nêu được các mức chi cụ thể cho từng mục. Ngoài ra, nhiều trường đại học đã "kêu" thiếu kinh phí, học phí không đủ bù đắp chi phí, nhưng thực tế lại không lí giải được là thiếu bao nhiêu. Trong khi đó, không ít trường đã chi tiêu không hợp lý. Số học phí thu tăng được các trường chủ yếu chi cho con người và đầu tư cơ sở vật chất, chưa lưu ý đến tập trung đào tạo nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ giảng viên.
Giải pháp đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo đến 2012
Đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục.Tổ chức thảo luận trong toàn ngành và xã hội "Làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo?". Không thể tiếp tục phát triển quy mô giáo dục đại học mà lại buông lỏng quản lý chất lượng như thời gian qua. Mỗi người đều có trách nhiệm: Quản lý nhà nước, quản lý nhà trường, giảng viên, sinh viên, người sử dụng lao động và xã hội.
Đổi mới quản lý hệ thống giáo dục đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của nhà trường. Quy định về phối hợp và phân cấp quản lý giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ ngành khác và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đối với các trường đại học, cao đẳng.
Các trường đại học, cao đẳng thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về phát triển của trường. Kiểm tra thực hiện 3 công khai trong toàn quốc, gắn với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2010 và các năm sau. Tất cả các trường được kiểm tra 3 công khai lần 1 trước tháng 7/2010. Đổi mới quy chế đánh giá và cho phép mở ngành tuyển sinh, kiểm tra tại cơ sở giáo dục trước khi được mở ngành 3 tháng, 3 năm sau đó mỗi năm kiểm tra lại một lần. Các trường đại học, cao đẳng phải xây dựng chuẩn đầu ra cho tất cả các ngành đạo tạo của mình trước tháng 12/2010.
Hoàn thiện quy định về Hội đồng trường và quan hệ giữa Hội đồng trường, Ban giám hiệu, Đảng uỷ trường, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội. Xây dựng quy định về hoàn thiện việc đánh giá quản lý giáo dục đại học: Sinh viên tham gia đánh giá giảng dạy của giảng viên, giảng viên tham gia đánh giá hoạt động của lãnh đạo trường; các trường đại học, cao đẳng tham gia đánh giá chỉ đạo, quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ chủ quản và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi trường đóng.
Triển khai Nghị định của Chính phủ về đổi mới cơ chế tài chính giáo dục theo Nghị quyết 35 của Quốc hội, các trường cần xây dựng kế hoạch dài hạn 2010 - 2014, sử dụng phần học phí tăng thêm để đầu tư cho các khâu, các yếu tố đầu vào của quá trình đào tạo, nâng cao năng lực quản lý và chăm lo cho giảng viên để có tác dụng rõ rệt nâng cao chất lượng đào tạo. Rà soát, cập nhập quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, triển khai xây dựng các khu đại học tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nâng cao chất lượng và chuẩn hoá các đầu vào của hệ thống giáo dục đại học. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, triển khai thực hiện nghiêm túc chế độ làm việc của giảng viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Thực hiện quy hoạch đào tạo giảng viên trình độ thạc sỹ, tiến sĩ năm 2020 ở tất cả các trường cao đẳng, đại học. Từ năm 2010, mỗi năm cử khoảng 1.000 giảng viên làm thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Từ năm học 2009-2010, thực hiện sinh viên tham gia đánh giá giảng dạy của 100% giảng viên.
Chuẩn hoá và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo. Thông qua Hội đồng các Hiệu trưởng đại học, cao đẳng và Trưởng khoa cùng nhóm ngành để thống nhất các chương trình đào tạo khung của các ngành do các trường đào tạo, phân công viết giáo trình dùng chung cho các trường. Tham khảo các chương trình tương tự của các trường tiên tiến ở nước ngoài. Chuẩn hóa và đảm bảo đủ 100% giáo trình đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế biên soạn giáo trình đại học (trước tháng 2/2010).
Chuẩn hoá đội ngũ lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng toàn quốc. Hoàn thiện và tiếp tục chương trình bồi dưỡng Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, phấn đấu từ tháng 12/2011 trở đi tất cả Hiệu trưởng, Hiệu phó đương nhiệm đã qua bồi dưỡng.
Thực hiện thi và xét tuyển vào đại học nghiêm túc, thực hiện tốt chương trình cho vay để học, nhằm thu hút thanh niên có chất lượng và đạo đức tốt vào học ở các trường đại học, cao đẳng.
Tổ chức hội nghị đánh giá đào tạo theo tín chỉ, xây dựng phần mềm quản lý đào tạo theo tín chỉ dùng chung cho các trường đại học, cao đẳng, phấn đấu đến năm 2012 tất cả các trường đại học, cao đẳng đều đã triển khai hoặc có kế hoạch triển khai đào tạo theo tín chỉ.
Đầy mạnh hợp tác quốc tế. Chủ động phối hợp với các tổ chức kiểm định chất lượng ở các nước tiên tiến, với các nước OECD để hình thành nhanh hệ thống các cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nhà nước và các tổ chức kiểm định của các cá nhân, tổ chức khác theo quy định của pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ WB, ADB để triển khai các dự án vốn vay xây dựng các đại học xuất sắc.
Triển khai các chương trình hợp tác với các đại học, các quốc gia để thực hiện đào tạo 10.000 tiến sĩ ở nước ngoài, chương trình nâng cao chất lượng đào tạo và sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam tới năm 2020.
Xây dựng và triển khai đề án thu hút người Việt Namở nước ngoài, các nhà khoa học nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam .