Đưa sinh vật cảnh thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao
Thời gian qua, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đã xác định rõ mục tiêu “Phát triển sinh vật cảnh thành kinh tế sinh thái có giá trị cao”; từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp cân bằng hệ sinh thái, tạo môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.
Hội Sinh vật cảnh Việt Nam thành lập năm 1989. Hiện nay, cả nước có 20.657 tổ chức hội, trong đó ở trung ương có 8 đơn vị trực thuộc, ở địa phương có 57 hội cấp tỉnh, gần 330 hội cấp huyện, gần 3900 hội cấp xã, 262 đơn vị trực thuộc, trên 400 câu lạc bộ, hơn 4600 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, 11.000 nhà vườn, 100 làng nghề sinh vật cảnh. Có trên 250.000 hội viên chính thức thường xuyên sinh hoạt tại các tổ chức hội. Nếu tính cả số hội viên thuộc các ngành nghề nông nghiệp tại các tổ chức hội đã sát nhập với Hội sinh vật cảnh ở một số địa phương (Hội làm vườn, Hội ngành nghề nông nghiệp) thì số hội viên cá nhân khoảng 500.000 người.
Ông Nguyễn Hữu Vạn - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam
Chia sẻ với vusta.vn, ông Nguyễn Hữu Vạn - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cho biết, trong nhiều năm hoạt động của Sinh vật cảnh Việt Nam đã đóng góp một phần vô cùng tích cực cho bức tranh phát triển nông thôn về kinh tế, văn hóa, đặc biệt về 19 tiêu chí Nông thôn mới. Không chỉ phát triển trong phạm vi đất nước, ngành sinh vật cảnh còn tham gia các hoạt động quốc tế, tổ chức Festival Bonsai & Suiseki châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 15… Những sự kiện mang tầm quốc tế được tổ chức thành công đã khẳng định vị thế của Việt Nam, không chỉ nông nghiệp, nông sản giỏi mà sinh vật cảnh cũng giỏi.
Tới đây để thực sự trở thành 1 ngành kinh tế trong nông nghiệp, như mục tiêu mà Hội đề ra, đòi hỏi chúng ta cần phải không ngừng nâng cao nghiệp vụ, cũng như có đủ những điều kiện cần thiết. Chúng tôi thấy có 3 điểm rất tiềm năng để phát triển sinh vật cảnh: Thứ nhất về thế mạnh tự nhiên, địa hình, địa vật, sinh thái của Việt Nam rất thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp nói chung, sinh vật cảnh nói riêng. Yếu tố thứ hai về con người, người Việt Nam rất khéo léo, sáng tạo và có khả năng thích ứng nhanh với xu hướng, ứng dụng công nghệ. Yếu tố thứ 3, đó là có thị trường nội địa đô thị hóa. Tiếp đó, để thúc đẩy sinh vật cảnh trở thành một ngành kinh tế sinh thái, chúng ta cần những giải pháp để củng cố, phát triển tiếp công tác Hội, hệ thống Hội, tăng cường phối hợp với ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương để triển khai định hướng chiến lược đưa Sinh vật cảnh là 1 trong 7 ngành kinh tế trụ cột của nông thôn.
Hiện nay, cả nước có khoảng 45.000 ha hoa, cây cảnh (tăng 6,6 lần so với năm 2000); thu nhập bình quân 520 triệu đồng/ha/năm (tăng 2,1 lần); giá trị sản lượng đạt 23.400 tỷ đồng (tăng 27,5 lần); giá trị xuất khẩu gần 80 triệu USD. Mô hình sản xuất hoa, cây cảnh đạt 1,5 tỷ đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm, có mô hình đạt 3 - 5 tỷ đồng/ha/năm (giá trị thu nhập/ha canh tác của ngành trồng trọt chỉ đạt 80 - 83 triệu đồng/ha/năm). Hội Sinh vật cảnh Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức hội và hội viên chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế sinh vật cảnh. Cùng với đó, tiếp tục củng cố, xây dựng và phát triển tổ chức hội ngày càng vững mạnh, phù hợp, hiệu quả; vận động các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, cá nhân tiêu biểu trong phạm vi cả nước tham gia hội với tư cách hội thành viên, hội viên cá nhân thuộc Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, ông Vạn cho hay.
Chia sẻ thêm, ông Vạn cho biết, nhiệm kỳ 2017-2021 kết thúc với bộn bề khó khăn, là nhiệm kỳ hoạt động mà Hội gặp rất nhiều khó khăn và thử thách. Trong đó, đầu nhiệm kỳ chịu ảnh hưởng của hậu khủng hoảng kinh tế thế giới với nền kinh tế đất nước và sản xuất nông nghiệp, sinh vật cảnh. Hai năm cuối nhiệm kỳ, vừa khắc phục những thiệt hại nặng nề của nhiều cơn bão, lũ lớn, vừa phải gồng mình hứng chịu sự tàn phá khốc liệt và dai dẳng của đại dịch Covid-19. Nhiều thời điểm thực hiện giãn cách xã hội, ưu tiên “chống dịch như chống giặc”, hoạt động sinh vật cảnh không chỉ bị hoãn, hủy hầu hết các sự kiện, triển lãm, mà còn chịu tác động lớn bởi các khó khăn trong khâu vận chuyển, lưu thông, chăm sóc, sản phẩm tồn đọng, đời sống vật chất, tinh thần, việc làm, thu nhập của hội viên rất khó khăn.
Tuy nhiên, mặc dù gặp nhiều khó khăn do khách quan mang lại, nhưng các cấp Hội đã từng bước thực hiện tốt mục tiêu xây dựng ngành kinh tế sinh vật cảnh, cũng như quan tâm định hướng, phát triển hoạt động triển lãm, đào tạo nghề. Bên cạnh đó, nhờ sự vào cuộc tích cực của các địa phương, nhiều nơi hoạt động hội và phong trào sinh vật cảnh khá mạnh. Hội được giao nhiệm vụ, được tham gia thực hiện các nhiệm vụ, tiêu chí chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển nghề và làng truyền thống, xây dựng các thiết chế văn hoá, cảnh quan khu dân cư, công trình công cộng, ông Vạn cho biết.
Và theo ông Vạn cho rằng, hiện nay nhiều nơi sinh vật cảnh thật sự đã mang lại sự đổi thay về bộ mặt nông thôn, sự phát triển về kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần. Nhiều làng nghề, nhà vườn sinh vật cảnh đã trở thành địa điểm thu hút khách du lịch, phát triển dịch vụ. Tại các địa phương có tiềm năng, kinh tế sinh vật cảnh đã hình thành với những đóng góp đáng kể của sản phẩm sinh vật cảnh đối với sự phát triển kinh tế xã hội và phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Trong thời gian tới đây, Hội sinh vật cảnh Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tổ chức hội và hội viên chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; bám sát chính sách phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế sinh vật cảnh. Đồng thời, tiếp tục củng cố, xây dựng và phát triển tổ chức hội ngày càng vững mạnh, phù hợp, hiệu quả. Chú trọng phát triển tổ chức hội cấp huyện, thị, các hội cơ sở thông qua nhiều hình thức.
Bên cạnh đó, Hội luôn coi trọng nhiệm vụ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá trong hoạt động sinh vật cảnh. Tham gia tích cực các hoạt động xây dựng cảnh quan, môi trường, xây dựng các thiết chế văn hoá, giáo dục, tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư, đô thị văn minh, làm đẹp cảnh quan, khu du lịch, di tích lịch sử văn hoá, tham gia các sự kiện chính trị xã hội, các lễ hội truyền thống của địa phương, đất nước.
Ngoài ra, Hội tiếp tục tập trung, huy động các tiềm năng, nguồn lực của các cá nhân, tổ chức thành viên của hội để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế sinh vật cảnh - ngành kinh tế sinh thái, đặc hữu, có giá trị cao, tham gia tích cực các phong trào, chương trình hành động của Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, cũng như bảo đảm việc báo cáo tình hình, kết quả hoạt động với các bộ, ngành, cơ quan quản lý. Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế. Tham gia có trách nhiệm (theo hình thức luân phiên) hoạt động triển lãm, trao đổi kinh nghiệm của Hiệp hội Bonsai - Suiseki Châu Á-Thái Bình Dương và các tổ chức, hiệp hội SVC khu vực Đông Nam Á.