Đôi điều suy nghĩ về kiến trúc bền vững
![]() |
Là điều chúng ta cần suy nghĩ về tuổi thọ nghìn năm của chúng. Tiêu chí đánh giá nghìn năm của KT là sự trường tồn của chúng, đã bền vững một phần về vật liệu xây dựng, còn là về lưu giữ bền vững trong tâm thức, tâm linh, về giá trị biểu đạt thành công của KT… đối với cộng đồng khiến người ta mong muốn chúng tồn tại mãi mãi.
![]() |
Các kết cấu mới, vật liệu mới có chất lượng cao chắc chắn sẽ bền tốt hơn hẳn so với các vật liệu trước đây. Các công trình KT đã ra đời ở thế hệ sau có những tiến bộ vượt bậc so với những công trình trước nó. Qua khảo sát thực tế ở nhiều thành phố nước ta, trên cơ sở tham quan, du lịch, tìm hiểu học hỏi tại chỗ, chúng tôi nhận thấy hầu hết các công trình KT đã ra đời từ trước 1995 (trong thời kỳ đất nước đổi mới nhanh chóng) đã bị dỡ bỏ, thay thế dần bằng những công trình KT mới. Tại các thành phố lớn thì nhiều công trình KT đã XD cũ trước năm 2000 đã được cải tạo, nâng cấp. Gần đây, cục bộ một số nơi trong đô thị lớn, tư nhân có tiền đã mạnh dạn cải tạo, nâng cấp lại các thế hệ KT ra đời trước 2005.
Qua những điều nêu trên cho thấy bộ mặt KT đô thị luôn sống động, đổi thay. Phần KT bao che có tính nhất thời phục vụ cho công năng chung của ngôi nhà trên đường phố. KT thực tế có tính thời trang theo thẩm mỹ của một số người. Đó là điều đáng mừng, chứng tỏ đời sống của nhân dân đã đi lên. Thẩm mỹ chung về KT nay đã có tiến bộ theo dân trí nâng cao qua gần 25 năm đổi mới nhưng điều thấy rõ là có sự lãng phí nhiều trong thiết kế và xây dựng KT, đã phải phá bỏ những KT kiểu hỗn tạp lai căng “Tây không ra tây, ta không ra ta”.
Sự tiến bộ trong sự nhận thức KT của nhân dân (có vai trò dẫn đường của các kiến trúc sư thực) tế còn mờ nhạt, chậm trễ. Nguyên nhân là các kiến trúc sư còn chưa thực sự tỏ rõ bản lĩnh vững vàng khẳng định vị thế quan trọng của KT là cần đi tiên phong hướng đạo thẩm mỹ chung cho KT đô thị. Trong quá khứ người thiết kế kiến trúc nhà đô thị thực tế là người vẽ kiểu nhà theo ý định chủ đầu tư, không đủ sức tư vấn và phản biện đúng mức.
Trải qua nhiều năm xem xét thực trạng tình hình XD đô thị trong nước và ngoài nước chúng tôi thấy bộ mặt KT đô thị ở nước ta ít có tính bền vững so với đô thị nước bạn, nhất là trong vòng 10 năm kể từ 1995 – 2005, khá nhiều nhà mới xây được dăm năm hoặc mươi năm đã bị chủ nhân phá đi xây lại rồi. Với tình hình này, trong tầm nhìn đến 2030 hoặc 2050, theo tiến bộ thẩm mỹ nâng cao của dân trí và đời sống đi lên, sẽ có thể khá nhiều công trình XD của ta hiện nay sẽ được xếp vào diện cải tạo, nâng cấp hoặc phá bỏ đi xây lại cho phù hợp.
Xét cho cùng, thiếu sót trên không hoàn toàn là thuộc về kiến trúc sư. Quan niệm bền vững trong KT đơn thuần không phải là xếp đặt cái cốt khung bê tông gắn với kính cùng các vật liệu ốp lát trang trí chất lượng cao đắt tiền, mà quan niệm có bền vững hay không lại phụ thuộc cơ bản vào yếu tố bản địa, tính truyền thống dân tộc trong phong cách kiến trúc được biểu hiện hoàn chỉnh của ngôi nhà. Chính đây là điều cần phải bàn thảo rộng rãi, sâu kỹ, lâu dài trong giới chuyên môn và cộng đồng.
Hiện nay các trường phái kiến trúc nổi tiếng lâu đời có đặc sắc dân tộc là: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ý, Pháp, Tây Ban Nha… vẫn còn phải tiếp tục kế thừa nghiên cứu sáng tạo thêm hướng đi biểu hiện riêng không pha tạp, trộn lẫn lộn xộn với các phong cách kiến trúc khác. Huống chi kiến trúc nước ta, còn phải trải qua nhiều trải nghiệm cam go thăng trầm hơn nữa mới khẳng định được ưu thế vượt trội của ngôi nhà nhiệt đới gió mùa của riêng từng 54 dân tộc anh em sống gắn bó với sông, suối, biển, rừng, núi đồi và lúa nước.
Chúng ta tự hào vì Đảng ta đã chỉ lối “phát huy bản sắc dân tộc trong kiến trúc xây dựng” trên bình diện địa lý trải dài rộng của nước ta. Chưa bao giờ lĩnh vực KT lại có thời cơ và điều kiện rộng mở phát huy tài năng sáng tạo kể từ khi nước nhà thống nhất mở cửa và nhất là từ khi hội nhập quốc tế 2007 trở đi.
Tất yếu có giai đoạn quá độ để KT nước ta dần dần thực sự chuyển mình trong quá trình tự vận động nhận thức đi lên đáp ứng tiêu chí bền vững trong KT để hạn chế phải phá đi làm lại hoặc bớt đi sự cải tạo, và nâng cấp sau này.
Nếu so sánh các công trình KT đã và đang xây dựng hiện nay của Hà Nội với những KT nghìn năm của thời Thăng Long xưa, xét về bản sắc dân tộc thì các công trình cũ thực ra vẫn có ưu thế vượt trội hơn về tiêu chí này. Đây chính là tiêu chí đắt giá nhất mà chúng ta cần nghiên cứu nhiều hơn trong KTBV thời nay.
Xét về ngôi nhà thông minh và khôn ngoan từ xưa đến nay của người Việt là những ngôi nhà có truyền thống sinh hoạt của cộng đồng chủ yếu là sống hoà hợp tốt nhất với thiên nhiên bản địa từng vùng. Ngày nay việc lập bản đồ phân vùng khí hậu cả nước (kể từ 1982), ấn định tiêu chuẩn cho vi khí hậu nhà ở đô thị và nông thôn để bố trí không gian sinh sống cho dân cư cũng là thực hiện XD ngôi nhà thông minh và khôn ngoan của người Việt.
Nhưng có điều khác biệt là nước ta có 54 dân tộc anh em, việc thể hiện sự thống nhất và đa dạng vi khí hậu nhà ở đô thị và nông thôn sẽ là đặc điểm độc đáo của KT Việt Nam so với KT thế giới. Chính đây là bản sắc KT dân tộc phong phú và đa dạng của một quốc gia có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm lại có gió mùa trên bình diện quốc gia sông suối, biển cả nhiều đồi núi. Điều đó trở thành niềm tự hào vô bờ của chúng ta và cũng là thách thức lớn lao đòi hỏi sự xúc tiến nghiên cứu của nhiều thế hệ để tìm tòi sáng tạo nét độc đáo riêng biệt của các bản sắc dân tộc trong KT nước nhà để vươn tới KTBV.
Như vậy để KT đạt được tiêu chí BV không chỉ thuần tuý là tạo sự bền vững của kết cấu mới, vật liệu mới đưa vào KT mà còn sử dụng kết cấu mới và vật liệu mới cho ngôi nhà, là tạo sự hiện đại hoá để việc XD được nhanh, nhiều và chất lượng tốt. Người ta dễ dàng thiết kế ngôi nhà theo KT hiện đại, sao chép, rập khuôn KT mẫu của các nước một cách thuận tiện nhờ công nghệ vi tính. Nhưng cái khó chính là sự sáng tạo và thông minh của kiến trúc sư người Việt Nam mới là đáng nể phục và trân trọng. Bởi các nhà cổ của người Việt Nam mà ngày nay chúng ta phải phục dựng, trùng tu đều xứng đáng là tác phẩm KT cần bảo tồn cho thế hệ con cháu học tập.
Ngày nay, ví dụ: Công trình Dinh Thống nhất ở TP Hồ Chí Minh là tác phẩm KT tiêu biểu giữ được bản sắc truyền thống dân tộc và hiện đại đáng để chúng ta chiêm ngưỡng. Tóm lại KTBV là KT phải đạt được chủ yếu về bản sắc truyền thống dân tộc thể hiện kết hợp hiện đại nhưng phải tiết kiệm năng lượng tiêu dùng, thân thiện với môi trường và hoà hợp với sinh thái cảnh quan tự nhiên tại chỗ.