"Đói ăn rau" "đau uống thuốc" ...
Đến nay, ngành Y - Dược học hiện đại không những chỉ công nhận điều đó mà còn sử dụng những “thực phẩm - vị thuốc” từ thiên nhiên này để tạo ra những sản phẩm chức năng phục vụ đắc lực sức khoẻ con người...
Y học cổ Trung Quốc có lời khuyên “Thuốc bổ không bằng ăn bổ, ăn để phòng bệnh còn hơn là uống thuốc chữa bệnh”- điều kỳ diệu từ tập quán và kinh nghiệm ẩm thực được tổng kết cách nay hàng nghìn năm vẫn còn nguyên giá trị. Trên nguyên tắc “chữa bệnh qua ăn uống tức là lấy thức ăn làm thuốc”, hiện nay, các chuyên gia dinh dưỡng y học vẫn thường khuyên nên ăn uống lành mạnh để cải thiện, hỗ trợ sức khoẻ và ngăn ngừa bệnh tật. Ở miền quê, dùng rau xanh và thức ăn hàng ngày để phòng chữa bệnh, hầu như nhà nào cũng biết - nhà có người bị cảm cúm, thái mấy lát gừng, cho thêm mấy củ hành nấu nước uống nóng cho toát mồ hôi, thường là có hiệu quả. Trong dân gian, các loại gia vị như muối, dấm, gừng, hành, tỏi là những nguyên liệu dễ tìm và có tác dụng chữa một số bệnh thông thường với hiệu quả nhanh. Qua từng thời đại người ta bổ sung thêm vào vài thứ khác để năng cao hiệu quả hơn, thí dụ như cho coca pha chút giấm để làm nước tăng lực chẳng hạn…
Có thể thấy trong thực đơn hàng ngày, chúng ta đã quen sử dụng một số loại thực phẩm nhưng không ít người không để ý tới tác dụng tuyệt vời của chúng đối với sức khoẻ, như:
Rau muống:ngoài chất sắt thì rau muống còn có tác dụng giải độc, thông đại tiểu tiện, chữa táo bón, tiểu gắt. Thải trừ cholesterol máu và chống tăng huyết áp; giúp chóng lành vết thương, vết mổ sâu rộng (người hay bị sẹo lồi thì không nên dùng); giảm đường huyết ở người tiểu đường; chữa dị ứng bội nhiễm ngoài da... Thường thì người ta giã nát rau muống và vắt nước uống.
Mía:là thức uống giải khát tốt và cũng có thể dùng ngọn mía cho trường hợp nứt nẻ chân (kết hợp với bèo cái) nấu nước ngâm chân. Mía có vị ngọt mát, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, giải độc, tiêu đờm, chống nôn mửa, chữa sốt, tiểu tiện nước đỏ và rất bổ dưỡng trong trường hợp làm thuốc an thai (mầm mía kết hợp với củ gai, ích mẫu, củ gấu, sa nhân phơi khô sắc lấy nước uống).
Chú ý: Trong bữa ăn có cua thì không nên ăn mật mía, dễ sinh độc.
Cà rốt:rất giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là tiền vitamin A. Có tác dụng hạ khí bổ trung, điều tiết cơ năng sinh lý của cơ thể, tăng cường thể chất, tăng cường hệ miễn nhiễm, kháng khuẩn, giải độc, làm hạ đường huyết, dự phòng tích cực các bệnh lý do thiếu vitamin A, cao huyết áp, xơ vữa động mạch, đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim. Gần đây, nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh cà rốt còn có tác dụng chống lão hóa và phòng ngừa tích cực bệnh lý ung thư.
Rau dền:có hai loại dền xanh và dền tía, đều có tính năng hỗ trợ rất tốt việc điều trị các chứng kiết lỵ, lở loét, rắn cắn, vết ong đốt, ho lâu ngày. Dùng rau dền tía luộc chín tới, ăn cả nước lẫn cái; mỗi ngày ăn khoảng 15-20g, ăn vài ngày là khỏi.
Chú ý:Không nên ăn thịt ba ba cùng với rau dền vì theo Đông y, việc kết hợp hai thứ này với nhau có thể gây độc. Gặp trường hợp này, cần uống nước rau muống giã hoặc ăn rau muống sống để giải độc.
Ổi:tốt cho bệnh nhân tiểu đường (lấy quả ổi 250 g rửa sạch, thái miếng, dùng máy ép lấy nước, chia uống 2 lần trong ngày; hoặc dùng lá ổi khô 15-30g sắc uống mỗi ngày). Dịch chiết từ các bộ phận của cây ổi đều có khả năng kháng khuẩn, làm săn và se niêm mạc; cầm tiêu chảy, bớt viêm dạ dày, ruột cấp và mạn tính; ngưng xuất huyết, băng huyết... Là bài thuốc chữa nhức răng rất hay (vỏ rễ cây ổi sắc với giấm, ngậm nhiều lần trong ngày). Lá ổi non và lá đào lượng vừa đủ, rửa sạch, giã nát rồi đắp lên vùng tổn thương chữa mụn nhọt mới phát...
Chú ý:Không dùng ổi cho những người đang bị táo bón.
Trên đây chỉ là một số món trong vô số các thực phẩm có lợi cho sức khỏe con người. Chúng ta cũng có thể hiểu được vì sao các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyên “Hãy ăn từ 5 khẩu phần trái cây và rau cải mỗi ngày”…
Nguồn: Thực phẩm và Đời sống, 1/12/2007