Đọc Tây hành nhật ký của Phạm Phú Thứ
Sứ bộ do Phan Thanh Giản làm Chánh sứ, Phạm Phú Thứ làm Phó sứ, và Nguỵ Khắc Đản làm Bồi sứ cùng với 10 nhân viên cao cấp và hơn 50 nhân viên và binh lính phục vụ khác. Ngoài ra còn hai quan chức cao cấp người Pháp đi theo hướng dẫn là Aubaret và Rieunier. Chi tiết của chuyến đi này được Phạm Phú Thứ ghi chép tường tận bằng Hán văn trong Tây hành nhật ký (bản dịch tiếng Việt của Tô Nam và Văn Vinh). Sứ đoàn rời cảng Bến Nghé ngày 4-7-1863 trên quân hạm Europeen của Pháp, đi theo lộ trình qua Singapore, Malaysia, Ấn Độ dương, biển Ả Rập đến Aden, vào Biển Đỏ đến thị trấn Suez, tại đây cần phải trương quốc kỳ làm hiệu để trên bờ bắn đại bác chào mừng, sứ đoàn có mang theo quốc kỳ nhưng Rieunier cho rằng cái này dễ nhầm lẫn với cờ của nước khác, do đó sứ đoàn dùng tơ đỏ thêu thêm 4 chữ “Đại Nam khâm sứ” vào 2 mặt của quốc kỳ để phân biệt. Nên nhớ rằng năm 1863 chưa có kinh Suez, chỉ có cảng Suez . Tại đây, sứ đoàn lên bộ đi xe lửa qua Cairo đến hải cảng Alexandrie của Ai Cập trên biển Địa Trung Hải, rồi xuống tàu Labrador, đi qua đảo Crète của Hy Lạp, qua đảo Sicile của Itaky, và qua đảo Corse của Pháp, đến quân cảng Toulon rồi đến Marseille. Tại đó, sứ đoàn lên bộ đi xe lửa đến Paris .
Trên đường đi, sứ đoàn được tiếp đón rất ân cần, tử tế, chăm sóc rất chu đáo, được mời tham quan nhiều nơi, nhiều cơ sở sản xuất lớn, khiến tầm nhìn được mở rộng, tận mắt thấy khoa học kỹ thuật tiến bộ của phương Tây. Tại Paris, sứ đoàn có gặp một Việt kiều có lẽ là người Việt đầu tiên ở phương Tây, đó là bà Nguyễn thị Liên, vợ của Vannie, ông này từng làm quan dưới triều Gia Long và Minh Mạng. Bà đã theo chồng về Pháp từ năm 1826 và ở hẳn bên Pháp, tại Lorient. Bà nghe có sứ bộ Đại Nam sang, nên không quản xa xôi cùng con gái là Marie đến yết kiến sứ đoàn và ở lại Paris mấy tháng trời cho đến lúc sứ đoàn về nước thì đến tiễn. Ngoài ra sứ bộ có gặp những nhân vật quan hệ nhiều đến Đại Nam, đó là Thuỷ sư Đô đốc Chasseloup Laubat, cựu Đề đốc Bonard của Pháp và cựu tướng soái Palanca của Tây Ban Nha (đây là những nhân vật chỉ huy trong việc đánh chiếm 3 tỉnh miền Đông), ngoài ra còn gặp nguyên Tham biện thành Gia Định là Feuillet de Contes và vị Đại học sĩ phụ trách ngoại giao là Drouyn de Lhuys. Chánh sứ và hai phó sứ cũng được mời tham dự một phiên họp Quốc hội của triều đình Pháp do chính hoàng đế Napoléon III chủ trì. Chánh sứ Phan Thanh Giản đích thân trao quốc thư cho Napoléon tại triều đình Pháp ngày 05.11.1863.
Sứ đoàn rời Paris ngày 8-11-1863, đi xe lửa đến cảng Marseille, từ đây đi thuyền sang cảng Alicante của Tây Ban Nha rồi đi xe lửa đến thủ đô Madrid, trao quốc thư cho nữ hoàng Isabella II tại triều đình của Tây Ban Nha ngày 18-11-1863. Về phiên dịch, sứ đoàn có 3 thông ngôn là Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Trường và Nguyễn Văn San, và các thư ký Tôn Thọ Tường, Phan Quang Hiệu (Nguyễn Văn Trường qua đời trước khi tàu đến cảng Suez). Trương Vĩnh Ký là một học giả uyên thâm biết nhiều ngoại ngữ, tuy nhiên các công tác phiên dịch quan trọng nhất đều do Aubaret chủ trì, mặc dù y cũng có tham khảo Trương Vĩnh Ký và Tôn Thọ Tường, chẳng hạn việc dịch các quốc thư của vua Tự Đức giữ cho hoàng đế Pháp và nữ hoàng Tây Ban Nha từ chữ Hán ra chữ Pháp; trong buổi lễ trao quốc thư cho hoàng đế Pháp và nữ hoàng Tây Ban Nha, các phát biểu của chủ khách đều do Aubaret đứng lên thông dịch, kể cả quốc thư trả lời của Pháp và Tây Ban Nha cũng đều do Aubaret dịch ra Hán văn. Aubaret là đặc sứ của Pháp và là một học giả thông thạo tiếng Việt và Hán ngữ, ông cũng là người dịch tác phẩm Gia Định thành thông chícủa Trịnh Hoài Đức từ Hán ngữ ra tiếng Pháp.
Ngày 20-11-1863, sứ đoàn rời thủ đô Tây Ban Nha, lên đường về nước, khởi đầu đi xe lửa đến cảng Valencia thuộc Địa Trung Hải, tại đây xuống tàu trở về nước, men theo bờ biển, đi ngang cảng Barcelona. Khi tàu đi ngang qua Italycó ghé lại Rome , tại đây Trương Vĩnh Ký và một vài người theo đạo Thiên Chúa trong đoàn có đến yết kiến Giáo hoàng Pius IXĩ,. Ngày 18-3-1864 tàu về đến cảng Bến Nghé. Như vậy chuyến đi của sứ bộ Phan Thanh Giản, đi và về mất hơn 8 tháng. Ban đầu chuyến đi được đánh giá là thành công, hai bên tiến hành thương thuyết cho một hoà ước mới, nhưng không ngờ đến 1867, người Pháp trở mặt, đánh chiếm luôn 3 tỉnh miền Tây khiến Phan Thanh Giản quá hận, đành uống thuốc độc mà chết.
Bản dịch tiếng Việt có ghi chú các nhân danh và địa danh bằng tiếng Pháp bên cạnh phiên âm Hán Việt từ nguyên tác, điều đó rất có ích, nhưng cũng có nhiều nhân danh, địa danh không xác định được, nhiều danh xưng dịch cũng chưa thích hợp, ví như gọi hoàng đế Pháp và nữ hoàng Tây Ban Nha là “quốc trưởng”, nhiều danh xưng tên nước phiên âm theo lối cổ, xa lạ với người đọc ngày nay như Y Pha Nho (Tây Ban Nha), Y Điệp (Ai Cập), Tu Du Ky (Thổ Nhĩ Kỳ). Ngoài ra sách không có lời tựa, cũng không có tiểu sử tác giả. Đó là những bất cập mà thiết tưởng khi tái bản cần sửa chữa, bổ sung để sách tăng thêm phần giá trị. Phạm Phú Thứ (1821-1882) tự Giáo Chi, hiệu Trúc Đường, biệt hiệu Giá Viên, người làng Đông Bàn, huyện Diên Phước, nay thuộc xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông dòng dõi nhà Nho, đỗ Giải nguyên năm 1842, qua năm sau đỗ Tiến sĩ, từng giữ các chức quan: Tri phủ Lạng Giang, Thượng thư bộ Hộ, Tổng đốc Hải Yên (gồm 4 tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Yên), Thương chánh Đại thần. Năm 1849 ông về Huế làm việc ở Tập hiền viện. Năm 1863, đi sứ sang phương Tây cùng với Phan Thanh Giản. Khi về, ông dâng lên triều đình nhiều tài liệu ghi chép được nước ngoài, đưa ra nhiều đề nghị cải cách, canh tân đất nước nhưng không được thực hiện. Tính tình ông thẳng thắn, nhiều người không ưa nên cuộc đời ông lắm thăng trầm, có lúc bị cách chức về làm lính trạm ở Thừa Lưu (Thừa Thiên). Về tác phẩm, ông có: Tây phù thi thảo, Tây hành nhật ký, và bộ Giá viên thi tậpgồm 26 quyển.
Nguồn : T/C Xưa – Nay, số 266, 8/2006