Điện Biên Phủ: Tướng Navarre 'nghẹn lời' với Cogny trong thế cờ tàn
Được gắn thêm sao, được tin tưởng giao trọng trách tư lệnh chiến trường Bắc Bộ, trung tướng René Cogny ở vào giai đoạn vinh hiển nhất trong đời binh nghiệp (trước thời điểm diễn ra chiến dịch ĐBP). Khi hỏa lực của quân đội Việt Nam oanh tạc lòng chảo Điện Biên, Cogny không có hành động tương thích với ngôi sao mới gắn. Và khi cảm nhận nòng súng của đối phương đang dí sát vào gáy mình, viên tướng 3 sao không ngần ngại “cãi nhau” tay đôi với tổng chỉ huy.
Lúc được bổ nhiệm làm tư lệnh chiến trường Bắc Bộ (đồng bằng, trung du, miền núi phía Bắc) thay cho tướng Linarès, Cogny đã ưỡn ngực nói với Navarre: “Ngài sẽ không phải hối tiếc về việc đó” (trích Trận ĐBP dưới con mắt người Pháp-Bản dịch của Bùi Trân Phượng). Tuy nhiên, chỉ mới qua vài ngày giao chiến ở ĐBP, Cogny đã rối rít xin Navarre tăng viện cho đồng bằng Bắc Bộ với lý do, vùng này phải phân tán lực lượng cho ĐBP. Trong cuốn “Đông Dương hấp hối-Bản dịch của Phan Thanh Toàn”, Navarre viết: “Các yêu cầu tăng viện cho vùng châu thổ được tướng Cogny liên tục gửi đến tôi suốt trong thời gian diễn ra chiến dịch ĐBP. Rất khó thỏa mãn hết những yêu cầu trên mà không làm suy yếu các chiến tuyến khác, nơi mà tình hình cũng rất căng thẳng”.
Tướng Cogny dường như quên mất, đối phó với kế hoạch Navarre, quân đội Việt Nam thực hiện chiến cục Đông Xuân 1953-1954 để phân tán lực lượng Pháp. Theo đó, Đông Xuân 1953-1954, quân đội Việt Nam thực hiện một loạt chiến dịch như: chiến dịch Trung Lào, Hạ Lào, chiến dịch An Khê, chiến dịch bắc Tây Nguyên...Do đó, tướng Navarre phải giải quân khắp Đông Dương. Cái khó đó của viên tổng chỉ huy người Pháp không được thuộc cấp chia sẻ.
Trước yêu cầu của Cogny, Navarre “cạo đầu” viên tướng này bằng những lời lẽ gay gắt trong một lá thư gửi ngày 29/3/1954: “Thư số 132/FTNV/GENE/TS đề ngày 25/3/1954, anh lưu ý tôi một lần nữa việc anh được cấp phương tiện không đủ để hoàn thành nhiệm vụ. Tôi nhắc lại với anh điều tôi đã nói nhiều lần: Chúng ta đang ở trong cuộc chiến tranh tổng lực, trong đó bổn phận của tôi là phân bố lực lượng giữa các thuộc cấp tùy theo nhiệm vụ tôi giao cho họ.
Ấy thế mà, nếu có một người hiểu rõ châu thổ, hiểu có thể làm gì ở đó thì người ấy chính là Cogny chứ không phải Navarre hay các sĩ quan phụ tá. Navarre lưu ý Cogny là chính Cogny phải biết phân biệt đâu là cái chủ yếu, đâu là cái thứ yếu và tùy theo đó mà sử dụng phương tiện của mình.
Không được thượng cấp hiểu tình thế, Cogny “bật” lại ngay lập tức với lời lẽ cực kỳ cứng rắn, thái độ bất tuân thượng lệnh và sẵn sàng “đào ngũ”. Có đoạn Cogny còn huấn thị cả Navarre: “Trong thư ngày 29/3/1954, ông tỏ ra ngạc nhiên về yêu cầu của tôi xin chi viện và nhắc tôi là người chỉ huy có bổn phận phải hoàn thành nhiệm vụ với phương tiện mình.
Tôi tự thấy là mình đã làm đúng bổn phận. Lời phê bình của ông đối với hoạt động của bản thân tôi và ban tham mưu của tôi là không có căn cứ. Ngay sau khi tình hình cho phép, tôi sẽ tập hợp tư liệu, trình cho ông ý kiến phản bác hoàn toàn những lập luận của ông. Ngay lúc này, ông thiếu tin cậy tôi cho nên tôi không còn tự nguyện phục vụ dưới quyền ông nữa. Tuy nhiên, tôi không yêu cầu ông cho tôi ngưng ngay lập tức quyền chỉ huy bởi vì tôi không thể bày tỏ nguyện vọng rời vị trí chiến đấu ngay giữa trận đánh.
Người chỉ huy còn có một bổn phận khác, đó là bổn phận soi sáng cho cấp trên. Tôi đã thi hành bổn phận ấy khi tôi bày tỏ với ông những yêu cầu mà tôi nghĩ rằng các vị tư lệnh vùng khác cũng nêu yêu cầu của họ như vậy.
Chỉ duy nhất một mình ông có quyền chọn lựa, như ông đã nhấn mạnh và xác định thứ tự ưu tiên. Tôi không thể chỉ dựa vào sự đánh giá của ông, tiếp theo sự đánh giá mà ông vừa bày tỏ, để nhận "hoàn toàn trách nhiệm" (Ý của Cogny là không chỉ một mình ông ta chịu trách nhiệm...) về tình hình mà chúng ta sẽ phải đối phó...Tôi hân hạnh báo cho ông biết như vậy ngay từ bây giờ...” (trích Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp).
Vào bối cảnh khác, nhất là trong môi trường nhà binh, những lời lẽ “xấc láo” như của Cogny chắc chắn sẽ bị “ăn đòn” nhưng chủ tướng của ông đang mắc kẹt tứ phía và bởi kết quả ở Điện Biên Phủ mỗi lúc một bê bết. Cách chức Cogny ngày binh lính hoang mang vì chưa ra quân đã trảm tướng (Cogny xin tăng viện cho đồng bằng Bắc Bộ vào ngày 25/3/1954, tức là chiến dịch Điện Biên Phủ mới diễn ra được 12 ngày), cạnh đó là hiệu ứng chính trị, người thay thế... “Cái khó bó cái khôn” viên tổng chỉ huy đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Cũng từ đây mối quan hệ giữa 2 người gần như chấm dứt. Có lần Navarre từ Sài Gòn ra Hà Nội, Cogny chỉ cử sĩ quan tham mưu của mình ra đón. Nếu Navarre có làm việc tại Hà Nội, 2 người chỉ trao đổi bằng văn bản hay qua các sĩ quan tùy viên...