Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 07/08/2006 23:35 (GMT+7)

Dịch sách thời Công ước Berne

Nhưng liệu đó đã phải là những điều kiện cần và đủ để người đọc ngày nay được thưởng thức những tác phẩm dịch thực sự có giá trị?


So với trước đây, dịch giả thời Công ước Berne có điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều. Cùng với sự mở rộng giao lưu văn hóa, văn học giữa các quốc gia trên thế giới, độc giả ngày nay được tiếp xúc với nguồn sách ngoại phong phú và đa dạng. Không phải đọc nhiều mới lựa được sách hay, sách ăn khách, giới làm sách bây giờ đã có sự hỗ trợ không nhỏ từ các bảng xếp hạng best-seller nhan nhản trên Internet. Những dịch giả thời toàn cầu hóa còn có lợi thế "ăn đứt" dịch giả lớp trước về mặt thông tin tham khảo và công cụ tra cứu. Nếu như các cụ ngày xưa từng phải mỏi gối chồn chân trong các thư viện vì một từ, một câu thì những người dịch sách ngày nay chỉ việc online và gõ cụm từ mình cần vào Google, cả một thế giới thông tin sẽ rộng mở trước mắt…


Nhưng so với ngày xưa, để rồi lại phải ngậm ngùi: bao giờ cho đến ngày xưa. Tình trạng vàng thau lẫn lộn về chất lượng dịch trên thị trường sách hiện nay đã khiến cho người đọc không khỏi ngần ngại trước ý định bồi bổ vốn tri thức của mình bằng nguồn sách ngoại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này, trong đó không thể không tính đến trách nhiệm của người dịch sách và sự lỏng lẻo, dễ dãi của chính sách quản lý quá trình xuất bản sách dịch.

Dịch giả nào, giá đó

Trong nhịp sống gấp gáp hiện nay, sách không chỉ là một phương thức giải trí mà còn là một thứ fastfood tri thức có khả năng cung cấp kiến thức nhanh chóng về nhiều lĩnh vực cho độc giả. Người đọc cần đến vô thiên lủng các loại sách, từ sách dạy làm giàu, dạy làm đẹp, dạy bí quyết giữ chồng, nuôi con cho đến những tác phẩm bàn về văn hóa, tôn giáo, khoa học và nghệ thuật. Nhu cầu của độc giả ngày càng cao cộng với sự cởi mở của luật xuất bản mới khiến lượng sách dịch trên thị trường tăng đáng kể. Điều đó đã góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho những người dịch sách. Thanh Hoa - nhân viên một nhà sách chuyên về tác phẩm dịch tại Hà Nội - cho biết: “Đội ngũ dịch giả của chúng tôi phần lớn là sinh viên năm cuối hoặc cựu sinh viên các trường “ngoại”: Ngoại ngữ, Ngoại thương, Ngoại giao. Nhưng cũng có những tác phẩm "khó nhằn", chúng tôi phải mời đến các dịch giả có nghề hơn”.


Độc giả không thiếu sách dịch, chỉ băn khoăn về chất lượng

Độc giả không thiếu sách dịch, chỉ băn khoăn về chất lượng

Người dịch nhiều, song không phải tất cả đều được trả công như nhau. Thông thường, các nhà sách, nhà xuất bản căn cứ vào trình độ, tài năng của người dịch để trả công, theo kiểu dịch giả nào,giá đó. Mức giá phổ biến nhất được áp dụng trên thị trường hiện nay là 50.000-60.000 đồng cho 1.000 chữ tiếng Việt. Tuy nhiên, cũng có những người chỉ nhận được 30.000-35.000 đồng cho 1.000 chữ do bịăn chênh lệnh từ những người chuyên bỏ mối, thầu dịch thuật. Bích Phương - cựu sinh viên báo chí, tốt nghiệp văn bằng 2 Đại học Ngoại ngữ - vốn là nhân viên một nhà xuất bản, nhưng do lương bổng quáthấp, cô thường nhận sách dịch thêm. 5 năm trong nghề, Phương trở thành người có "thâm niên", cô tiếp tục nhận thầu hợp đồng dịch nhưng không dại gì cắm mặt vào chữ nghĩa mà xé lẻ, bỏ mối cho ngườikhác rồi "ngồi nhàn ăn chênh lệch". Ký 50.000 đồng/ 1.000 chữ tiếng Việt nhưng Phương chỉ thuê sinh viên với mức giá 35.000-40.000 đồng. Khi được hỏi, tại sao lại có mức giá bèo như thế, Phương gậtđầu xác nhận: “Sinh viên mà, so với những việc làm thêm khác thì dịch vẫn là một công việc nhàn hạ và sang trọng hơn chứ”. Và để lời nói của mình thêm trọng lượng, cô bổ sung: “Mà đắt hay rẻ là dománh khóe của người dịch thôi. Tiền công được tính theo chữ tiếng Việt, ai giỏi co kéo ra, người đó được hưởng nhiều hơn. Có những cuốn sách chỉ tầm hai trăm trang tiếng Anh nhưng người ta "bôi" rađược đến tận 4-5 triệu tiền nhuận bút cơ đấy”. "Mách khóe co kéo" đó có thể được coi là một nguyên nhân làm biến dạng các nguyên bản.


Còn với các dịch giả có tay nghề, con số này có thể dao động trong khoảng 80.000-100.000 đồng cho 1.000 chữ tiếng Việt hoặc 70.000- 80.000 đồng mỗi trang A4. Thanh Hoa cho biết: “Thực ra nếu thuê được các dịch giả đã quen nghề, chúng tôi sẽ yên tâm hơn về bản dịch, công việc biên tập bớt vất vả đi, nhưng trong những trường hợp có thể, sử dụng nguồn "nhân lực không chuyên" vẫn hay hơn”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự lựa chọn này, trong đó, giá cả chỉ là một lý do nhỏ. Thuê mướn các dịch giả không chuyên, các nhà sách ít phải chịu nghe những đòi hỏi, kỳ kèo về giá cả, chế độ. Hơn nữa, nếu bản dịch có vấn đề gì cũng dễ dàng kêu ca, chê trách hơn mà không sợ bị cự nự, giận dỗi. Một nguyên nhân tế nhị khác, được Hoa tiết lộ: “Cũng chẳng ai dám cam đoan là các dịch giả có tiếng lại không thuê mướn người khác dịch rồi đứng tên mình vào đó. Chi bằng cứ thuê những cộng tác viên bình thường rồi đầu tư thêm vào "phần hậu kỳ" cho cuốn sách".


Bộ sách ngoại văn sắp được dịch ra tiếng Việt

Bộ sách ngoại văn sắp được dịch ra tiếng Việt

Bảng giá thù lao dành cho người dịch còn được căn cứ theo từng loại sách. Phương cho biết: "Những loại sách thông thường, đặc biệt là nhóm sách bí quyết: làm đẹp, giao tiếp, làm giàu thườngcó giá công rẻ. Sách mang hơi hướng triết học, tôn giáo, tác phẩm văn học… tất nhiên được trả thù lao cao hơn. Tuy nhiên, nhiều khi tiền công dành cho người dịch còn phụ thuộc vào việc bản dịch sẽđứng tên mình hay tên người khác. Nếu để đứng tên người khác, mức giá có thể lên rất cao". Khi được hỏi, cụ thể là cao như thế nào, cô chỉ tiết lộ: "Cũng tuỳ, theo thoả thuận".

Dịch - hiệu đính và biên tập

Sau khi bản dịch được hoàn thành, nhà sách sẽ tiếp tục triển khai hiệu đính và biên tập. Đây có thể được coi là công việc "hậu kỳ" trong quá trình chuyển ngữ một cuốn sách. Hiện nay, nhiều nhà sách tỏ ra khá năng động, nhạy bén và chuyên nghiệp. Họ bao thầu tất cả các khâu, từ mua bản quyền đến tổ chức dịch và biên tập. Nhà xuất bản chỉ còn là đơn vị ký giấy ăn tiền. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu tất cả các khâu trong quá trình trên được thực hiện một cách nghiêm ngặt và có tính khoa học. Tuy nhiên, để khai thác tối đa lợi nhuận bằng cách giảm giá thành "sản xuất", các nhà sách đã thuê nhân lực rẻ, sản sinh ra những bản dịch ẩu rồi "tút tát" lại nhằm qua mắt khâu kiểm duyệt. Thực tế, các dịch giả uy tín thường không thích thú gì với vai trò hiệu đính. Vì công việc hiệu đính bắt buộc phải đọc lại bản gốc và chỉnh sửa những lỗi nhiều khi rất ngô nghê, bực mình với tiền công chẳng nhiều nhặn gì (thường chỉ khoảng 10.000-15.000 đồng mỗi 1.000 chữ tiếng Việt). Thế nên khâu hiệu đính thường do bản thân các nhân viên nhà sách - những người không biết hoặc rất bập bõm về chính ngôn ngữ gốc của tác phẩm - kiêm nhiệm. Mà hiệu đính cũng chỉ được thực hiện với những chương, đoạn mà các nhà xuất bản chưa thông qua vì "có vấn đề" gì đó. Công việc của người hiệu đính là làm sao để biên tập viên nhà xuất bản không còn thắc mắc gì về những "vấn đề" đó nữa, mà như thế thì có nhiều cách, không cứ phải đối chiếu và chỉnh sửa theo nguyên bản.


Kiều Anh, một sinh viên văn vừa ra trường, kể: "Tôi có chị bạn làm cho một nhà sách. Khi tôi chưa có việc làm, chị thường mang về những tập bản thảo, nhờ tôi đọc và tuốt chỉnh lại cho câu văn mềm mại và dễ hiểu hơn. Có những câu tôi cũng không hiểu lắm nên đành đoan đoán, sửa lại theo ý mình vậy". Đến đây, người dịch và người biên tập quả thật đã có công "đồng sáng tạo" với tác giả nhưng không ai đảm bảo được sự đồng sáng tạo cùng chung một ý tưởng.

Long đong công sá, hợp đồng

Không ít dịch giả chuyên nghiệp than thở, họ không sống được bằng nghề do thù lao dịch thuật quá thấp. Dịch giả Nguyễn Liên từng tâm sự, khi bỏ công dịch một truyện ngắn dày chừng 200-300 trang trong vòng 1-2 tháng, có khi ông chỉ được bỏ túi khoảng 3 triệu đồng (tính theo 10% giá bìa và lượng sách phát hành) - một con số quá khiêm tốn so với tiền công dịch tài liệu, dự án cho các công ty. Thù lao thấp cho dịch giả xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó không thể không kể đến sự dễ dãi trong việc kiểm duyệt chất lượng bản dịch, tạo điều kiện cho đội ngũ dịch giả không chuyên bùng phát. Ỷ thế vào lượng cộng tác viên dồi dào, sẵn sàng nhận dịch với những mức giá mềm, không ít nhà sách mặc cả, kỳ kèo với khối lượng tri thức, vốn ngoại ngữ, văn hoá và lòng yêu nghề của các dịch giả chuyên nghiệp.


Bản thân những người coi dịch sách là nghề tay trái nhưng tận tuỵ và tâm huyết với nghề cũng không được trả công xứng đáng. Đấy là chưa kể lượng nhuận bút mà họ nhận được thường bị thanh toán nhỏ giọt, xé lẻ thành nhiều đợt. Tình trạng trả chậm, trả không đầy đủ là chuyện thường tình. Nhuận bút đã thấp lại càng dễ bay hơi theo cách đó.

Còn với những dịch giả - sinh viên, họ thường nhận sách từ bạn bè, người quen nên chẳng mấy khi ký kết hợp đồng. Tất cả đều được cam kết bằng miệng. Thực tế cũng chỉ có một vài nhà sách hiện nay thực hiện việc ký hợp đồng đàng hoàng với dịch giả. Mai Anh - biên tập viên một nhà sách ngoại văn - cho biết: "Thực ra, tình trạng vỡ hợp đồng cũng rất ít khi xảy ra, vì một khi đã bỏ từ 500 đến 1.000 USD mua bản quyền, bằng cách gì các nhà sách cũng lo cho được giấy phép xuất bản". Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp dở khóc dở cười. Hoàng Anh (quận Cầu Giấy) kể: "Trong những ngày còn ngồi chờ việc, mình nhận dịch một số tài liệu tiếng Trung cho một người bạn với giá chỉ 25.000 đồng cho 1.000 chữ tiếng Việt. Dịch xong, không hiểu vì lý do gì sách không ra được. Lúc đó, bạn bè với nhau, chẳng lẽ lại bắt đền. Đành tặc lưỡi, coi như là một dịp văn ôn chữ luyện vậy".

Công ước Berne có hiệu lực tại Việt Nam mới gần 2 năm và độc giả chưa bao giờ thôi khát khao được thưởng thức những tác phẩm dịch có chất lượng. Đó chính là những điều kiện cần để có một thị trường văn học dịch bổ ích với công chúng, những yếu tố còn lại phụ thuộc vào đội ngũ dịch giả và giới làm sách Việt Nam.

Nguồn: vnexpress.net 17/7/06

Xem Thêm

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ngãi: Tìm giải pháp hoạt động có hiệu quả cho hợp tác xã
Sáng ngày 26/11, tại thành phố Quảng Ngãi, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện “Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2025 – 2030”.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…

Tin mới

Phát triển kinh tế báo chí trong chuyển đổi số
Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là sự thay đổi mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, chuyển đổi số là một trong những giải pháp cấp thiết và quan trọng hàng đầu nhằm đạt mục tiêu “hiện đại hóa” hoạt động báo chí theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.