Đặc điểm của vật đố trong câu đố người Việt
1.Vật đố có hai đặc điểm, là tính phổ biến và tính khái quát.
1.1.Tính phổ biến của vật đố
Phạm vi của vật đố rất phong phú, đa dạng. Những sự vật, hiện tượng, sự việc được đem ra đố hầu hết là những thứ, những việc mà ai cũng từng hay, từng biết. Mỗi khi đưa ra đố cái mà đối phương chưa từng nghe thấy, thì cuộc chơi đố nhau bị huỷ bỏ ngay, vì đã vi phạm yêu cầu về sự công bằng của trò chơi (khi đố về một thứ xa lạ với đối phương, thì ngươpì đó đã nắm chắc phần thắng, sự thú vị của trò chơi do nhiều bất công nay làm mất đi: trò chơi trở thành lối độc diễn vô vị, và không còn gọi là trò chơi nữa).
Cũng do chính từ đòi hỏi vừa nói mà số câu đố về một loại sự vật chỉ một thiểu số người nào đó biết được, thường diễn ra hạn chế trong số ít người ấy, và tất nhiên, mức độ lưu truyền cũng hãn hữu. Chẳng hạn, đố về tên các vị thuốc bắc thì các thầy thuốc nắm rõ, đố về tên các quân của cỗ bài tổ tôm, bài tới, bài tây, thì chỉ người hay chơi các loại bài này mới rành, đố về tên các nhân vật trong sử sách, kinh truyện thì số người có học (vốn không nhiều) mới có khả năng giải đáp... Và thực tế sưu tầm cũng cho thấy, các loại câu đố trên không được bao lăm, thậm chí có vùng không tìm thấy câu nào.
Trừ những vật đố thuộc tự nhiên (sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, giới sinh vật; như đố về “trăng”, “sao”, “sông”, “núi”, “sâm”, “sét”, “cây chuối”, “cây tre”, “cây rau sam”, “quả đu đủ”, “buồng cau”, “con sâu róm”, “con rắn”, “con cóc”, “con trâu”, “con chim chốc mào”, “con cá trê”...), những vật đố thuộc văn hoá (việc người làm, thức người ăn, các công cụ, vật dụng do con người tạo nên để lao động, sinh hoạt, đáp ứng cho nhu cầu cuộc sống) phản ánh việc làm và điều kiện vật chất của người Việt xưa. Tính phổ biến của vật đố được đặt trong hoàn cảnh sinh thành của chúng (hoàn cảnh ra đời của câu đố), nghĩa là đặt trong điều kiện văn hoá xã hội đất nước vào thời kì thuần nông nghiệp, tự cung tự cấp trước đây (có thể là thời kì dài từ khi hình thành nhà nước độc lập đến hết thế kỉ XIX, và giai đoạn bản lề là thế kỉ XX).
Còn đặt vào thời điểm hiện nay (đầu thế kỉ XXI), thì có những việc làm đã hoàn toàn lùi vào quá khứ, như : “rao mõ”, “kéo xe tay”,... Có những việc làm vừa mới rời đi, có thể có nơi vẫn còn tiếp diễn, như: “ươm tơ”, “kéo sợi”, “dệt vải”, “xay lúa”, “giã gạo”, “bắt chấy bỏ miệng cắn”, “mang nùn (con cúi) đi xin lửa”,... Có những việc làm mà địa bàn của chúng đang phải thu hẹp dần, như: “gánh nước”, “lợp nhà tranh”,... Số công cụ, vật dụng cũng theo đó mà nhiều thứ chỉ còntìm thấy với tư cách vật đố (và có thể có ở các nhà bảo tàng), như: “cái khố”, “cái tơi”, “cái vạch” (của nghề may tay), “hòn đá lấy lửa”, “đồng tiền cổ”,... ; hoặc còn lưu lại trong dân gian, nhưng ngày càng hiếm đi, như: “cái khung cửi”, “nồi ươm kén”, “cái xe đạp nước”, “cái quạt thóc” (quạt hòm), “cái cối xay lúa”,...; và những thứ do mức tiện lợi hạn chế hay thị hiếu thay đổi mà không còn được ưa chuộng, như: “cái yếm”, “cái đãy”, “đôi bông tai” (hình cái hoa, phía trước là nụ xoè cánh, phía sau là cuống thắt eo ở giữa), “cây bút muỗng”, “cái gáo bằng sọ dừa”,...
2.2 Tính khái quát của vật đố
a. Sự vật đem ra đố phải là một sự vật mà trong cảm quan ngôn ngữ của người Việt có được sự phân biệt với các sự vật khác trong cùng một chủng loại. Thí dụ, vật đố “cái cày”, phân biệt với “cái bừa”, “cái trục”, “cái cuốc”, cùng là những nông cụ; vật đố “cây ngô”, phân biệt với “cây mía”, “cây dừa”, “cây chuối”, cùng là những cây trồng; vật đố “con bò”, phân biệt với “con trâu”, “con dê”, “con lợn”, cùng là những vật nuôi; vật đố “con rắn” phân biệt với “con thỏ”, “con nhím”, “con rùa”, cùng là những con vật hoang dã,...
Chúng đồng thời cũng phân biệt với sự vật ở cấp chủng loại lớn hơn, bao hàm chúng, và phân biệt với sự vật ở cấp chủng loại bé hơn mà chúng bao hàm. Trở lại thí dụ trên, có vật đố là “cái cày”, “cái bừa”,..., “cây ngô”, “cây mía”,..., “con bò”, “con trâu”,..., “con rắn”, “con thỏ”,...,mà không có vật đố thuộc chủng loại bao hàm chúng (theo thứ tự các nhóm) là “nông cụ”, “cây trồng”, “vật nuôi”, “vật hoang dã”; có vật đố là “cái cuốc”, “cây chuối”, “con lợn”, “con rùa”, nhưng không có vật đố thuộc chủng loại bé hơn mà chúng bao hàm, kiểu như: “cuốc bàn (cuốc tượng)”, “cuốc năm (cuốc năm răng)”, “cuốc ba (cuốc ba răng)”, “cuốc chim”, “cuốc xếp”,... (thuộc “cái cuốc”); “chuối tiêu”, “chuối đá”, “chuối cau”, “chuối mốc”, “chuối sứ”, “chuối ba lùn”,... (thuộc “cây chuối”);; “lợn cỏ”, “lợn lòi”, “lợn rừng”, “lợn vòi”,... (thuộc “con lợn”); “rùa đầm”, “rùa hộp”, “rùa mốc”, “rùa múi khế”, “rùa nắp”, “rùa nít”, “rùa núi”,... (thuộc “con rùa”).
Thử đối sánh điều vừa trình bày ở các con vật với cách phân loại động vật học tiếng Việt (gồm bốn cấp: loài, giống, họ và tổng loại), qua một phân tích cụ thể dưới đây: ( hỡnh 1)
Chúng ta thấy cấo độ chủng loại mà vật đố sử dụng là cấp độ giống. Vật đố hầu như không ở cấp độ họ (các họ: “chim”, “cá”, “thú”, “rùa rắn”, “cóc nhái”, “sâu bọ”,...) và ít gặp ở cấp độ loài (như với họ chim, giống chim khướu, gồm các loài: khướu bạc má, khướu đất, khướu bụi, khướu mun, khướu nâu,...).
Nếu đối sánh với các mục từ của một quyển từ điển tiếng Việt, loại phổ thông, thì tên vật đố tương ứng với tên mục từ (có điều cần lưu ý, là trong từ điển, tên mục từ, như với động vật chẳng hạn, có thể chỉ ghi tên giống mà không kừm tên họ; thí dụ, ghi “bồ nông”, “chích hoè”, “khướu”, “sơn ca”, “trả”, “trĩ”, “vẹt”, mà không ghi “chim bồ nông”, “chim chích choè”, “chim khướu”,...).
Những điều trên cho thấy: vật đố được thể hiện ở mức khái quát, chung cho một loạt đối tượng sự vật, hiện tượng, trong tầm nhận thức cơ bản của mọi người.
b. Có hai trường hợp đặc biệt khi xét vấn đề theo chủng loại, cũng cần đặt ra, đó là trường hợp có nhiều hơn một vật đố với cùng một lời đố ở cấp độ giống, và trường hợp vật đố ở cấp độ loài.
+ Xét các trường hợp có nhiều hơn một vật đố với cùng một lời đố, dưới đây:
- Vật đố có thể là “cây ngô” hay “cây chuối”,..., với lời đố sau:
“Sừng sững mà đứng giữa trời, Chồng con không có chịu lời chửa hoang”.
- Vật đố có thể là ”củ tỏi” hay ”củ hành”,..., với lời đố sau:
”Bằng trái quýt,
Dưới đít có lông.
Đến ngày giỗ ông,
Đem ra làm thịt”.
- Vật đố có thể là “trai”, “sò”, “hến”,..., với lời đố sau:
“Không chân, không tay,Không đầu, không mắt;áo giáp một cặp Che kín toàn thân’
- Vật đố có thể là “rùa”, “ba ba”, “giải”,..., với lời đố sau:
“Chân vịt, thị gà, da trâu, đầu rắn “.
- Vật đó có thể là “dam” (đam). “ghẹ” (vọ vọ), “cua”,..., với đố sau:
“Mình nhỏ mà khá chắc,Nhanh chậm đều đi ngang;Không xây mà có gạch, Để trong bụng sẵn sàng”.
- Vật đố có thể là “cóc”, “nhái”, “chẫu chàng”,..., với lời đố sau:
“Đi ngồi, đứng ngồi, nằm ngồi”.
- Vật đố có thể là ”con khỉ”, ”con vượn”, ”con tinh tinh”,..., với lời đố sau:
“Tạo hoá, tạo hình, tạo chơi, Là người, lại chẳng phải người.
Tay chân, mặt mũi, kia .... đều đủ, Cắc cớ sau trôn gắn chiếc đuôi”.
Có hai con vật khác biệt nhau khá lớn là “con trâu” và “con voi” lại trở thành vật đố của hai lời đố có sự sai biệt nhau rất nhỏ như sau:
“Bốn cột đình mà rinh tảng đá,
Hai ông tướng tá, hai bà quạt chơi ‘ (con trâu) ;
“Bốn cột đình mà rinh tảng đá,
Hai ông cầm giáo, hai bà quạt chơi’ (con voi).
Trên đây là những trường hợp đặc biệt, tuy vật đố cùng ở cấp độ giống, nhưng gặp các sinh vật mà giữa chúng có những nét tương đồng về vóc dạng, đặc điểm hay tập tính, thì lời đố đã không tách bạch được. Tính khái quát của vật đố được nhận ra rất rõ.
+ Cũng có một số vật đố ở cấp độ loài : thí dụ, vật đố là ‘quả dưa hấu’ (lời đố: ‘ngoài xanh, trong đỏ hồng hồng ; Vua quan cũng chuộng, mẹ chồng cũng yêu ; Mùa hè lắm kẻ nâng niu : Mùa đông lắm kẻ dập vùi duyên ta’), vật đố là ‘quả dưa chuột’ (lời đố: ‘To bằng cổ tay ; Nắm vừa một nắm ; Dài thẳng một gang ; Xanh xanh, đỏ đỏ, vàng vàng’), vật đố là ‘quả dưa gang’ (lời đố : ‘Mình xanh mà chạy chỉ vàng ; Bước cẳng ra đàng chín ngó mười trông ; Lăm xăm bước tới chợ đông ; Một trăm quân tử đều bồng trên tay’, vật đố là ‘con kiến lửa’ (lời đố : ‘Mình mặc áo đỏ ; Mà có sáu chân ; Đi xa về gần ; Chuyên môn đào đất), vật đố là ‘con sò huyết’ (lời đố : ‘Khum khum như cái bàn tay ; Mồm thì mồm dọc, ngậm ngay hột hồng ; Hai bên có hai hàng lông ; ở giữa hột hồng đỏ loét đỏ loe’), vật đố là ‘con ốc xà cừ’ (lời đố: ‘Ruột không lấy làm quý ; áo quý vô cùng ; Sống ở biển Đông ; Người có công mò bắt’),...
Một số vật đố là sinh vật ở cấp độ loài cho thấy có sự linh hoạt trong sinh hoạt đố nhau nói riêng, trong tiếng Việt nói chung. Sự linh hoạt này thể hiện mức độ quan tâm ra sao đối với sự vật chung quanh (như ‘quả dưa’ có thể nhận được sự quan tâm nhiều hơn ‘quả sung’ chẳng hạn). Và như vậy, tính khái quát của vấn đề vẫn không có gì thay đổi.
c. Mặt khác, tính khái quát cũng được hiểu ở sự không xác định của vật đố. ‘Cái cày’ của vật đố là cái cày nói chung, chẳng những không chỉ một cái cày cụ thể nào mà ngay cả một loài cày dùng để cày đất khô, loại cày dùng để cày ruộng nước, loại cày của một vùng quê nào đó, cũng không phải là vấn đề đặt ra. Các sự vật, hiện tượng khi trở thành vật đố đã bị tước đi những khía cạnh có tính chất cá biệt, cụ thể để chỉ còn mang những đặc điểm khái quát về chủng loại mà chúng tham gia.
3. Hai đặc điểm của vật đố vừa trình bày, phần nào cho thấy đặc trưng của thể loại (mặt mạnh cũng như mặt hạn chế). Đồng thời, cùng góp phần làm rõ hơn điều mà các nhà nghiên cứu đi trước đã cảm nhận, phác thảo, nhưng chưa xác định.
Nguồn : Tạp chí Ngôn ngữ - Đời sống số 10 (132). 2006