Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 21/12/2006 00:43 (GMT+7)

Cứu lúa bằng… vịt chạy đồng

Theo quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến cuối tháng 2/2007 mới cho ấp nở tái đàn thuỷ cầm, nhưng thực tế hiện nay, sau một thời gian dài dịch cúm gia cầm được khống chế, có rất nhiều bà con nông dân âm thầm tái đàn vịt chạy đồng. Nước lũ vừa rút, nhiều đàn vịt được thả bì bõm mò cua, bắt ốc bươu vàng trên khắp các cánh đồng ngập nước ở khu vực ĐBSCL.

“Thiên địch” diệt ốc bươu vàng và rầy nâu

Đi ngang qua những cánh đồng xả lũ, mọi người dễ dàng nhìn thấy nhiều đàn vịt chạy đồng, vịt thịt có, vịt đẻ trứng có, thậm chí những đàn vịt con mới mười mấy ngày tuổi cũng có...

Mỗi đàn ở một khu riêng biệt, có đàn thì ăn ở ruộng ngập nước, có đàn ăn ở ruộng có lúa lên xanh. Tại những đám ruộng lúa đã lên xanh này, đàn vịt sẽ tự tìm đến những thửa ruộng có nhiều rầy nâu, chỉ một lúc sau thì chúng mất hút.

Tổng số vịt trên đồng hiện có chúng tôi không thể nào đếm hết, đàn ít cũng một vài trăm con, đàn nhiều cả ngàn con. Chúng đang được chủ thả rong, tự do lặn hụp trong nước mò tìm thức ăn, đặc biệt ốc bươu vàng là món ăn “khoái khẩu” cho đàn vịt đang có mặt trên đồng ruộng.

Khi chiều xuống, chúng cũng đã no mồi và được chủ lùa về lán trại dã chiến cất tạm trên gò đất khô gần đó. Với nông dân trồng lúa ở ĐBSCL, họ rất cần có những đàn vịt chăn thả trên ruộng vì vịt chạy đồng là “thiên địch” hữu hiệu nhất đối với “bọn” ốc bươu vàng hại lúa.

Khi nước rút còn cách mặt ruộng khoảng 30- 40cm, vịt mò tìm bắt tất cả những con ốc bưu vàng nhỏ để làm thức ăn. Những thửa ruộng nào có vịt đàn thả vào cho ăn được vài lượt sẽ sạch ốc bươu vàng nhỏ, chỉ còn một ít con lớn dùng tay bắt dễ dàng. Nếu vịt không ăn thì phải dùng thuốc hoá học diệt ốc, vừa tốn kém vừa ô nhiễm môi trường.

Anh Nguyễn Văn Thanh, nông dân ở huyện Tân Châu, tỉnh An Giang, đang chuẩn bị lúa giống gieo sạ gần đó, vui vẻ nói: “Năm rồi chính quyền cấm vịt chạy đồng gắt gao, không ai thả vịt ra đồng cho ăn ốc nên đám ruộng nào cũng lắm ốc, tôi phải phun thuốc diệt ốc rồi mới dám xuống giống, tốn gần 200.000 đồng/ha, khi lội vào ruộng lúa còn bị ngứa.

Năm nay địa phương có phần dễ dãi nên xuất hiện nhiều đàn vịt thả trên đồng. Nước rút đến đâu vịt mò bắt ốc đến đó, nó ăn sạch sẽ chỉ còn vài con lớn không nuốt nổi thì mình bắt bằng tay sơ qua là xong, không tốn tiền phun thuốc diệt ốc”.

Bên cạnh những thiên địch có sẵn trong tự nhiên, theo kinh nghiệm của bà con nông dân ở ĐBSCL, vịt chạy đồng là “ kẻ thù” của rầy nâu, sâu và bọ. Trước đây khi chưa có cúm gia cầm nông dân trồng lúa ở ĐBSCL thường cho vịt đàn từ 15 - 30 ngày tuổi lội vào ruộng lúa để ăn rầy nâu, sâu và bướm.

Với cách làm này, đàn vịt giúp giảm được các loại rầy nâu, sâu bệnh trên ruộng lúa rất đáng kể. Có người cho rằng, từ khi có dịch cúm gia cầm xảy ra, trong thời gian qua việc cấm nuôi vịt chạy đồng và cấm tái đàn thuỷ cầm cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch rầy nâu bùng phát ngày càng mạnh.

Có nên cho nông dân thả vịt diệt rầy nâu?

Trong chương trình gặp gỡ “bốn nhà” của tỉnh An Giang, chủ đề “Chuẩn bị cho xuống giống lúa đông xuân 2006-2007”, bà con nông dân trong tỉnh đặt câu hỏi: “Với tình hình rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá đang đe doạ lúa ĐX quá gắt gao, chúng tôi nuôi vịt con thả vào ruộng lúa cho ăn rầy nâu có được không?”. Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, trả lời: “Bà con không được tái đàn vịt vì chỉ đạo từ trên cấm không cho ấp nở thuỷ cầm đến đầu năm 2007”.

Hiện nay, diện tích vụ đông xuân 2006 - 2007, nông dân ở khu vực ĐBSCL xuống giống khá nhiều. Tuy vậy, dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá (vàng lùn - lùn xoắn lá) đang bùng phát mạnh tại một số tỉnh trong khu vực làm cho bà con rất lo sợ mối hiểm họa này. Bên cạnh những giải pháp phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá do các nhà khoa học khuyến cáo, nông dân đang mong muốn được thả vịt vào ruộng lúa cho ăn rầy nâu, theo họ đây là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay.

Theo báo cáo của các nhà khoa học, ở ĐBSCL, hiện có đến hơn 90% rầy nâu trưởng thành có mang virus lây truyền bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, đang bay nhảy phát tán hết ruộng này đến ruộng khác. Nếu dùng thuốc lưu dẫn ức chế lột xác sẽ không diệt được con rầy trưởng thành. Còn dùng thuốc tiếp xúc vị độc diệt ngay sẽ làm chết luôn cả thiên địch đang hiện diện trên ruộng lúa, phá vỡ cân bằng sinh thái, có thể làm cho dịch rầy nâu càng bùng phát mạnh.

Như vậy biện pháp thả đàn vịt con xục xạo trong các ruộng lúa tìm rầy nâu làm mồi, xem ra vừa đơn giản, không tốn kém lại rất hiệu quả. Nhưng biện pháp này bà con nông dân không được thực hiện vì chưa đến ngày 28/2/2007, chưa được phép tái đàn theo lệnh cấm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Sự có mặt của vịt đàn trên đồng ruộng là sự hỗ trợ quan trọng cho việc canh tác lúa an toàn, đồng thời chúng cũng là “thiên địch” đối với rầy nâu và ốc bưu vàng, nhất là tình hình bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh ở miền Đông Nam bộ và ĐBSCL như hiện nay.

Giả sử, bà con được tái đàn vịt chạy đồng lại thì chính “đàn thiên địch” này sẽ giúp nông dân diệt rầy và ốc bươu vàng rất hiệu quả. Như vậy sẽ giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật đổ xuống ĐBSCL, vùng đất đang bị ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật nặng nề. Hiện nay, dịch cúm gia cầm đã được khống chế, ngược lại diện tích lúa của bà con nông dân ở 2 tỉnh thành phía Nam bị nhiễm rầy nâu, vàng lùn - lùn xoắn lá lại đang tăng nhanh từng ngày.

Nên chăng các ngành chức năng xem xét, đánh giá lại đúng tình hình thực tế của từng loại dịch bệnh, xác định xem cái nào cấp bách cần đối phó ngay và chọn ra phương án tốt nhất, đồng thời quyết định xem có nên cho tái đàn vịt lại hay không? Thiết nghĩ, Nhà nước nên cho bà con nông dân ở ĐBSCL được phép nuôi lại đàn vịt để giúp diệt rầy như trong tình thế cấp bách hiện nay nhưng cần có biện pháp quản lý tốt. Như thế vẫn còn hơn là để họ nuôi lén lút không kiểm soát, không quản lý nổi.

Nguồn: vneconomy.com.vn 29/11/2006

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Liên hiệp Hội Việt Nam là điểm tựa tin cậy của đội ngũ trí thức Khoa học và công nghệ
Trong chặng đường 42 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò là hạt nhân tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Việt Nam trong nước và ngoài nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia..
Báo Nhân dân chúc mừng Vusta nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Chiều ngày 15/5, Đoàn cán bộ Báo Nhân dân do Trưởng Ban Khoa học - Môi trường Đinh Song Linh dẫn đầu đã đến thăm và chúc mừng Liên hiệp Hội Việt Nam nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên Ban Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam đã thân mật tiếp đoàn.
Phú Yên: Liên hiệp hội phát huy vai trò cầu nối đội ngũ trí thức với Đảng và Nhà nước
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp của các ban ngành, địa phương; LHH tỉnh đã quán triệt, thực hiện CT 42: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của LHH phấn đấu, xây dựng LHH tỉnh vững mạnh giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH - CN, góp phần đưa KH - CN trở thành động lực phát triển KT-XH; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.