Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 28/06/2005 01:23 (GMT+7)

Cứng hóa bờ sông Hồng, có ảnh hưởng đến nước ngầm?

Bài đăng trên báo Tiền Phong số 93, thứ Ba ngày 11/5/2005, của KS Trần Việt Hùng, Giám đốc Liên hiệp Khảo sát nước ngầm, gây nhiều ý kiến tranh cãi. Có những ý kiến đi ngược với sự quan ngại của KS Hùng.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin trích đăng bài của KS Bùi Đức Lâm, Giám đốc Xí nghiệp Khảo sát xây dựng, Công ty Nước & Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng.

Trước hết tôi đồng tình với ý kiến của KS Trần Việt Hùng cho rằng dự án đầu tư xây dựng kè cứng hóa bờ sông Hồng là đúng đắn và cấp thiết. Không những nó có tác dụng ngăn chặn hiện tượng lấn chiếm bờ sông làm giảm tiết diện thoát nước của sông Hồng, chống sạt lở, mà còn tạo ra diện mạo mới cho thủ đô Hà Nội.

Vấn đề đặt ra là kè bờ sông Hồng có ảnh hưởng đến việc bổ cấp nước sông Hồng cho nước ngầm Hà Nội như quan ngại của KS Hùng không.

Kết quả thăm dò tỉ mỉ nước dưới đất vùng Hà Nội của Đoàn Địa chất 64 thuộc Liên đoàn II Địa chất thủy văn được Hội đồng Trữ lượng quốc gia thông qua cho thấy mặt cắt thẳng đứng đầy đủ từ mặt đất Hà Nội trở xuống gồm sáu tầng chứa nước và cách nước.

Đó là tầng cách nước bề mặt, tầng chứa nước Holoxen (qh) hay tầng chứa nước lỗ rỗng không áp, tầng cách nước Pleixtoxen- Holoxen (tầng cách nước thứ nhất), tầng chứa nước áp lực yếu hay lỗ rỗng Pleixtoxen trên qp 2, tầng cách nước Pleixtoxen giữa - trên (tầng cách nước thứ hai), và tầng chứa nước áp lực, lỗ rỗng Pleixtoxen dưới - trên qp1.

Trong sáu tầng chứa nước kia, tầng chứa nước Pleixtoxen dưới - trên qp1 là tầng chứa nước chính hay tầng chứa nước sản phẩm dùng để cung cấp nước lớn cho nhu cầu ở Thủ đô và được gọi là mỏ nước. Tất cả các giếng khoan khai thác nước cung cấp cho các nhà máy nước khu vực Hà Nội đều lấy nước từ mỏ nước này. Các giếng khoan nhỏ của gia đình lấy nước ở tầng qh hoặc tầng qp2.

Ba tầng chứa nước trên đều có quan hệ thủy lực với nhau. Đất đá cấu thành tầng chứa nước qp1 chủ yếu là cuội sỏi lẫn cát thô. Trên mặt cắt, mỏ nước nằm dưới tầng cách nước thứ hai hoặc tầng chứa nước qp2. Cá biệt có nơi nằm dưới tầng chứa nước qh. Trong phạm vi mỏ nước, đa phần tầng nằm phủ lên các trầm tích tuổi Neogen hoặc trầm tích đá vôi T2ađg.

Khu vực ven dải sông Hồng do ảnh hưởng uốn khúc của dòng sông nên đặc tính ở hai bờ đối diện khác nhau. Nếu ở bờ bên này vắng mặt lớp cách nước, ở bờ đối diện sẽ tồn tại lớp cách nước và ngược lại. Mỏ nước có bề dày trung bình từ 30m đến 40m. Nóc tầng cuội sỏi nằm ở độ sâu 30m đến 38m, có nơi chỉ 23m như ở vùng Nhật Tân.

Tháng 11/2005, sẽ khởi công đoạn thí điểm dự án kè cứng hóa bờ sông Hồng tổng trị giá 350 tỷ đồng từ K65 + 600 đến K66 + 400 trên đê hữu sông Hồng. Sẽ xây tường chắn bằng rọ đá với đường đỉnh kè có cao độ bằng mặt bãi tự nhiên.

Mặt kè sẽ làm đường giao thông ven sông, có vỉa hè, các công trình cảnh quan, với tổng chiều rộng đến hết đường Nhị Hà là 25 - 35m.

Mỏ nước Hà Nội đúng là có quan hệ thủy lực trực tiếp với sông Hồng. Nhưng vấn đề là mối quan hệ trực tiếp đó thể hiện cụ thể ra sao? Đáy sông Hồng từ Chèm đến Yên Mỹ, đáy Hồ Tây - hồ Quảng Bá mạn Tứ Liên - Nhật Tân cắt vào lớp cát trực tiếp phủ lên mỏ nước.

Đáy sông Đáy cũng cắt vào lớp cát nằm trực tiếp lên mỏ nước. Thuật ngữ chuyên môn gọi đó là những cửa sổ địa chất thủy văn. Quan hệ giữa nước sông Hồng, sông Đáy với mỏ nước ngầm Hà Nội chính là qua các cửa sổ địa chất thủy văn đó và là quan hệ hai chiều.

Trong trạng thái tự nhiên, qua cửa sổ địa chất thủy văn, nước thoát ra sông vào mùa khô. Còn về mùa mưa, nước sông lại chảy vào cung cấp cho mỏ nước.

Trường hợp khai thác mãnh liệt, cả mùa khô lẫn mùa mưa, nước sông đều chảy vào cung cấp cho mỏ nước theo các cửa sổ địa chất thủy văn nói trên. Còn thấm qua bờ thì thực tình không đáng kể. Điều này thấy rất rõ trên mặt cắt minh họa kèm theo.

Móng kè vở sông Hồng được đặt vào tầng cách nước bề mặt. Ngay cả khi tầng này vắng mặt, móng đặt vào tầng chứa nước qh, cũng không ảnh hưởng đến tiết diện bổ cập cho mỏ nước ngầm từ nước mặt sông Hồng hay, nói đúng hơn, ảnh hưởng không đáng kể.

Điều thứ hai mà KS Trần Việt Hùng lo lắng nữa là: “Khi sông Hồng cắt lũ, mực nước ngoài sông thấp đột ngột, mực nước trong bờ cao, hệ số thấm của bờ sông do cứng hóa giảm, tạo ra độ chênh áp lực quá lớn theo hướng từ trong bờ ra ngoài sông và là động lực gây sụt lở”.

Điều này đúng. Nhưng có sụt lở hay không lại còn liên quan đến những yếu tố quan trọng khác nữa như sức chống cắt của đất, hướng tác dụng của dòng chảy, độ dốc của bờ sông, v.v…, khi chưa kè cứng bờ sông. Khi xây tường chắn rồi, còn gì mà sụt lở nữa?

Hơn nữa, yếu tố về chênh áp lực nước sẽ được các nhà thiết kế tính đến, có biện pháp thoát nước để giảm áp lực chủ động do nước gây ra tác dụng lên tường chắn. Yếu tố này được đưa vào tính toán cho sự ổn định của tường chắn, đảm bảo tường chắn an toàn và bền vững.
Nguồn: tienphongonline.com.vn 27/6/2005

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

Tiền Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành mở rộng tổng kết hoạt động năm 2024, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự hội nghị.
Gia Lai: Liên hiệp hội tổng kết năm 2024
Sáng ngày 31/12/2024, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2025. Tham dự hội nghị có bà Ayun H’But, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể của tỉnh.