Con đường tứ chiếng trăm năm - Ngã tư quốc tế
Trước những năm 1930, Ngã tư quốc tế ở xóm Bồ rệt (quartier Boresse) khu chùa Bà Thâm (Bà Đen Mariaman) Trương Định - Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, Q.1 mà dân xe kéo xưa gọi là xóm Bọt Đền (bordel: nhà thổ). Sau khi quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Việt Nam, từ năm 1955 Ngã tư quốc tế được làng báo và giới cải lương “điều chuyển” về Xi tê đơ phe (Cité chemin de Fer: cư xá quan chức ngành Đường sắt Pháp) hay là xóm nước mắm Phan Thiết sau lưng rạp hát Nguyễn Văn Hảo và nhà hàng Tân Lộc.
Theo Dự án Coffin 30/4/1862 về quy hoạch mặt bằng chức năng quanh trung tâm Bồn Kèn (CT Lam Sơn) với khu hành chính, tài chính ngân hàng, hải cảng, bến bãi, chợ búa... đến năm 1885, Boulevard Gallíenie (Trần Hưng Đạo, Q.1) hoàn chỉnh với đường rầy xe điện một toa đưa khách Sài Gòn – Chợ Lớn, và đến năm 1900 các giao lộ Kitchener (Nguyễn Thái Học) và Dixmude (Đề Thám) dần dần trở nên thị tứ.
Pháp ngữ có từ Cosmopolite nghĩa là mở rộng tiếp nhận tất cả các khuynh hướng, phong tục tập quán từ mọi nơi đến và từ này đối với người Nam bộ đồng nghĩa với từ International (quốc tế) cụm từ existance cosmopolite là đời sống giang hồ và ville cosmopolite chuyển dịch Việt ngữ là thành phố giang hồ tứ chiếng mà người Pháp thường dùng để chỉ nhưng thị trấn ở vùng viễn Tây của Mỹ trong những năm 1700. Và từ khi Cité chemin de Fer hình thành, dân anh hùng bạt tuỵ Nam kỳ hình thành làn sóng ngầm và tặng nó “hổn danh” Ngã tư quốc tế.
Ngã tư quốc tế lúc ấy có thể chia làm bốn khu: khu Nguyễn Văn Hảo ở mặt tiền Galíeni có nhà hàng cơm Tây rượu Pháp Tân Lộc, dancing Tour d’Ivoire, chung cư hai lầu của quan chức Toà Đô chính và các Sở, hãng phụ tùng xe hơi Võ Bình Tây. Mặt sau Nguyễn Văn Hảo (Bùi Viện) có tiệm nước trệt với hủ tiếu, mì, hoành thánh, há cảo, bánh bao xíu mại, trà - cà phê nước ngọt Phương Toàn, la de Con Cọp – Trái Thơm, tiệm bún mắm Trà Vinh, bánh xèo, bánh canh Trảng Bàng; đối diện mặt này là hãng nước mắm Mậu Hương . Kết tiếp khu nước mắm Mậu Hương – Hồng Hoa (Cité de Fer cũ đổi thành xóm chùa An Lạc) là cư xá công chức mà mặt tiền của nó phía Đề Thám và Kitchener kéo dài tới Colonel Grimaud là các trường dạy nghề, phòng trồng răng, tiệm thuốc Bắc và quán cơm xã hội. Tại ngã ba Đề Thám – Phạm Ngũ Lão là nhà mai táng theo nghi thức Công giáo hiệu Tô Bia và cơ sở Ba Tru chuyên sản xuất lắp ráp tay chân giả bằng nhựa chính phẩm của Pháp có bác sĩ dạy đi đứng phục hồi vận động. Mặt đường Kitchener là hãng xuất nhập khẩu Võ Văn Vân, hãng phim, văn phòng trạng sư, vũ trường. Góc số lẻ Galíeni - đề Thám mặt tiển là cư xá hai lầu Ga U Hoe (gare Ouvert của đường rầy xe điện Saigon – Cholon) sau lưng có miếng đất trống thường được tổ chức kẹt mết (Kermesse: hôi chợ giải trí) với những màn biểu diễn hát Xiệc, phóng dao, múa lửa, khỉ chở heo đi chợ, thảy vòng vịt... thu hút hơn hết là mô tô bay nhưng không lúc nào thiếu trò đánh lôtô cờ bạc trá hình. Thập niên 1950, khu đất trống này mọc lên dãy nhà hai tầng với nhà thuốc Tây, bán nông ngư cơ, tiệm hủ tiếu Nam Vang và một quán ăn Tây nổi danh món thịt bò bít tết và Napoléon sau thành nhà hàng Hoa Tân. Toà soạn Tạp chí Xưa & Nay toạ lạc tại số181 Đề Thám, trước 1970 vốn là nhà thuốc Gác (Pharmacie de Garde: bán suốt ngày đêm được qui định ngày trong tuần). Khu Bùi Viện - Đề Thám (số lẻ) – Phạm Ngũ Lão, còn gọi là xóm Sáu Lèo (trùm cho vay vốn là người đi lính Pháp ở bên Lào về Việt Nam), sau trận hoả hoạn lớn năm 1960 dân trong xóm được phân với những nhà gỗ một gác cao và lợp tôn Con Sò – con Hạc Đài Loan do Mỹ viện trợ. Mặt tiền Đề Thám có nhiều nhà dưới xây gạch tường mười trên là ván bổ kho. Đầu đường có tiệm hớt tóc Thanh Hải ba căn rộng có bàn bida là nơi tập trung giới cải lương – hát bội Hồ Quảng, tiệm bi da phăng (Billard France) đá banh bàn, văn phòng chiêm tinh gia Minh Nguyệt bói bài Ai Cập, lấy số Tử vi, tiệm cà phê Hùng Xà, quán nhậu, tiệm than củi, tiệm vá ép và sửa xe đạp, xích lô ba bánh, xích lô máy, đại lý đá nước ngọt, góc đường Đề Thám – Phạm Ngũ Lão (số lẻ) có ba bốn quán bar Bia Bốc, quán lai rai khô mực. Sau lưng nhà hàng này là xóm biên đề và ổ nhền nhện và những bà cho vay, anh chị bự đứng bến, bảo kê, lắc hột (bầu cua) nổi danh đất Sài Gòn ngày trước.
Sau 1975, gái giang hồ tứ chiếng theo chồng về Mỹ, và làn sóng Ô vờ Xi (Over sea: vượt biên) kẻ thì Lui – ên - Đi (Ên: And: Hồi hương và đi kinh tế mới) cùng với các chiến dịch xã hội mới, con người mới nên vết bợn xưa mất hẳn, tiếng xấu đi dần vào quên lãng, phố phường thay da đổi thịt dần dần trở thanh khu Tây ba lô với những quán cà phê Oanh đô (One dollar). Open tour giá bèo, homestay ngàn sao, cửa hàng lưu niệm vừa bán vừa tặng, xe ôm nói tiếng Anh giá mềm với những anh Tây húp nước mắm, ngủ ghế bố... đến văn phòng dịch vụ du lịch cao cấp đưa khách đi khắp thế giới. Đề Thám ngày nay vẫn mãi là Ngã tư quốc tế của Thành phố Sài Gòn WTO ngày mới.
Nguồn : TC Xưa – Nay, số 266, 8/2006