Cô Hầu trong sự nghiệp nhà Tây sơn
Cô Hầu là ai ? người phụ nữ ấy có liên quan gì đến Nhà Tây Sơn ? Lần giở những trang sử viết về nhà Tây Sơn, hình ảnh cô Hầu hiện lên, rực rỡ mà thầm lặng, rất thực mà cũng thật huyền ảo, lung linh. Nhờ nghề buôn trầu nguồn, gia tộc Nhà Tây Sơn ngày càng trở nên giàu có. Khi cha là Hồ Phi Phúc qua đời, Nguyễn Nhạc là anh trưởng nối nghiệp nhà. Để tiện việc buôn bán, Nguyễn Nhạc dời nhà về Kiên Mỹ cạnh Trường Trầu. Nhà rộng chứa bạn hàng. Trước nhà có sân rộng để luyện võ nghệ. Cả ba anh em nhà Tây Sơn đều học cả văn lẫn võ từ thầy giáo Trương Văn Hiến còn gọi là thầy giáo Hiến - một nhà nho trốn nạn chuyên quyền của Trương Phúc Loan về An Thái mở trường dạy học. Nhà giàu, giỏi võ, ông Nhạc nổi tiếng phong nhã hào hoa nên có nhiều bạn bè giao du. Uy thế của Nguyễn Nhạc ngày càng lớn. Để chuyên tâm lo đại cuộc, Nguyễn Nhạc giao việc buôn trầu cho vợ là bà Trần Thị Huệ, quê ở Trương Định. Vốn là người hiền đức, tháo vát, đảm đang, biết cư xử nên việc buôn bán trao cho bà ngày càng phát đạt. Khởi nghiệp cần phải có cơ sở vững chắc, Nguyễn Nhạc một mặt sai Nguyễn Huệ đi khắp ba huyện Tuy Viễn, Phù Lý, Bồng Sơn để chiêu mộ người tài giỏi. Mặt khác, ông lên An Khê khẩn hoang, phát triển lực lượng, gây thanh thế. Đồng bào mộ đi khai khẩn, sau này phần lớn trở thành nghĩa quân. Để đứng vững chân miền thượng, Nguyễn Nhạc rất giỏi dùng chính sách Thượng vận để lôi kéo các sắc tộc Sêđăng, Êđê, Giarai, Bana về với mình. Người Thượng từ Quảng Nghĩa vào Phú Yên tôn thờ thần Lửa. Nguyễn Lữ là người nhân ái, tính tình mềm mỏng, lại tu đạo Minh Giáo (Ma - ní) - một đạo cũng thờ thần Lửa, nên Nguyễn Nhạc giao quyền điều khiển Tây Sơn Hạ cho Nguyễn Huệ, rút Nguyễn Lữ lên An Khê để vận động người Thượng. Vốn mến mộ Tây Sơn vương từ trước, lại có thầy Hoả giáo theo sau, người Giarai coi Nguyễn Nhạc như thần và gọi là "Vua trời".
Tuy nhiên "Vua trời" lại không dễ dàng chinh phục người Sê đăng. Thủ lĩnh Sêđăng là Bok Kiơm không phục, cho rằng ông Nhạc không phải là người Trời, bởi trông ông ta chẳng có gì khác thường. Để chứng tỏ mình "khác thường", Nguyễn Nhạc lấy giấy trắng tốt nhúng dầu trong phơi khô rồi lót giỏ bội. Giấy nhúng dầu để khô ở xa trông giống tờ giấy ni lông trong suốt, đổ nước vào giấy không bị ướt, nước không chảy ra ngoài. Thấy cảnh đó, Bok Kiơm mỉm cười coi khinh, cho đó chỉ là phù phép và đánh tiếng rằng nếu Nguyễn Nhạc bắt được ngựa thần ông mới phục. "Phải bắt cho được ngựa thần mới chinh phục được người Sêđăng, mà có chinh phục được người Sê đăng thì vùng Tây Nguyên mới thực sự là đất Tây Sơn, vì phần đông dân An Khê là người Sê đăng". Nguyễn Nhạc ngày đêm trăn trở, quyết bắt cho được con ngựa thần trên đỉnh núi Hiển Hách. Ông cắt đặt Nguyễn Lữ ở lại tuyên truyền theo kiểu "nước thấm lâu ngày" rồi về Kiên Mỹ mua một số ngựa cái lớn tốt giống, đem về huấn luyện, hễ nghe tiếng hú là chạy đến. Khi bầy ngựa đã thành thục, Nguyễn Nhạc đem lên núi Hiển Hách thả cho theo ngựa rừng. Khi ngựa đồng và ngựa rừng quen nhau, Nguyễn Nhạc cho hú gọi, ngựa đồng chạy về, ngựa rừng cũng chạy theo, ban đầu thấy người còn nhút nhát, sau quen dần. Nguyễn Nhạc lấy cỏ cho ngựa rừng ăn, vuốt ve hết con này đến con khác. Con ngựa bạch đầu đàn lúc đầu còn phản ứng, dần dần đứng yên cho người vuốt ve. Khi chắc chắn đã chinh phục được "ngựa thần", Nguyễn Nhạc hẹn Bok Kiơm đến chứng kiến. Để bầy ngựa rừng không bị kinh động, Nguyễn Nhạc cho Bok Kiơm cùng đám tuỳ tùng núp sau tảng đá rồi cất tiếng hú. Bầy ngựa rừng theo ngựa nhà chạy đến, có cả "ngựa thần" màu trắng, chịu cho Nguyễn Nhạc âu yếm, vuốt ve. Người Sê đăng từ đó tin Nguyễn Nhạc là "người trời", hết lòng thần phục. Trong vùng An Khê, ở làng Cổ Yêm, gần Tú Thuỷ nay thuộc xã Nghĩa An, huyện K"Bang, tỉnh Gia Lai có một sắc tộc người Ba na sống ở rừng Mộ Điểu. Rừng rộng mênh mông, chính giữa nổi lên ngọn đồi, mỗi chiều từng đàn chim bay về nghỉ, tiếng chim vang dậy cả rừng xanh. Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ không quản khó nhọc tìm lên rừng Mộ Điểu, thuyết phục tộc trưởng Bana cùng Tây Sơn tham gia khởi nghĩa. Tộc trưởng rất cảm kích người thay Trời hành đạo. Để bày tỏ lòng trung thành, mến mộ Nhà Tây Sơn, ông gả con gái yêu, xinh đẹp cho "Vua Trời". Nàng tên là Yă Đố, nhưng từ khi làm vợ "Vua Trời", nàng được gọi là Cô Hầu.
Hiểu được chí lớn của "Vua Trời", Cô Hầu là một trong những cộng sự đắc lực của Nguyễn Nhạc trong những ngày lên miền Thượng xây dựng căn cứ khởi nghĩa. Cô Hầu không chỉ cùng Nguyễn Nhạc đi kết giao với một số tù trưởng người Sêđăng, Jarai, Bana ở Cheo Reo, Pleicu, Kontum và người Hrê ở phía Tây Quảng Ngãi mà còn cầm đầu một số dân binh người miền núi khai khẩn đất hoang. Từ việc khai khẩn, quản lý, sản xuất, thu hoạch đều do Cô Hầu đảm nhiệm. Sức lao động mạnh mẽ, bền bỉ của người Thượng, kết hợp với tài chỉ huy người Kinh do "Vua Trời" rút từ Tây Sơn Hạ lên điều khiển, cộng với đất đai màu mỡ, chẳng bao lâu rừng Mộ Điểu đã có được cánh đồng phì nhiêu rồng hàng chục mẫu. Đây là vùng đất màu mỡ nằm lọt giữa lòng Trường Sơn hùng vĩ, có đường thông lên tận Kontum, thông xuống đồng bằng Bình Định qua ngã đèo Van Tuế. Rừng Mộ Điểu trở thành một hậu cứ của nghĩa quân Tây Sơn, sản xuất ra lương thực, vũ khí, tuyển mộ và rèn quân. Nơi đây sau này được gọi là Cánh đồng Cô Hầu và ngọn núi ở giã được đồng bào Bana đặt tên là núi Hoàng Đế.
Việc Nguyễn Nhạc có thêm người vợ Bana đối với bà Trần Thị Huệ dường như không có gì xáo trộn. Ngược lại, bà cảm thấy yên tâm vì Nguyễn Nhạc đã đứng chân được trên núi, còn bà lo hậu cứ dưới đồng bằng. Nguyễn Nhạc khi ở Mộ Điểu, khi về Tây Sơn Hạ lo chiêu mộ anh tài, phát triển lực lượng. Lòng dân chán ghét tham ô quan lại, quân Tây Sơn thượng võ, thiện chiến, cộng với tài lãnh đạo kiệt xuất của "Tây Sơn Tam kiệt", trở thành đội quân bách chiến bách thắng. Năm 1771, Tây Sơn khởi nghĩa, năm 1773, lấy được Quy Nhơn, năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi lấy niên hiệu Thái Đức; phong Nguyễn Huệ là Long Nhương tướng quân, sau đó là Bắc Bình Vương; Nguyễn Lữ là Tiết Chế, sau là Đông Định Vương. Những người có công cũng được tặng thưởng xứng đáng. Và hẳn nhiên, vua Thái Đức rất biệt đãi những người anh em Tây Sơn Thượng, nhất là Bok Kiơm, thủ lĩnh Sê đăng. Nhưng Bok Kiơm không nhận chức tước, cũng không nhận tiền của vua ban, chỉ xin mỗi một năm một lần, được nhà vua cấp muối và cá khô, để lòng người Thượng và Tây Sơn như "gừng cay muối mặn" luôn có nhau.
Sắp đặt lại hậu cung là một trong những việc quan trọng của những ông vua ngay sau khi lên ngôi. Bà Trần Thị Huệ, người vợ hiền đức, đảm đang từng trông coi Trường Trầu năm nào ở Kiên Mỹ trở thành Chánh cung Hoàng hậu. Từ rừng Mộ Điểu, Cô Hầu, được vua rước về thành Hoàng đế, phong Thứ Phi. Dù được vua Thái Đức hết mực sùng ái, được Chánh cung Hoàng hậu đối đãi thân tình như chị em ruột thịt, nhưng cuộc sống chốn cung cấm với ngôi thứ, nghi lễ ràng buộc không phù hợp với người sơn nữ. Cô Hầu luôn thấy cô đơn, lạc lõng. Nàng xa lạ với ngôi Thứ Phi, không quen cảnh phù hoa, tràn ngập lụa là gấm vóc, người hầu kẻ hạ, miệng không quen nếm các món sơn hào hải vị. Cô Hầu nhớ da diết cánh đồng mênh mang trên rừng Mộ Điểu đã từng thấm mồ hôi, nước mắt những người mộ dân khẩn hoang. Lưu lại một thời gian ở Hoàng cung, Cô Hầu xin trở về núi rừng. Chia tay với Nguyễn Nhạc, Thứ Phi nói:
- Bây giờ Người Trời đã có một giang sơn, anh hùng hào kiệt dưới trướng như lá trên rừng. Lá có thể rơi nhưng nếu còn cội sẽ tiếp tục đâm chồi nảy lộc. Thiếp về Mộ Điểu nguyện làm cội rễ cắm sâu vào núi rừng, dù bể dâu vẫn một lòng trung thành với Người Trời.
Lạy tạ Chánh cung Hoàng hậu, nàng nói:
- Em rất cám ơn chị đã coi em như cật ruột nhưng em phải về rừng phòng hậu sự sau này. Có chị bên cạnh Vua Trời, em rất yên tâm. Dẫu xa nhau nhưng tình cảm chị em vẫn như bát nước tràn đầy.
Từ đó Hoàng thành vắng bóng một đoá hoa Pơ lang đẹp nhất mà Nguyễn Nhạc được biết và từng chịu ơn...
Trong suốt 24 năm trị vì, Nhà Tây Sơn phải đánh Nam dẹp Bắc, đối phó thù trong giặc ngoài, thống nhất giang sơn, chưa lúc nào rảnh rang để thực hiện cải tổ, chấn hưng lại đất nước. Khi vua Quang Trung băng hà, Bùi Đắc Tuyên chuyên quyền, nội bộ Nhà Tây Sơn bị chia rẽ dữ dội. Nhiều danh tướng từng đồng cam cộng khổ, lập công lớn với Nhà Tây Sơn bị giết, cô lập. Ngô Văn Sở từng là một công thần được Quang Trung rất mực tin dùng bị dìm xuống sông Hương cho đến chết. Lê Văn Trung bị giết khiến con trai là Lê Chất tìm vào Gia Định quy hàng Nguyễn Ánh...Lợi dụng công đánh đuổi quân Nguyễn Ánh ra khỏi Quy Nhơn, Cảnh Thịnh để cho giải pháp quân thành Hoàng Đế khiến Nguyễn Nhạc uất ức đến thổ huyết mà chết, ngự cốt được đưa về an táng trong vùng núi Tây Sơn. Con trưởng của Nguyễn Nhạc là Nguyễn Bảo từ danh phận là Thái tử bị bức hiếp về Tuy Viễn, phong là Hiến công, cho ăn lộc chỉ một huyện. Chánh cung Hoàng hậu Trần Thị Huệ đưa hai con nhỏ là Văn Đức và Văn Lương và cháu nội, con Nguyễn Bảo là Văn Đẩu về sống trên quê hương Kiên Mỹ để tiện việc gần gũi, chăm sóc lăng vua.
Không cam lòng bị vua Cảnh Thịnh cướp mất cơ đồ mà Nguyễn Nhạc đã dày công tạo lập, Nguyễn Bảo nổi dậy đánh thành Quy Nhơn nhưng thất bại. Cảnh Thịnh cho nhận chìm người anh chú bác xuống sông. Tin dữ bay về Kiên Mỹ, Hoàng hậu Trần Thị Huệ vô cùng đau đớn và bối rối. Một Chánh cung Hoàng hậu tiền hô hậu ủng năm nào giờ thật côi cút, bơ vơ, là chỗ dựa duy nhất cho những đứa trẻ thơ ngây, tội nghiệp của Hoàng gia. Bà ra lăng tẩm thắp hương cho Nguyễn Nhạc, cám cảnh người nằm dưới mộ, kẻ trên dương thế oà khóc nức nở. Hương khói bay lãng đãng, tan vào thinh không. Giữa lúc ấy bà sực nhớ đến buổi chia tay với Cô Hầu với lời từ biệt đầy dư cảm: "...Em phải về rừng phòng hậu sự sau này. Có chị bên cạnh Người Trời em rất yên tâm. Dẫu xa nhau nhưng tình chị em vẫn như bát nước tràn đầy". Đối mặt với tai ương, nghịch cảnh, trong đầu Hoàng Hậu chợt được soi sáng với ý nghĩ: "Rừng Mộ Điểu xa xôi heo hút, cung tên người Thượng rất lợi hại, Cảnh Thịnh cũng không dám làm gì". Bà linh cảm Cô Hầu sẽ sẵn sàng đùm bọc, cưu mang bà cùng những đứa trẻ. Bà vội vã trở về, nửa đêm bí mật đem hai con và cháu nội chạy lên An Khê.
Giữ vững lời hứa với "Người Trời", Cô Hầu là cội rễ trên rừng Mộ Điểu cho Hoàng hậu và những giọt máu còn sót lại của Hoàng gia nương tựa. Cuộc sống nơi sơn cước không đầy đủ tiện nghi như dưới Sơn Tây Hạ nhưng Hoàng hậu vốn là một thôn nữ đảm đang nên đã cùng Cô Hầu tiếp tục sự nghiệp khai khẩn cánh đồng Mộ Điểu. Cuộc sống của họ tuy đạm bạc nhưng được an toàn trong vòng tay che chở của người Thượng, ngay cả khi Nguyễn Ánh lên ngôi trả thù Nhà Tây Sơn vô cùng tàn khốc. Biết rõ hai người con và cháu nội vua Thái Đức đang nương tựa vào Cô Hầu nơi Mộ Điểu trên vùng An Khê nhưng vua tôi Nguyễn Ánh sợ cung tên và sức mạnh của người Thượng nên không dám đến bắt. Mấy mươi năm vùn vụt trôi qua, rừng Mộ Điểu bao lần thay lá, mỗi cái Tết đến nỗi nhớ cố hương cành nung nấu người Tây Sơn Hạ, Cô Hầu, bà Trần Thị Huệ lần lượt qua đời, để lại nỗi mất mát, trống trải to lớn cho con cháu. Nỗi nhớ cố hương càng nung nấu lòng người Tây Sơn Hạ, thôi thúc họ quy cố hương. Có bọn bất lương mật báo, quân nhà Nguyễn đến Kiên Mỹ vây bắt, đem họ về Phú Xuân hành hình. Đó là năm Minh Mệnh thứ 12 (1838). Dù đoạn kết Nhà Tây Sơn vô cùng bi thảm nhưng công lao Cô Hầu vẫn còn tồn tại trong nhân dân và địa danh "Cánh đồng Cô Hầu" ở An Khê là một minh chứng cho mối tình Kinh Thượng keo sơn, bền chặt.
Nguồn: Văn hiến Việt Nam , số 3 (35), 2004, tr 22-24.