Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hồi kỳ của Sainteny
Một nhà ngoại giao đầy bản lĩnh
Ngày 28 - 9 - 1945, trong khi tôi (Sainteny) còn ở Chandernagor (thành phố thuộc Pháp của Ấn Độ), tướng Alessandri và ông Pignon tới gặp Chủ tịch Hồ Chí minh. Sau đó hai ông điện cho tôi một điên tín đánh giá ông Hồ là một nhân vật có nghị lực và đáng kính (forte et honorabe personnalité).
Ngày 6 - 10, hai ông này gặp lại ông Hồ lần nữa và nhận xét mỗi ngày qua là nhà cách mạng lão thành này càng tạo uy thế của một người chủ mới của đất nước Việt Nam .
Ngày tôi trở về Hà Nội, tôi tiếp xúc thường xuyên với ông Hồ cũng như gặp các chính khách quốc gia đối lập với chính phủ ông ta. Trong hai ngày 12 và 15 - 10, tôi cùng ông Pignon và gặp Nguyễn Hải Thần, lãnh tụ Đồng Minh Hội thân Trung Hoa lúc đó có một số đơn vị núp bóng quân Trung Hoa chiếm vài vùng biên giới và đang dè dặt tiến về Hà Nội. Các cuộc thương thuyết không đem lại kết quả nào, Nguyễn Hải Thần là một nhân vật lu mờ không có quyền hành gì và cũng không có phương tiện nào (un personnage terne).
Còn với Bảo Đại, bấy giờ ông là công dân Vĩnh Thuỵ cố vấn tối cao, tôi càng thất vọng hơn. Từ lâu chúng tôi muốn gặp vị cố vấn tối cao của chính phủ ông Hồ, nhưng hai lần ông ta vấn lẩn tránh chúng tôi, dù đã có hứa hẹn trước. Mãi đến ngày 7 - 3 - 1946 tôi mới gặp được Cựu hoàng cùng đi với Chủ tịch Hồ trong nghi lễ ký Hiệp ước sơ bộ 6 - 3 - 1946. Trong cuộc gặp gỡ này, chúng tôi chỉ trao đổi những vấn đề vô vị nhạt nhẽo. Bảo Đại từ khước bàn những vấn đề nghiêm trọng có tính cách xây dựng.
Lúc đó Việt Nam Quốc Dân Đảng ngã theo Việt Minh do tình thế và dường như không được tự do để tiếp xúc với người Pháp.
Thế nên chúng tôi chỉ tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng như hai ông Alessandri và Pignon, tôi nhận thấy ông ta là một người khổ hạnh, gương mặt nói lên sự thông minh, nghị lực, mưu lược và tinh tế, một nhân vật hàng đầu để vươn tới đỉnh cao của sân khấu chính trị châu Á.
Còn danh tướng Leclerc nhìn Chủ tịch Hồ như thế nào? Sainteny bố trí cho Leclerc gặp Hồ Chủ tịch tại Chủ tịch phủ. Ông để hai vị này đàm đạo còn mình thì rút về phía sau. Leclerc tươi cười, nói vài lời ngắn gọn và tranh thủ được tình cảm nhà cách mạng lão thành tuy người vẫn giữ vẻ điềm nhiên của một vị lãnh tụ cực kỳ sáng suốt. Bộ ba chúng tôi nâng ly chúc tình hữu nghị Việt - Pháp.
Thận trọng từng bước một
Chủ tịch Hồ là chính khách kiêm ngoại giao. Một lời nói, một việc làm, ông đều cân nhắc và điều này mới kỳ diệu là phải quyết định trong tích tắc, ngay tại chỗ. Xin đưa ra vài ví dụ. Trong lễ ký Hiệp định sơ bộ 6 - 3 - 1946, Chủ tịch Hồ ký trước tiên. Kế đó là lãnh tụ Quốc Dân Đảng Vũ Hồng Khanh. Tại sao Chủ tịch Hồ lại đòi họ Vũ phải ký trong hiệp định kế chữ ký của mình?
Ai cũng biết Hiệp định sơ bộ 6 - 3 có một từ mà các phần tử quốc gia cực đoan không hài lòng, đó là từ “État libre” (Quốc gia tự do) thay vì từ Độc Lập mà phe chủ chiến Pháp nhất định không chịu “ban” cho Chủ tịch Hồ. Để ngừa búa rìu dư luận trên, Chủ tịch Hồ đòi Vũ Hồng Khánh phải ký vào vì họ Vũ là lãnh tụ phe chống Pháp cương quyết hơn ai hết.
Thí dụ thứ hai: Theo quy định thì sẽ có hội nghị chính thức để hợp thức hoá Hiệp ước sơ bộ 6 – 3. Địa điểm được dự trù là Hà Nội, Sài Gòn và Paris . Chủ tịch Hồ chọn ngay Paris . Tại sao? Vấn đề độc lập của Việt Nam phải được cả nước Pháp biết chứ không chỉ công việc của một nhóm thực dân tham lam. Nước Pháp vừa giải phóng, dân chúng đa số tiến bộ có cảm tình với kháng chiến và quan trọng hơn hết là Đảng Cộng sản Pháp tham chính trong chính phủ Felix Govin. Tổng Bí thư Maurice Thorez là Phó Thủ tướng. Dân chúng Việt Namđược báo chí loan tin là vấn đề Việt Nam sẽ được giải quyết ngay trên thủ đô Pháp.
Về phía người Pháp, tại sao họ đồng ý chọn Paris ? Theo Sainteny thì đưa Chủ tịch Hồ sang thủ đô Pháp có lợi là tách ông khỏi ảnh hưởng của các phe nhóm chống Pháp. Lúc đó có vài nước ngoài muốn phá hoại tình hữu nghị Pháp - Việt.
![]() |
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Jean Sainteny |
Hội nghị Đà Lạt có nhiệm vụ chuẩn bị điều kiện cho phái đoàn thương thuyết Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sang Paristrong thời gian ngắn nhất tức là vào giữa tháng năm để hội nghị chính thức khai mạc tại Paris .
Cuối tháng 4, phái đoàn thiện chí Việt Namđáp máy bay sang Pháp qua ngã Calcutta . Phái đoàn gồm các ông Phạm Văn Đồng, trưởng đoàn, Trần Ngọc Danh, Đỗ Đức Dục, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Văn Luân, Trịnh Quốc Quang, Tôn Đức Thắng, Huỳnh Văn Tiểng, Hoàng Tích Trí, Nguyễn Tấn Gi Trọng. Phái đoàn tới Paris này 26 - 4 và về Hà Nội ngày 16 - 5. Ông Phạm Văn Đồng ở lại để sau đó dự Hội nghị Fontainebleau .
Ngày 31 - 5, Chủ tịch Hồ bay sang Pháp với tướng Salan cùng với các nhân viên phái đoàn thương thuyết Việt Nam . Tại sao Hồ Chủ tịch sang Paris trên máy bay Pháp? Vấn đề an ninh cho vị chủ tịch nước được bàn cãi vì đã có nhiều vụ rơi phi cơ làm thiệt mạng nhiều lãnh tụ. Nhưng Chủ tịch Hồ cương quyết ra đi vì trên phi cơ có tướng Salan, tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Việt. Chính phủ Pháp giao cho Sainteny đặc biệt chăm sóc Chủ tịch Hồ. Theo ông này thì lúc đó, ông Hồ cùng đoàn tuỳ tùng ngụ tại Biarritz và ông Hồ có vẻ đắn đo do dự (réticent) và không được bình tĩnh. Lý do là phía người Pháp đã vi phạm hiệp ước sơ bộ, như lập chính phủ Nam kỳ tự trị ngày 1 - 6 - 1946, trong khi phi cơ chở ông HỒ đang bay ngang vùng Trung Đông.
Tại Biarritz, Hồ Chủ tịch cùng hai ông Vũ Đình Huỳnh và Hoàng Minh Giám ngụ tại khách sạn Cariton, còn phái đoàn thương thuyết Việt Nam ngụ tại khách sạn Hôtel du Palais. Trong khi chờ đợi ngày họp, các nhân viên trong phái đoàn bay về Paris , mỗi người một nhiệm vụ thuộc phạm vi chuyên môn của mình. Còn về Chủ tịch Hồ thì sau lễ tiếp đón chính thức ở Paris , những ngày sống trên đất Pháp của ông trở nên không chính thức. Chính phủ Pháp quyết định Chủ tịch Hồ và ông Sainteny “đứng vòng ngoài” để lo cho hội nghị. Trong thời gian nhàn rỗi này, ông Hồ tới viếng thăm vùng biển, giao du với dân làng chài, thăm thánh địa Lourdes (nơi Đức Mẹ hiện hình ngày xưa). Trên các ngư thuyền ra khơi, ông Hồ vui vẻ đàm đạo, không hề khó chịu vì sóng biển. Nhiều người Pháp ở Paris tới gặp ông Hồ. Không khí trở nên thoải mái hơn trước.
Vì chính phủ Pháp đang thay đổi nội các nên Hội nghị phải hoãn lại lâu. Nhưng ông Hồ không hề than phiền. Tại sao? Ông tranh thủ thời gian để gặp các chính khách tiến bộ, các đảng viên cộng sản trong Quốc hội Pháp để vận động cho cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất cho Việt Nam .
Sau cùng chính phủ Pháp quyết định thời gian tiếp Chủ tịch Hồ tại Paris là từ 22 - 6 tới 4 - 7. Khi máy bay lượn trên phi trường Bourget, từ trên nhìn xuống, người đông như kiến. Cờ xí hai nước Pháp và Việt tung bay trong gió, Chủ tịch Hồ được thông báo trước là Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Marius Moutet cùng nhiều nhân vật văn võ cao cấp đích thân đón tiếp vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Rất xúc động, ông Hồ siết tay tôi (Sainteny) nói nhỏ: “Đừng rời tôi nhé, người ta đông quá!”.
Quốc thiều hai nước tấu lên vang lừng, Chủ tịch Hồ đứng nghiêm, chiếc mũ trong tay, ông nghĩ: “Hai mươi ba năm về trước, ông rời đất Pháp như một người tù, còn bây giờ thì được long trọng tiếp đón với cương vị một Chủ tịch nước”.
Thời gian sau đó, ông Hồ được đưa đi thăm viếng các nơi trong thủ đô như Khải Hoàn Môn, Điện Versailles, Toà Đô Chính, Nhà hát lớn, Nghĩa trang Mont Valérien, Đài chiến sĩ trận vong người Đông Dương.
Tại khách sạn Royal Monceau, ông Hồ thết tiệc đãi báo chí, chính khách, nghị sĩ, dân biểu, doanh gia, đủ mọi giới, và người dân hân hoan phấn chấn.
Vì sao ký Thoả hiệp án?
Hội nghị Fontainebleautan vỡ vì Hội nghị Đà Lạt thành lập Liên bang Đông Dương gồm Miên Lào và cả Nam kỳ. Nhờ Chủ tịch Hồ can thiệp mà hội nghị tiếp tục vài ngày sau. Nhưng không khí tin cậy lẫn nhau không còn.
Tình hình ở Bắc Việt bấy giờ như dầu sôi lửa bỏng. Nhiều cuộc biểu tình lên án phái đoàn thương thuyết tại Fontainebleau , thoá mạ là Việt gian, tay sai thực dân Pháp.
Sainteny bàn với Chủ tịch Hồ: “Trong tình thế này Chủ tịch không nên kéo dài những ngày ở đây”.
Tôi biết! nhưng làm sao tôi có thể về với hai bàn tay không?
“Hai bàn tay không”. Sainteny nghe ông Hồ lặp lại mấy tiếng này như là một điệp khúc, như là một ám ảnh triền miên (une obsesion permanenets).
Phái đoàn thương thuyết trở về tay không; ông Phạm Văn Đồng cùng phái đoàn xuống Marseille đáp tàu về Hải Phòng ngày 3 - 10.
Chủ tịch Hồ không về theo phái đoàn; ông cũng không còn là khách quí của chính phủ Pháp. Ông dọn về tá túc nhà ông Aubrac ở vùng Soisy - sous - Montoerency. Ngày 2 - 9 ông điện về Hà Nội: “Chủ tịch Hồ Chí Minh gởi chính phủ Việt Nam ở Hà Nội - Tôi hay tin lễ kỷ niệm ngày Độc lập được cử hành trong nước. Tôi đề nghị các cuộc lễ loại bỏ các tính cách bất thân thiện với nước Pháp để đại diện nước Pháp được tham dự”.
Hồ Chủ tịch muốn tiến tới một giải pháp. Cũng như bộ trưởng Marius Moutet, ông Hồ không chấp nhận cuộc đổ vỡ, và ngày 14 – 9, ông đành ký Thoả hiệp án soạn thảo vội vàng trong văn phòng ông Sainteny để sau đó ông cùng ông Marius Moutet cùng ký.
Có đúng như lời ông thanh tra Mật thám tháp tùng ông Hồ nói với tôi “lúc tới nhà bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại để ký vào thoả hiệp án, ông Hồ đã thì thầm “Tôi vừa ký bản án tử hình dành cho tôi” (Je viens de signer ma con damanation à mort). Bản thân tôi (Sainteny) không nghe ông Hồ than vậy. Nhưng trong một tiệc tại nhà tôi thết đãi hai ông Moutet và Hồ thì tôi có nghe ông Hồ nói: “Đừng để tôi về như thế này. Hãy giúp tôi chống lại những kẻ toan tính vượt qua tôi. Hai ông sẽ không có gì hối tiếc đâu”.
Ngay từ ngày ấy, ông Hồ đã thấy trước những gì đen tối, khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh. Ông nói: “Nếu phải chiến đấu, chúng tôi chiến đấu, các ông giết chúng tôi mười người, nhưng chúng tôi cũng sẽ giết các ông được một người, và cuối cùng thì chính các ông sẽ chán nản”.
Tại sao Hồ Chủ tịch về nước bằng tàu?
![]() |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vòng hoa viếng các chiến sĩ đấu tranh vì nền độc lập, tự do của nước Pháp ở Khải Hoàn Môn, Paris, Pháp (6 - 1946) |
Ông Hồ cũng không chịu về nước bằng máy bay viện cớ sức khoẻ ông không thích hợp với việc đi đường hàng không. Có thể ông ngại một cuộc mưu sát như tướng Tai - Ly, trùm tình báo Trung Hoa tử nạn phi cơ. Ông đề nghị về bằng chiến hạm trên chiếc Dumont - d’ Urville đang sắp nhổ neo qua Việt Nam . Sainteny cố thuyết phục ông Hồ về nước với phương tiện nhanh hơn, nhưng không lay chuyển được quyết định của Người. Ngày 16 - 9, bốn mươi tám giờ sau khi ký thoả hiệp án, Hồ Chủ tịch đáp xe lửa xuống Marseille và Toulon để lên chiến hạm về nước. Chuyến sang Pháp của Hồ Chủ tịch kéo dài trong ba tháng, ông xa đất nước Việt Nam hơn bốn tháng.
Xuyên suốt quyển hồi ký, Jean Sainteny nhấn mạnh là các cố gắng giữa Hồ Chủ tịch và ông trong cương vị Uỷ viên Cộng hoà Pháp tại Bắc Việt, tức đại diện cho nước Pháp mưu tính một giải pháp hoà bình với chính phủ Hồ Chí Minh đã thất bại vì phe chủ chiến đang thắng thế và nhất là thái độ thờ ơ kỳ lạ của chính phủ Pháp lúc bấy giờ. Và cũng hồi ký này Sainteny đặc tả chân dung Hồ Chủ tịch trong những giây phút nghiêm trọng, vận nước như nghìn cân treo sợi tóc. Và đúng như ông nhận định, Bác Hồ là một nhà ngoại giao tài ba và đầy bản lĩnh, từng lời nói đến từng việc làm đều được đong đo cân đếm đến mức chi li để đạt được thành công mong muốn.