Xử lý nước thải làng nghề, bảo vệ tài nguyên nước
Thực trạng ô nhiễm
Hiện cả nước có 1.450 làng nghề theo 6 loại hình: Chế biến lương thực thực phẩm, dược liệu 197 làng (chiếm 13,6%); ươm tơ, dệt vải, đồ da 173 làng (chiếm gần 12%); thủ công mỹ nghệ, thêu ren 618 làng (chiếm 42,6%); sản xuất vật liệu xây dựng 31 làng (chiếm 2,14%), còn lại các làng nghề khác 341 làng. Các làng nghề đều gây ra ô nhiễm không khí như bụi, hơi nước, SO2, CO2, CO, NOx là hết sức phổ biến. Trong đó các khí COx, NOx là các tác nhân gây hiệu ứng nhà kính. Các khí độc hại này còn được sinh ra trong quá trình phân huỷ yếm khí các hợp chất hữu cơ có trong nước thải, chất thải hữu cơ dạng rắn như H2S, NH3, CH4… Kết qủa phân tích chất lượng nước thải tại các làng nghề cho thấy: Hàm lượng độc hại đang ở mức đáng báo động, vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Tại hầu hết các làng nghề chỉ tiêu BOD, COD, SS đều lớn hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn, các chất gây ô nhiễm này không được xử lý sẽ phát sinh ra nhiều dạng khí gây ô nhiễm môi trường như CH4, H2S, NH3… Cả nước có 13 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: Làng nghề sản xuất vôi hàu (Bao Vinh - Tp Huế); làng nghề Nha Xá (Duy Tiên - Hà Nam); khu vực làng nghề Đông Tân - Đông Hưng (Đông Sơn - Thanh Hóa); làng rượu Vân (Bắc Ninh); làng nghề tái chế đồng kẽm (Lạc Đạo), làng nghề tái chế nhựa Minh Khai, làng nghề sản xuất bột dong riềng, làng thuộc da Liêu Xá (Hưng Yên); làng nghề giết mổ gia súc gia cầm (Hải Dương); các làng nghề dệt nhuộm (Thái Bình); tinh lọc bột sắn (Huế) và làng nghề Phúc Lâm (Bắc Giang). Các chất thải rắn, nước thải ở các làng nghề này được thu gom rất thủ công và đem chôn lấp đơn giản, đổ xuống dòng sông đang là nguồn gây ô nhiễm đất và nước.
Trong tổng lượng nước sử dụng cho các làng nghề, chế biến thực phẩm sử dụng nhiều nước nhất, chiếm 37% tổng lượng nước sử dụng của các làng nghề trên toàn quốc. Điều này sẽ dẫn đến gia tăng cấp nước, đôi khi ở những vùng vốn đã căng thẳng, và sẽ có vấn đề nảy sinh là lượng nước thải lớn. Đáng chú ý, tại các làng nghề tái chế giấy, vấn đề ô nhiễm chủ yếu là chất rắn như xơ sợi, bột giấy trong nước thải. Nước thải chứa lượng lớn các hoá chất độc hại như xút, thuốc tẩy, phèn kép, nhựa thông và phẩm màu… với hàm lượng BOD5 và COD vượt 4-6 lần tiêu chuẩn cho phép, hàm lượng Phenol trong nước thải cũng vượt quá tiêu chuẩn cho phép 10 lần. Phần lớn nước thải của các làng nghề tái chế giấy đều không qua xử lý, được đổ thẳng vào kênh mương, ao hồ trong khu dân cư và hoà vào hệ thống tiêu thoát nước chung, gây ô nhiễm môi trường không chỉ trong địa phương mà còn lan ra các khu vực khác.
Ở Nam Định, hiện trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước tại các làng nghề chủ yếu đang diễn ra dưới dạng ô nhiễm tập trung trên phạm vi một khu vực, ảnh hưởng trực tiếp không gian liền kề là khu sinh hoạt dân cư. Theo số liệu điều tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định, 100% số làng nghề không có hệ thống xử lý nước thải. Nước thải làng nghề được đổ trực tiếp ra ao, hồ, kênh, rạch và chảy ra sân vườn chung quanh hộ gia đình. Tình hình ô nhiễm do nguồn nước thải sinh ra từ các làng nghề rất khác nhau cả về thành phần và lượng thải, nhưng ảnh hưởng đến đời sống khu dân cư nhiều nhất là nhóm làng nghề sản xuất cơ khí, chế biến gỗ - mây, tre đan và làng nghề dệt, tẩy, nhuộm, tái chế nhựa. Làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực chuyên nấu, cán nhôm là một ví dụ điển hình về ô nhiễm môi trường. Cả ba thông số phân tích của Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường tỉnh thời gian gần đây đều cho kết quả đáng lo ngại: Lượng Phốt-pho tổng vượt tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) từ 1,09 đến 7,6 lần, thông số kẽm vượt TCVN từ 7,7 đến 33,8 lần, đáng chú ý thông số Cr6+ vượt TCVN từ 32 đến gần… ba nghìn lần ở tất cả các mẫu phân tích…
Những khó khăn và các giải pháp khắc phục
Hoạt động sản xuất làng nghề thường gắn với từng gia đình, có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đồng thời phụ thuộc vào nhu cầu, đòi hỏi tức thời của thị trường. Làng nghề thường phát triển một cách tự phát không có quy hoạch. Nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế cho dù ngành Tài nguyên và Môi trường từ tỉnh đến cơ sở đã rất coi trọng việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về công tác này. Hiện các cấp chính quyền chưa có cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ sản xuất di chuyển địa điểm. Các chính sách đang được thực hiện như hỗ trợ mặt bằng sản xuất, vay vốn ngân hàng chỉ phù hợp với cơ sở sản xuất lớn như công ty, trong khi số đơn vị sản xuất trong làng nghề là cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ, quy mô hộ gia đình rất cần để xử lý ô nhiễm môi trường, nước thải tại các làng nghề, chính quyền địa phương có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp đối với sản xuất làng nghề, trong đó có hỗ trợ di dời cơ sở sản xuất bị ô nhiễm, vay đầu tư, hỗ trợ xử lý nước thải, chất thải. Bên cạnh đó, cần có tiêu chí cụ thể để xác định, đánh giá, xét công nhận làng nghề, từ đó có kế hoạch, định hướng đúng trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường làng nghề. Đồng thời, tăng cường công tác cấp phép xả nước thải, chất thải vào nguồn nước… GS Đặng Thị Kim Chi, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, môi trường làng nghề còn rất nhiều việc cần các nhà khoa học, công nghệ quan tâm, tham gia giải quyết. Cần phải có ngày càng nhiều công nghệ ít chất thải áp dụng vào làng nghề, nhưng các công nghệ này phải đáp ứng các tiêu chí đặc biệt và phải dung hòa được nhiều vấn đề có tính mâu thuẫn là tốt, rẻ, vận hành đơn giản, mang lại hiệu quả kinh tế…
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mặc dù các biện pháp bảo vệ môi trường, nguồn nước làng nghề đã được triển khai, nhưng môi trường tại các làng nghề vẫn tiếp tục suy thoái do còn nhiều bất cập, hạn chế chưa được giải quyết. Cụ thể, chức năng, nhiệm vụ bảo vệ môi trường làng nghề của các bộ ngành, địa phương chưa rõ ràng và còn chồng chéo. Tuy đã có quy hoạch nhưng các cụm, khu công nghiệp tập trung của các làng nghề vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chưa có hệ thống quản lý môi trường chung và giống với khu giãn dân, là hình thức mở rộng ô nhiễm, việc triển khai các công cụ quản lý còn nhiều yếu kém… Phương án chủ yếu để giải quyết, khắc phục ô nhiễm tại các làng nghề này là di chuyển địa điểm hay quy hoạch, cải tiến tổ chức sản xuất và áp dụng công nghệ vào việc xử lý rác thải.
Được biết, hiện nay, với công nghệ bể tuyển nổi, của GS. TS Đặng Thị Kim Chi, trường Đại học Bách khoa Hà Nội đang áp dụng hiệu quả ở một số làng nghề sản xuất, tái chế giấy có thể giảm 70-80% lượng nước thải, thu hồi đến 75% bột giấy trong quá trình sản xuất… Hy vọng, với công nghệ bể tuyển nổi trên sẽ được nhân rộng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nguồn nước tại các làng nghề ở Việt Nam. /.