Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 22/10/2009 17:46 (GMT+7)

Chính sách tài nguyên khoáng sản trên thế giới và ở Việt Nam

Khác với các loại tài nguyên khác như tài nguyên đất (dưới góc độ sử dụng cho việc trồng trọt, xây dựng,...), tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản không những không tái tạo được mà nếu khai thác không hợp lý thì việc khắc phục những sai lầm sẽ có những khó khăn, bất cập lớn hơn gấp bội so với việc định hướng đúng lúc ban đầu về mục đích và mục tiêu của việc khai thác. Trong khoảng hơn nửa thế kỷ qua nhu cầu của con người về tài nguyên khoáng sản tăng trưởng với tốc độ rất lớn. Tình trạng cạn kiệt tài nguyên khoáng sản của nhiều nước trên thế giới trong những năm gần đây đã trở thành vấn đề nóng bỏng, Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Để đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội không những cho trước mắt và cần phải tính tới nhu cầu ngày càng tăng trong tương lai, rất nhiều nước trên thế giới đã có những chính sách hạn chế khai thác khoáng sản trong nước và tăng cường nhập khẩu quặng, đồng thời cải tiến công nghệ nhằm tận thu tối đa các sản phẩm khoáng sản có ích. Tùy theo từng nước, các quy định trong các Luật Khoáng sản hay Luật Mỏ có những quy định về chính sách của nước đó về lĩnh vực khoáng sản.

I. Chính sách về khoáng sản tại một số nước

1. Luật khoáng sản Nhật Bản (số 289, 20/12/1950 được sửa đổi năm 1962). Trong Luật khai khoáng Nhật Bản không có điều khoản riêng quy định về quyền sở hữu đối với tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên:

Điều 2 của Luật Khai khoáng quy định, nhà nước có thẩm quyền cấp quyền khai thác và quyền chiếm hữu khoáng sản chưa khai thác. Như vậy khi một mỏ khoáng sản chưa được Nhà nước cấp quyền khai thác và quyền sở hữu cho ai thì mỏ đó vẫn thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.

Điều 7 Luật Khai khoáng quy định không một tổ chức nào được tự ý khai thác mỏ và cũng không được thu gom khoáng sản trừ khi đã được cấp quyền khai thác mỏ; trừ khí đốt, đolomit, sét sử dụng cho mục đích tiêu dùng gia đình và không có mục đích thu lợi nhuận;

Điều 8 quy định: Chủ giấy phép khai thác mỏ, chủ hợp đồng khai thác được sở hữu các loại khoáng sản đã được khai thác trong vùng khai thác mỏ có liên quan.

Điều 9 quy định: Khi chuyển nhượng giấy phép khai thác hoặc hợp đồng khai thác thì quyền lợi và nghĩa vụ của chủ sở hữu giấy phép khai thác mỏ hoặc chủ hợp đồng khai thác cũng được chuyển sang chủ mới.

Điều 12 quy định quyền khai thác mỏ được xem như là quyền thật sự và áp dụng theo những quy định liên quan đến bất động sản trừ khi có quy định khác của Luật này.

Điều 17, ngoài công dân Nhật và công ty của Nhật không ai được sở hữu quyền khai thác mỏ trừ khi có quy định khác của một hiệp ước. Về thời hạn giấy phép thăm dò theo quy định là 2 năm kể từ ngày đăng ký.

2. Luật Khoáng sản Hàn Quốc

Trong Luật Khai khoáng của Hàn Quốc, cũng giống như của Nhật Bản không có điều khoản riêng quy định về quyền sở hữu khoáng sản. Tuy nhiên:

Điều 2 quy định Nhà nước có thẩm quyền cấp quyền khai thác và quyền chiếm hữu khoáng sản chưa khai thác. Như vậy, khi một mỏ khoáng sản chưa được Nhà nước cấp quyền khai thác và quyền sở hữu cho ai thì sở hữu vẫn của Nhà nước.

Điều 6 quy định người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài, pháp nhân được thành lập theo pháp luật Cộng hòa Hàn Quốc trong đó có một nửa hoặc hơn nửa số vốn, hoặc phần lớn phiếu biểu quyết thuộc về người nước ngoài hoặc pháp nhân nước ngoài thì không được cấp quyền khai thác, trừ khi có đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Tài nguyên và được Hội đồng Nhà nước chấp thuận.

Điều 7 quy định khoáng sản chưa khai thác sẽ không được khai thác nếu chưa thiết lập quyền khai thác.

Điều 8 quy định, khoáng sản được khai thác ra khỏi lòng đất trong vùng khai thác mỏ đã cấp quyền khai thác sẽ được sở hữu bởi người nắm giữ quyền khai thác.

Các khoáng sản đã được khai thác từ lòng đất bên ngoài vùng khai thác sẽ được sở hữu bởi người được cấp quyền sở hữu đối với nó, trừ khi các khoáng sản đó thu được thông qua các hành động phạm tội.

Điều 9 (Chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ) quy định tất cả các quyền và nghĩa vụ của những người nắm giữ quyền khai thác quy định trong Luật này đều có thể được chuyển nhượng.

Sau khi được phép của Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Tài nguyên, cần phải có ý kiến đồng ý của chủ sở hữu khu đất cần đi vào.

Điều 14 quy định thời hạn của một giấy phép không quá 25 năm.

(2) Một người nắm giữ quyền khai thác có thể mở rộng thời hạn của một quyền khai thác với sự phê chuẩn của Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Tài nguyên trước khi kết thúc của thời hạn đó, dưới các điều kiện như đã quy định bởi Sắc lệnh Tổng thống. Trong trường hợp này, như sự gia hạn sẽ được tạo ra cho một giai đoạn không nhiều hơn 25 năm.

3. Luật tài nguyên khoáng sản của Trung Quốc(thông qua tại Kỳ họp thứ 15 của Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc khoá 6 ngày 9 tháng 3 năm 1986, và đã sửa đổi tại Kỳ họp thứ 21 Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc 8 ngày 29 tháng 8 năm 1996).

Điều 3 quy định tài nguyên khoáng sản được sở hữu bởi Nhà nước. Quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản do Quốc vụ Viện thi hành. Quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài nguyên khoáng sản, dù ở gần bề mặt đất hoặc dưới mặt đất không thay đổi theo sự thay đổi quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất có tài nguyên khoáng sản đi kèm.

Nhà nước bảo đảm khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản. Sự chiếm đoạt hoặc gây thiệt hại tài nguyên khoáng sản bằng bất cứ cách nào và bởi mọi tổ chức hoặc cá nhân sẽ bị ngăn cấm. Chính quyền nhân dân ở các cấp phải nghiêm chỉnh bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

Điều 4 quy định Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp khai khoáng được thành lập theo đúng pháp luật để khai thác tài nguyên khoáng sản.

Các doanh nghiệp khai khoáng quốc doanh là lực lượng nòng cốt trong khai thác tài nguyên khoáng sản. Nhà nước bảo đảm củng cố và phát triển tiềm lực kinh tế quốc doanh về khoáng sản.

Điều 5 quy định Nhà nước thực hành chế độ cấp giấy phép thăm dò và khai thác khoáng sản có thu tiền bồi thường. Bất cứ ai khai thác tài nguyên khoáng sản đều phải nộp thuế tài nguyên và tiền bồi thường tài nguyên khoáng sản theo các quy định liên quan của Nhà nước.

Điều 6 quy định quyền thăm dò và quyền khai thác không được chuyển nhượng trừ những trường hợp sau đây:

a - Chủ giấy phép thăm dò có quyền tiến hành các hoạt động thăm dò trong phạm vi diện tích đã khoanh định và có quyền được ưu tiên cấp giấy phép khai thác tài nguyên khoáng sản trong diện tích thăm dò. Chủ giấy phép thăm dò, sau khi hoàn thành việc thăm dò tối thiểu đã quy định và nếu được chấp thuận theo pháp luật thì có thể chuyển nhượng quyền thăm dò cho người khác.

b - Một doanh nghiệp khai khoáng đã có được quyền khai thác nhưng cần thay đổi sở hữu quyền khai thác đó trong hoàn cảnh hợp nhất hoặc chia tách, hoặc gia nhập liên doanh cổ phần hoặc liên doanh hợp tác với những doanh nghiệp khác, hoặc bán tài sản của mình, hoặc trong tình huống dẫn tới việc thay đổi quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp, thì doanh nghiệp khai khoáng có thể chuyển nhượng quyền khai thác cho các doanh nghiệp khác, sau khi được chấp thuận theo pháp luật.

Điều 7 quy định các vấn đề liên quan đến thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản. Nhà nước thực hành chính sách kế hoạch thống nhất, phân bổ hợp lý, thăm dò tổng hợp, khai thác hợp lý và sử dụng tổng hợp tài nguyên khoáng sản.

Điều 34 quy định những sản phẩm khoáng sản theo quy định của Quốc vụ viện dành cho những đơn vị được chỉ định mua sẽ không được bán cho những đơn vị hoặc cá nhân khác. Những người khai thác các loại khoáng sản này không được bán các sản phẩm của mình cho những đơn vị không được chỉ định.

Trung Quốc đang có chính sách đẩy mạnh công tác điều tra thăm dò, đâu tư khai thác khoáng sản về phía Tây. Trung Quốc coi sự phát triển bền vững và sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản có tầm quan trọng to lớn và trở thành chiến luợc phát triển bền vững quốc gia và bảo vệ tài nguyên là một phần quan trọng của “chương trình Trung Quốc thế kỷ 21”.

Xây dựng một xã hội thịnh vượng theo hướng toàn diện là mục tiêu của Trung Quốc trong 20 năm đầu thế kỷ mới. Trung Quốc dựa vào khai thác tài nguyên khoáng sản để đảm bảo nhu cầu cần thiết cho chương trình hiện đại hóa. Chính phủ Trung Quốc khuyến khích việc thăm dò và khai thác theo nhu cầu thị trường, đặc biệt tài nguyên giàu có ở khu vực phía Đông, tăng khả năng nội địa về cung cấp tài nguyên khoáng sản. Cùng thời điểm này, một chính sách quan trọng của Chính phủ để nhập khẩu vốn và công nghệ của nước ngoài nhằm khai thác tài nguyên khoáng sản đất nước, sử dụng thị trường và tài nguyên khoáng sản nước ngoài và giúp đỡ các doanh nghiệp khai khoáng và sản phẩm khoáng sản trong nước hội nhập thị trường quốc tế. Chính phủ Trung Quốc cho rằng cần phải có các công ty nước ngoài tham gia thị trường Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc gia nhập thị trường các quốc gia khác để tạo ra các lợi ích song phương khác nhau, bổ sung về tài nguyên là một dấu hiệu đáng chú ý cho thịnh vượng chung và sự phát triển mạnh mẽ của khai thác và tìm kiếm tài nguyên khoáng sản thế giới.

4. Luật khai thác Philippin(năm 1995)

Điều 2 quy định tất cả tài nguyên khoáng sản trong đất công và đất tư trong phạm vi lãnh thổ và khu đặc quyền kinh tế của Cộng hoà Philippin đều thuộc sở hữu của Nhà nước. Nhà nước có trách nhiệm khuyến khích thăm dò, khai thác, sử dụng hợp lý và bảo tồn chúng thông qua những nỗ lực của Chính phủ và khu vực tư nhân nhằm tăng cường sự tăng trưởng nền kinh tế quốc dân một cách sao cho giữ gìn một cách hiệu quả môi trường và bảo vệ được quyền lợi của các cộng đồng xung quanh.

Điều 4 quy định tài nguyên khoáng sản do Nhà nước sở hữu, việc thăm dò, khai thác sử dụng, chế biến khoáng sản phải nằm dưới sự kiểm soát và giám sát toàn diện của Nhà nước. Nhà nước có thể trực tiếp thực hiện những hoạt động trên hay có thể ký hợp đồng về khoáng sản với các nhà thầu.

Điều 5 quy định khi có yêu cầu vì lợi ích quốc gia cũng như khi có nhu cầu phải dự trữ những nguyên liệu chiến lược cho các ngành công nghiệp thiết yếu phục vụ phát triển quốc gia, hoặc một số khoáng sản nhất định phục vụ các giá trị khoa học, văn hoá hoặc sinh thái, thì Tổng thống có thể thiết lập những khu dự trữ khoáng sản.

5. Mỹ

Quyền sở hữu khoáng sản, cũng như quyền sở hữu mặt đất ở Mỹ thuộc tư nhân, chính quyền tiểu bang và Chính phủ Liên bang. Phần lớn đất đai có triển vọng cho việc thăm dò, phát triển và khai thác kim loại quý, đều do Chính phủ Liên bang sở hữu và được tiếp nhận thông qua hệ thống chủ động xin đăng ký quyền khai thác theo Luật Khai khoáng chung 1872 đã sửa đổi .

Các bang riêng biệt thường theo hệ thống cấp phép riêng đối với các khoáng sản do các bang sở hữu. Tư nhân có quyền bán, cho thuê hoặc ký các thoả thuận khác như liên doanh liên quan đến khoáng sản mà họ sở hữu hoặc kiểm soát. Mọi hoạt động khai khoáng, dù trên đất tư hay đất công, đều được điều chỉnh bởi rất nhiều luật, quy định, quy chế, pháp lệnh của Liên bang, tiểu bang hay địa phương, chúng đề cập đến các vấn đề khác nhau kể cả bảo vệ môi trường, giảm thiểu và phục hồi môi trường.

Các văn bản quy định các hoạt động và các hạn chế liên quan đến các vấn đề này do các cơ quan có trách nhiệm của Chính phủ ban hành ở tất cả các giai đoạn của hoạt động khai khoáng.

6.Tiểu bang British Columbia( Canađa )

Khoảng 94% đất đai ở British Columbia do Nhà nước tiểu bang sở hữu. Phần còn lại thuộc sở hữu của tư nhân (5%) hoặc Nhà nước Liên bang (1%). Dù là đất tư hay đất của tiểu bang, thì tiểu bang đều sở hữu hầu hết khoáng sản (bao gồm cả than, dầu và khí). Quyền thăm dò, và khai thác khoáng sản thuộc sở hữu của Nhà nước được cấp bởi Nhà nước tiểu bang, là chủ sở hữu khoáng sản. Điều này có nghĩa là những chủ sở hữu "tài sản tư nhân" như ngôi nhà hoặc khu đất, không có quyền sở hữu đối với tài nguyên dưới lòng đất.Đây là một quy định được áp dụng ở khắp Canađa.

Việc phân tách sở hữu mặt đất và sở hữu tài nguyên khoáng sản dưới đất mang tính đặc thù của pháp luật Canađa . Theo đó, cho phép Chính phủ thay mặt toàn dân phát triển các tài sản công như tài nguyên khoáng sản.

Sở hữu đất tư nhân được đăng ký tại cơ quan quản lý sở hữu đất và được cấp dưới dạng Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất (CoT). Nếu việc cấp đất của Nhà nước bao gồm cả quyền sở hữu đối với một số hoặc tất cả các khoáng sản, thì quyền sở hữu khoáng sản được gộp vào quyền sở hữu bất động sản, trừ phi các quyền đó đã được trả lại cho Nhà nước. Nếu việc cấp đất của Nhà nước không bao gồm khoáng sản, thì quyền sở hữu về khoáng sản không là một bộ phận trong quyền sở hữu đất. Tóm lại. khoáng sản vẫn thuộc quyên sở hữu Nhà nước.

II. Mối liên hệ với Việt Nam, đề xuất

Điều 3a (bổ sung) của Luật Khoáng sản quy định về nguyên tắc hoạt động khoáng sản như sau:

1. Tài nguyên khoáng sản phải được bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài;

2. Việc thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản phải theo quy hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường, tài nguyên khác, cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử - văn hoá; tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng, ổn định, cải thiện đời sống nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, chế biến và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

3. Quy mô và công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản phải phù hợp với đặc điểm từng loại khoáng sản, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư; áp dụng công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến phù hợp để nâng cao tối đa hệ số thu hồi khoáng sản chính, khoáng sản đi kèm và giá trị của sản phẩm chế biến; nâng cao hiệu quả, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm khoáng sản”. Quy định tại khoản 2 Điều 3a (bổ sung) của Luật Khoáng sản trong những trường hợp nhất định không thể triển khai vào thực tiễn do đặc thù của tài nguyên khoáng sản nước ta như rất phong phú về chủng loại, đa dạng về quy mô tiếm năng tài nguyên, trữ lượng, điều kiện địa chất mỏ, địa lý kinh tế, nhân văn của các vùng mỏ cũng rất khác nhau. Đặc biệt quy mô khai thác, nhu cầu sử dụng của một số khoáng sản không thể đưa vào quy hoạch được.

Điều 5 (sửa đổi, bổ sung) của Luật Khoáng sản quy định về chính sách của Nhà nước Việt Nam về khoáng sản như sau:

1. Nhà nước đầu tư cho việc quy hoạch, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ trong công tác điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản.

2. Nhà nước tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản.

3. Nhà nước có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư đối với dự án khai thác gắn liền với chế biến tại chỗ khoáng sản ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; dự án có áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, bảo đảm môi trường, thu hồi tối đa các thành phần có ích, làm ra các sản phẩm kim loại, hợp kim hoặc các sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội cao; dự án chế biến khoáng sản nhập khẩu đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu.

4. Hạn chế xuất khẩu khoáng sản dưới dạng nguyên liệu thô, tinh quặng. Việc ban hành danh mục, điều kiện và tiêu chuẩn khoáng sản xuất khẩu, khoáng sản hạn chế xuất khẩu do Chính phủ quy định.

5. Nhà nước có chính sách đầu tư thăm dò đối với một số loại khoáng sản quan trọng phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm ngân sách Nhà nước cho công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

6. Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoáng sản theo quy định của pháp luật; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh bảo hiểm cho hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản”.

Theo quy định hiện hành, khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Thực tế công tác quản lý Nhà nước và quản lý sản xuất trong những năm qua cho thấy hình thức “sở hữu toàn dân” được thể hiện một cách chưa đầy đủ trong các giai đoạn phát triển mỏ khoáng sản (từ điều tra, tìm kiếm, thăm dò, khai thác và chế biến). Khái niệm “sở hữu toàn dân” mang tính chất định tính, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế nước ta phát triển theo cơ chế thị trường. Trong thực tế, khi khoáng sản trong lòng đất chưa được điều tra làm rõ thì chủ sở hữu thực sự về khoáng sản là Nhà nước. Sau khi được Nhà nước đầu tư ngân sách cho công tác điều tra, đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản, các khu vực khoáng sản được các tổ chức, cá nhân quan tâm và làm các thủ tục để xin các cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép thăm dò, khai thác. Mỏ, khu vực khoáng sản sau khi đã được cấp quyền thăm dò, khai thác cho các tổ chức, cá nhân thì trên thực tế chủ sở hữu về khoáng sản không thể hiện rõ ràng. Nhà nước vẫn thực hiện quyền chủ sở hữu đối với các khu vực, mỏ khoáng sản đã được cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác, nhưng quyền đó được thể hiện chưa đầy đủ theo quy định tại Điều 164 Bộ Luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên, mặc dù các tổ chức, cá nhân đã được cấp quyền thăm dò, quyền khai thác tại các khu vực, mỏ khoáng sản song họ vẫn chưa phải là chủ sở hữu thực sự. Do những quy định chưa đầy đủ về sở hữu, về quyền của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân được cấp quyền thăm dò, quyền khai thác khoáng sản nên thường dễ dẫn đến tình trạng kém hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước cũng như quản lý sản xuất thuộc lĩnh vực khoáng sản.

Nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản theo cơ chế thị trường nhất thiết phải định rõ được sở hữu tài nguyên khoáng sản qua các giai đoạn phát triển mỏ. Theo quan điểm của chúng tôi, khu vực mỏ khoáng sản thuộc sở hữu của các thành phần qua các giai đoạn phát triển như sau:

a - Trước khi cấp phép thăm dò cho các tổ chức, cá nhân thì các khu vực, mỏ khoáng sản thuộc sở hữu của Nhà nước, Nhà nước phải thống nhất quản lý;

b - Sau khi cấp phép thăm dò, khu vực mỏ khoáng sản vừa thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, vừa thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân được quyền thăm dò. “Lưỡng quyền” ở đây để thể hiện được quyền lực, vai trò của Nhà nước trong việc xác định “đúng” quy mô, chất lượng, giá trị tài nguyên khoáng sản – tài sản quan trọng trong lòng đất và vừa tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đạt được quyền lợi về kinh tế của mình khi đầu tư vào thăm dò để khai thác khoáng sản;

c - Sau khi cấp phép khai thác cho các tổ chức, cá nhân thì khu vực, mỏ khoáng sản phải thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác. Tuy nhiên, thủ tục cấp phép phải được xác định trên cơ sở định giá tài nguyên khoáng sản – làm căn cứ để đấu giá cấp phép khai thác.

Tuy nhiên, đối với một số loại khoáng sản đặc biệt, một số vùng lãnh thổ đặc thù của đất nước thì sẽ có những quy định riêng. Để đạt được những quy định đề cập ở trên, cần có những quy định kèm theo. Đặc biệt, để khoáng sản thuộc sở hữu của các tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác thì phải có những quy định về chuyển giao quyền (sở hữu) phù hợp với đặc thù của tài nguyên khoáng sản. Tất cả các quy định về vấn đề này cần được xuất phát tư đặc điểm “khoáng sản hầu hết không tái tạo, rất có hạn và đang cạn kiệt nhanh chóng".

Xem Thêm

Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Nâng cao nhận thức và năng lực ứng dụng AI trong truyền thông, báo chí
Ngày 29-5, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức Chương trình tập huấn với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo (AI) – Ứng dụng trong báo chí hiện đại”. Học viên tham dự tập huấn là các phóng viên, biên tập viên thuộc các cơ quan báo chí của các Tổ chức KH&CN, Hội ngành toàn quốc trong hệ thống.
Quảng Ngãi: Hội nghị thông tin, tuyên truyền cho đội ngũ trí thức tỉnh “Kỷ nguyên mới - Sứ mệnh và hành động”
Thực hiện Chương trình phối hợp công tác năm 2025, Liên hiệp hội tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị thông tin, tuyên truyền cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Kỷ nguyên mới - Sứ mệnh và hành động”
Quảng Bình: Hội nghị tập huấn Trí tuệ nhân tạo (AI) trong hành chính - công vụ - xã hội
Ngày 28/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Quảng Bình tổ chức Hội nghị tập huấn Trí tuệ nhân tạo (AI) trong hành chính- công vụ - xã hội cho 100 học viên là cán bộ, công chức, viên chức một số sở ngành, cơ quan Liên hiệp Hội và hội viên của các Hội thành viên.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng chúc mừng Liên hiệp hội Hà Tĩnh nhân Kỷ niệm 30 năm thành lập
Sáng 26/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Tĩnh (Liên hiệp hội) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập (27/5/1995-27/5/2025). Dự lễ kỷ niệm có Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Nhật Tân, đại diện các tỉnh bạn, các sở ngành tại địa phương và lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Liên hiệp hội qua các thời kỳ.
Phát động hưởng ứng Ngày phòng chống tác hại của thuốc lá tại Phú Yên
Sáng qua 28/5, tại Trường đại học Phú Yên, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam tổ chức lễ phát động hưởng ứng các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá vì sức khỏe người tiêu dùng với thông điệp: “Phòng chống tác hại của thuốc lá bảo vệ thế hệ tương lai”, “Vì sức khỏe người tiêu dùng hãy nói không với thuốc lá”.
Anh nông dân lớp 5 và hành trình tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật
Trong bối cảnh nông nghiệp ngày càng đòi hỏi sự đổi mới, thích ứng và sáng tạo để nâng cao năng suất và giảm chi phí lao động, một người nông dân tại Châu Phú, An Giang - dù chỉ học hết lớp 5 - đã chứng minh rằng: Tri thức không chỉ đến từ sách vở mà còn từ thực tiễn cần mẫn và khối óc sáng tạo không ngừng.
Trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2024
Tối 28/5, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ (KHCN) Việt Nam năm 2024.
Quảng Ngãi: Tổ chức Hội nghị tuyên truyền cho trí thức
Chiều 9/5, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Quảng Ngãi, Liên hiệp hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ tổ chức Hội nghị thông tin, tuyên truyền cho đội ngũ trí thức và Hội viên của Câu lạc bộ Lê Trung Đình tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề “Tình hình Biển Đông gần đây và chính sách của Việt Nam”.
Đắk Lắk: Hội nghị phản biện Dự thảo Nghị quyết về bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở
Sáng ngày 27/5/2025, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk (Liên hiệp hội) đã diễn ra Hội nghị phản biện và góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Đắk Lắk về việc quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Phát động Chiến dịch phục hồi rừng “Rừng xanh lên 2025” tại Sơn La
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 22/5 và Ngày Môi trường Thế giới 05/06, ngày 25/5, Liên Hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã phối hợp cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Hạt Kiểm lâm Vân Hồ, Trung tâm Nghiên cứu Sáng kiến Phát triển cộng đồng (RIC) và chính quyền địa phương phát động trồng hơn 18.000 cây bản địa tại hai xã Song Khủa và Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.
VinFuture 2025 nhận 1.705 đề cử toàn cầu – tăng 12 lần số đối tác đề cử sau 5 mùa giải
Giải thưởng Khoa học Công nghệ toàn cầu VinFuture đã chính thức khép lại vòng đề cử cho mùa giải thứ 5 với 1.705 hồ sơ đến từ khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt, số lượng đối tác đề cử chính thức của Giải thưởng đã tăng trưởng vượt bậc, đạt 14.772 đối tác.
Hỗ trợ thực hiện các giải pháp bảo tồn và phục hồi rừng tự nhiên gắn với cải thiện sinh kế bền vững
Dự án Hỗ trợ phục hồi rừng tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình do Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt là Chủ dự án với mục tiêu hỗ trợ việc thực hiện các giải pháp bảo tồn và phục hồi rừng tự nhiên gắn với cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng.