Cây Hòe
Đại thi hào Nguyễn Du đã viết trong truyện Kiều:
Thừa gia chẳng hết nàng Vân
Một cây cù mộc, một sân quế hòe.
Ngày nay, Hòe là thành phần chủ yếu của chè thanh nhiệt, được nhiều người ưa chuộng và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.
Hòe là nguyên liệu chiết rutin có hàm lượng cao nhất.
Tên khoa học: Sophora japonica L. Thuộc họ Cánh bướm (Papilionaceae).
Đặc điểm thực vật
Hòe là cây thân gỗ sống lâu năm, cao 5 - 10m, cành hình trụ nhẵn, da màu xanh thẫm có chấm trắng (khi non), giòn, dễ gãy. Lá khép kín 1 lần lông chim sẻ, mọc so le, có 11 - 21 lá chét. Lá chét mọc đối hay so le, hình bầu dục thuôn nhọn đầu, dài từ 30 đến 50mm. Màu lục nhạt, mặt dưới có lông mịn thưa (soi kính lúp phóng đại lên 5 lần mới thấy). Cụm hoa ở đầu cành và kẽ lá. Cánh bướm màu trắng ngà. Quả loại đậu thắt lại giữa các hạt. Mùa hoa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau, nở rộ vào tháng 5 đến tháng 8 (gọi là Hòe mùa) và tháng 10 đến tháng 1 năm sau (gọi là Hòe chiêm). Kết quả nghiên cứu xác minh kinh nghiệm nhân dân Thái Bình, có hai loại Hòe nếp và Hòe tẻ.
Trên thế giới, cây Hòe mọc hoang và được trồng ở các nước phương Đông. Hơn 80 nước trồng và sử dụng Hòe như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Bộ phận dùng
Nụ Hòe(Flos Sophorae japonicae) hái nụ hoa chưa nở lúc trời khô ráo, phơi hoặc sấy khô. Nụ Hòe chiêm năng suất thấp nhưng hàm lượng rutin lại cao (có mẫu đạt tới 56%).
Quả Hòe(Fructus Sophorae japonicae) còn gọi là Hòe giác. Hái quả Hòe già (hạt có màu đen nâu) phơi hoặc sấy khô (khi dùng bỏ hạt). Dược liệu có màu đen nâu hình chuỗi hạt, dễ gãy ở chỗ thắt. Thịt quả có vị đắng.
Thành phần hóa học
Nụ Hòechứa rutin (Rutosid), có hàm lượng rutin cao nhất trong các loại nguyên liệu chiết rutin (Hòe nếp 44%, Hòe tẻ 40,6%). Ngoài ra, còn có sophoradiol - Sophorin A - Sophorin B - Sophorin C và bertulin (Dược điển Việt Nam quy định hàm lượng rutin của nụ Hòe phải đạt 20%).
Lá Hòechứa 4,4% rutin (so với Mạch ba góc Châu Âu - Fagopyrum esculentumchỉ có 2 - 3% rutin), 19,4% protein, 3,5% lipid (dùng làm thức ăn gia súc rất tốt).
Quả Hòe noncó 46% rutin.
Vỏ quả Hòegià chứa 10,5% flavonoid toàn phần, rutin 4,3% - Sophora flavonosid - Kaempferol glycosid C - Sophorabiosid (genistein - 4 ’neohesperidosid) - Sophoricosid (genistein - 4 ’β-D glucosid).
Tác dụng dược lý
Rutinlà một loại vitamin P (vitamin C2) có tác dụng giảm tính thấm của mao mạch. Tăng cường sức chịu đựng của mao mạch. Duy trì tình trạng bình thường của mao mạch người có tuổi, đảm bảo cho mao mạch thực hiện chức năng trao đổi chất (mao mạch người trưởng thành có diện tích rất lớn, tới 6.000m 2) và vận chuyển các chất thải ra ngoài cơ thể. Ngoài ra, nó còn tăng trương lực tĩnh mạch, củng cố sức bền thành mạch, hạn chế hiện tượng suy tĩnh mạch người có tuổi.
Ức chế viêm khớp (thực nghiệm trên chuột cống trắng).
Độc tính thấp (cho chuột cống trắng ăn thức ăn có 10% rutin, một năm liền không thấy có biểu tượng độc tính).
Kháng chiếu xạ: tiêm rutin dưới da chuột nhắt trắng với liều 2mg/kg. Có tác dụng giảm tỷ lệ chết khi chuột bị chiếu xạ.
Nụ Hòe: có các tác dụng của rutin (như trên) và tác dụng kính thích trên tử cung có thai và tử cung bình thường. Dịch chiết nụ Hòe có tác dụng hạ áp huyết rõ rệt (tiêm tĩnh mạch chó đã gây mê). Tăng sức bóp của tim ếch cô lập. Nước sắc nụ Hòe đã loại rutin vẫn làm hạ huyết áp của chó đã gây mê.
Hòe hoa tán điều trị trĩ cấp (luận án tiến sĩ y học của Lương Trần Khuê). Bài thuốc cổ, gồm 4 vị: Nụ Hòe, Trắc bách diệp, Kinh giới tuệ, Chỉ xá, lượng như nhau, tán thành bột mịn. Có tác dụng cầm máu sau 10 ngày điều trị, thay đổi độ trĩ. Giảm độ rỉ ướt hậu môn. Tác dụng giảm đau tương đương viên Daflon bán trên thị trường. Nhưng lại hơn Daflon ở tác dụng chống táo bón (vì nó tăng trương lực và nhu động ruột). Ý nghĩa này rất lớn, vì táo bón là yếu tố phát sinh bệnh trĩ.
Liều điều trị: Hòe hoa tán 20g/ ngày, trong 10 ngày; 100% bệnh nhân dùng Hòe hoa tán không thấy tác dụng không mong muốn.
Nụ Hòe theo Đông y vị đắng, tính bình vào 2 kinh can và đại tràng có tác dụng lương huyết, thanh nhiệt, chỉ huyết, giải độc. Chữa các bệnh: trĩ các loại, ho ra máu, đái ra máu, xuất huyết tiêu hóa, băng huyết, tăng huyết áp.
Quả Hòe: vị đắng, tính hàn vào kinh can. Có tác dụng gần như nụ Hòe nhưng có thể gây sẩy thai (tránh dùng cho phụ nữ có thai).
Một số bài thuốc
Chữa huyết áp, đau mắt
Nụ Hòe 10g
Lá Sen 10g
Cúc hoa 4g
Sắc uống hàng ngày.
Chữa huyết áp cao, đau đầu choáng váng, đầu óc căng thẳng khó ngủ
Nụ Hòe (sao vàng), Thảo quyết minh(sao nâu sẫm), lượng như nhau, tán bột, mỗi lần uống 5g. Ngày 2 - 4 lần, có thể hãm uống thay trà.
Chữa các chứng rối loạn mạch máunhư xơ cứng động mạch gây tăng huyết áp, bệnh mạch do đái tháo đường, bệnh võng mạc, thiểu năng tuần hoàn não, chảy máu chân răng. Dùng nụ Hòe sao 10g hoặc quả Hòe khô (bỏ hạt) 20g, sắc nước uống hàng ngày.
Chữa thổ huyết, ho ra máu, đái ra máu hoặc chảy máu cam quá nhiều.
Nụ Hòe sao 70g
Cỏ mực khô 15g
Tán bột. Mỗi lần uống 6 - 8g với nước sắc rễ cỏ tranh.
Chữa sốt xuất huyết
Nụ Hòe sao 12g
Kim ngân hoa 12g
Cát căn 12g
Sinh địa 12g
Huyền sâm 12g
Cỏ mực 15g
Quả Dành Dành 15g
Sắc uống hàng ngày.
Chữa trĩ cấp: bài thuốc Hòe hoa tán.
Nguồn: Thuốc & sức khỏe, số 205 - 206 (1 & 15.2.2002), tr 18, 19