Cái cầu dải yếm mời mọc người ta
Cái cảm hứng ấy trong tiếp nhận đã khiến anh Nguyễn Đức Quyền phải viết bài “Ước gì sông rộng một gang” ( Nét đẹp thơ- Nxb Giáo dục 2001). Anh thấy “điều ước không tưởng ấy bộc lộ tình yêu mãnh liệt của cô gái”. Cái khát khao muốn thu ngắn khoảng cách “dồn không gian lại” để “bắc chiếc cầu kì lạ nhất trên đời này” là “cái cầu dải yếm”. Anh hơi lầm dải yếm – bốn cái dây vải đính vào yếm – với chính cái yếm có bề rộng che gần kín thân trước nhưng vẫn nói đúng về cái cần “bắc qua sông ước vọng từ trái tim đến trái tim”. Anh bình rằng đó là “chiếc cầu rực rỡ, lung linh, tân kì”. Với anh, cái lãng mạn ở cô gái cắt cỏ, trông dưa ven sông kia chắc sẽ còn làm những thiếu nữ của thế kỉ 21 “vẫn còn ngơ ngác”.
Nhưng đó cũng chỉ là một cách tiếp nhận. Bình tĩnh hơn một chút và tự đặt mình vào cái không gian thời gian và truyền thống đối đáp của ca dao xưa, ta có thể nghĩ khác.
Tất nhiên ta khó mà biết được rõ ràng và chính xác về chàng trai, cô gái đang là “đối ngôn” trong câu ca này với quan hệ của họ, với nội tâm của họ như Ngữ dụng học yêu cầu. Ta chỉ có thể đoán định về họ như cái lẽ thường dễ gặp. Đó là những chàng trai cô gái nông thôn xưa, thường biết nhau qua công việc làm ở ven sông, bên này và bên kia con sông không quá rộng. Thường do sức hút của giới tính, cũng có thể do vẻ ngoại hình dễ cảm, do cái nết làm ăn quan sát được, họ muốn bắt quen nhau, trêu đùa cợt ghẹo nhau.
Cũng thường thấy những lời đưa duyên ý nhị của các chàng trai được đáp lại ý nhị không kém:
Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa ?
Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.
Cũng có thể lời mời gọi lãng mạn của chàng trai:
Cô kia đứng ở bên sông
Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.
Nhưng cũng có khi là lời mời gọi trêu chọc:
Hỡi cô cắt cỏ ven sông
Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây...
Trong cái không gian văn hoá ấy, ca dao thường lưu giữ hình ảnh những cô gái hiền lành, ứng xử nhã nhặn. Nhưng cũng không thiếu những câu đối đáp cứng cỏi của các cô được ghi nhận như một sự cảnh tỉnh những anh con trai thô lỗ, thiếu tôn trọng con gái. Bốp chát như cô gái mắng lại trong câu trên. Cũng có thể nhẹ nhàng bóng gió:
Trên cây có quả chín mồi (muồi)
Anh trông mỏi mắt, anh chòi mỏi tay.
Lại có cả những lời khuyến khích hứa hẹn thật không dễ tin chút nào:
Anh chẻ tre bện sáo cho dày
Ngăn sông Trà Khúc tất có ngày gặp em.
Với hai câu ước rộng một gang để bắc cái cầu dải yếm mời mọc nàng, tôi nghĩ hơi khác anh Nguyễn Đức Quyền. Tôi nghiêng về suy đoán đây là lời trêu cợt, chế diễu hơi có phần chanh chua. Khó tin được đấy là lời mong ước chân thành. Cái việc ngả cành cho sang là việc thường gặp với những con sông, con ngòi không rộng. Có nói ngoa một chút là một lời mời chân thành, một lời mời đẹp tình đẹp nghĩa. Nhưng cái dải yếm thì không có được ý nghĩa đó. Đó những cái dải may bằng mấy lớp vải chập lại, chiều rộng có lẽ chỉ bằng nửa ngón tay. Đã thế nó rất ngắn chỉ chưa bằng nửa vòng cổ, và hơn nửa chiều ngang lưng. Mà thời xưa, trong ý thức người dân phương Đông, những đồ “tế nhuyễn” ấy không được khoe ra ngoài vì không thuộc loại.... ai xem cũng được. Cho nên đem cái cầu dải yếm mời gọi người ta là không tôn trọng người ta lắm đâu. Người được mời chắc chắn sẽ phải có phản ứng nhậy cảm về sự coi thường của người kia. Sự không chân thành trong việc bắc cái cầu dị thường còn ở cái lí do phải bắc nó. Con sông rộng có một gang thôi mà. Tất nhiên còn cần dựa vào cái tiền lệ, cái truyền thống đối đáp ca dao cùng với cái môi trường ca hát cụ thể nữa mới phát hiện đúng cái giọng điệu nói ngược trong câu này. Trong nói năng, cần phải căn cứ vào nhiều yếu tố quan hệ nữa mới xác định được điều kiện tâm lí của người nói. Những câu ca dao này, sự chân thành của cô gái là không có, cái kiêu kì rõ hơn.
Cũng phải nói thêm rằng nhiều khi những lời nói chua ngoa “có cánh” kia lại có thể là thứ mai mối cho những người mến nhau vì tài. Cái cầu dải yếm vẫn có thể đưa người ta đến với nhau khi người ta dám vượt qua thử thách! Và thật ra, nhiều khi biết liều cũng dễ thành công. Có điều ở trường hợp này thì cái gọi là liều có thể là dựa trên khả năng phán đoán tinh tế về bản chất người hát cũng như những biểu hiện tình cảm khi người ta hát. Mong là những chàng trai dám tin và dám đi trên cái cầu này sẽ gặp may mắn.
Nguồn : Ngôn ngữ - Đời sống, số 8/2006