Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 31/08/2010 19:12 (GMT+7)

Cách chọn trâu bò

1/ Chọn trâu bò cày kéo

Một con trâu (bò) cày kéo tốt là con vật phải trường mình, vạm vỡ, chân cao, đầu to vừa phải và hơi dài, mặt gân guốc, cổ mập và ngắn, tai rộng (tai lá mít), mắt ốc nhồi, u vai phát triển (đặc biệt là con đực). Ngực và vai nở nang, bụng tròn, phát triển cân đối (dạ bình vôi).

Ngoài ra phải chú ý đến tứ chi: Chân phải chắc, khoẻ để vừa có khả năng kéo và vừa có sức đẩy. Ống chân trước hơi dài và to. Móng gọn, khít và không doãng ra. Sau khi chọn theo ngoại hình xong, cần xem xét đến tính tình và thử khả năng làm việc trên đồng ruộng. Cần chọn những con hiền lành, biết nghe lời và làm việc có hiệu quả.

Trâu cày được chia làm 3 loại: Loại A (loại đặc biệt), loại B (loại tốt), loại C (trung bình).

- Trâu loại A: là những con từ 3 đến 8 tuổi. Ở giai đoạn thay răng nặng khoảng 350 kg trở lên. Cơ thể béo tốt, nở nang cân đối giữa các bộ phận. Không có bệnh tật và dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến khả năng kéo cày. Nhanh nhẹn, thuần tính, dễ điều khiển và huấn luyện.

Trong một ngày có khả năng cày ruộng ải được 1260 – 1440 m2, cày dầm được 1620 – 1800m2.

- Trâu loại B: có khối lượng cơ thể thấp hơn so với trâu loại đặc biệt; cụ thể là khi thay 2 răng đạt khối lượng cơ thể từ 280 kg trở lên. Đi sâu vào từng phần thì có kém hơn loại đặc biệt, ví dụ khả năng kéo cày: cày ải từ 900 – 1080 m2, cày dầm 1260 – 1400m2.

- Trâu loại C: cũng là những con béo khoẻ. Khi thay 2 răng phải có khối lượng từ 260 kg trở lên và khi thay đủ 8 răng nặng trên 350 kg. Trong 3 phần: đầu, mình, chân thì phần mình và chân phải tương đương với loại tốt, còn phần đầu và khối lượng cơ thể có kém hơn.

Ví dụ: trán hơi lép, sừng không cân đối với đầu, mí mắt dày, răng hơi vàng, cổ hơi dẹp, đuôi hơi ngắn, chiều cao không cân đối với chiều dài. Chân có móng to, kém dày. Khả năng cày ải một ngày 540 – 720m2; cày dầm: 900 – 1080 m2.

2/ Chọn trâu bò nuôi lấy thịt

Khi chọn trâu bò nuôi lấy thịt cần dựa vào ngoại hình, hình dạng cơ thể, phải chú ý đến khả năng lợi dụng thức ăn, khả năng tăng trọng, vỗ béo cũng như tỷ lệ thịt và cả phẩm chất thịt.

Việc lựa chọn theo ngoại hình, hình dạng cơ thể rất quan trọng. Bởi vì những con có cơ bắp phát triển, tầm vóc cân đối, mập mạp có khả năng sản xuất thịt cao. Những giống bò thịt chuyên dụng thường có hình khối hộp chữ nhật với chiều dài thân mình gần gấp đôi chiều rộng. Bộ xương kết cấu không thô. Đầu nhỏ, ngắn và rộng. Chân ngắn, đùi rộng và mập. Các cơ bắp của vai, mông, đùi phát triển. Ngực nở và có ức xệ xuống.

Trâu bò thịt phải có khả năng lợi dụng tốt thức ăn, có khả năng tăng trọng, tích luỹ mỡ cao trong thời điểm vỗ béo. Tỷ lệ thịt cao cũng là một chỉ tiêu quan trọng, bởi vì nó là một trong những yếu tố quyết định đến năng suất và hiệu quả chăn nuôi lấy thịt.

Bê nuôi thịt phải đạt những chỉ tiêu sau đây:

- Có khối lượng sơ sinh lớn, tốc độ tăng trọng nhanh nhưng phát dục chậm.

- Bộ xương của bê có khối lượng trung bình.

- Các cơ bắp nổi rõ, khít nhau và có độ dài.

3/ Chọn bò nuôi lấy sữa

Bò sữa tốt là loại có “cơ thể hình nêm”, thân sau phát triển hơn thân trước, đầu thanh nhẹ, mồm to, mũi to, cổ dài vừa phải, sườn nở, ngực sâu, hông rộng. Các đầu xương nhìn rõ. Vai, lưng và hông không võng và rộng dần về phía xương chậu, mông phẳng, rộng và dài. Bốn chân khoẻ, chân sau thấp hơn chân trước, không chụm khoeo. Bầu vú cân đối, phát triển nhưng không bị chảy, bốn núm vú dài, to vừa phải và đều đặn. Tĩnh mạch vú to và dài, có nhiều nếp gấp khúc. Sau khi vắt sữa, sờ vào vú thấy mềm mại, chứng tỏ vú thuộc dạng Tuyến”, các nang tuyến phát triển chứ không phải dạng “thịt”, nhiều mô liên kết (khi sờ vào thấy rắn).

Tính tình và khả năng vắt sữa của con bò cũng rất quan trọng. Nên chọn những con bò hiền lành, dễ gần. Đối với những con bò đã đẻ, ngoài tính tình hiền lành ra, cần chú ý chọn những con dễ vắt sữa, sữa xuống nhanh.

Tuy nhiên, trong quá trình chọn lựa bò nuôi lấy sữa, chúng ta phải cân nhắc giữa các chỉ tiêu. Có thể có những con bò có khối lượng cơ thể thấp, ngoại hình không đẹp lắm, nhưng sản lượng sữa cao thì cũng nên chọn. Ngược lại, có những con bò có ngoại hình đẹp, nhưng ít sữa hoặc tính tình dữ dằn thì cũng không nên lựa chọn…

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...