Các tổ chức thuộc VUSTA rất có uy tín trong bảo tồn Đa dạng sinh học
Hội thảo đã khẳng định vai trò và thành tựu của các tổ chức xã hội trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và ngăn chặn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã tại Việt Nam.
Trong hai ngày 29 - 30/9/2022, Liên hiệp các Hội và Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (CNREC), Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp tổ chức chuỗi Hội thảo về nhận diện vai trò và tăng cường năng lực vận động chính sách ngăn chặn buôn bán trái phép động vặt hoang dã cho các tổ chức bảo tồn của Việt Nam.
Việt Nam là một trong 25 nước có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao nhất thế giới với khoảng 3.000 loài cá, hơn 1.000 loài chim và hơn 300 loài thú. Tuy nhiên, tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật, thực vật hoang dã hiện nay đã và đang là những mối đe dọa chính dẫn tới gia tăng tốc độ tuyệt chủng của nhiều loài động vật hoang dã (ĐVHD), làm suy thoái sinh cảnh tự nhiên, gây mất đa dạng sinh học; tiềm ẩn những tác động tiêu cực môi trường sống và sức khoẻ của con người và tạo ra áp lực lớn cho công tác bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam trong suốt 30 năm qua.
Ý thức được tầm quan trọng của việc cần phải bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm phục vụ cho phát triển kinh tế -xã hội, bảo vệ môi trường bảo đảm phát triển bền vững đất nước, Thủ tưởng Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để tăng cường quản lý hiệu quả công tác này.
Trước bối cảnh chung về tình trạng ĐDSH đang bị suy thoái với tốc độ cao, tình trạng buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã gia tăng, ngoài sự nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp, vai trò của các tổ chức đoàn thể nhân dân, các tổ chức phi chính phủ là hết sức quan trong để bảo vệ các loài động vật hoang dã, quý, hiếm, góp phần bảo tồn thiên nhiên Việt Nam.
Trong báo cáo trình bày tại Hội thảo, ông Trần Xuân Việt, Phó Trưởng ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của VUSTA cho biết: “Một số tổ chức trực thuộc VUSTA rất có uy tín trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH, bảo tồn động thực vật hoang dã và được các đối tác quốc tế rất quan tâm, hỗ trợ như Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt (VietNature), Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature), Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên GAIA, Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE), Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (SVW), Trung tâm CCD, Trung tâm CEGORN…”
Kết quả đạt được của các tổ chức KH&CN trực thuộc VUSTA nói chung và các tổ chức KH&CN hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH là rất to lớn, góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động bảo tồn ĐDSH. Hoạt động của các tổ chức này đã hưởng ứng rất tích cực, lan tỏa các thông điệp của các tổ chức quốc tế như IUCN, WWF…hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH; giúp Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT thực hiện tốt hơn các chức năng quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực chuyên ngành về bảo tồn đa dạng sinh học; các mô hình, thực địa, truyền thông đem lại những tác động lan tỏa, có hiệu quả rất to lớn cho các nhà quản lý, cộng đồng dân cư sinh sống quanh các khu bảo tồn thiên nhiên. Sự thành công của các tổ chức này trong hoạt động bảo tồn ĐDSH giúp minh chứng tính đúng đắn của chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực KH&CN, BVMT, bảo tồn ĐDSH, chăm sóc sức khỏe cộng động, GD-ĐT, phát triển bền vững…mà các tổ chức trực thuộc VUSTA đã và đang thực hiện.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong thời gian qua, các tổ chức NGO của Việt Nam và quốc tế hoạt động trong lĩnh bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã đã rất tích cực và chủ động trong việc phát hiện, báo cáo, kiến nghị về các vấn đề môi trường nói chung và công tác bảo đa dạng sinh học và ngăn chặn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp nói riêng cho các cấp xem xét, ban hành các chính sách để tăng cường quản lý hiệu quả công tác này.
Hội thảo đã khẳng định vai trò và thành tựu của các tổ chức xã hội trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và ngăn chặn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã tại Việt Nam và đề ra các giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tổ chức xã hội cho việc hoàn thiện các chính sách về bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam.