Bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh bền vững
Hội Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam được thành lập từ năm 2000, đến nay đã trải qua một chặng đường hoạt động mang đậm dấu ấn tích cực, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh của đất nước.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Chủ tịch Hội Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, trong những năm qua, kể từ khi thành lập đến nay, bối cảnh chung của thế giới đã có những tác động sâu sắc đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội và đặc biệt là môi trường ở Việt Nam. Biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên đáng báo động trong khi kinh tế thế giới bị khủng hoảng càng làm cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh và bền vững đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.
PGS.TS Trương Mạnh Tiến – Chủ tịch Hội Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam
Những nỗ lực xây dựng một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững của Việt Nam mới bắt đầu được thực hiện trên cơ sở, định hướng của Hội nghị Thượng đỉnh Rio+20. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định cần chú trọng đẩy mạnh kinh tế tri thức, hình thành và phát triển nền kinh tế xanh và tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện trong nhiệm kỳ đại hội lần thứ XII của Đảng. Chính phủ đã ban hành những quyết định quan trọng về Chương trình hành động để triển khai. Thực hiện những chủ trương, định hướng này, Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có những hoạt động triển khai ngay sau đó và đạt được các kết quả tích cực, ngày càng khẳng định vị thế, uy tín của Hội trong Liên Hiệp hội Việt Nam, cộng đồng nhà khoa học, nhà quản lý và các tổ chức trong, ngoài nước.
Công tác phát triển Hội viên của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cũng đạt được những kết quả đáng tự hào, tăng trưởng về số lượng với hơn 500 hội viên, hoạt động được mở rộng về tại các vùng miền trong cả nước, quy tụ sự tham gia của nhiều tập thể và cá nhân, nhất là lực lượng các doanh nghiệp, doanh nhân. Đội ngũ này luôn nhiệt tình, sẵn sàng làm tốt những nhiệm vụ được Hội giao với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nhiệt huyết và cùng quyết tâm hoàn thành sứ mệnh bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xanh, bền vững của Việt Nam.
PGS Tiến cho hay, để tiếp tục phát triển hơn nữa, chúng tôi tập trung tập hợp lực lượng hội viên, phát triển mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, doanh nhân quan tâm đến lĩnh vực môi trường song hành với phát triển kinh tế. Chúng tôi đặc biệt khuyến khích sự tham gia của những hội viên có thế mạnh về đánh giá tác động môi trường, tư vấn cho địa phương liên quan đến các vấn đề quy hoạch của tỉnh, ngành và những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững.
Ngoài ra, các chuyên gia, luật sư có chuyên môn, nghiệp vụ cao hoạt động trong TW Hội cũng sẵn sàng tư vấn những vấn đề liên quan đến pháp luật hiện hành, các điều khoản luật, quy định của Nhà nước, đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường khi doanh nghiệp cần sự trợ giúp. Chẳng hạn khi họ đầu tư vào một lĩnh vực, công nghệ mới thì cần phải lưu ý những gì về mặt pháp lý,…
Rất mừng là hiện nay Luật Tiếp cận thông tin được ban hành có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy dân chủ, tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần bảo đảm bình đẳng, công bằng trong xã hội, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thông tin của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước. Đây cũng là mong muốn của TW Hội từ lâu để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định và phát triển lâu dài.
Về hoạt động tư vấn, khoa học và công nghệ, có thể nói đây là hoạt động hết sức được quan tâm trong, chúng tôi đã hoàn thành và chuyển giao công nghệ lò đốt rác thải sinh hoạt quy mô nhỏ cấp huyện tại Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Nhà máy được đánh giá tốt, đạt yêu cầu, các chất thải thứ sinh về khói bụi,… Các địa phương khác biết đến hệ thống xử lý này cũng ngỏ ý muốn Trung tâm về giúp họ để có cách xử lý phù hợp với quy mô. Chúng tôi rất sẵn sàng, đặc biệt rất ưu tiên cho các vùng biên giới và hải đảo xa xôi.
Trong những năm qua, TW Hội đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về những chiến lược và giải pháp khai thác khoáng sản bauxite, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Nhôm tại Tây Nguyên nhằm đóng góp ý kiến cho công tác xây dựng và hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng khoá XIII về kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở các thử nghiệm, phân tích và đánh giá nhiều lần, các nhà khoa học của TW Hội đã đưa ra phác thảo Quy trình khai thác và chế biến bền vững đối với quặng bauxite Tây Nguyên. Với trữ lượng khoáng sản bauxite lớn như đã nói trên và quy trình công nghệ đã được thử nghiệm thành công tại hai nhà máy alumin Tân Rai, Lâm Đồng và Nhân Cơ, Đắk Nông; Chúng ta cần hoàn thiện quy mô khai thác và chế biến bauxite một cách hiệu quả, khai thác đi đôi với bảo vệ môi trường. Đây chính là thời điểm để nắm lấy cơ hội vàng góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Với tiềm năng và lợi thế rất lớn từ bauxite Tây Nguyên, TW Hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo các Bộ ngành chức năng tiến hành nghiên cứu, thảo luận về vấn đề này. TW Hội sẵn sàng tham gia đóng góp những ý kiến chuyên môn và công trình nghiên cứu khoa học của Hội để xây dựng quy trình khai thác, chế biến bauxite, phát triển ngành công nghiệp nhôm tại Tây Nguyên.
Và để phát triển hơn nữa trong những năm tiếp theo, TW Hội tập trung vào những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể như tiếp tục củng cố và điều chỉnh tổ chức và hoạt động cho phù hợp với sự phát triển trong thời kỳ đổi mới mạnh mẽ, sâu rộng, tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế. Tăng cường năng lực tư vấn, phản biện và giám định xã hội về chuyên sâu trong lĩnh vực môi trường, tạo điều kiện nâng cao vị thế của Hội.
Đẩy mạnh công tác giáo dục, thông tin, tuyền truyền nâng cao nhận thức cộng đồng. Nâng cao chất lượng tạp chí, ấn phẩm, tạp chí điện tử kinhtemoitruong.vn và kinhtexanh.vn. Đặc biệt với vai trò của mình, TW Hội cần tiếp tục nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường; hình thành và phát huy vai trò của Viện/Trung tâm khoa học pháp lý và ứng dụng công nghệ bảo vệ môi trường…
HT