Bảo tồn đa dạng sinh học biển trong hội nhập quốc tế
Hiện nay, biển Việt Nam ghi nhận được hơn 20 kiểu hệ sinh thái khác nhau, với một số hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái cửa sông ven biển; hệ sinh thái bãi bồi, vùng triều; hệ sinh thái rừng ngập mặn; hệ sinh thái rạn san hô... Ths Hoàng Ðình Chiều, Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với một số yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển và bảo tồn ÐDSH biển do các hoạt động khai thác quá mức làm phá vỡ các sinh cảnh biển như việc sử dụng lưới kéo đáy, sử dụng mìn đánh bắt hải sản phá vỡ rạn san hô, khiến cho nhiều loài sinh vật không có nơi cư trú, từ đó làm giảm sút ÐDSH hệ sinh thái rạn san hô. Việc chuyển đổi đất rừng và các vùng đất ngập nước thành đất canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, quá trình đô thị hóa và phát triển cơ sở hạ tầng dẫn đến việc mất hay phá vỡ các hệ sinh thái, nơi cư trú và các sinh cảnh tự nhiên. Bên cạnh đó, sự ô nhiễm môi trường ở nước ta đang xuống cấp tại các cửa sông ven biển do rác thải. Ðây là nguyên nhân chính gây chết, làm giảm cá thể, cũng như gián tiếp hủy hoại nơi cư trú và môi trường sống của các loài sinh vật hoang dã ở các khu vực này...
Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay có 48 loài động vật thủy sinh lạ xâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, có 10 loài được đánh giá là không có tác động xấu tới ÐDSH biển và nghề nuôi trồng thủy sản truyền thống được xếp vào mục "trắng". 24 loài chưa rõ có hay không có tác động xấu đến ÐDSH biển và nghề nuôi trồng thủy sản truyền thống nhưng cần phải tiếp tục theo dõi và được xếp vào mục "xám". Ðáng lo ngại, có 14 loài có tác động xấu tới ÐDSH biển và nuôi trồng thủy sản truyền thống, cần quản lý chặt chẽ ở các cơ sở nuôi và tiêu diệt ở các vực nước tự nhiên được xếp vào mục "đen"... Theo kịch bản của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), vào cuối thế kỷ 21 nếu nước biển dâng từ 75 cm đến 1 m thì có khoảng 20 đến 38% số diện tích đồng bằng sông Cửu Long và 11% số diện tích đồng bằng sông Hồng bị ngập. Cũng kịch bản này, sẽ có 78 sinh cảnh tự nhiên quan trọng (chiếm 27%), 46 khu bảo tồn (chiếm 33%), chín khu ÐDSH có tầm quan trọng bảo tồn quốc gia và quốc tế (chiếm 23%) và 23 khu có ÐDSH quan trọng khác (chiếm 21%) ở Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ths Hoàng Ðình Chiều cho rằng: Ðể khắc phục những yếu tố ảnh hưởng nêu trên việc xây dựng thương hiệu ÐDSH biển cần chú trọng xây dựng các thương hiệu cho các loài đặc hữu và các kỳ quan sinh thái của Việt Nam nhằm khai thác tiềm năng này phục vụ cho việc phát triển kinh tế biển, hải đảo trong tương lai. Hiện nay, do ÐDSH biển Việt Nam đang bị suy giảm nhanh chóng, cho nên việc xây dựng thương hiệu ÐDSH biển cần phải gắn liền với công tác bảo tồn ÐDSH biển, bằng cách nhanh chóng đưa các khu bảo tồn biển đi vào hoạt động một cách có hiệu quả. Tiến hành các chương trình giáo dục cộng đồng, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và từng bước đưa các môn học về ÐDSH vào các trường học ở mọi cấp, cũng như triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững từ ÐDSH, với sự tham gia đầy đủ và có trách nhiệm của các doanh nghiệp, cộng đồng trong khai thác và bảo vệ môi trường biển...
Thực hiện nghiêm túc Luật ÐDSH, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện việc bảo tồn ÐDSH biển Việt Nam, do vậy các cơ quan chức năng liên quan cần phải kiểm soát nghiêm ngặt việc thực hiện luật, đồng thời tuyên truyền, vận động toàn bộ cộng đồng ngư dân ven biển, trên đảo cùng nhau thực hiện luật. Ðẩy mạnh thông tin, quảng bá về ÐDSH biển, gắn liền với việc mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia trên thế giới cùng nhau thực hiện bảo tồn ÐDSH. Tăng cường hợp tác với các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực ÐDSH như Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên... để cùng nghiên cứu, bảo tồn và phát triển thương hiệu ÐDSH biển cho Việt Nam.