Báo động tình trạng ô nhiễm ở làng tranh Đông Hồ
Hàng mã lấn tranh cổ
Đông Hồ có truyền thống làm tranh từ bao đời nay. Nhưng cùng với thời gian, tranh Đông Hồ đang dần bị mai một... Hiện, chỉ còn vài hộ giữ được nghề.
Về Đông Hồ bây giờ đâu đâu cũng thấy đồ làm hàng mã, từ mũ, áo, cân đai đến hình nhân. Vào thời điểm chuẩn bị cho mùa lễ, Tết, cả làng như một công xưởng lớn. Nắm được nhu cầu thị trường, nhiều gia đình ở Song Hồ vì chạy theo lợi nhuận, từ bỏ nghề truyền thống để chuyển sang đầu tư cơ sở sản xuất hàng mã với số lượng lớn. Đến nay, toàn xã có hơn 80% số hộ làm nghề sản xuất hàng mã.
Cuộc sống tuy có khá giả hơn nhưng hệ lụy mà nghề này mang lại là tình trạng ô nhiễm môi trường. Hàng mã là loại hàng hoá đặc biệt, được tạo nên bằng giấy có nhiều màu sắc khác nhau. Khi sản xuất, người ta phải mua bột phẩm màu về pha, quệt lên những tấm giấy to bản rồi đem phơi. Phẩm màu còn thừa và cặn bã, bà con vô tư đổ ra cống hoặc rãnh thoát nước khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng...
Vẫn chưa có hướng giải quyết
Song Hồ bây giờ không còn là làng quê yên bình với những bức tranh Đông Hồ “sáng bừng trên giấy điệp” bởi tình trạng ô nhiễm. Trong những bức tranh được du khách mua về còn ẩn chứa nhiều nỗi niềm day dứt: rác ở đây quá nhiều, nguồn nước bị ô nhiễm, không khí không còn trong lành. Lượng phẩm màu từ các hộ làm nghề đổ trực tiếp ra môi trường mà không có biện pháp xử lý khiến kênh mương, ao hồ, thậm chí cả diện tích đất trồng trọt đang biến thành màu đỏ của phẩm, rác thải vương vãi khắp nơi.
Tình trạng trên khiến không ít du khách phàn nàn. Mùi hôi thối bốc lên ở khắp nơi, nguy hiểm hơn, tất cả hoá chất độc hại cũng theo đó mà chảy trực tiếp ra ruộng đồng, khiến hoa màu, cây trái đều bị nhiễm hoá chất, đe doạ tới sức khoẻ người dân. ông Hoàng Anh, du khách đến từ Hà Nội lắc đầu ngán ngẩm chỉ cho chúng tôi xem con kênh đỏ ối do hoá chất và tâm sự: “Đến thăm làng tranh Đông Hồ, ngoài nỗi buồn vì bây giờ làng tranh biến thành làng nghề vàng mã, còn buồn hơn khi phải chứng kiến cảnh ô nhiễm ở nơi đây”.
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng trên, ông Nguyễn Như Điều, Chủ tịch UBND xã Song Hồ cho biết: “Chính quyền xã đã nhiều lần tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường nhưng nhiều hộ vẫn làm ngơ. Nhưng xã cũng không thể xử lý vì họ tranh thủ đổ nước thải vào buổi tối hay khi đội tuần tra đi khỏi. Hơn nữa, vẫn chưa có chế tài xử lý nên không thể xử phạt”.
Thiết nghĩ, tranh Đông Hồ là sản phẩm văn hoá độc đáo của dân tộc, bên cạnh chính sách phục hồi và phát triển làng tranh cổ, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần có biện pháp bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất cố tình vi phạm,...
Đồng thời, việc cải tạo, nạo vét kênh mương cũng cần được phát động thường xuyên để tránh tình trạng hoá chất tràn xuống, ngấm vào mạch nước ngầm. Như vậy, sẽ vừa đảm bảo cảnh quan cho làng tranh, vừa cải thiện môi trường sinh thái.