Yên Bái: Hội Đông Y tỉnh sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023
Chiều ngày 25/7, Hội Đông Y tỉnh tổ chức sơ kết hoạt động công tác hội 6 tháng đầu năm 2023, tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 24 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa 10 về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông Y Việt Nam trong tình hình mới.
Quang cảnh Hội nghị
Thực hiện Chỉ thị số 24 ngày 04 tháng 7 năm 2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, 15 năm qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Yên Bái đã cụ thể hóa các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thành những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đồng thời đưa các chỉ tiêu cụ thể về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, trong đó có Đông y vào trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng đơn vị, địa phương.
Với nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển cây dược liệu, hiện diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh là gần 4.000 ha (chưa tính diện tích Sơn Tra và Quế); sản lượng đạt trên 10.600 tấn. Toàn tỉnh có khoảng 630 loài cây dược liệu, được phân thành 11 nhóm thuốc chữa bệnh, trong đó có các loại cây dược liệu quý, có giá trị.
Phát huy vai trò của y, dược cổ truyền trong khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn, nhiều bệnh lý được điều trị hiệu quả tại các bệnh viện như: bệnh đau khớp, dị ứng, hen phế quản, thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp, viêm khớp, bệnh lý thần kinh… nhiều dịch vụ kỹ thuật mới, kỹ thuật cao được triển khai như: cấy chỉ, điện nhĩ châm, hỏa long cứu, laser châm, mãng châm...
Nhờ đẩy mạnh các giải pháp phát huy vai trò của y, dược cổ truyền nên tổng số khám và điều trị bằng Đông y, giai đoạn 2018-2023 tuyến tỉnh đạt 427.000 lượt, tuyến huyện đạt 360.000 lượt, tuyến xã đạt 714.000 lượt.
Đóng vai trò nòng cốt trong thực hiện Chỉ thị 24 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội Đông y tỉnh Yên Bái đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay Hội có 128 chi hội với 1.459 hội viên.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hội Đông Y tỉnh đã tổ chức 1 lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn kết hợp Y học cổ truyển với Y học hiện đại trong chẩn đoán và điều trị các bệnh Cơ-Xương-Khớp; 4 hội thảo với chủ đề về “Bảo tồn và phát triển cây dược liệu góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương”. Cũng trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh trồng mới và tu bổ được 547 vườn thuốc nam, số hộ gia đình trồng cây thuốc nam tại cộng đồng khoảng 4.500 hộ. Tổng số lượt khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền trong toàn tỉnh là trên 105.500 lượt.
Trong thời gian tới, Hội Đông Y tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động từ tỉnh đến xã và chất lượng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền trong tổ chức Hội; hướng dẫn hội viên có bài thuốc gia truyền điều trị hiệu quả làm thủ tục đăng ký đề nghị Sở Y tế cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền; phối hợp với các cơ quan, đoàn thể vận động nhân dân, hội viên tham gia trồng cây thuốc nam và bảo tồn nguồn dược liệu, tạo sinh kế bền vững cho nhân dân; đồng thời, tổ chức nghiên cứu điều tra, khảo sát cây thuốc, bài thuốc kinh nghiệm, lựa chọn những cây thuốc có giá trị để trồng trên địa bàn tỉnh.