Xác định lại vị trí địa kinh tế của Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng và hàm ý cho Việt Nam
1 .Một số nhân tố tác động lên vị trí địa kinh tế của GMS
a) Thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội của các nước thành viên GMS
Kể từ thời điểm kết thúc chiến tranh Lạnh, các nước trong Tiểu vùng đã rất tích cực thực hiện việc đổi mới nền kinh tế theo hướng thị trường và mở cửa. Nhờ đó, họ đã đạt được những thành tựu nhất định. Đặc trưng đầu tiên của nhóm nước này là tất cả các nước thành viên đều đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với mức trung bình của thế giới trong thời gian dài. Vì thế, thu nhập của người dân đã được cải thiện đáng kể. GDP đầu người tính theo giá USD hiện hành giai đoạn 1995 -2007 của Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần, lên mức 2370 USD, của Cămpuchia - cũng tăng hơn gấp đôi, lên mức trên 550 USD, của Lào - tăng khoảng 80%, lên mức 630 USD, của Thái Lan - tăng khoảng 20%, lên mức 3400 USD và của Việt Nam - tăng gấp gần 3 lần, lên mức 770 USD. Đây chính là nền tảng để cải thiện mức sống của người dân. Số liệu thống kê cũng cho thấy chỉ số phát triển con người (HDI) của các nước GMS trong thời gian trên cũng được cải thiện đáng kể. Trong giai đoạn 1995 - 2006, HDI của Trung Quốc tăng từ 0,655 lên 0,762, đứng thứ 94 trong 179 nước được xếp hạng trên thế giới, của Cămpuchia - từ 0,511 lên 0,575 và đứng thứ 136, của Lào - từ 0,516 lên 0,608 và đứng thứ 133 , của Thái Lan - từ 0,721 lên 0,768 và đứng thứ 81 và của Việt Nam - từ 0,645 tên 0,718 và đứng thứ 114. Thực tế đó khẳng định thành công của quá trình cải cách kinh tế của các nước này. Nhờ đó, làm tăng tính hấp dẫn của họ đối với các nước bên ngoài.
b) Điều kiệntự nhiên, xã hội của các nước thành viên GMS
Các nước GMS được nổi tiếng một phần nhờ sở hữu một vị trí địa lý khá đặc biệt trong khu vực và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Trong ASEAN, vị trí của 5 thành viên GMS chiếm phần lớn phần lục địa của khối. Khi hoạt động trong cơ chế ASEAN +3 và quan hệ của ASEAN với các nước đối thoại được phát triển, thì GMS là đối tượng để các nước đối tác hướng tới theo nghĩa đây là một vùng đất còn nhiều hoang sơ chưa được khai thác, chưa được phát triển và là thị trường rộng lớn. Trong chiến lược đối ngoại của các nước lớn trong khu vực, cụ thể là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, thì GMS cũng giữ vị trí khá quan trọng. Đối với Trung Quốc, GMS giữ vị trí là cầu nối, để nước này vươn xa hơn sang các khu vực khác, cụ thể là sang các nước ASEAN hải đảo, nhằm cạnh tranh với vai trò đầu tàu của Nhật Bản ở Đông Nam Á. Đối với Nhật Bản, đó là sự bá chủ ở Đông Á. Còn đối với Hàn Quốc, tài nguyên thiên nhiên và thị trường GMS mang ý nghĩa quan trọng hơn.
Sông Mê Công là con sông lớn thứ 5 trên thế giới. Lưu vực của nó trải dài qua lãnh thổ 6 nước Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, với chiều dài 4.800km, diện tích 795.000 km 2và 6 vùng địa lý với các đặc điểm cao độ, địa hình và thảm phủ khác nhau. Nguồn tài nguyên quan trọng và dồi dào nhất của lưu vực Mê Công là nước và đa dạng sinh học. Sự đa dạng sinh học của các loài động, thực vật của lưu vực Mê Công chỉ xếp sau lưu vực Amazon ở Nam Mỹ. Dòng chảy của sông Mê Công rất dồi dào nuôi dưỡng vùng đất ngập nước và rừng rộng lớn, vận chuyển và cung cấp vật liệu xây dựng, thuốc và lượng thực và là môi trường sinh sống cho hàng ngàn loài động thực vật, lưu vực sông Mê Công là một trong những vùng có sản lượng cá nước ngọt lớn nhất trên thế giới. Trong lưu vực có trên 1300 loại cá sinh sống và chế độ dòng chảy dao động theo mùa đã cung cấp môi trường và thức ăn cho các loài động vật thuỷ sinh của lưu vực. Nguồn nước trên sông Mê Công tạo cơ hội lớn cho các nước trong lưu vực phát triển thuỷ điện, thương mại và giao thông vận tải đường sông. Đây cũng là những ngành kinh tế chủ yếu của các nước trong lưu vực. Bên cạnh đó, trong lưu vực Mê Công có nhiều khoáng sản như thiếc, đồng, quặng sắt, khí ga tự nhiên, kali carbonat và đá quí.
Lưu vực sông Mê Công là quê hương của hàng trăm dân tộc khác nhau sinh sống làm thành một trong những vùng đa dạng văn hoá nhất trên thế giới. Đa số dân cư trong lưu vực là nông dân và ngư dân và đều sống ở mức nghèo.
Những điều kiện xã hội ở các nước GMS đã và đang được cải thiện đáng kể. Trong thời gian qua, nhìn chung, các nước GMS đều có mức tăng dân số tự nhiên khá cao. Trong giai đoạn 1995-2008, dân số Cămpuchia tăng từ 10,5 triệu lên 14 triệu người, của Lào - từ 4,6 lên 6,0 triệu người, của Myanmar - từ 44,7 lên 58,8 triệu người, của Thái Lan - từ 59,4 lên 66,5 triệu người, còn của Việt Nam - từ 72,0 lên 86,2 triệu người, hơn thế nữa, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (từ 14-64 tuổi) khá cao - dao động trong khoảng từ 60-70%, tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động cũng khá cao và tỷ lệ thất nghiệp nhìn chung là rất thấp (2-3%). Một số chỉ tiêu xã hội khác, như tỷ lệ học sinh đến trường, tỷ lệ người dân biết đọc, biết viết, tỷ lệ học sinh tiểu học, học sinh trung học trên đầu giáo viên đều có xu hướng tăng lên. Thực tế này cho thấy các nước GMS đang sở hữu một lực lượng lao động khá dồi dào, trẻ và ham học hỏi, nâng cao trình độ, kiến thức. Đây là một trong những lợi thế của các nước trong tiểu vùng.
c) Sự lớn mạnh của Trung Quốc
Đã nhiều năm nay, các nhà nghiên cứu cũng như các nhà hoạch định chính sách trên thế giới đều luôn bàn luận về sự lớn mạnh của Trung Quốc. Xét về nhiều khía cạnh, sự lớn mạnh của Trung Quốc đã và đang tạo nên những hiệu ứng tích cực cho nhiều nền kinh tế và cho toàn bộ nền kinh tế thế giới nói chung. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng sự lớn mạnh đó đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cho các nước trong khu vực và trên thế giới. Vậy hiện tượng này tác động như thế nào lên các nước GMS?
Xét dưới góc độ hợp tác và liên kết kinh tế quốc tế có hai vấn đề cần lưu ý khi bàn về sự lớn mạnh của Trung Quốc. Thứ nhất ,do quan hệ thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc với các nước Đông Á nói chung và GMS nói riêng được phát triển với tốc độ cao, nên sự phụ thuộc lẫn nhau giữa họ ngày càng lớn. Từ đó, sự ổn định hay bất ổn ở Trung Quốc đều lan tỏa sang các nước tiểu vùng. Thứ hai, là sự chuyển hướng tăng cường liên kết kinh tế khu vực của Trung Quốc từ đầu thế kỷ XXI thông qua sự tham gia vào các hoạt động của ASEAN và việc ký kết Hiệp định khung về Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (CAFTA). Từ thời điểm này, đối với các nước ASEAN, Trung Quốc đã được chuyển từ "mối đe dọa" thành "cơ hội lớn" cho phát triển. Thế nhưng, nhìn từ góc độ động thái địa chính trị của Trung Quốc, chúng ta không thể phủ nhận rằng nước này đang muốn mở rộng ảnh hưởng của mình trong khu vực, tạo đối trọng với Nhật Bản trong cuộc cạnh tranh gay gắt giành vị trí lãnh đạo quá trình liên kết kinh tế ở Đông Á.
Để đạt được mục đích trên, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra chiến lược đối ngoại mới - chiến lược "một trục, hai cánh". Các nước GMS đã được chọn là một cánh trên đất liền trong chiến lược này của Trung Quốc. Trên cơ sở đó, Trung Quốc đã quyết định tăng cường tham gia các hoạt động hợp tác trong GMS với tư cách là một quốc gia, chứ không chỉ bao gồm hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây như trước đây. Một thực tiễn dễ nhận thấy là khi tham gia vào hoạt động của GMS, với tư cách là nước phát triển hơn, Trung Quốc không chỉ được lợi từ các nước láng giềng cơ hội mở rộng thị trường, gia tăng đầu tư, mà còn có cơ hội từ hoạt động di chuyển lao động trong tiểu vùng. Về phía mình, các nước GMS kém phát triển hơn như Lào, Cămpuchia và Myanmar, sẽ có thêm cơ hội phát triển nhờ gia tăng trao đổi thương mại, đầu tư và nguồn vốn ODA từ Trung Quốc, còn đối với các nước phát triển hơn như Thái Lan và Việt Nam - bên cạnh các cơ hội như các nước ở nhóm 1, còn là sự cộng tác trong cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn tại thị trường nội địa và thị trường nước thứ 3. Một nhân tố không kém phần quan trọng mà các nước GMS đang hấp dẫn Trung Quốc là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú ở đây. Để đáp ứng nhu cầu về nguyên, nhiên liệu cho sản xuất trong nước, chính phủ Trung Quốc đã tăng cường đầu tư khai thác các hàng hóa này trên khắp thế giới, mà GMS chỉ là một trong những địa điểm đáng được quan tâm của họ.
d) T iến trình liên kết kinh tế ASEAN và Đông Á đang được tăng cường
Những thay đổi của Hợp tác ASEAN đã tác động tích cực đến cục diện chính trị và kinh tế của khu vực. Dưới góc độ một cộng đồng của khu vực, các nước ASEAN thể hiện quyết tâm củng cố và thúc đẩy tiến trình liên kết khu vực nhanh chóng hơn nhằm tạo dựng lại hình ảnh là một khu vực kinh tế năng động, môi trường kinh doanh hấp dẫn và đoàn kết, hướng tới sự phồn thịnh của cả khu vực.
Năm 2010, kế hoạch hình thành AFTA sẽ có hiệu lực tại tất cả các nước thành viên. Mặc dù vẫn còn có những ý kiến khác nhau trong việc đánh giá hiệu quả của AFTA, song những nỗ lực mà các nước thành viên đã và đang thực hiện lộ trình cắt giảm thuế và giảm bớt những biện pháp bảo hộ phi thuế quan thể hiện quyết tâm của họ trong tiến quá trình tạo dựng một khu vực ASEAN thống nhất về kinh tế.
Bước tiếp theo, ASEAN đang thể hiện quyết tâm thúc đẩy liên kết khu vực đạt tới trình độ cao hơn về chất. Hiến chương ASEAN trong đó khẳng định quyết tâm hình thành Cộng đồng ASEAN đã được tất cả các nước thành viên phê chuẩn. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình làm sâu sắc hơn liên kết khu vực nói chung và liên kết kinh tế khu vực nói riêng, hiện thực hóa Tầm nhìn 2020 mà các nước thành viên ASEAN đề ra năm 1998. Một khi Cộng đồng kinh tế ASEAN trở thành hiện thực, nền kinh tế của cộng đồng này hứa hẹn một quy mô kinh tế lớn gấp ba lần so với hiện nay với GDP tăng từ 720 tỉ USD lên 2.600 tỉ USD, tương đương với nền kinh tế hiện tại của CHLB Đức hay bằng 53%o của Nhật, 22% của Mỹ. Thu nhập trên đầu người có thể đạt 3.600 USD so với 1.440 USD hiện tại. Một nền kinh tế như vậy sẽ là lực lượng đầy sức mạnh cho phép mỗi nền kinh tế của các quốc gia thành viên cũng như của cả Cộng đồng, củng cố khả năng cạnh tranh với các nền kinh tế của các nước và khu vực khác không chỉ trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, mà cả trên diễn đàn đàm phán quốc tế nhằm tạo lập những định chế qui tắc hoạt động của nền kinh tế toàn cầu. Mục tiêu của Hiến chương không chỉ cung cấp cho ASEAN tư cách pháp nhân mà nó còn đề ra phương hướng phát triển dài hạn cho khu vực này. Hiến chương đảm bảo rằng quá trình liên kết kinh tế trên trình độ nhất thể hoá sẽ mang lại lợi ích đồng đều cho tất cả các nước thành viên và kết quà cuối cùng là thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các nước. Do đó, Hiến chương sẽ là cơ sở để xác định các nguồn lực và sử dụng thích hợp để san bằng những khoảng cách kinh tế và đảm bảo sự tham gia đầy đủ của các nước kém phát triển trong quá trình nhất thể hoá. Một điểm quan trọng khác là Hiến chương là cơ sơ pháp lý để xây dựng những thể chế mới cho sự liên kết ở trình độ cao hơn, thay cho những thể chế lỏng lẻo hiện nay của ASEAN.
Như vậy, trong hoạt động của ASEAN, đa số các nước thành viên của GMS thuộc nhóm các nước thành viên mới và có trình độ phát triển thấp hơn. Để tiến trình liên kết trong ASEAN đạt hiệu quả, họ đều là các đối tượng được quan tâm của khối.
Trong phạm vi Đông Á, sự kiện Trung Quốc chuyển hướng tăng cường liên kết kinh tế khu vực vào những năm cuối cùng của thế kỷ XX và gia nhập WTO năm 2001, việc Mỹ nới lỏng quan điểm trước đề nghị của Nhật Bản về việc thành lập quỹ Tiền tệ châu Á, là những cơ sở chính để khởi động lại quá trình đàm phán liên kết kinh tế ở Đông Á. Nhiều cuộc họp cấp cao các nhà lãnh đạo Đông Á đã được tiến hành, song kết quả chưa mấy khả quan. Các nhà nghiên cứu nhận định rằng đối với vấn đề không phải là xác định các mục tiêu, viễn cảnh của một Đông Á trong tương lai, mà là vấn đề điều hành, vai trò đầu tàu của khối liên kết. Sự cạnh tranh gay gắt giữa Trung Quốc, Nhật Bản và ASEAN vì vị trí này đòi hỏi họ phải cố gắng cải thiện ảnh hưởng trong khu vực. Và đó chính là cơ sở để cả ba đối tác này quan tâm hơn nữa đến GMS - một bộ phận không nhỏ của Đông Á.
e) Những vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống ở GMS
* Tranh chấp chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế
Vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế vốn có từ lâu giữa các quốc gia, đặc biệt nó trở nên phức tạp hơn kể từ khi Luật quốc tế về Biển có hiệu lực năm 1994. Theo đó, vùng đặc quyền kinh tế trên thềm lục địa của một quốc gia lên tới 200 hải lý tính từ bờ biển. Do đó, cho phép các nước có quyền khai thác nguồn tự nhiên trên một phạm vi rộng lớn. Điều đó cũng đồng thời đưa đến việc các nước nêu lên những yêu sách về chủ quyền tại những vùng biển chồng lấn, chưa được phân định rõ ràng. Một khi không có sự nhượng bộ giữa các nước, vấn đề này đã, đang và sẽ là nguy cơ dẫn đến xung đột, kể cả xung đột vũ trang giữa các nước có liên quan.
Hiện nay, có ba khu vực được coi là điểm nóng của những tranh chấp loại này ở GMS: i) chủ quyền lãnh thổ và đặc quyền kinh tế trên biển Đông với các bên liên quan là Việt Nam và Trung quốc; ii) vùng đặc quyền kinh tế trên vịnh Thái Lan: giữa Việt Nam, Thái Lan và Cămpuchia; iii) vùng biển Andaman, giữa Thái Lan và Myanmar.
* An ninh môitrường sông Mê Công
Vấn đề an ninh môi trường sông Mê Công là một trong những vấn đề trọng tâm, có ảnh hưởng rất lớn đến hợp tác GMS bởi hai lý do. Thứ nhất ,đây là vấn đề liên quan trực tiếp tới tất cả các nước thành viên GMS. Thứ hai,đặc điểm địa lý và vị trí địa chính trị của con sông là cơ sở hợp tác GMS. Việc khai thác và quản lý các nguồn lực tự nhiên đang là mối thách thức đối với GMS. Sông Mê Công và các vùng sinh thái bao bọc xung quanh dòng sông từ xa xưa cho tới nay đã và vẫn đem lại các nguồn lợi sinh thái tự nhiên, kinh tế, văn hóa và cả con người cho cư dân sinh sống trong lưu vực, đồng thời chứa đựng những tiềm năng phát
triển to lớn. Trong lịch sử, giữa các nước trong lưu vực đã tồn tại những bất đồng, xung đột nảy sinh từ việc khai thác các nguồn lợi từ con sông. Ngày nay, vấn đề càng trở nên phức tạp hơn do việc khai thác, sử dụng quá mức cùng với những yếu kém trong quản lý việc khai thác ở mỗi quốc gia, cũng như thiếu sự hợp tác toàn diện và có trách nhiệm giữa các quốc gia trong Tiểu vùng. Hiện có 2 vấn đề lớn mà các nước GMS đang phải đối mặt. Một là,sự suy thoái môi trường và suy giảm mức sống của một bộ phận lớn cư dân sống trong lưu vực con sông. Hai là,bất đồng chính trị giữa các nước thành viên xuất phát từ những hậu quả của suy thái môi trường.
Trên đây chỉ là hai vấn đề an ninh cơ bản mà các nước GMS đang phải đối mặt. Còn nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống khác có hệ quả từ đây, như an ninh lương thực, nguy cơ gia tăng bất ổn xã hội, dịch bệnh. . .do môi trường sống và làm việc xấu đi của người dân trong lưu vực sông Mê Công. Những vấn đề an ninh này tác động khác nhau nhất định lên vai trò, vị trí của các nước GMS trong chiến lược của các nước lớn, cũng như các tổ chức kinh tế quốc tế và các tổ chức phi chính phủ. Họ có thể tham gia tài trợ cho các chương trình xóa đói, giảm nghèo, các dự án bảo vệ môi trường và các dự án xã hội khác. Bằng cách đó, GMS sẽ thu hút được sự quan tâm của các đối tác khác nhau bên ngoài.
2. Một số nhận xét
Thông qua những trình bày trên đây về một số nhân tố tác động lên việc xác định vai trò, vị trí của các nước GMS trong khu vực Đông Á, có thể nhận định rằng GMS có thể thu hút sụ quan tâm chú ý của các đối tác bên ngoài không chỉ bằng những điều kiện tự nhiên, xã hội sẵn có, những thành tựu của họ trong phát triển kinh tế trong suốt gần hai thập kỷ tăng cường hợp tác vừa qua, mà bằng cả những vấn đề nan giải mà họ đang phải đối mặt. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy rằng mỗi nước lớn bên ngoài, mỗi tổ chức quốc tế cũng như mỗi tổ chức phi chính phủ đều có những trọng tâm riêng trong quan hệ với GMS như là một thể thống nhất, cũng như với từng nước riêng lẻ.
Trong quan hệ với ASEAN,năm nước thành viên GMS tiếp tục giữ vai trò của những nước đi sau, chậm phát triển hơn và do đó, cần có những chính sách nhằm giảm chênh lệch phát triển giữa các nước này so với ASEAN - 5, vì mục đích cuối cùng là xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2020. Trong quan hệ với Nhật Bản,GMS được coi là một đối tác khá lâu đời. Bởi thông qua hoạt động trong Chương trình GMS của ADB và nguồn vốn viện trợ khổng lồ của Nhật Bản, hoạt động của hợp tác GMS mới có được những thành công đáng kể hiện nay. Tuy nhiên, sự nổi lên của Trung Quốc và sự tham gia của nước này trong hợp tác GMS đang đe dọa vai trò đầu tàu của Nhật Bản trong Tiểu vùng Mê Công nói riêng và trong toàn Đông Á nói chung.
Trong quan hệ vớiTrung Quốcdường như đôi bên cùng có lợi, ngoại trừ việc chưa hợp tác cùng nhau khai thác hiệu quả nguồn nước trên sông Mê Công, do Trung Quốc chưa là thành viên của Uỷ hội Mê Công (MRC). Như ở trên đã phân tích, tham gia hợp tác GMS và ASEAN, Trung Quốc hy vọng chiến lược khai phá miền Tây của mình được thực hiện nhanh chóng hơn và hiệu quả hơn, đồng thời gia tăng vai trò của mình trong khu vực. Giới lãnh đạo Trung Quốc coi khu vực sông Mê Kông là một vùng hết sức quan trọng. Sách trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2002 lần đầu tiên đề cập khu vực này có vai trò quan trọng chiến lược
đối với an ninh của Trung Quốc, đặc biệt là khi đề cập tới các mối đe dọa an ninh phi truyền thống và đa quốc gia như sự xuống cấp của môi trường, buôn lậu ma túy và tội phạm xuyên quốc gia. Các nước GMS nói riêng và ASEAN nói chung cũng thu được lợi từ sự tăng cường liên kết kinh tế khu vực của Trung Quốc, Cămpuchia và Lào là những nước nhận được khá nhiều vốn đầu tư của Trung Quốc, trong đó đáng kể là nguồn ODA và do đó, có thêm cơ hội cho phát triển kinh tế. Myanmar cho phép Trung Quốc tiếp cận về mặt quân sự qua nước này tới Ấn Độ và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của họ. Đổi lại, Myanmar tiếp cận được với nguồn hàng hóa đa dạng và giá rẻ của Trung Quốc. Trong quan hệ kinh tế song phương, cả Việt Nam và Trung Quốc đều thu được những lợi ích nhất định, tất nhiên là không đồng đều. Vấn đề của hai nước này là vấn đề tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và việc khai thác vùng biển chồng lấn trên Vịnh Bắc Bộ.
Trong quan hệ vớiMỹ, các nước GMS vẫn là đối tượng được quan tâm, song không được liên tục và nghiêng về quan hệ song phương nhiều hơn. Xu hướng đa cực hóa trong trật tự thế giới mới, được diễn ra đặc biệt mạnh mẽ kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu là sự nổi lên của một số nước lớn của "vùng ngoại vi" như Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin, Nga (tức khối BRIC), đã đòi hỏi chính quyền của tổng thống B. Obamar phải có những động thái mới đối với châu Á nói chung và GMS nói riêng. Bên cạnh đó, sự có mặt của Trung Quốc và Nhật Bản với mức độ ảnh hưởng ngày càng gia tăng ở GMS rất có thể thu hút sự quan tâm của Mỹ, bởi đây có thể là một điểm đến khá thú vị của quan hệ tay ba Mỹ - Trung - Nhật.
3. Hàm ý cho Việt Nam
Ngay từ khi tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, Chính phủ Việt Nam đẫ đánh giá rất cao tầm quan trọng của hợp tác GMS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là đối với đồng bằng sông Cửu Long thuộc hạ lưu sông Mê Công. Việc hưởng ứng và tham gia chương trình GMS do ADB khởi xướng vào năm 1992 chính là bước đi đầu tiên của Việt Nam trên con đường hội nhập đầy cơ hội và thách thức này. Tiếp đón sự tham gia của Việt Nam vào ASEAN năm 1995, APE năm 1998 và WTO vào cuối năm 2006 đã khẳng định rõ Việt Nam đã trở thành đối tác kinh tế và thương mại với hầu hết các nước trên thế giới. Bên cạnh Chương trình GMS của ADB, Việt Nam cũng tham gia nhiều cơ chế hợp tác khác của GMS, như Chiến lược Hợp tác kinh tế Ayeyawaddy-Chao Phraya-Mekong (ACMECS), các chương trình về tam giác phát triển. Chương trình Phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây, Bắc Namvà phía Nam . Hợp tác phát triển ASEAN - Lưu vực sông Mê Công (AMBDC), chương trình hợp tác song phương với Trung Quốc "Hai hành lang, một vành đai".
Trải qua hơn 17 năm thực hiện, với cơ chế hợp tác linh hoạt và các lĩnh vực hợp tác phù hợp, kết hợp với quyết tâm cao của chính phủ các nước thành viên và sự ủng hộ nhiều mặt của các nhà tài trợ bên ngoài trong đó quan trọng nhất là ADB và Nhật Bản, hợp tác GMS đã mang lại cho tất cả các nước thành viên nhiều cơ hội phát triển mới. Việt Nam cũng thu được khá nhiều nguồn lợi từ quá trình hợp tác này. Tính đến cuối năm 2007, Việt Nam đã huy động được trên 2 tỷ USD cho các dự án hợp tác của Tiểu vùng thực hiện ở trong nước, như tuyến đường từ Đông Hà đến Lao Bảo trên hành lang Đông - Tây, tuyến đường xuyên Á nối TP Hồ Chí Minh với Mộc Bài, Tây Ninh với Phnom Pênh, Cămpuchia, từ Cà Mau tới Kiên Giang. Mới đây, Việt Nam đã nhận được 1,3 tỷ USD vốn hỗ trợ từ ADB cho dự án đường cao tốc đầu tiên từ Hà Nội đi Lào Cai. Những cải thiện về cơ sở hạ tầng giao thông, kết hợp với các cải cách chính sách tạo thuận lợi hóa thương mại và đầu tư cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong khung khổ hợp tác GMS đã giúp Việt Nam có thêm cơ hội để gia tăng thương mại, đầu tư và trao đổi du lịch trong nội bộ Tiểu vùng. Do vậy, hợp tác GMS là một trong những chương trình trọng điểm của hoạt động liên kết kinh tế của Việt Nam với khu vực.
Trước những thay đổi trong bối cảnh quốc tế và khu vực đã được trình bày ở trên, vai trò và vị trí địa kinh tế của các nước GMS đang thay đổi theo hướng tích cực cho sự phát triển hoạt động liên kết trong Tiểu vùng trong tương lai. Với tư cách là một nước thuộc nhóm các nước phát triển hơn trong GMS và có nhiều thành tựu ấn tượng trong tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam cần tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị của mình trong hợp tác GMS thông qua việc tham gia vào các hoạt động cụ thể. Trong thời gian tới, các vấn đề an ninh phi truyền thống, như an ninh lương thực, an ninh con người, an ninh môi trường, sẽ là những trọng tâm của nhiều chương trình liên kết kinh tế khu vực và quốc tế, trong đó có GMS. Vì thế, Việt Nam cần đi tiên phong trong lĩnh vực này. Hơn nữa, tầm quan trọng của khu vực GMS tăng lên, thu hút được sự quan tâm của nhiều cường quốc, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc và do đó, sẽ có nhiều cơ hội tốt để các nước trong Tiểu vùng tranh thủ thêm các nguồn tài trợ về nhiều mặt từ bên ngoài. Vì thế, gia tăng hợp tác GMS cũng như vai trò đầu tàu trong chương trình này là một lựa chọn hợp lý của Việt Nam hiện tại và tương lai.