Xã hội tri thức và bước đầu xây dựng xã hội tri thức ở Việt Nam
Cũng giống như mọi sự vật, xã hội có thể được tiếp cận từ nhiều góc độ. Từ mỗi góc độ ta lại có thể phân loại và phân cấp xã hội theo một hệ thống khác. Đứng từ góc độ của lý thuyết quan hệ sản xuất, chúng ta có các hình thái ý thức xã hội như xã hội cộng sản nguyên thủy, xã hội chiếm hữu nô lệ, xã hội phong kiến… Đứng từ góc độ tôn giáo người ta có thể nói đến xã hội Cơ Đốc giáo, xã hội Phật giáo, xã hội Nho giáo… Và đứng từ góc độ văn minh, người ta nói đến sự chuyển biến theo dòng lịch sử từ xã hội nông nghiệp lên xã hội công nghiệp, đến xã hội hậu công nghiệp hay xã hội thông tin, và tiếp đến sẽ là xã hội tri thức. Đó là chưa kể đến việc người ta có thể lấy tên gọi của dân tộc để đặt cho xã hội của một quốc gia: xã hội Mỹ, xã hội Nga, xã hội Trung Quốc, xã hội Việt Nam …
Tuy nhiên, các hệ thống xã hội khác nhau từ các góc độ tiếp cận khác nhau có thể không trùng khớp hoặc loại trừ nhau. Nghĩa là xã hội nông nghiệp không nhất thiết trùng khớp chỉ với xã hội phong kiến, xã hội thông tin hay xã hội tri thức không nhất thiết phải trùng khớp với xã hội tư bản hay với xã hội cộng sản. Nghĩa là ta phải quan niệm rằng các góc độ tiếp cận đa dạng chỉ có ý nghĩa bổ sung góc nhìn cho nhau mà thôi.
Xã hội tri thức là một khái niệm tương đối mới, cho nên khó có thể nói đến một sự thống nhất trong định nghĩa về xã hội tri thức. Từ những ý kiến khác nhau của các nhà nghiên cứu và của các tổ chức quốc tế khi xác định bản chất và đặc điểm xã hội tri thức, chúng ta có thể rút ra một quan niệm chung cho xã hội tri thức là: Xã hội tri thức là một kiểu xã hội dựa trên việc không ngừng sản xuất và sử dụng hàng loạt tri thức trong mọi lĩnh vực với sự trợ giúp của công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại, để phát triển con người trên toàn hành tinh một cách công bằng, an sinh và bền vững. Việc sản xuất và sử dụng tri thức thông qua môi trường giáo dục - đào tạo và nghiên cứu - triển khai đã làm gia tăng giá trị của tri thức trong tất cả các ngành kinh tế, khoa học và công nghệ, được đặc trưng bằng những cái tên: kinh tế tri thức và công nghệ cao. Một kiểu xã hội như vậy có thể được xây dựng và phát triển ở mọi quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội.
Như vậy, cần phải hiểu xã hội tri thức hiện đại không chỉ từ góc độ kinh tế và công nghệ. Đang được thoát thai từ xã hội thông tin, xã hội tri thức mang ý nghĩa nhân quyền cao hơn, và vì thế ý nghĩa đạo đức nhân văn của nó cũng cao hơn. Theo tinh thần đó, những xã hội có nền kinh tế và quân sự phát triển cao không nhất thiết sẽ là xã hội tri thức. Chính vì thế mà trong bảng xếp hạng xã hội tri thức của Liên hợp quốc, Hoa Kỳ chỉ được xếp thứ 12, còn Nga và Trung Quốc không lọt được vào tốp 45.
Trên cơ sở của xã hội thông tin và khắc phục những khiếm khuyết của nó, một xã hội muốn trở thành một xã hội tri thức thì cần phải xay dựng cho mình được bốn cột trụ sau đây.
1. Cột trụ chính trị
Những nỗ lực để xây dựng hạ tầng cơ sở thông tin đầu tiên của xã hội thông tin hiện đại và của xã hội tri thức là thuộc về chủ trương của chính phủ. Không có chính sách và những quy định hợp lý, không có sự điều hành của chính phủ đối với hạ tầng cơ sở thông tin thì xã hội thông tin và sau đó là xã hội tri thức không thể hình thành được. Các nước đều có bộ bưu chính viễn thông hoặc bộ thông tin và truyền thông. Các mạng truyền thông quốc gia của các nước được hình thành đều nằm dưới sự chỉ đạo và điều hành của chính phủ. Mặt khác, việc xây dựng xã hội tri thức trước tiên là công việc của người dân các nước chứ không phải chỉ là công việc của khoa học và công nghệ. Và để đảm bảo cho người dân phát huy được tiềm năng của mình, chính phủ cần phải phát huy vai trò lãnh đạo theo tinh thần dân chủ và đảm bảo thực thi dân quyền và nhân quyền cho người dân. Cột trụ chính trị vì thế có vị trí quan trọng trong việc đảm bảo quyền con người và quyền dân chủ cho nhân dân để xây dựng một xã hội thông tin toàn cầu và xã hội tri thức trong tương lai.
2. Cột trụ kinh tế tri thức
Theo các nhà nghiên cứu, kinh tế tri thức là nền kinh tế [của] tri thứctập trung vào việc sản xuất và quản lý tri thức, hoặc là một nền kinh tế dựa trên tri thức["knowledge - based economy"]. Nghĩa thứ hai này thường được sử dụng nhiều hơn, nó đề cập đến việc sử dụng tri thức để tạo ra những lợi ích về mặt kinh tế. Khái niệm này đã được phổ biến nhờ cuốn sách The Age of Discontinuity; Guidelines to Our changing Society (1969)của Peter Drucker.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã xác định khái niệm "kinh tế tri thức" là "nền kinh tế dựa trên tri thức, trực tiếp căn cứ vào việc sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức và thông tin".
Từ ý kiến của đa số các nhà nghiên cứu, ta cũng có thể rút ra một đặc điểm nổi bật nhất của kinh tế tri thức là sự mở rộng không ngừng của khu vực thông tin và truyền thông. Sự mở rộng của khu vực này có thể được chia thành hai cấp độ: một là bản thân sự phát triển của khu vực thông tin và truyền thông đem lại lợi ích kinh tế vô cùng to lớn cho nền kinh tế tri thức; hai là sự phát triển của nó đã làm gia tăng vượt bậc hiệu quả kinh tế cho hầu hết các ngành nghề của nền kinh tế tri thức. Nhà nghiên cứu M.Porat đã gọi cấp độ thứ nhất là khu vực thông tin sơ cấp, còn cấp độ thứ hai là khu vực thông tin thứ cấp. Khu vực sơ cấp bao gồm việc sản xuất, phân phối và xử lý các sản phẩm và dịch vụ thông tin; khu vực thứ cấp thể hiện ở khối lượng phí tổn về thông tin cần thiết cho việc tổ chức của các công ty và cho việc điều phối các thị trường.
3. Cột trụ khoa học - công nghệ
Khoa học và công nghệ luôn là đòn bảy phát triển của mọi xã hội. Trong xã hội tri thức, vai trò của khoa học và công nghệ lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Hiện tại người ta đang nói đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba diễn ra vào thế kỷ XX, xuất hiện cùng với sự bùng nổ của các ngành công nghệ cao, đặc biệt là vào nửa cuối của thế kỷ XX, khi một loạt công nghệ mới ra đời như công nghệ vi điện tử, máy tính, quang điện tử, lade, vật liệu mới, hạt nhân, gen, tế bào,… Sự phát triển bùng nổ của các công nghệ cao này cũng chính là đặc trưng của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ mới, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại ở thế kỷ XX.
Khái niệm "công nghệ cao" chỉ mới xuất hiện từ những năm 70 - 80 của thế kỷ XX, khi một loạt công nghệ mới ra đời làm xóa nhòa ranh giới giữa khoa học và công nghệ. Tức là công nghệ cao là những công nghệ dựa vào những thành tựu khoa học mới nhất với hàm lượng tri thức và hàm lượng khoa học, sáng tạo cao nhất. Hiện người ta nói đến bốn công nghệ chính trong thời đại cách mạng khoa học - công nghệ mới, đó là công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ năng lượng và công nghệ thông tin.
Công nghệ thông tin là công nghệ mới nhất hiện nay và là loại công nghệ đặc trưng nhất góp phần làm hình thành và phát triển xã hội thông tin và xã hội tri thức. Trong thời đại ngày nay, trước yêu cầu chia sẻ tri thức của xã hội thông tin và tri thức, công nghệ thông tin luôn gắn chặt với công nghệ truyền thông, vì thế khi nói đến công nghệ thông tin, người ta thường gắn nó với truyền thông để gọi là công nghệ thông tin và truyền thông.
Sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin và truyền thông cho tất cả các ngành nghề kinh tế - xã hội đã làm cho công nghệ này hiện đang chiếm vị trí hàng đầu trong nền kinh tế tri thức nói riêng và trong xã hội tri thức nói chung. Đặc biệt, với công nghệ internet và công nghệ web, lịch sử văn minh loài người đã bước sang một trang hoàn toàn mới, nó làm cho việc chia sẻ tri thức gần như không còn giới hạn về không gian và thời gian.
Tất cả những sự phát triển công nghệ trên đây cho thấy khoa học và công nghệ ngày nay đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Mặc dù với mức chi cho khoa học còn thấp trong tỷ lệ GDP 91 - 2%0, nhưng đóng góp của nó cho GDP lại lớn gấp rất nhiều lần (30 - 40%). Với lợi ích to lớn của khoa học như vậy, các nước phát triển hiện nay rất chú trọng đến lĩnh vực nghiên cứu và triển khai.
4. Cột trụ giáo dục và đào tạo
Ta đã thấy rằng trong xã hội thông tin và xã hội tri thức, thông tin và tri thức là những khái niệm chủ chốt. Nhưng thông tin và tri thức không tồn tại độc lập, bất biến, mà chúng luôn luôn chuyển hóa cho nhau. Và sự chuyển hóa đó được diễn ra trong môi trường và đường dẫn của giáo dục và đào tạo.
Một điều hoàn toàn có ý nghĩa đặc thù cho thời đại thông tin và tri thức hiện đại là khái niệm giáo dục cũng được hiểu theo một nghĩa mở rộng. Giáo dục không chỉ giới hạn trong phạm vi của môi trường chính quy, mà nó còn có nghĩa là tự giáo dục, tự đào tạo, tự học. Mà điều này lại chỉ có thể được thực hiện một cách có hiệu quả nhờ có công nghệ thông tin và truyền thông. Đó chính là lý do tại sao ngay từ khi khái niệm "xã hội thông tin" và khái niệm "xã hội tri thức" ra đời, thì người ta đã thấy xuất hiện một khái niệm rất mới: đó là khái niệm "xã hội học tập", với nghĩa là một hệ thống học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
Hiện nay bên cạnh những thành tựu của một số quốc gia cho phép ta có thể nói đến sự xuất hiện của một số xã hội tri thức sơ khai, thì thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, để biến thế giới thành ngôi nhà của các xã hội tri thức. Đó là lý do tại sao UNESCO rất có ý thức trong việc để xã hội tri thức ở dạng số nhiều trong bản Báo cáo Thế giới2005nổi tiếng của mình. Tất nhiên, số nhiều của xã hội tri thức ở đây còn có nghĩa là thế giới phải chấp nhận sự đa dạng văn hóa chứ không áp đặt sự đồng nhất hóa cho mọi dân tộc, mọi quốc gia.
Trong tinh thần tuân thủ các mục tiêu quốc tế về giáo dục, các quốc gia cũng tự đề ra chính sách giáo dục của riêng mình để khuyến khích giáo dục và đáp ứng quyền được giáo dục của mọi người dân. Hầu hết các nước đều thực thi chính sách giáo dục miễn phí cho học sinh tiểu học. Việt Nam cũng không nằm ngoài chủ trương đó.
Mặc dù ở nước ta, quan niệm về xã hội tri thức còn chưa đầy đủ, nhưng một số yếu tố quan trọng của nó cũng đã được thường xuyên nhắc đến như kinh tế tri thức, khoa học - công nghệ cao, xã hội học tập và hệ thống học tập suốt đời cho tất cả mọi người…
Ngay từ những năm cuối thế kỷ XX, khi internet mới trở nên phổ biến trên thế giới, thì Việt Nam đã quan tâm ngay đến loại hình dịch vụ công nghệ cao này. Từ năm 1993, Nghị quyết 49/CP của Chính phủ đã chỉ rõ quan điểm chiến lược về phát triển công nghệ thông tin: "Xây dựng những nền móng bước đầu vững chắc cho một kết cấu hạ tầng thông tin trong xã hội, (…) đồng thời xây dựng ngành công nghiệp công nghệ thông tin thành một trong những ngành mũi nhọn của đất nước, góp phần chuẩn bị cho nước ta có vị trí xứng đáng trong khu vực khi bước vào thế kỷ XXI". Ngay năm sau, năm 1994, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình Quốc gia về Công nghệ thông tin; và 3 năm sau (ngày 19-11-1997) chúng ta đã khai trương dịch vụ mạng internet Việt Nam. Ngày 17-10-2000, Bộ Chính trị lại ra Chỉ thị 58-CT/TW về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa giai đoạn 2001 - 2005. Trong bản Chỉ thị này, Bộ Chính trị đã nhắc đến việc tạo khả năng đi tắt đón đầu của công nghệ thông tin. Đến Đại hội IX năm 2001, Đảng lại nhắc lại sự cần thiết phải kết hợp công nghệ sinh học với công nghệ thông tin trong nông nghiệp và kinh tế. Có thể nói, công nghệ thông tin đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm rất sớm. Đảng ta cũng đã bắt đầu có ý thức về kinh tế tri thức từ đầu thế kỷ XXI. Đại hội IX của Đảng đã nhận định: "Thế kỷ XXI sẽ tiếp tục có nhiều biến đổi. Khoa học và công nghệ sẽ có bước tiến nhảy vọt. Kinh tế tri thức có vai trò ngày càng nổi bạt trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất". Cũng tại Đại hội IX, Báo cáo chính trị của Đảng đã đề ra chủ trương xây dựng "xã hội học tập".
Nhìn chung, qua các văn kiện của Đảng và các công trình thông tin và nghiên cứu ở nước ta trong khoảng 10 năm qua, những vấn đề và các yếu tố của xã hội tri thức đã được bàn đến khá nhiều. Cho nên, mặc dù khái niệm "xã hội tri thức" ít được nhắc đến và chưa được bàn đến một cách toàn diện và có hệ thống, nhưng những gì được nói đến cũng cho thấy nước ta đã chuẩn bị tinh thần để xây dựng hoặc gia nhập xã hội tri thức hiện đại.
Với chủ trương sẵn sàng gia nhập xã hội tri thức (tuy mới chỉ được xác định dưới tên gọi "kinh tế tri thức"), Đảng và Nhà nước ta đã đề ra những chính sách phát triển kinh tế xã hội cụ thể và đã thu được những thành tựu đáng khích lệ. Để có căn cứ hy vọng vào tương lai về một xã hội tri thức, chúng ta hãy điểm qua một số thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua.
Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng của chúng ta luôn đạt những con số ấn tượng. Từ năm 2000 đến nay, tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân một năm dao động ở mức 7%. Tính đến năm 2005, tỷ trọng giá trị nông - lâm - nghư nghiệp trong GDP còn 20,9%, công nghiệp và xây dựng 41%, dịch vụ 38,1%. Nhìn chung, các thành phần kinh tế đều phát triển. Như vậy, cơ cấu thành phần kinh tế của nước ta đang chuyển dịch theo xu hướng chung của kinh tế tri thức và xã hội tri thức.
Trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta đã quan tâm đầu tư nhiều hơn và có tiến bộ đáng kể. Cơ sở vật chất được tăng cường, quy mô đào tạo được mở rộng, nhất là bậc đại học và trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Trình độ dân trí đã được cải thiện. Chúng ta đang cố gắng cải thiện chất lượng giáo dục. Nói đến kinh tế tri thức trong thời đại thông tin, không thể không nói tới một công cụ đặc trưng của nền kinh tế tri thức và cũng là của xã hội tri thức là thương mại điện tử. Chính phủ và các doanh nghiệp nước ta đã rất chú ý đến lĩnh vực này.
Thực tế, thương mại điện tử của nước ta mới được hình thành và phát triển từ những năm đầu của thế kỷ XXI . Luật Thương mại(sửa đổi) đã được Quốc hội Việt Nam thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1-1-2006. Luật Giao dịch Điện tửcó hiệu lực từ 1-3-2006. Ngày 25-6-2007, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) đã ra quyết định thành lập Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, viết tắt tiếng Anh là VECOM (Vietnam E-Commerce Association). Đây là tổ chức chính thức của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, mang tính chất phi chính phủ và phi lợi nhuận, có mục đích đoàn kết các hội viên để phát triển lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam. Một số công ty đã mở các website thương mại và thanh toán di động.
Nhìn chung, nếu so sánh trên toàn cầu thì những thành tựu phát triển trên đây của chúng ta vẫn đứng ở hàng rất thấp. Đứng từ góc độ của xã hội tri thức, mức độ tăng trưởng của chúng ta chưa có tỷ lệ hàm lượng tri thức cao. Người ta tính rằng trong 10 năm qua, ở một số nước APEC, trong mức tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm có sự đóng góp của vốn là 2,2%, lao động là 1,6% và đóng góp của nhân tố khoa học vàcông nghệ là 3%.Trong khi đó, mức đóng góp của nhân tố khoa học và công nghệ cho mức tăng trưởng 7% của Việt Namtrong giai đoạn 1996 - 1999 chỉ có 1,19%,còn mức đóng góp của nhân tố vốn chiếm tới 4,7%.
Vậy, nước ta có triển vọng tiến tới được xã hội tri thức không?
Trước hết phải khẳng định rằng cộng đồng quốc tế không quan niệm xã hội tri thức là một mô hình xã hội mang tính thuần túy chính trị. Nó là sự phát triển cao của lực lượng và trình độ sản xuất, của các lĩnh vực khoa học - công nghệ, của trình độ tổ chức xã hội để phục vụ cho sự phát triển bền vững của con người. Đồng thời chúng ta cũng có thể hiểu rằng sự phát triển đi lên xã hội tri thức không phải là một cuộc cách mạng và thay thế chế độ xã hội. Như thế, các xã hội tri thức với những đặc thù văn hóa và chế độ chính trị khác nhau vẫn có thể cùng tồn tại và hợp tác với nhau để thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc và tạo thuận lợi cho sự ra đời của xã hội tri thức.
Trong tinh thần đó, nước ta có thuận lợi đầu tiên là một chế độ chính trị tiến bộ và ổn định. Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, với mục tiêu xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Những mục tiêu đó cũng chính là những mục tiêu của xã hội tri thức mà cộng đồng quốc tế đặt ra. Đây sẽ là một cơ sở vững chắc và một điều kiện rất thuận lợi để chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng vào khả năng xây dựng một xã hội tri thức mang bản sắc Việt Nam .
Bên cạnh đó, chúng ta có một nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú. Mặc dù nguồn tài nguyên thiên nhiên không còn được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu như trước đây, nhưng vẫn là yếu tố thuận lợi đáng kể.
Cuối cùng không thể không nói đến một thế mạnh của nước ta là nguồn nhân lực trẻ dồi dào đang được đào tạo tốt hơn. Hiện tại, con người Việt Nam đang được phát triển theo chiều hướng tiến bộ. Trong những năm gần đây, giá trị tuyệt đối của chỉ số phát triển con người của Việt Nam theo UNDP luôn được tăng lên. Cho dù trước mắt vẫn còn một quãng đường dài với nhiều khó khăn thách thức, nhưng chúng ta có lý để hy vọng vào một tương lai tốt đẹp của xã hội tri thức đang chờ đón chúng ta.