VNCOLD và những đóng góp trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước
Trong nhiều năm qua, Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam (VNCOLD) đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong các hoạt động tư vấn phản biện, đóng góp ý kiến cho việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến thủy lợi, thủy điện, tài nguyên nước, an ninh nguồn nước và an toàn đập, TS Hoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước cho biết.
TSHoàng Văn Thắng, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước
Theo TS Hoàng Văn Thắng, Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam ra đời đúng vào thời kỳ nước ta đẩy mạnh khai thác tài nguyên nước, phục vụ cho thủy lợi, thủy điện, phòng chống thiên tai. Các công trình đập có quy mô lớn nhất, kỹ thuật phức tạp nhất ở Việt Nam ra đời trong thời kỳ này, có thể kể đến một số công trình tiêu biểu, về thủy lợi có Cửa Đạt, Tả Trạch, Ngàn Trươi - Cẩm Trang, Nước Trong – Vân Phong, Tân Mỹ, EA Sup, Phước Hòa, Cái Lớn – Cái Bé...; về thủy điện có Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Pleikrong...
"Hội đã tập hợp chuyên gia, nhà khoa học, tham gia tư vấn, phản biện, phổ biến trao đổi kiến thức ở nhiều giai đoạn, từ quy hoạch, thiết kế, thi công - xây dựng, xử lý sự cố công trình, xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, biên soạn tài liệu hướng dẫn.... Sự tham gia tích cực của Hội đã góp phần vào thành công của giai đoạn phát triển hồ đập hết sức sôi động của đất nước", ông Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh.
Theo TS Hoàng Văn Thắng, thời gian qua, hoạt động của Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước đã đem lại nhiều đóng góp cho ngành nông nghiệp nói chung, trong đó đặc biệt là lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai và phát triển nguồn nước.
Cụ thể, Hội chủ trì, tham gia xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn đập và bảo vệ nguồn nước quốc gia trong bối cảnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong ngành thủy lợi vẫn còn thiếu; tham gia đào tạo, phổ biến kiến thức và nâng cao năng lực quản lý an toàn hồ đập; hoạt động tích cực và quan hệ với các hội đập lớn quốc tế và khu vực, khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực hồ đập, thủy lợi.
Hoạt động hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, Hội đã tái hòa nhập, tham gia với Hội đập lớn Thế giới ICOLD sau 6 năm gián đoạn; hợp tác chặt chẽ với các Hội đập lớn và đối tác trong khu vực, tổ chức đoàn tham dự, góp phần tạo nên thành công của Hội nghị Hội Đập lớn Thế giới vào tháng 3/2023 tại Malaysia…
Vai trò của Hội đối với các Hội viên (tập thể, cá nhân) ngày càng đậm nét, thu hút được thêm Hội viên mảng đập, hồ chứa thuỷ điện. Nhiều hoạt động đã được triển khai để gắn kết các Hội viên vì sứ mệnh chung bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập.
Bên cạnh đó, công tác quản lý Hội ngày càng chặt chẽ, chuyên nghiệp và bài bản; ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác quản lý, có văn phòng điện tử, có quy chế làm việc được các hội viên tuân thủ,…
Vai trò của Hội được ghi nhận bởi Liên hiệp Hội Việt Nam, các bộ, ngành và các đơn vị chủ đập thông qua việc tham gia Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập cấp Quốc gia trên bậc thang thủy điện sông Đà, Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập cấp Bộ đối với các đập thủy lợi do Bộ NN&PTNT thành lập, các đập thủy điện do Bộ Công Thương thành lập…
Để Hội phát triển lớn mạnh hơn nữa, theo TS Hoàng Văn Thắng trong thời gian tới, Hội sẽ tập trung vào hoạt động tư vấn, phản biện, góp phần hoàn thiện thể chế đảm bảo an ninh nguồn nước, trọng tâm là tư vấn xây dựng khung thể chế quản trị nước. Đồng thời, Hội sẽ tiếp tục làm rõ thách thức an ninh nguồn nước ở một số vùng trọng điểm và tư vấn giải pháp; mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt với các Hội đập lớn các nước trong khu vực; huy động chuyên gia Việt Nam tham gia các tiểu ban kỹ thuật của Ủy hội Đập lớn Thế giới, tham gia các hội nghị quốc tế và các hợp tác quốc tế song phương khác.
Theo các thông tin được công bố, tác động của biến đổi khí hậu đã tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước, dự báo đến năm 2030 lượng nước có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, tăng về mùa mưa, giảm trong mùa khô. Bình quân trong vòng 50 năm qua, nhu cầu nước của Việt Nam đã tăng gấp 3 lần do sự gia tăng dân số, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đô thị hóa. Dự báo đến năm 2030 nhu cầu sử dụng nước cho các ngành khoảng 122,47 tỷ m3 /năm, đến năm 2050 khoảng 131,7 tỷ m3 /năm. Do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình hình hạn hán, thiếu nước thời gian qua ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đang có xu thế gia tăng, xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra thiếu nước ngọt cục bộ và thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương. Tác động của biến đổi khí hậu kết hợp với khai thác thượng nguồn nên xâm nhập mặn cũng đã liên tục xảy ra đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. |