Vĩnh Phúc: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân
Ngày 28/2, Liên hiệp Hội tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Hội Y Dược học, Hội Đông y tỉnh tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát huy giá trị cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc” nhằm tăng cường kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại nhằm bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Năm 2022, công tác dự phòng của ngành Y tế được triển khai có hiệu quả, chủ động, áp dụng chiến lược phòng, chống dịch phù hợp theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng lên, các đơn vị chú trọng áp dụng kỹ thuật chuyên môn sâu, các kỹ thuật mới; Công tác dược - vật tư y tế được quan tâm, đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vắc xin cho người bệnh; công tác quản lý hành nghề y dược có nhiều tiến bộ. Cơ sở hạ tầng các đơn vị đã được quan tâm đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa, nhằm nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ người bệnh; trang thiết bị y tế cho các đơn vị được bổ sung từ nhiều nguồn khác nhau, các thiết bị tiến tiến và hiện đại, góp phần cung cấp cho người bệnh những dịch vụ kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Cùng với hoạt động khám chữa bệnh, năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 620 phê duyệt Đề án phát triển Trung tâm thuốc Đông dược thuộc Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh Vĩnh Phúc với mục tiêu đảm bảo tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất (GMP) vị thuốc, thuốc cổ truyền nhằm đáp ứng điều kiện thanh toán cho người bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện và các đơn vị y tế trong tỉnh; nâng cao chất lượng vị thuốc, thuốc cổ truyền trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; giảm chi phí cho người bệnh và chi quỹ Bảo hiểm y tế; nâng cao hiệu quả nghiên cứu, thừa kế, bảo tồn, phát triển vùng dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cho chuỗi trồng thu hái dược liệu. Phấn đấu đến năm 2024, Trung tâm được cấp chứng nhận đạt GMP thuốc cổ truyền, GMP vị thuốc cổ truyền. Từ năm 2023, thực hiện bào chế được 12-15 sản phẩm thuốc cổ truyền với 3 dạng: Trà túi lọc, viên hoàn cứng, thuốc nước đóng ống đáp ứng cho điều trị 5.000 - 6.000 người bệnh điều trị nội trú tại bệnh viện. Từ năm 2024, đáp ứng tăng thêm cho 3.000 - 3.500 người bệnh tại các đơn vị y tế trong tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu, thừa kế, bảo tồn, phát triển 1 sản phẩm/năm là bài thuốc hay/cây thuốc đặc hữu tại địa phương.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung tham luận, làm rõ một số nội dung: Đánh giá thực trạng công tác khám, chữa bệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh; cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh; ứng dụng công nghệ trong Y học hiện đại kết hợp Y học cổ truyền để phát huy giá trị các cây dược liệu quý trên địa bàn tỉnh trong chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe gắn với công tác bảo tồn, phát triển cây dược liệu; công tác phổ biến kiến thức về các mô hình chăm sóc sức khỏe nhân dân có hiệu quả; đánh giá tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân.