Vĩnh Phúc: Đề án Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2030
Ngày 10/05/2022, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo Tư vấn phản biện Đề án phát triển chăn nuôi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 – 2030.
Trong những năm qua, chăn nuôi của tỉnh đã khẳng định được vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, là ngành có tốc độ tăng trưởng cao; chăn nuôi lợn, bò sữa và gia cầm đã trở thành thế mạnh của tỉnh, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Giai đoạn 2011-2020 giá trị sản xuất chăn nuôi (giá so sánh 2010) tăng bình quân 3,72 %/năm: Năm 2011 đạt 3.825,3 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 5.337,7 tỷ đồng, chiếm 55,7% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chăn nuôi còn có những tồn tại, hạn chế như: Phân tán, nhỏ lẻ, chủ yếu là hình thức hộ gia đình, thiếu quy hoạch phát triển; cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức, đang xuống cấp và lạc hậu. Chăn nuôi chưa thực sự phát triển theo chiều sâu, chưa có sản phẩm chủ lực; chất lượng và sức cạnh tranh chưa cao; áp dụng công nghệ mới chưa đồng bộ. Vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, chưa hình thành chuỗi sản xuất ra sản phẩm sạch và an toàn. Chưa có cơ chế, chính sách hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực chăn nuôi…
Xuất phát từ những điều kiện trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng Đề án “Phát triển chăn nuôi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2030”. Đề án nhằm tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cao; chú trọng sản xuất những sản phẩm chăn nuôi có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ… phấn đấu đến hết năm 2030, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của tỉnh tăng bình quân 1%/năm; tổng đàn trâu, bò, lợn, gia cầm đạt trên 13 triệu con; xây dựng và duy trì ít nhất 30 cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên cạn, xây dựng 10 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, tập trung đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh…
Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng Tư vấn phản biện nhất trí, tán thành việc xây dựng Đề án nhằm tạo đà cho ngành chăn nuôi của tỉnh Vĩnh Phúc phát triển theo hướng bền vững. Tuy nhiên, để Đề án đạt chất lượng tốt, Hội đồng Tư vấn phản biện đề nghị cơ quan soạn thảo cần tập trung làm rõ các vấn đề: Cần đánh giá việc thực hiện chính các chính sách hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; cần xác định loại hình phát triển và chính sách phù hợp để thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi bền vững; ứng dụng những tiến bộ khoa học vào chọn lọc giống để nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi; đẩy mạnh xây dựng và phát triển các nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm chăn nuôi của tỉnh Vĩnh Phúc; thu hút Doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và liên vùng…