Vấn đề môi trường ở Trung Quốc
Dân số Trung Quốc chiếm 20% dân số thế giới, nhưng diện tích và nước sạch chỉ chiếm 7% toàn cầu, vì vậy có thể phát triển nhanh, mạnh đối với Trung Quốc đó là những vấn đề lớn. Trước mắt, vấn đề lớn nhất mà Trung Quốc gặp phải là đó là vấn đề về môi trường, cũng như phương thức có thể bảo vệ môi trường. Hiện tại trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch (năng lượng mặt trời, năng lượng sức gió) của Trung Quốc đã đạt được những thành công và kinh nghiệm nhất định nhưng nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu vẫn dựa nhiều vào năng lượng than đá, vì thế mà gây ra các vấn đề lớn về ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính. Các vấn đề của Trung Quốc đang khiến cho nguồn năng lượng bị khan hiếm thêm, tình hình ô nhiễm càng thêm nặng nề,... Tại Trung Quốc hầu hết nguồn nước sinh hoạt đều bị ô nhiễm bởi các chất thải của con người và các chất ô nhiễm công nghiệp.
Từ đầu năm 2006, sau vụ hóa chất tràn ra ngoài làm ô nhiễm sông Tùng Hoa, SEPA (Cơ quan bảo vệ môi trường quốc gia Trung Quốc - State Environmental Protection Administration) đã nhận định nước này sẽ phải đối mặt với khủng hoảng môi trường, đặc biệt là khủng hoảng nước, sớm hơn dự tính. Tại thời điểm đó đã có hơn 300 triệu người ở nông thôn Trung Quốc thiếu nước sạch. Bùng nổ kinh tế làm tăng lượng chất thải hóa học và các vụ hóa chất độc hại tràn vào ra các con sông. Hơn phân nửa trong số 21 .000 công ty hóa chất có mặt bằng sản xuất gần sông Dương Tử và sông Hoàng Hà.
Trong khi đó, ô nhiễm không khí ở Trung Quốc cũng rất nghiêm trọng. Tổng khí thải lưu huỳnh đioxít (SO2), thành phần chính trong mưa axít, cao hơn 80% mức cho phép và vẫn đang tăng. Chính phủ nước này đã từng thừa nhận hầu hết các con sông đều ô nhiễm, hơn 1/3 đất nước bị mưa axít tấn công. Các con sông lớn bị ô nhiễm nặng nề khiến hàng trăm triệu dân không có nước sạch để uống. Những thành phố của Trung Quốc nằm trong số những thành phố khói bụi nhất thế giới.
Các thống kê gần đây cho thấy số lượng trẻ sơ sinh bị khuyết tật bẩm sinh đang leo thang tại một số vùng của Trung Quốc. Các nghi vấn hàng đầu là do ô nhiễm, di truyền, phóng xạ, và các bà mẹ sinh con khi tuổi đã cao. Theo Cục Y tế Bắc Kinh, trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ này đã tăng gần gấp đôi. Đến năm 2008, tỉ lệ trẻ sơ sinh khuyết tật là 170,82 trong mỗi 10.000 ca sinh nở. Ô nhiễm môi trường có thể là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự gia tăng trình trạng khuyết tật bẩm sinh. Tỉ lệ này trong khu sản xuất than của tỉnh Sơn Tây cao hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình trong cả nước.
Các chuyên gia đã cảnh báo rằng Trung Quốc cần nhanh chóng cải thiện việc bảo vệ môi trường. Nếu không Trung Quốc sẽ phải đối mặt với thảm họa theo sau hai thập kỷ phát triển quá nhanh đă làm ô nhiễm không khí, nước và đất. Hơn nữa, vấn đề ô nhiễm có thể đã trở thành quả bom công phá sự ổn định xã hội. Số cuộc phản đối của dân chúng về các vấn đề môi trường ngày càng tăng. Nông dân biểu tình phản đối lượng chất thải không được kiểm soát của các nhà máy đang phá huỷ hoa màu và làm nhiễm độc nguồn nước.
Các nhà quan sát từ ngoài Trung Quốc còn cho rằng dòng sông dài nhất nước này là sông Dương Tử bị ô nhiễm nặng nề và đang giãy chết; Ban ngày một số ngày mặt trời đã không còn nhìn thấy được do bụi bẩn ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn như Băc Kinh, Thượng Hải...; Đặc khu hành chính Hồng Công chỉ sau 10 năm được trao lại cho Trung Quốc mà bây giờ không khí ô nhiễm đã đến mức báo động...
Trong khi các tổ chức xã hội ở Đông Nam Á kiến nghị các chính phủ ngừng xây dựng 11 con đập thủy điện trên sông Mêkông thì ở Trung Quốc, các nhà hoạt động môi trường Trung Quốc cũng kiến nghị ngừng xây đập trên sông Dương Tử với lý do tương tự, tuy nhiên những nỗ lực này khó mà đem lại kết quả. Các nhà khoa học Trung Quốc và nước ngoài lo rằng các con đập sẽ phá hủy khu dự trữ cá hiếm duy nhất trên sông Dương Tử, con sông dài nhất Trung Quốc. Khu dự trữ này là nơi tụ cư của hơn 180 giống cá khác nhau, kể cả loài cá tầm và cá heo không vây đặc hữu của Trung Quốc đang được bảo tồn trước nguy cơ tuyệt chủng. Khu dự trữ trải rộng gần 400 km trên các nhánh thượng du của sông Dương Tử - nơi mức độ tập trung về đa dạng sinh học cao hơn vùng trung và hạ du. "Có quá nhiều đập thủy điện dự kiến xây dựng trên vùng thượng du sông Dương Tử ".
Trung Quốc là một trong những nước xây nhiều đập lớn nhất thế giới. Chính quyền luôn lập luận rằng, thủy điện có thể làm giảm sự lệ thuộc của Trung Quốc vào các loại nhiên liệu đắt tiền hơn như than đá - nhiên liệu chính của ngành điện Trung Quốc - và giảm việc phát ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính và các chất độc khác.
Dự kiến có 8 nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Kim Sa ở tỉnh Vân Nam miền Tây Nam Trung Quốc - một vùng có hệ sinh thái rất đa dạng mà từ lâu đã bị xâm hại vì việc xây đập thủy điện. Trung Quốc giờ đây đã có 160.000 con đập trên khắp các dòng sông. Theo Tân hoa xã, hệ thống đập nước này tạo nên một bộ phận hữu cơ trong nỗ lực của Trung Quốc thay sự phụ thuộc vào than đá và các nhiên liệu đắt tiền khác bằng nguồn thủy điện. Tuy nhiên, hàng ngàn con đập này có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.
Theo tính toán của SEPA, trong vòng 15 năm tới, Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành một xã hội sung túc - GDP sẽ tăng gấp 4 sần - nhưng nếu Trung Quốc vẫn duy trì mức sản xuất và tiêu dùng hiện tại thì ô nhiễm và tiêu thụ năng lượng ở nước này cũng sẽ tăng gấp 4 lần.
Theo các chuyên gia môi trường, chính sự lơ là trong bảo vệ môi trường những năm trước đã khiến Trung Quốc phải trả giá trong tương lai gần. Tổ chức Hòa Bình xanh Trung Quốc ở tỉnh Quảng Châu đã từng nhận định ở Trung Quốc đã có luật song việc thi hành luật thì còn rất hạn chế. Đơn cử như vụ nhà máy chưng cất bia Hải Lâm sản xuất bia rượu nhưng không có hệ thống xử lý nước thải như yêu cầu. Cục Bảo vệ môi trường địa phương đã yêu cầu nhà máy tạm ngưng hoạt động. Song do chính quyền địa phương không sớm phê chuẩn đề nghị này nên nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động cho đến khi xảy ra vụ thải chất ô nhiễm vào sông Mudan ở tỉnh Hắc Long Giang. SEPA cho rằng những nhà điều chỉnh luật của Trung Quốc thiếu quyền lực để thực hiện các tiêu chuẩn môi trường, một số nhà lãnh đạo không nhìn nhận đúng tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Thậm chí một số ít nhà lãnh đạo còn cho rằng chỉ phát triển nền kinh tế sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề xã hội, chính trị và các vấn đề khác. SEPA nhấn mạnh các vụ ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc sẽ xảy ra thường xuyên hơn do sự mất cân bằng trong cơ cấu công nghiệp. Tuy nhiên, việc này không thể giải quyết những vấn đề ô nhiễm trong một sớm một chiều.
Chính phủ Trung Quốc đã có nhận thức mới là : "không nên theo lối cũ là gây ô nhiễm môi trường rồi sau đó xử lý". Thay vì chỉ tập trung vào tăng trọng kinh tế, Trung Quốc cần chú ý tới bảo tồn năng lượng và bảo vệ môi trường. Đồng thời, Trung Quốc sẽ thi hành chính sách công nghiệp nghiêm ngặt, cấm doanh nghiệp và các dự án hạ tầng cơ sở gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên. Trung Quốc cũng sẽ thi hành các chương trình đặc biệt giải quyết ô nhiễm môi trường, đặc biệt là xử lý từng bước ô nhiễm nước, không khí và đất. Ngoài ra, Chính phủ sẽ thắt chặt việc thi hành luật về bảo vệ môi trường song song với các luật liên quan khác. Những doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng và gây ô nhiễm sẽ bị đóng cửa, doanh nghiệp và cá nhân gây ô nhiễm sẽ bị phạt nặng hơn. Trước sự cố Tùng Hoa, chỉ riêng trong năm 2005, gần 30.000 vụ vi phạm môi trường bị điều tra và trừng phạt, trong đó 2.609 doanh nghiệp buộc phải ngưng hoạt động hoặc đóng cửa.
Trong 4 năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 10, Trung Quốc đầu tư tổng cộng 600,6 tỷ NDT (khoảng 72,3 tỷ USD) cho phòng chống và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Vấn đề bảo vệ môi trường và chất lượng cuộc sống sẽ là ưu tiên trong chương trình phát triển kinh tế 5 năm tới của Trung Quốc.
Hiện nay, chính phủ Trung Quốc đã đề ra nguyên tắc chỉ đạo mới định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và biện pháp chính sách bảo vệ môi trường trong tương lai. Theo đó, khả năng bảo vệ môi trường sẽ trở thành một phép đo quan trọng để xác định quan chức các cấp có làm tròn vai trò của mình hay không. Nói cách khác, việc đánh giá quan chức địa phương không chỉ dựa về khả năng phát triển kinh tế mà còn tính đến khả năng bảo vệ môi trường. Chính một Cục trưởng của SEPA đã buộc phải từ chức sau vụ ô nhiễm sông Tùng Hoa.
Theo SEPA, chính phủ Trung Quốc vừa hoàn tất kế hoạch quản lý sông dài hạn trong đó chú trọng đến phòng chống và xử lý ô nhiễm . Chính phủ đang nỗ lực nhằm tránh những vụ ô nhiễm tương tự vụ ô nhiễm sông Tùng Hoa do các nhà máy hóa chất nằm cạnh sông hồ gây ra. SEPA yêu cầu các nhà máy báo cáo các vụ tràn hóa chất trong vòng một giờ khi vụ việc xảy ra để kịp thời xử lý. Chính vụ ô nhiễm sông Tùng Hoa đã không được công bố sau nhiều ngày và gây thêm khó khăn cho việc kiểm soát tình hình ô nhiễm môi trường.
Từ đầu năm 2006, SEPA đã công bố hai biện pháp tạm thời về sự tham gia của dân chúng trong việc đánh giá tác động môi trường. Theo đó dân chúng có thể tham gia đánh giá tác động môi trường, hỏi ý kiến chuyên gia, hoặc tham dự hội nghị chuyên đề hoặc diễn đàn công khai. Các nhà thầu dự án sẽ phải cung cấp cho nhân dân chi tiết ảnh hưởng của công trình xây dựng đến môi trường và các biện pháp phòng tránh họ sẽ áp dụng. Trước đây, hệ thống đánh giá tác động môi trường của Trung Quốc hầu như chỉ dựa vào các biện pháp hành chính nhưng thiếu sự giám sát của dân chúng. Đây là bước tiến lớn của pháp luật để tăng cường sự tham gia của dân chúng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường.
Những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát tận dụng tài nguyên và kiểm soát nước thải, khí thải, rác thải và khuyến khích phát triển ngành dịch vụ và ngành công nghệ cao tiêu hao tài nguyên thấp, gây ô nhiễm ít. Ngành công nghiệp bảo vệ môi trường tạo điều kiện đảm bảo về mặt vật chất và công nghệ cho công tác bảo vệ môi trường đang có không gian phát triển rộng lớn ở Trung Quốc.
Tập đoàn Bang Phổ ở tỉnh Quảng Đông là một doanh nghiệp vừa thuộc công nghiệp bảo vệ môi trường chuyên môn thu hồi và xử lý phế thải. Dự án "thu hồi và xử lý pin thải " của doanh nghiệp này đã thu hút sự chú ý của nhiều công ty đầu tư trong và ngoài nước. "Dự án chủ yếu thu hồi các loại pin thải, rồi chế tạo thành nguyên liệu sản xuất pin và cung cấp nguyên liệu này cho các doanh nghiệp sản xuất pin mới. Sau khi pin mới bị thải, lại tiếp tục được thu hồi. Đây là một quá trình tuần hoàn liên tục. Dự án này chắc chắn có triển vọng phát triển rất tốt, vì không chỉ ở Trung Quốc, trên toàn cầu bảo vệ môi trường, sản xuất tài nguyên tái sinh, kinh tế tuần hoàn đều là dòng chính, hơn nữa không chỉ trong thời gian hiện nay, trong tương lai điều này cũng hết sức quan trọng".
Trên thế giới hiện nay, ngành công nghiệp bảo vệ môi trường đã trở thành điểm tăng trưởng kinh tế mới được mọi người công nhận. Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Tính đến cuối năm 2008, Trung quốc đã có hơn 35 nghìn doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp bảo vệ môi trường như Tập đoàn Bang Phổ Quảng Đông, giá trị tổng sản lượng hàng năm lên tới khoảng 790 tỷ nhân dân tệ, hơn nữa vẫn đang tăng với tốc độ 15% hàng năm.
Nguyên nhân chính thúc đẩy ngành công nghiệp bảo vệ môi trường Trung Quốc phát triển là những năm qua Chính phủ Trung Quốc rất coi trọng công tác bảo vệ môi trường, chú trọng hỗ trợ về mặt cơ sở hạ tầng và phát triển ngành công nghiệp.
Kể riêng từ khi cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế lan rộng trên toàn cầu đến nay, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào ngành công nghiệp bảo vệ môi trường. Theo con số thống kê, trong vốn đầu tư 4000 tỷ nhân dân tệ dùng để mở rộng kích cầu trong nước Trung Quốc, có 300 tỷ nhân dân tệ đã đầu tư trực tiếp vào ngành liên quan tới bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng không chỉ dựa vào vốn đầu tư chính phủ để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bảo vệ môi trường như trước kia, mà là thông qua cho phép doanh nghiệp bảo vệ môi trường niêm yết để huy động vốn đầu tư hoặc thu hút vốn đầu tư xã hội, khiến ngành công nghiệp này không ngừng thị trường hóa. Ví dụ, tại thành phố Giang Âm, tỉnh Giang Tô miền đông Trung Quốc, vốn Chính phủ chiếm gần 20% tổng vốn đầu tư xử lý nước thải.
Những năm qua, Trung Quốc còn triển khai hợp tác với những tổ chức quốc tế và nhà đầu tư trong lĩnh vực xử lý nước thải và rác thải thành phố, xử lý khí thải ôtô cũng như tư vấn bảo vệ môi trường v.v... Đồng thời, có hàng trăm doanh nghiệp bảo vệ môi trường nổi tiếng thế giới đã đi vào thị trường bảo vệ môi trường của Trung Quốc.
Nhưng, trong quá trình phát triển nhanh chóng, ngành công nghiệp bảo vệ môi trường Trung Quốc cũng tồn tại không ít vấn đề. Chẳng hạn, trình độ công nghệ của thiết bị then chốt và sản phẩm cốt lõi chưa thỏa mãn được nhu cầu về quản lý môi trường và tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu khí thải, nước thải và rác thải; Kênh huy động vốn đầu tư vẫn ít, phần lớn dựa vào ngân sách Chính phủ, huy động vốn trên thị trường vốn vẫn khó khăn v.v... Bộ Bảo vệ môi trường (thành lập năm 2008) cho biết, nhằm giải quyết vấn đề nói trên, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt chính sách và biện pháp mới:
Thứ nhấttăng cường quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp bảo vệ môi trường. Hiện nay Chính phủ đang ấn định Quy hoạch chấn hưng ngành công nghiệp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, để thúc đẩy toàn diện ngành công nghiệp bảo vệ môi trường phát triển.
Môi trường liên quan mật thiết đến năng lượng. Trung Quốc buộc phải nhanh chóng thực hiện chế độ bảo vệ năng lượng nghiêm ngặt nhất. Các dự án năng lượng phải có cách làm mới và chính sách mới. Khai thác và sử dụng nguồn năng lượng mới và tái sinh năng lượng phải trở thành nội dung quan trọng trong xây dựng ngành năng lượng của Trung Quốc hiện nay, tăng cường khai thác năng lượng mặt trời, nhà máy điện hạt nhân v.v…
Thứ hailà tăng cường đổi mới công nghệ, khuyến khích sáng tạo và đổi mới, thu hút, tiêu hóa, hấp thu, rồi đổi mới.
Thứ balà tăng cường xây dựng kênh đầu tư đa nguyên hóa và cơ chế huy động vốn vào ngành công nghiệp bảo vệ môi trường, ủng hộ đông đảo doanh nghiệp bảo vệ môi trường vừa và nhỏ phát triển lành mạnh.
Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào công tác xử lý ô nhiễm, xây dựng môi trường sinh thái, nâng tổng vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường lên tới 1400 tỷ nhân dân tệ, chiếm khoảng 1,5% GDP cùng kỳ.