Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 05/09/2009 07:09 (GMT+7)

Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố

 

Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố sinh ngày 5 - 6 - 1889 tại Hà Nội, xuất thân trong một gia đình Nho học. Từ trong giáo dục gia đình, ông đã được đào tạo về Hán Nôm, có một vốn kiến thức phong phú về lịch sử và văn hoá Việt Nam và phương Đông. Ông lớn lên giữa lúc đất nước đang trải qua nhiều chuyển biến sâu sắc dưới sự thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp. Ông học tiếng Pháp, tốt nghiệp trường Thông ngôn và sau đó làm việc tại Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (Ecole francaise d’ Extrême - Orient, EFEO), từ nhân viên phụ tá lên chức Chủ sự. Nguyễn Văn Tố thuộc thế hệ những trí thức của buổi giao thời khi nền học vấn Hán Nôm đã dần dần kết thúc và chuyển sang nền văn hoá khoa học chữ Pháp - Quốc ngữ. Ông vừa là một trí thức Nho học, vừa là một trí thức Tây học. Ở Nguyễn Văn Tố có sự kết hợp giữa hai nền văn hoá Việt Nam và Pháp, hai nền văn minh Đông và Tây trên nền tảng bền vững của cốt cách, tâm hồn Việt Nam, truyền thống văn hoá dân tộc, trước hết là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Những năm 30, 40 của thế kỷ XX, người Hà Nội không mấy người không biết đến hình ảnh một trí thức “An Nam” hàng ngày mặc áo the, đóng khăn xếp, đi bộ đến làm việc tại Viện Viễn Đông bác cổ Pháp tại 26 phố Lý Thường Kiệt hiện nay. Bộ quốc phục đó vẫn theo Nguyễn Văn Tố cho đến sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 khi cụ đã trở thành vị Bộ trưởng của Chính phủ Hồ Chí Minh. Làm việc trong một học viện mang tính hàn lâm nổi tiếng của Chính phủ Pháp, giữa những nhà bác học người Pháp và phương Tây, Nguyễn Văn Tố vẫn giữ vững nhân cách, phong thái ung dung của mình và đóng góp tích cực vào công việc nghiên cứu lịch sử, văn hoá Việt Nam.

Với lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm góp phần vào việc nâng cao dân trí, năm 1938 Nguyễn Văn Tố đã tham gia Hội truyền bá chữ Quốc ngữ do Đảng Cộng sản chủ trương thông qua những trí thức hoạt động công khai như Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp… Ông được tín nhiệm bầu làm Hội trưởng và đã có nhiều cống hiến trong các hoạt động của hội.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ Nguyễn Văn Tố ra giúp nước. Cụ nhậm chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ lâm thời. Trong tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Cộng hoà, cụ trúng cử đại biểu Quốc hội của tỉnh Nam Định. Trong kỳ họp thứ I của Quốc hội ngày 2 - 3 - 1946, cụ Nguyễn Văn Tố được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội (tức cương vị Chủ tịch Quốc hội). Cụ Nguyễn Văn Tố là vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Cụ giữ cương vị này cho đến ngày 8 - 11 - 1946 khi cụ Bùi Bằng Đoàn thay thế. Sau đó, ngày 3 - 11 - 1946 cụ được cử giữ chức Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ kháng chiến.

Trong cuộc tiến công lên Việt Bắc âm mưu bao vây tiêu diệt bộ máy lãnh đạo kháng chiến, ngày 7 - 10 - 1947 một cánh quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn. Cụ Nguyễn Văn Tố bị giặc bắt và bắn chết. Về việc này, trong hồi kỳ của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết rõ: “… bọn lính dù (quân Pháp – PHL) bắt được một cụ già trông chững chạc, nói tiếng Pháp, yêu cầu chấm dứt chiến tranh xâm lược. Lúc biết không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng đã bắn chết khi ông già tìm cách chạy thoát. Đó là cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, một nhân sĩ yêu nước tâm huyết và uy tín. Cụ Tố hi sinh là một tổn thất lớn cho ta” (1). Sau chiến thắng Việt Bắc, giữa năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ, Quốc hội đã tổ chức lễ truy điệu nhà chí sĩ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố. Hồ Chủ tịch vô cùng thương tiếc, đọc bài văn tế, trong đó có đoạn:

Than ôi,

Sương bay nghi ngút, sao Đẩu ám mờ

Mây phủ mê man, Thái Sơn ngừng biếc.

Nhớ cụ xưa,

Văn chương thuần túy, học vấn cao sâu

Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết.

Mở mang văn hóa, cụ dốc một lòng

Phú quý, công danh, cụ nào có thiết.

Cụ dù hi sinh, tinh thần Cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt,

Với Cụ, dân tộc mất một người chí sĩ, thế giới mất một người danh nho, Chính phủ khôn xiết buồn rầu, đồng bào khôn xiết nỗi lòng thương tiếc (2).

Cụ Nguyễn Văn Tố là một chí sĩ yêu nước, đã hi sinh như một liệt sĩ anh hùng.

Về phương diện học thuật, Nguyễn Văn Tố là một học giả uyên bác, nổi tiếng thông kim bác cổ. Cụ là một nhà thư tịch học nắm vững hai công cụ nghiên cứu cơ bản là chữ Hán, chữ Nôm, có vốn kiến thức sâu và rộng về lịch sử, văn hoá Việt Nam và Trung Quốc kết hợp với phương pháp nghiên cứu hiện đại của Pháp và phương Tây. Nguyễn Văn Tố lại có điều kiện làm việc hết sức thuận tiện của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp. Đây là một trung tâm nghiên cứu lớn của Pháp về văn minh vùng Viễn Đông theo cách hiểu lúc bấy giờ là vùng từ Ấn Độ về phía đông, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, các nước Nam Á, Đông Nam Á và Đông Bắc Á, trong đó đối tượng nghiên cứu chủ yếu tập trung vào hai trung tâm văn hoá lớn nhất của phương Đông là Trung Quốc, Ấn Độ và hai vùng là Nhật Bản và Đông Dương. Tại đây, người Pháp đã xây dựng một thư viện lớn gồm các ấn phẩm mới và các tư liệu gốc thu thập được, trong đó có bốn kho tư liệu quan trọng và phong phú nhất là kho sách về Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam. Kho sách về Việt Nam chủ yếu là kho sách Hán Nôm, năm 1958 đã trao lại cho Uỷ ban Khoa học xã hội (từ 1979 do Viện Nghiên cứu Hán Nôm quản lý). Nguyễn Văn Tố đã miệt mài khai thác không biết mệt mỏi nguồn tư liệu thư tịch quý giá đó và công bố một loạt bài khảo cứu bằng tiếng Pháp trênTạp chí của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp(Bulletin de l’ Ecole francaise d’ Extrême - Orient, BEFEO),Tương lai xứ Bắc kỳ(Avenir du Tonkin),Tạp chí Viện nghiên cứu con người của Đông Dương(Bulletin de l’ Institut indochinois pour l’étude de l’ homme) và bằng tiếng Việt trên các tạp chíĐông thanh, Tao đàn, Thanh Nghị, Tri tân, Trí tri.Những bài khảo cứu của Nguyễn Văn Tố tựu trung có thể phân làm mấy loại như sau:

1. Khảo về văn bản cổ. Loại này công bố tập trung trong chuyên mục “Tài liệu để đính chính những bài văn cổ” trên tạp chíTri tânvà rải rác trên tạp chí khác. Mở đầu đề mục này, tác giả nói rõ mục đích của mình: “Tôi chưa thấy có quyển quốc văn hợp tuyển nào biên rõ những bài văn cổ trích ở đâu ra: ở sách in hay sách viết, sách chữ Nôm hay sách Quốc ngữ? Sự khiếm khuyết này không thể đổ lỗi cho nhà xuất bản được, vì từ trước đến giờ những quyển văn tuyển chỉ dùng làm sách giáo khoa, chứ không phải là loại sách khảo cứu. Tuy vậy, cũng cần phải biết những bài văn cổ xuất xứ ở bản in nào, và đem ra so sánh, kiểm điểm, thì may mới giữ được nguyên bản” (Tri tânsố 19, 17 - 10 - 1941). Tác giả đã sử dụng phương pháp văn bản học để rà soát lại các văn bản cổ theo hướng cố tìm ra nguyên bản hay bản cổ nhất, đáng tin cậy nhất.

2. Giới thiệu và đính chính sử liệu.Nguyễn Văn Tố rất coi trọng sử liệu và đã viết nhiều bài giới thiệu các nguồn sử liệu, đồng thời đối chiếu sự ghi chép trong sử ta với sử Trung Quốc để đính chính nhiều nghi vấn trong lịch sử. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, các bộ sử băng chữ Hán, chữ Nôm chưa được dịch ra tiếng Việt và từ năm 1918 khi chế độ thi cử bằng chữ Hán bị bãi bỏ, trong nền giáo dục thời Pháp thuộc chỉ dùng chữ Pháp và chữ Quốc ngữ nên số người am hiểu Hán Nôm càng ngày càng ít dần. Trong hoàn cảnh đó, Nguyễn Văn Tố đã ra sức trích dịch và giới thiệu những tư liệu quan trọng về văn hoá truyền thống. Những bài giới thiệu sử liệu này đăng rải ra trên nhiều tạp chí, cũng có lúc tập trung về một nguồn tư liệu như những bài viết vềNhững ông Nghè triều Lêtrên tạp chíTri tân.Thực ra đây là những bài giới thiệu và dịch các văn bia Tiến sĩ ở Văn Miếu. Nước ta mãi đến thời Lý, Trần mới bắt đầu công việc biên soạn lịch sử và số tác phẩm thời đó còn lại đến nay chỉ cóĐại Việt sử lược, Việt điện u linh, An Nam chí lược.Vì vậy trong nghiên cứu lịch sử, nhất là thời Lý, Trần về trước, cần khai thác những tư liệu liên quan trong các thư tịch cổ của Trung Quốc và dĩ nhiên cần đối chiếu giữa nhiều nguồn thông tin, giữa sử ta và sử phương Bắc để tìm ra sự thật lịch sử. Nguyễn Văn Tố đã viết nhiều bài dưới đề mục chung là “Sử ta so với sử Tàu” (3) để khảo về những tên hiệu cổ như Giao Chỉ, Xích Quỷ, Văn Lang, Nam Giao, Viêm Bang, Việt Thường…

3. Khảo cứu về văn hóa, văn học. Đây là hai lĩnh vực khảo cứu chủ yếu của Nguyễn Văn Tố. Ngoài một ít bài nghiên cứu chung về văn hoá phương Đông nhưĐạo giáo (Trí tri, 1934), Khổng Tử và kinh Xuân Thu (Trí tri,1935),Văn hoá phương Đông (Đông thanh, 1932), Văn hoá Đông Dương (Tri tân, 1943),tác giả dành sự quan tâm nhiều nhất cho văn hoá, văn học Việt Nam. Chúng ta bắt gặp những bài nghiên cứu về văn hoá vật thể nhưThời tiền sử ở Bắc kỳ (Trí tri, 1933), Nguồn gốc các mái cong (Trí tri, 1934), Một mô hình nhà ở bằng đất nung tìm thấy ở Nghi Vệ, Bắc Ninh (Trí tri, 1935), Ngôi chùa An Nam (BEFEO, 1941), Những vật dụng trong ngôi chùa An Nam (BEFEO, 1942);về văn hoá phi vật thể nhưMỹ thuật nước nhà (Đông thanh, 1932), Nguồn gốc chữ Quốc ngữ (Trí tri, 1933), tục ngữ ta so với tục ngữ Tàu và tục ngữ Tây (Tri tân, 1944)…

Nguyễn Văn Tố (ngoài cùng bên phải) trong Chính phủ lâm thời sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 4. Nghiên cứu các vấn đề lịch sử Việt Nam. Tất cả những vấn đề trên đều ít nhiều liên quan đến lịch sử Việt Nam, nhưng Nguyễn Văn Tố còn có một mục tiêu rất quan trọng là khảo cứu một số vấn đề cụ thể để chuẩn bị cho một công trình tổng hợp về lịch sử Việt Nam. Ý tưởng này được tác giả nói rõ trong lời mở đầu của “Sử ta so với sử Tàu”:

Có người kêu rằng 20 năm nay không thấy ai làm được quyển Nam sử nào dày bằng quyểnViệt Nam sử lượccủa ông Trần Trọng Kim, hay quyểnHistoire moderne du pays d’ Annamcủa ông Charles Maybon. Tôi tưởng cái đó không lấy gì làm lạ, vì rằng một cuốn sử Nam mà chép được những việc xưa nay chưa ai chép đến, thì phải tìm tòi khó học, góp nhặt, so sánh mà sách chữ Hán thì lại chép tản mát ra nhiều chỗ. Sử học cũng như khoa học, không chú ý làm sách cho dày, chỉ cốt tìm được nhiều điều mới, xưa nay chưa ai nói đến, hoặc chứa những chữ của người trước chép sai. Nếu kê cứu đâu ra đấy, thì tự khắc có người hội ý lại, để dọn thành sách phổ thông. Lúc bấy giờ mới làm sách dày, mới gọi là tổng hợp, trước kia còn là phân tích.

Sử ta đã đến thời kỳ tổng hợp chưa?

Kể đại cương về các đời vua, thì những quyển sử Nam xuất bản từ trước đến giờ, cũng có thể gọi là tạm đủ. Nhưng xét đến sự sinh hoạt của dân chúng, việc tuyển lính, cách thi học trò, sự giao thiệp với các nước láng giềng… thì hãy còn thiếu nhiều lắm. Phải tìm lâu thì may mới thấy, mà sử liệu không những ở trong văn thư, còn ở các đồ cổ tích nữa” (4).

Đoạn văn trích trên phản ánh khá đầy đủ quan điểm sử học của Nguyễn Văn Tố. Theo tác giả, một công trình sử học, giá trị không phải ở độ dày, mà trước hết phải là công phu tra cứu, thu thập tư liệu, phát hiện những cái sai của người đi trước, bổ sung nhiều cái mới. Tư liệu theo quan niệm của ông, không phải chỉ “văn thư” tức tư liệu chữ viết mà “còn ở các đồ cổ tích nữa” tức các di tích, di vật. Đấy là một quan niệm mới về sử liệu học. Ông nhận thức lịch sử không phải chỉ viết về “các đời vua” mà còn phải bao gồm sinh hoạt của dân chúng, quân sự, giáo dục, quan hệ với nước ngoài… tức một nam niệm lịch sử đa dạng bao quát các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội… Từ những bộ sử đã có như tác phẩm của Trần Trọng Kim, Charles Maybon, muốn tiến lên một trình độ cao hơn, công việc nghiên cứu phải gồm hai bước: bước đầu là “phân tích” tức thu thập, giám định sử liêu, xác minh các sự kiện lịch sử…. bước hai là “tổng hợp” tức biên soạn thành công trình khoa học.

Khối lượng những bài khảo cứu của Nguyễn Văn Tố rất lớn, trên nhiều lĩnh vực từ thư tịch học, văn bản học đến khảo cổ học, ngôn ngữ học, triết học, văn hoá, văn học… những lĩnh vực chủ yếu thu hút thời gian và tâm sức của tác giả là sử học. Kiến thức uyên bác, thái độ nghiêm túc, phong thái ung dung, bản lĩnh vững vàng và bao trùm lên tất cả con người và trước tác của ông là tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc cao. Dưới chế độ thực dân, những trang viết về lịch sử, văn hoá dân tộc của ông không chỉ nâng cao hiểu biết về lịch sử, văn hoá dân tộc mà còn gợi lên những suy nghĩ về tinh thần yêu nước. Tạp chíTri tânmà ông là cây bút rất đều đặn, có bài trên hầu hết 212 số báo, có số đến hai bài, đã thể hiện phương châm “ôn cố tri tân” đó.

Nguyễn Văn Tố là nhà trí thức Việt Nam làm việc trong một học viện mang tính hàn lâm cao của chính phủ Pháp. Tại đây, ông được các đồng sự rất mếm mộ và các học giả Pháp cũng tỏ ý kính nể. Các nhà khoa học Pháp như L. Bezacier, G. Coedès… tin cậy nhờ ông kiểm tra và chữa bản in, nhất là phần chữ Hán. Trong một số bài khảo cứu, ông tranh luận quyết liệt với Henri Maspéro về vấn đề nhà Tiền Lý (5) và quận Tượng (6). Ông phân tích, đối chiếu các tư liệu của ta và Trung Quốc để phản đối ý kiến của học giả Pháp phủ nhận nhà Tiền Lý và chứng minh sự tồn tại của một chính quyền tự chủ cùng các nhân vật Lý Bôn tức Việt Đế, Lý Thiên Bảo, Lý Phật Tử, Lý Xuân và Việt Vương từ năm 541 đến 602. Hơn nữa, ông còn phê phán H. Maspéro gọi những người cầm đầu này là “tướng phản nghịch” (chefs de rebeles), thực ra là “những người cầm đầu” mà “sử Tàu” cũng phải gọi là “cừ suý” (grand chef). Về quận Tượng, qua tư liệu Trung Quốc, lúc đầu có hai thuyết: một thuyết cho là quận Nhật Nam thời Hán tức thuộc Trung bộ của Việt Nam hiện nay, một thuyết cho là vùng Quảng Tây thuộc Trung Quốc, đến thời Đường xuất hiện thuyết cho rằng quận Tượng bao gồm cả hai vùng trên. H. Maspéro khảo các cứ liệu và cho rằng quận Tượng chỉ ở vùng Quảng Tây thuộc Trung Quốc, không bao gồm miền Trung của Việt Nam. Nguyễn Văn Tố kiểm tra,phân tích lại các cứ liệu trong thư tịch cổ, chứng minh rằng quận Tượng do nhà Tần đặt ra, trên danh nghĩa bao gồm cả vùng đất nam Trung Quốc và nước ta, nhưng nhà Tần chỉ đặt khống, còn nước ta vẫn thuộc quyền vua Thục An Dương Vương. Thật ra ý kiến của Nguyễn Văn Tố còn có chỗ phải bàn thêm, tuy nhiên ông đã chứng minh có sức thuyết phục là quân Tần chưa chiếm được nước ta, lúc đó là nước Âu Lạc thời An Dương Vương.

Qua những bài khảo cứu và những cuộc tranh luận, Nguyễn Văn Tố tự thể hiện là một học giả rất tự tin dựa trên cơ sở nắm vững các nguồn tư liệu thư tịch của ta và Trung Quốc. Trong các bài khảo cứu, ông đã kê cứu, trích dẫn rất nhiều thư tịch cổ của Trung Quốctừ Nhị thập ngũ sửtức 25 bộ sử về các triều đại cho đến các bộ sách cổ nhưThuỷ kinh chú, Thái bình hoàn vũ ký, Nguyên Hoà quận huyện chí, Tư trị thông giám, Độc sử phương dư kỷ yếu, Việt kiệu thư, An Nam chí….Trong các thư tịch cổ của ta, ông đã khai thác tất cả các thư tịch cổ và là người đầu tiên sử dụng cuốnĐại Việt sử lượclà bộ sử sớm nhất (thời Trần) còn bảo tồn đến nay nhưng bị thất lạc sang Trung Quốc, đến thời Thanh mới được sưu tầm, khắc in và đưa vàoTứ khố toàn thư. Chính vì lối kê cứu thư tịch cổ rất công phu, ghi rõ tờ a, tờ b như vậy kết hợp với bộ áo the, khăn xếp, thời bấy giờ có người coi Nguyễn Văn Tố là loại “học giả tờ a, tờ b”, thậm chí coi như “thủ cựu”, “nệ cổ”… Đấy là cách khảo cứu theo phương pháp thư tịch học, văn bản học mà xã hội ta lúc đó chưa quen. Nhưng đằng sau những kê cứu khô khan đó là những sự thật lịch sử được xác minh làm sống lại những giá trị văn hóa và những trang sử đích thực của dân tộc.

Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố là một học giả uyên bác, một nhà sử học lớn của đất nước đã có công gây dựng nền tảng khoa học cho sự ra đời của nền sử học Việt Nam hiện đại. Những kết quả nghiên cứu của Nguyễn Văn Tố đã góp phần thức tỉnh lòng yêu nước và dấy lên yêu cầu chấn hưng văn hoá dân tộc, nằm trong xu hướng lịch sử tiến tới cách mạng giải phóng dân tộc. Một con người như thế tất nhiên sẽ dẫn đến sự hiện diện của ông trong Chính phủ Cách mạng lâm thời sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và theo chính sách cầu hiền của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chú thích

1. Võ Nguyên Giáo:Từ nhân dân mà ratrongTổng tập hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2006, tr 479.

2. Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, T.V, tr 434 - 435.

3. Chuyên mục trên tạp chíThanh Nghịsố 60, 62, 666, 68, 72, 79, 81, 82, 84, 88, 90, 105.

4. Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố:Đại Nam dật sử, Sử ta so với sử Tàu,Hội Khoa học lịch sử Vịêt Nam, Hà Nội, 1997, tr 419.

5. Masperro:La dynastie Li antérieurs, Bulletin de l’ ecole francaise d’ Extrême – Orient, 1916, No 1, tr 1 - 26.

Nguyễn Văn Tố:Có nhà Tiền Lý không? Và Đời Tiền Lý có quan Tàu sang cai trị nước Nam không?TrongĐại Nam dật sử,sđd.

Maspero H:La commandrie de Siang, Bulletin de l’ Ecole francaise d’ Extrême – Orient,1916, sđd, tr 49 - 55.

6. Nguyễn Văn Tố:Tượng quận có phải là đất nước ta không?TrongĐại Nam dật sử, sđd

Nguyễn Văn Tố (ngoài cùng bên phải) trong Chính phủ lâm thời sau Cách mạng tháng Tám năm 1945

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Đoàn đại biểu VUSTA viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Chiều ngày 24/5/2025, đoàn đại biểu Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam do TSKH. Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam làm trưởng đoàn đã tới kính viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Thanh Hoá: Tập huấn Bình dân học vụ số cho cán bộ, hội viên
Ngày 22/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn về Công nghệ số ứng dụng trong sản xuất và đời sống (Bình dân học vụ số) cho gần 200 cán bộ, hội viên của các hội thành viên, trung tâm trực thuộc, đơn vị liên kết trong hệ thống Liên hiệp hội.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...