Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 12/04/2022 14:48 (GMT+7)

Từ thực trạng hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của báo chí hiện nay

Trong bối cảnh hiện nay, khi cả thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0), báo chí Việt Nam - cùng với mọi ngành nghề trong xã hội đều có những bước chuyển mình để phù hợp với thời đại.

Giữa môi trường truyền thông mở, đội ngũ phóng viên báo chí được thỏa sức sáng tạo ra những sản phầm truyền thông mới, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Những sản phẩm báo chí multimedia (đa phương tiện) ra đời, với các kiểu bài như: infographics, mega story, e-magazine, long-form… đã không còn xa lạ với độc giả, tạo nên những món ăn tinh thần mới mẻ, khác với những bài báo chỉ gồm chữ viết và ảnh minh họa đơn thuần. Đó là những tác phẩm báo chí bao gồm cả chữ viết, ảnh, video, ảnh động, file âm thanh, các yếu tố đồ họa được thiết kế theo phương thức hoàn toàn mới. Những thay đổi lớn trong cách tiếp nhận thông tin của độc giả buộc báo chí đứng trước những thay đổi sâu rộng.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh mạng xã hội có sức ảnh hưởng sâu rộng, tin giả (fake news) lan tràn khắp nơi, thì báo chí không còn là phương tiện truyền thông độc quyền. Báo chí bị đặt vào một thế cạnh tranh khó khăn, khi vừa phải đảm bảo về tốc độ đưa tin, vừa phải khẳng định sự đáng tin cậy của mình đối với công chúng.

Sự phát triển mạnh mẽ của nhiều trang tin điện tử cũng khiến nhiều độc giả nhầm lẫn với báo chí. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho báo chí hiện nay khá đa dạng, có nhiều người không qua các trường lớp đào tạo bài bản, đã cẩu thả, tùy tiện trong viết lách, đã có những “con sâu làm rầu nồi canh” đánh mất đạo đức nghề nghiệp, trục lợi cá nhân, làm cho nhiều độc giả đánh đồng báo chí với trang tin điện tử, hay mạng xã hội, khiến niềm tin với báo chí ít nhiều bị giảm sút.

Đứng trước thực trạng với nhiều cơ hội và thách thức đó, công tác quản lý báo chí đặt ra nhiều vấn đề, nhất là vấn đề thực hiện tôn chỉ mục đích. Câu hỏi đặt ra với mỗi cơ quan báo chí, là làm sao vừa bảo đảm đúng tôn chỉ mục đích, vừa hoàn thành vai trò thông tin chính xác, đa dạng, có tính đại chúng, góp phần quan trọng trong định hướng xã hội.

tm-img-alt

Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức Tập huấn cho PV, BTV trong hệ thống kỹ năng tìm, viết và công bố sự thật trong hoạt động báo chí (năm 2021)

Thực hiện tôn chỉ mục đích và nhu cầu thông tin

Nghị định 119/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 07/10/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Trong đó, quy định rõ phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí, không đúng giấy phép sản xuất kênh chương trình trong nước gây ảnh hưởng nghiêm trọng.Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2020.

Ngay khi nghiên cứu Nghị định 119, nhiều cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi, liệu tôn chỉ mục đích có bó hẹp hiệu quả thông tin không? Vấn đề này cũng được đại diện các cơ quan báo chí nêu lên trong những buổi họp giao ban báo chí hàng tuần, hàng tháng của Ban Tuyên giáo TW và Bộ Thông tin & Truyền thông.

Trước hết chúng ta cần xác định, tôn chỉ mục đích là chức năng định hướng của chính cơ quan chủ quản mà cơ quan báo chí đó trực thuộc.Và được xây dựng nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, phản biện dưới góc nhìn báo chí chính thống. Đó được coi là nhiệm vụ chính trị, xương sống của mỗi cơ quan báo chí.

Tuy nhiên, nhìn thẳng thực tế, nếu cơ quan báo chí chỉ thực hiện cứng nhắc về tôn chỉ mục đích, thì vai trò cung cấp thông tin, phản ánh hơi thở cuộc sống sẽ có những hạn chế. Ví dụ như, tờ báo Tuổi trẻ không thể chỉ đưa bó hẹp thông tin về Đoàn thanh niên; Báo Gia đình Việt Nam không thể chỉ đưa vấn đề gia đình, món ăn trong các nhà hàng, siêu thị hay nội trợ; Tạp chí điện tử Giáo dục không thể hàng tháng định kỳ đưa thông tin nghiên cứu về giáo dục, kỳ thi tuyển, công tác đào tạo…

Thực tế, thời gian “chống dịch Covid như chống giặc” và cứu trợ miền Trung vừa qua, cả hệ thống báo chí vào cuộc, tuyên truyền chủ trương của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã đạt kết quả tốt đẹp, hết sức nhân văn, nếu cứng nhắc về tôn chỉ mục đích, thì nhiều cơ quan báo chí không có chức năng tuyên truyền các nội dung lĩnh vực này.

Nói như vậy, không có nghĩa báo chí được phép ngụy biện để xa rời tôn chỉ mục đích. Thời gian qua, có những cơ quan báo chí đăng tải nội dung sai sự thật, phóng viên chỉ chăm chăm làm những vụ việc tiêu cực, dọa nạt tống tiền, gây bức xúc dư luận; đã có một số trường hợp cán bộ, phóng viên bị bắt khi nhận tiền…

Thực trạng này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý báo chí nói chung, mỗi cơ quan tòa sọan nói riêng.Tuy nhiên, đó chỉ là số ít. Và đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý, cũng như mỗi tòa soạn phải chịu hình thức xử lý theo quy định. Điều đó nói lên rằng, không thể vì tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” mà quy chụp cái chung, quản lý siết chặt hơn nhưng không thể hạn chế vai trò cung cấp thông tin của báo chí.

Có một thực trạng thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí xuống địa bàn thực tế, trong quá trình tác nghiệp phát hiện những vi phạm của doanh nghiệp, chính quyền. Tuy nhiên, bị từ chối cung cấp thông tin khi liên hệ làm việc, lý do đối tượng đang có sai phạm đưa ra là không đúng tôn chỉ mục đích. Nhìn ở khía cạnh thực tế này, hiển nhiên các đối tượng vi phạm đang “lách luật”, lợi dụng “thượng phương bảo kiếm” là tôn chỉ mục đích để trốn tránh hành vi sai phạm của mình. Như vậy, nếu cơ quan quản lý áp dụng cứng nhắc về tôn chỉ mục đích, trong những trường hợp đó, thì sẽ hạn chế sự đấu tranh chống tiêu cực của báo chí.

Với tất cả thực tế trên, vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý báo chí, cụ thể là từng cơ quan chủ quản, cho đến Ban Tuyên giáo TW, Bộ Thông tin & Truyền thông cần có cơ chế quản lý phù hợp, chế tài cụ thể, nhằm xử lý và giải quyết thực trạng “thấu tình đạt lý”, để mỗi cơ quan báo chí vừa bảo đảm tôn chỉ mục đích, vừa đáp ứng nhu cầu thông tin đời sống xã hội, nhất là trong bối cảnh các tòa soạn phải vận hành theo quy luật kinh tế báo chí của nền kinh tế thị trường nói chung.

Cần cơ chế quản lý phù hợp

Đầu tháng 11/2020, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội khóa 14, đại biểu Phan Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) chất vấn rằng,hoạt động theo tôn chỉ mục đích liệu sẽ hạn chế báo chí chống tham nhũng không? Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định điều này không hạn chế việc chống tham nhũng của báo chí. Bởi cơ quan báo chí thuộc lĩnh vực chuyên ngành của cơ quan chủ quản có toàn quyền đăng tải thông tin về các vụ việc tiêu cực, tham nhũng theo chuyên ngành, thậm chí báo chí viết rất sâu.

Như vậy, vấn đề đặt ra, nếu những thông tin không chuyên ngành, mà phát hiện sai phạm tiêu cực, thì cơ quan tòa soạn không có tôn chỉ mục đích, liệu chăng phải “bỏ qua”!? Như vậy, vẫn là hạn chế chống tiêu cực.

Từ thực tế trên, thiết nghĩ, nên có cơ chế, chế tài phù hợp, để vừa xử lý những cơ quan báo chí không làm tròn chức năng, vừa không hạn chế báo chí đáp ứng nhu cầu thông tin xã hội rộng rãi.

Thiết nghĩ, cần có cơ chế để cơ quan báo chí đáp ứng tỷ lệ phần lớn là lượng tin, bài đăng tải/tháng phải phục vụ đúng chức năng tôn chỉ mục đích; và một phần nhỏ nội dung còn lại vẫn phải bảo đảm thông tin đời sống xã hội nói chung. Phương pháp này hiện nay rất dễ áp dụng, vì cơ quan quản lý như Bộ TT&TT đã ứng dụng công nghệ hiện đại, có máy quét, dễ dàng phát hiện cơ quan nào không đáp ứng nội dung, hoàn toàn xa rời tôn chỉ mục đích, tùy theo mức độ để áp dụng chế tài xử phạt.

Xem Thêm

Phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính
Ngày 22/3 tại An Giang, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (thuộc Vusta) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Liên hiệp hội An Giang đã tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - năm 2024”.
Lạm bàn về Tạp chí khoa học hiện nay!
Theo công bố của Bộ Thông tin & Truyền thông, hiện nay cả nước có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 673 tạp chí (trong đó có hơn 300 tạp chí khoa học); 72 cơ quan phát thanh, truyền hình.
Lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam, Cục Xuất bản và Vụ Báo chí - XB (Ban Tuyên giáo Trung ương) làm việc với NXB Tri thức
Ngày 26/2/2024, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch LHHVN đã chủ trì buổi làm việc với Nhà xuất bản Tri thức. Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh, Tổng thư ký Nguyễn Quyết Chiến, các đồng chí lãnh đạo các phòng ban và toàn thể cán bộ, người lao động của Nhà xuất bản Tri thức.

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.