TS Phạm Đỗ Chí: “Tôi có thể tình nguyện làm... bộ trưởng!”
* Với học vị TS, đã có nhiều năm làm việc tới vai trò chuyên gia cao cấp về kinh tế tài chính và giảng dạy đại học ở nước ngoài, ông nghĩ gì về lời tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung mới đây tại diễn đàn Đại hội X nhấn mạnh vấn đề cải cách bộ máy hành chính và tăng cường huy động nhân tài nhằm tăng cường phát triển đất nước trong giai đoạn mới, thậm chí có thể mời cả người ngoài Đảng làm bộ trưởng?
- Đây là một chính sách rất quan trọng, nếu thật sự được thực hiện thì nó sẽ là một dẫn chứng về khả năng đột phá của Việt Nam trong việc sử dụng vốn quí là con người khi Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
* Giả định nếu có ai đó mời ông tham gia Chính phủ tương lai, ông sẽ chọn vị trí nào?
- Nếu chỉ là giả định và thử vào vai thì trong vị trí cá nhân khiêm tốn của tôi, tôi có thể tình nguyện làm bộ trưởng Bộ Kế hoạch.
* Vì sao lại chọn Bộ Kế hoạch?
- Gần 30 năm làm việc với vai trò chuyên gia cao cấp với một định chế tài chính quốc tế và nhiều năm giảng dạy đại học tại nước ngoài, tôi nghĩ mình phần nào có được khả năng chuyên môn trong vai trò bộ trưởng.
* Điều quan trọng nhất là chương trình làm việc của một bộ trưởng kế hoạch trong năm năm tới dưới kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2006-2010. Ông có các đề xuất kế hoạch chính yếu nào?
- Đây là vấn đề cần thời gian và thảo luận nhiều hơn. Nhưng tựu trung tôi xin tóm tắt ba nhiệm vụ chính lúc này:
+ Thay đổi căn bản trong kế hoạch đầu tư quốc gia nhằm: (i) làm giảm các thất thoát lãng phí khổng lồ gây sốc hiện tại trong các công trình đầu tư, nhất là các dự án với nguồn vốn quốc gia hay đi vay vốn ODA; (ii) tăng hiệu quả đầu tư bằng cách thật sự nâng cao vai trò của khu vực tư nhân và áp dụng kế hoạch đầu tư mới, bớt dùng vốn mà dùng nhân lực nhiều hơn; và (iii) trong tổng thể nhằm làm giảm hệ số ICOR giữa nhu cầu đầu tư và độ tăng trưởng đang quá cao của Việt Nam, phản ánh song hành tệ nạn thất thoát và kém hiệu quả trong đầu tư quốc doanh.
Mặc dù tỉ lệ đầu tư/GDP tăng lên rất cao từ 28% năm 1999 tới trên 35% trong các năm gần đây, Việt Nam vẫn chỉ đạt được tỉ lệ tăng trưởng khoảng 7-8% hằng năm, so với Thái Lan đã có tốc độ tăng trưởng cao nhất là 11,4%/năm trong giai đoạn 1987-1991 lúc thực hiện được mức độ đầu tư cao. |
+ Sửa soạn chiến lược đầu tư mới cho giai đoạn 2006-2010 nêu trên như giai đoạn I cho dự báo của một thập kỷ phát triển bùng nổ hơn 2006-2015, nhằm đạt độ tăng trưởng cao, chất lượng và bền vững trong giai đoạn II của năm năm tới.
+ Đối phó với vấn đề khẩn cấp trước mắt là ổn định kinh tế vĩ mô nhằm chặn đứng tâm lý lạm phát đang lan tràn sẽ gây khó cho mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững. Ai cũng đang nói đến lạm phát, nhưng cần làm gì trong các chính sách chỉ đạo?
* Ông hãy thử bắt đầu từ vấn đề đầu tư...
- Vấn đề nan giải nhất của đầu tư khu vực nhà nước hay bàn đến tỉ lệ thất thoát lãng phí hay thiếu hiệu quả trong đầu tư; có người nói thất thoát đến 30-35% hay có người chỉ ước tính ở mức thấp hơn thí dụ 10-15%.
Thất thoát có nguyên nhân quan trọng từ sự thúc đẩy mức tăng trưởng cao hằng năm bằng đầu tư của khu vực nhà nước (gồm cả các xí nghiệp quốc doanh), nhất là để xây dựng hạ tầng (với gần 60% tổng số đầu tư thuộc về Nhà nước) và sự chồng chéo phiền nhiễu của thủ tục hành chính gây ra tham nhũng. Muốn chống tham nhũng có hiệu quả, trước hết phải có bước đột phá trong cải cách hành chính, tách cơ quan quản lý khỏi kinh doanh.
* Dựa vào vài tính toán đơn giản để thiết lập hệ số ICOR khá phổ thông dùng trong các mô hình tăng trưởng dài hạn định nghĩa mối tương quan giữa đầu tư và tăng trưởng thì vấn đề thiếu hiệu quả của đầu tư ở Việt Nam khá nghiêm trọng.
- Hệ số này cao có nghĩa là cần nhiều vốn đầu tư để tạo được cùng mức tăng dự kiến cho tổng sản phẩm GDP. Hệ số ICOR của ViệtNamđã tăng gấp đôi từ mức 3 trong các năm 1990-1991 lên đến 6 những năm mới đây.
Con số gia tăng này mang ý nghĩa đáng lo ngại khi so sánh với các nước láng giềng. Khi ở trình độ phát triển thấp tương đương với Việt Nam hiện giờ vào những năm 1950-1975, hệ số ICOR của Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ dao động trong khoảng 1-2.
Nếu giả thử Việt Nam duy trì được cùng hệ số ICOR như các nước láng giềng và tính ra được con số đầu tư cần thiết nhỏ hơn nhiều để đạt được cùng độ tăng trưởng GDP như trong thập niên vừa qua, con số thất thoát hay lãng phí tính được sẽ rất lớn.
Ngoài vấn đề thất thoát, vốn đầu tư còn kém hiệu quả vì ViệtNamđã và đang quá tập trung phát triển các ngành sử dụng nhiều vốn, ít lao động. Phải có giải pháp mạnh điều chỉnh cơ cấu để chuyển sang phát triển các ngành sử dụng ít vốn, nhiều lao động vì nguồn lao động dồi dào là một lợi thế so sánh rất lớn của Việt Nam, đồng thời giúp giải quyết nạn thất nghiệp, tăng cường đào tạo lao động có năng suất cao, nhất là ở nông thôn.
TS Phạm Đỗ Chí - Tiến sĩ kinh tế Đại họcPennsylvania, Mỹ. - Từng là chuyên viên cao cấp của Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF), đại diện thường trú của IMF tạiTogo, Lào. - Tham gia giảng dạy MBA tạiAmericanUniversity(thủ đôWashington). - Hiện là giám đốc Công ty tư vấn kinh tế Potomac Investments & Research Associates, Mỹ. - Tác giả của bộ sách: Đánh thức con rồng ngủ quên, Thử thách của hội nhập, Làm gì cho nông thôn, ViệtNamtrên đường hóa rồng (do nhóm Thời báo Kinh Tế Sài Gòn xuất bản). |
Các nước Đông Á theo đuổi chiến lược phát triển các ngành có hệ số vốn thấp nhưng sử dụng nhiều lao động trong suốt ba thập kỷ qua nên có được những tỉ lệ tăng trưởng kinh tế rất cao, nhưng lại giữ được hệ số ICOR thấp. Như vậy vốn đầu tư được tập trung vào các ngành nghề phù hợp với giai đoạn đầu của công nghiệp hóa, sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là làm hàng xuất khẩu.
* Theo cuộc điều tra năm 2005 mới được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, chỉ số cạnh tranh tăng trưởng của Việt Nam tiếp tục giảm 3 bậc sau khi đã giảm 17 bậc trong năm 2004. Trong đó yếu nhất ở ứng dụng công nghệ và chất lượng các tổ chức công. Đây là một biểu hiện đáng lo ngại và mang tính cảnh báo đối với các nhà hoạch định chính sách, có phải thế thưa ông?
- Ở đây có vài điểm có thể rút ra. Thứ nhất, môi trường quốc tế đang có những diễn biến rất sôi động và cạnh tranh quyết liệt giữa các nước để tạo lập môi trường kinh doanh hấp dẫn, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Thứ hai, tốc độ tăng trưởng GDP của ViệtNamhằng năm thuộc loại cao trên thế giới, tuy nhiên trong khi ViệtNamtiến lên thì các nước cũng cùng tiến lên.
Thứ ba, chỉ số cạnh tranh là chỉ số tổng hợp, bao hàm các vấn đề về môi trường vĩ mô, tài chính, thương mại, thể chế, hiệu năng bộ máy công quyền... thì chỉ số của Việt Nam giảm trong khi tăng trưởng GDP của Việt Nam thuộc mức cao trong khu vực và quốc tế, môi trường chính trị ổn định, như vậy có thể nhận định nền tảng tăng trưởng của Việt Nam thiếu tính bền vững, và chất lượng tăng trưởng chưa cao.
Từ nhiều năm qua, khi nói đến điều tiết vĩ mô, Việt Nam thường chỉ cần đặt mục đích đạt mức tăng trưởng GDP cao hằng năm, vì trong các năm từ 2000 phải áp dụng liên tục chính sách kích cầu nhằm gia tăng mức tổng cầu thay vì lo đến lạm phát. Nhưng điều tiết kinh tế vĩ mô không chỉ là khúc hát đơn điệu kích cầu. Từ năm 2006 sẽ là vai trò quan trọng chặn bớt lạm phát và điều tiết vĩ mô.
Áp lực chính của lạm phát có thể đã đến từ bên ngoài như trong vài tháng đầu năm 2004, nhưng mục đích chính của điều tiết vĩ mô là dùng các biện pháp tiền tệ và tài khóa để làm giảm bớt áp lực đó, ngăn sự lan rộng cũng như chặn “tâm lý lạm phát” rất khó kiểm soát lúc đã hình thành. Đây sẽ là điều kiện cốt lõi để duy trì được tăng trưởng cao và ổn định cho lâu dài.
* Ông chỉ nêu tên Bộ Kế hoạch mà không nói đến phần đầu tư. Trong khi thể chế hiện hành hai bộ ấy là một. Ông có ngụ ý gì không?
- Trong thời gian sắp tới, nhằm tăng vai trò của Bộ Kế hoạch giám sát các dự án đầu tư nhà nước, nhất là phối hợp hiệu quả việc huy động và thực hiện viện trợ hay các khoản vay ODA, cần tách bộ phận đầu tư ra khỏi Bộ Kế hoạch để tránh làm chồng chéo các vai trò của cơ quan làm chính sách với cơ quan thực hiện phân bổ nguồn vốn rồi cả giám sát đầu tư.
Trong nhiệm vụ giám sát tăng cường, sẽ cần mời sự hợp tác tích cực và hiệu quả hơn của các định chế tài chính quốc tế lớn có mặt ở ViệtNam. Chúng ta cũng có quyền kỳ vọng ở sự đóng góp tích cực của họ hơn trong tương lai sau biến cố PMU18.
* Ông nghĩ gì khi Tuổi Trẻ đăng nguyên văn cuộc trò chuyện này trên số báo ngày mai?
- Thì người đọc sẽ có thêm thông tin về những ý tưởng đột phá trong đường lối tổ chức và tuyển chọn nhân tài. Tôi thử ngồi vào ghế một bộ trưởng để trình bày những ý kiến thật của mình cũng chỉ để đưa ra dự báo lạc quan khi quyết sách này được thực hiện.
Vấn đề quan trọng không phải là chọn ai, mà là đường lối rộng mở để huy động nguồn lực con người, tuyển chọn nhân tài không chỉ là người Việt Nam trong nước mà cả những người Việt Nam ở nước ngoài là chuyên gia cần cho việc điều hành và quản trị quốc gia.
* Xin cảm ơn ông.
Nguồn: Tuổi Trẻ25/4/2006