TS. Nguyễn Văn Sơn - người có hơn 100 bằng sáng chế tại Mỹ
Ông là một cộng tácviên đắc lực của Cơ quan Hợp tác khoa học Việt - Mỹ (tổ chức do các giáo sư Mỹ đứng ra thành lập để hỗ trợ cho Việt Nam ). Ngay từ năm 1982, TS Nguyễn Văn Sơn đã có những chuyến công tác về Việt Namvới mục đích giúp các sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học. Trung bình mỗi năm ông về Việt Nam 2-3 lần để nói chuyện và giảng dạy về công nghệ nano tại các trường đại học. Hiện nay, ông là cố vấn của Trường Đại học Trà Vinh và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh).
Xin TS giới thiệu khái quát về lĩnh vực nghiên cứu mà TS đang theo đuổi?
Công việc chính của tôi hiện nay là nghiên cứu về các vật liệu nano mới, có khả năng sử dụng trong chế tạo các thiết bị điện tử nano. Những loại vật liệu này được chế tạo bằng phương pháp bốc bay hóa học, plasma, nhiệt, dùng để chế tạo các dây dẫn điện, chất cách điện và chất bán dẫn nano để sản xuất những nano vi mạch sử dụng trong các thiết bị điện tử như điện thoại cầm tay, ipod, ti vi, máy tính giúp các thiết bị này có khả năng xử lý nhanh hơn, tốn ít năng lượng, bền và nhiều tính năng vượt trội khác.
TS đã có tới hơn 100 bằng sáng chế tại Mỹ - một con số không nhỏ, vậy trong số các sáng chế đó, TS tâm đắc nhất với sáng chế nào và lợi ích mà nó đem lại?
Tôi cho rằng số lượng bằng sáng chế không quan trọng, mà điều quan trọng là sáng chế đó có được sử dụng hay không. Có một số sáng chế tôi rất tâm đắc, nhưng cái mà tôi tâm đắc nhất là sáng chế liên quan đến việc tổng hợp một chất cách điện để giúp tín hiệu điện trong vi mạch cực nhỏ chạy nhanh hơn. Tôi nghiên cứu chất này trong hai năm 1987-1988. Lúc đó tôi còn trẻ và có khá nhiều nghiên cứu viên kỳ cựu nói với tôi rằng: Việc bỏ chất có Fluorine (F) trong Silicon Dioxide để biến thành một chất cách điện tốt là rất khó, vì chất F dễ phản ứng với các chất khác trong vi mạch. Tuy nhiên, tôi vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình. Phải mất tới hơn 4 năm, IBM mới đồng ý áp dụng sáng chế này của tôi. Đến nay thì đã có rất nhiều vi mạch cao cấp trên thế giới sử dụng chất Fluorinated Silicon Oxide này và chất Carbon Doped Silicon Oxide (SiCOH) - mà tôi cũng có nhiều sáng chế liên quan. Cũng khá thú vị khi khám phá và làm được những gì mà những nhà khoa học khác nghĩ là không dễ làm được.
Vậy còn 12 giải thưởng của IBM dành cho TS thì sao? chắc hẳn TS đã có rất nhiều cống hiến?
Thực ra thì số giải thưởng mà IBM trao cho tôi lớn hơn con số 12, nhưng chuyện đó với tôi không quan trọng lắm. Ở IBM, nếu mình làm được những việc đem lại hiệu quả cao về kỹ thuật và mang về nhiều lợi nhuận, danh tiếng cho Hãng thì sẽ nhận được những giải thưởng xứng đáng. Tôi cũng đã có một giải thưởng khá cao của IBM dành cho sáng chế mà tôi vừa nói ở trên vì ngoài quyền sử dụng cho vi mạch chế tạo tại IBM, nó còn mang lại nhiều lợi nhuận từ chuyển nhượng bản quyền của IBM cho các công ty khác.
IBM hẳn có rất nhiều người giỏi, TS có thể cho biết họ đã có những chính sách như thế nào để khuyến khích sự cống hiến và sức sáng tạo của các nhà khoa học?
Một trong những vấn đề luôn được các công ty lớn như IBM, Microsoft, Google, General Electric coi trọng là thu hút những người có khả năng làm việc cho họ, đặc biệt là những người biết lo - giống như câu tục ngữ tôi đã nghe ở Việt Nam là: “Một người biết lo bằng một kho người làm”. Tựu chung, họ có 3 cách khuyến khích chính: 1) Đảm bảo mức thu nhập đủ chi dùng cho cả gia đình, không cần nghĩ đến chuyện làm thêm bên ngoài ; 2) Điều kiện làm việc tốt, thoải mái về tinh thần, không chú trọng đến hư danh mà tập trung ganh đua bằng thực lực; 3) Luôn có phần thưởng xứng đáng dành cho những công trình và những khám phá tạo ra lợi nhuận và danh tiếng thực sự.
TS từng nói Việt Nammới chỉ tạo ra người đi học nhưng chưa tạo được người làm việc, vậy theo TS có những giải pháp nào để Việt Nam có thể khắc phục được điểm yếu này?
Điểm yếu kém này bắt đầu từ nền giáo dục của chúng ta. Trong quá khứ, giáo dục của Việt Nam bị ảnh hưởng rất lớn bởi đạo Khổng với quan niệm: Học để làm quan. Khi tiếp xúc với lớp trẻ Việt Nam, tôi thấy vẫn còn không ít em có tư tưởng này, rất ít người thật sự nghĩ là học và làm việc vì một công trình lớn lao nào đó trong tương lai để có thể góp phần vào việc phụng sự xã hội và tạo một danh lợi thực sự cho mình.
Nền giáo dục của chúng ta chưa gắn với thực tiễn, chưa đề cao vấn đề giải quyết công nghệ cho đất nước. Ví dụ như, Hãng Intel ở Việt Nam khi cần kỹ sư đã phải kiểm học bổng cho sinh viên đi du học ở Trường Đại học Portland (Mỹ), vì ở Việt Nam gần như không có giáo sư nào có năng lực đủ để dạy về ngành đóng gói linh kiện điện tử. Tuy vậy, chuyện gửi người đi học của Intel Vietnam chỉ giới hạn và giải quyết tạm thời cho chuyện sản xuất của Intel chứ không giải quyết vấn đề yếu kém của giáo dục Việt Nam và việc phát triển công nghiệp của đất nước. Việt Nam nên cử nhiều hơn nữa các kỹ sư, tiến sỹ trẻ và giỏi đi học ở nước ngoài theo những ngành mà Việt Nam cần và có khả năng phát triển. Tương lai gần thì những người này có thể đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực cấp cao khi các tập đoàn lớn muốn đầu tư tại Việt Nam, trong tương lai xa thì chính họ sẽ mở những cơ sở, hãng, giống như ở Đài Loan và Hàn Quốc. Bài học phát triển giáo dục của Đài Loan và Hàn Quốc chúng ta nên học (tất nhiên là cần phân tích kỹ những thành công và thất bại của họ).
Bản thân TS có thể tham gia hỗ trợ Việt Nam như thế nào để khắc phục những điểm yếu trên?
Tôi nghĩ là mình có thể chia sẻ phần nào những kinh nghiệm, kiến thức, lối suy nghĩ và cách làm việc nghiêm túc của mình cho các bạn trẻ Việt Nam. Hiện tại, tôi đang hợp tác với Trường Đại học Trà Vinh và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) về lĩnh vực công nghệ nano. Hy vọng trong thời gian tới, tôi sẽ có nhiều cơ hội làm việc nhiều hơn với các cơ quan khoa học của Chính phủ và tư nhân tại Việt Nam.