TS Chu Tuấn Nhạ, chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia, nguyên bộ trưởng Bộ KHCN&MT (nay là Bộ KH&CN): Trí thức không chỉ xuất hiện ở những người có bằng cấp
Tôi cho rằng đề án “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế đất nước” được chuẩn bị khá công phu, đã tổ chức nhiều hội thảo có hàng nghìn ý kiến góp ý. Nội dung đầy đủ, toàn diện. Tuy nhiên còn dàn trải, thiếu tính mới, tính đột phá. Nhiều nội dung đã có trong các văn bản khác nên cần lựa chọn ưu tiên. Đặc biệt phần giải pháp cần ngắn gọn và cụ thể, như vậy sẽ dễ thực thi hơn. Trong Dự thảo Nghị quyết có ghi một câu. “Nhìn chung các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước thì đúng nhưng việc đưa chính sách chủ trương vào cuộc sống còn chậm và thiếu hiệu quả”, nhưng theo tôi phải viết lại vì có cả chủ trương chính sách chưa đúng. Những chính sách về sử dụng và tạo điều kiện, môi trường làm việc cho trí thức còn nhiều vấn đề vướng. Ví dụ, một giáo sư lại bị đối xử như một công chức hành chính, cào bằng về lương bổng, thậm chí giới hạn cả độ tuổi về hưu... Một giáo sư mà không có chỗ làm việc riêng, không có máy tính nối mạng... Chính sách bất hợp lý sẽ dẫn đến những tác động vào đội ngũ trí thức. Ví dụ có 2 người có trình độ ngang nhau, hoặc một người giỏi hơn. Người giỏi say mê làm khoa học, chế độ lương bổng, địa vị xã hội thăng tiến sẽ rất chậm. Người kia có thể không bằng nhưng đi theo đường quan trường, nếu “khéo léo”, thì có thể thăng tiến rất nhanh. Như vậy thấy rõ chính sách tác động vào hành vi của con người.
Có những trường hợp biết đó là người tài, cần trọng dụng, tôi cũng đã có ý kiến để có những đãi ngộ xứng đáng cho họ. Nhưng mọi chế độ đều phải chiểu theo những chính sách đã ban hành. Vậy là có nhiều nhà khoa học trẻ, có tài nhưng họ không sống được với mức lương ban đầu rất thấp, điều kiện làm việc khó khăn... nên họ đã ra đi. Chắc chúng ta cũng chưa quên câu chuyện về GS Vũ Văn Chuyên – một trong những giáo sư đầu ngành về thực vật học mà vẫn phải sống trong gian nhà lụp xụp. Chuyện này đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo tại kỳ họp Quốc hội. Nhưng đâu phải trường hợp nào cũng được giải quyết. Nếu chúng ta vẫn căn cứ vào bằng cấp để đề bạt thì sẽ còn những trường hợp học lấy bằng không phải vì yêu khoa học mà vì mục đích thăng tiến quan trường. Sự thiếu khoa học trong tiêu chuẩn đối với từng loại cán bộ đã dẫn đến tình trạng nhiều khi người không có tài nhưng lại ở vị trí lãnh đạo cao.
Hiện nay, chúng ta đang thiếu những cán bộ đầu ngành về khoa học và công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Nhìn chung trình độ khoa học và công nghệ của chúng ta còn thấp. Số bài báo được đăng trên các tạp chí có uy tín quốc tế rất thấp, số sáng chế cũng rất ít. Bên cạnh đó, bệnh hư danh, sính bằng cấp, thích làm “quan” hơn làm chuyên môn cũng là bệnh khá phổ biến, điều này cũng có nguyên nhân từ chính sách. Một điểm nữa cần phải lưu ý, đó là khái niệm trí thức. Trí thức không chỉ xuất hiện ở những đối tượng có bằng cấp mà cả ở những đối tượng không có bằng cấp cao. Có những người có bằng đại học nhưng làm việc đơn giản, không vận dụng trí tuệ nhiều, còn có người không bằng cấp nhưng bằng con đường tự đọc, tự học, có kiến thức uyên thâm, đóng góp nhiều cho xã hội bằng trí tuệ cao của mình.
Nguồn: Khoa học & Đời sống, số 64, 27/5/2008, tr 4