Tôi ơi, đừng sợ!
Đó là chưa kể đến nhiều thông tin liên quan đến sức khoẻ như trầm cảm làm tăng nguy cơ đột quỵ, xài điện thoại di động nhiều bị ung thư não, ba mẹ hút thuốc con tổn thương mạch máu... Đọc những thông tin này, ai cũng hoảng sợ. Vì thế thật không ngoa khi nhiều người đã gọi thời nay là “thời đại nguy cơ”.
Sự phức tạp của sợ hãi
Theo Joseph E. LeDoux, giám đốc Trung tâm khoa học thần kinh lo lắng và sợ hãi của Mỹ, bộ não con người xử lý những thông tin mang tính đe doạ theo một cơ chế rất phức tạp. Nôm na, theo ông khi một hình ảnh hay thông điệp truyền đến bộ não, tình cảm sợ hãi được xử lý trước tiên rồi mới đến lý trí. Đi xa hơn, LeDoux cho rằng các mạch thần kinh dẫn đến vùng não bộ sợ hãi chủ yếu tạo ra những đáp ứng nơi con người, hoặc là chiến đấu với sợ hãi hoặc là bỏ chạy. Đáp ứng này nặng về cảm xúc, trái ngược với đáp ứng từ vùng não bộ lý trí.
Tuy nhiên, ngoài những tác động của yếu tố sinh lý kể trên, nhận thức về sợ hãi của con người còn bị tác động bởi tâm lý. Paul Slovic và Baruch Fischhoff đã nhận diện rất nhiều yếu tố tâm lý tác động đến nỗi sợ hãi của con người. Chẳng hạn con người lo sợ những nguy cơ đến từ đồng loại hơn từ thiên nhiên. Vì thế mới có chuyện cũng là bức xạ, nhưng người ta thường lo sợ bức xạ hạt nhân hơn bức xạ radon vì bức xạ đầu tiên đến từ lò phản ứng hạt nhân do con người tạo ra, còn bức xạ sau đến từ trái đất.
Mức độ đau khổ từ một nguy cơ càng lớn, sự khiếp sợ về nguy cơ đó càng nhiều. Năm 2004, viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ đã chi 4,7 tỉ đôla để nghiên cứu về ung thư, trong khi cùng năm này viện Huyết học, phổi và tim mạch chỉ chi 1,8 tỉ đôla cho nghiên cứu. Bất hợp lý là hàng năm các bệnh ung thư làm chết 550.000 người Mỹ, còn bệnh tim mạch lại cướp đi sinh mạng gần 700.000 người. Câu chuyện được lý giải là con người sợ bệnh ung thư hơn bệnh tim mạch. Bệnh đầu tiên thường gây đau đớn và dẫn đến kết cục bi thảm hơn bệnh sau!
Bên cạnh đó, trước những nguy cơ mới lạ và khó hiểu, con người có xu hướng sợ hãi nhiều hơn những nguy cơ quen thuộc hay dễ hiểu. Năm 2009 cả thế giới hoảng sợ cúm A/H1N1 (cúm heo) nhưng không ít người người quên rằng cúm A/H5N1 (cúm gà) vài năm trước đó còn đáng sợ hơn. Thật vậy, trong khi tỷ lệ tử vong khi mắc cúm A/H5N1 là hơn 50% thì tỷ lệ tử vong do cúm A/H1N1 không hơn gì cúm thông thường. Tương tự, con người sợ bức xạ điện thoại di động vì điện thoại di động là một công nghệ tương đối mới, chưa kể thuật ngữ “bức xạ” liên quan đến những gì vô hình, khó hiểu cho dù nhiều nghiên cứu đã cho thấy không có bằng chứng thuyết phục giữa sử dụng điện thoại di động và ung thư não!
Con người lo sợ những nguy cơ đến từ đồng loại hơn từ thiên nhiên. Vì thế mới có chuyện cũng là bức xạ, nhưng người ta thường lo sợ bức xạ hạt nhân hơn bức xạ radon vì bức xạ đầu tiên đến từ lò phản ứng hạt nhân do con người tạo ra, còn bức xạ sau đến từ trái đất. |
Hãy xếp hạng nguy cơ
Thật ra trong số hàng ngàn nguy cơ trong cuộc sống này không phải nguy cơ nào cũng đáng sợ, và trong số những nguy cơ đáng sợ, mức độ sợ hãi cũng khác nhau. Lái xe hay đi máy bay đều có nguy cơ tử vong, nhưng không ít người cho rằng đi máy bay đáng sợ hơn vì mỗi vụ rớt máy bay làm hàng trăm người thiệt mạng. Thực tế lại khác: đi máy bay là cách di chuyển an toàn nhất. Trong năm qua (2011), hơn 30.000 người Mỹ chết vì đụng xe trong khi không có người nào tử vong khi du lịch bằng máy bay!
Theo các nhà nghiên cứu, để không phải hoảng sợ vô lý, người ta cần xếp hạng nguy cơ. Để làm điều này, trước nhất cần xác định nguy cơ đó có thực sự đe doạ hay không. Y học đã chứng minh thuốc lá gây ra vô số hậu quả đáng sợ ở người hút, vì thế thuốc lá chắc chắn là một đe doạ thực sự. Xác định nguy cơ cũng có thể dựa trên việc xem xét nguy cơ đó có hại trên động vật thử nghiệm hay không. Nhưng điều này chỉ đúng tương đối vì cơ thể vật thí nghiệm khác với cơ thể con người. Lịch sử y học từng ghi nhận thảm hoạ thalidomide: khi thử nghiệm thuốc này trên chuột, thuốc hoàn toàn vô hại, nhưng khi dùng cho con người, thuốc lại gây dị tật thai nhi nghiêm trọng. Vì thế, đừng quá hoảng sợ khi biết rằng một nghiên cứu trên động vật cho thấy tiếp xúc với chất X quen thuộc có thể bị ung thư.
Cũng có thể xếp hạng nguy cơ bằng cách so sánh những con số. Một nguy cơ mới xuất hiện trong thời gian ngắn thường không đáng sợ bằng một nguy cơ cũ hiện diện trong thời gian dài. Đợt dịch cúm A/H1N1 ở nước ta cách nay vài năm khiến hơn 11.000 người mắc bệnh, 59 người tử vong, làm cả nước hoảng sợ. Trong khi đó, bệnh lao ít khi gây tử vong nhanh, thế nhưng bệnh lại lây lan trong cộng đồng quanh năm suốt tháng. Ước tính hàng năm nước ta có 180.000 ca mắc lao mới và 32.000 người tử vong vì lao (gấp 540 lần số tử vong vì bệnh cúm A/H1N1!) nhưng không mấy người xem nguy cơ này là đáng sợ.
Cuối cùng, nguy cơ được xếp hạng dựa trên mức độ tiếp xúc của con người với nguy cơ đó. Có thời ở nước ta nghe đến nước tương chứa 3-MCPD ai cũng sợ. Đúng là 3-MCPD gây ung thư, nhưng phát hiện này chỉ mới thấy trên chuột thí nghiệm. Hơn nữa, trong thí nghiệm chuột được cho ăn hoàn toàn bằng 3-MCPD, trong khi ngoài đời con người lại ăn uống rất đa dạng và nước tương chỉ được dùng thi thoảng như một thứ nước chấm thuần tuý. Vả lại, chưa thấy ca ung thư nào được xác định là do 3-MCPD.
Vì thế, tôi ơi đừng hoảng sợ khi tiếp nhận thông tin!