Tiền Giang: Nghiên cứu và xây dựng các quy trình sản xuất sầu riêng, vú sữa Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc, và sơ ri Gò Công an toàn
Tuy nhiên, việc sản xuất trái cây ở Tiền Giang nói riêng và ở nước ta nói chung vẫn còn nhiều hạn chế; sản phẩm cung cấp ngoài thị trường có phẩm chất kém, không an toàn cho người tiêu dùng do người dân sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, phân vô cơ. Việc nâng cao chất lượng quả, tạo sự ổn định về chất lượng, an toàn thực phẩm là vấn đề sống còn của trái cây Việt Nam, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam trên thị trường trong khu vực và thế giới. Trước thực tế đó, từ năm 2004 đề tài “Nghiên cứu và xây dựng quy trình sản xuất quả sầu riêng, vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, sơ ri Gò Công an toàn” đã được thực hiện với sự chủ trì của Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, do ThS Võ Hữu Thoại làm chủ nhiệm.
Đề tài được triển khai tại các huyện: Cai Lậy, Châu Thành (xã Bàn Long), Cái Bè (ấp Hòa, xã Hòa Hưng), Gò Công Đông (ấp Gò Tre, xã Long Thuận) tương ứng với từng loại trái cây đặc sản. Sau khi nghiên cứu ảnh hưởng của các loại phân bón vô cơ đến năng suất và phẩm chất trái, nhóm thực hiện đã xây dựng quy trình sử dụng phân hữu cơ và vô cơ với mục tiêu cải thiện chất lượng trái sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Vĩnh Kim và sơ ri Gò Công theo hướng sản xuất quả sạch, quả hữu cơ an toàn cho người tiêu dùng; làm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trái cây Việt Nam trên thị trường tiêu thụ nội địa, khu vực và quốc tế; đồng thời góp phần cải tạo, hạn chế được sự nghèo kiệt của đất, tăng năng suất cây trồng và giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường; phát triển ngành trồng cây ăn quả theo mục tiêu hướng tới một nền nông nghiệp hữu cơ và bền vững.
Sau 36 tháng thực hiện, đề tài đã xây dựng quy trình sử dụng phân hữu cơ và vô cơ trên các loại trái cây đặc sản nói trên; hoàn thành 8 quy trình phòng trừ tổng hợp một số bệnh hại chính trên cây sầu riêng, vú sữa Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc, và sơ ri Gò Công theo hướng an toàn (bao gồm: Quy trình phòng trừ rầy phấn, sâu đục trái trên sầu riêng; quy trình phòng trừ sâu đục trái và bệnh khô cành, chết nhánh, héo trái, thối rễ trên vú sữa Vĩnh Kim; quy trình phòng trừ sâu đục trái và bệnh thán thư trên xoài cát Hòa Lộc; quy trình phòng trừ ruồi đục trái và bệnh đốm lá trên sơri Gò Công). Kết quả nghiên cứu quy trình phòng trừ ruồi đục quả trên sơ ri đã đóng góp những dữ liệu cần thiết để sản xuất chế phẩm SOFRI protein được Bộ NN&PTNT công nhận là Tiến bộ kỹ thuật. Mô hình trồng sầu riêng, vú sữa Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc và sơ ri Gò công theo hướng sản xuất tiên tiến, đạt năng suất và chất lượng ổn định.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại Khá và giao cho Trung tâm Khuyến nông ứng dụng kết quả để hướng dẫn nông dân, đồng thời chủ nhiệm các chương trình hỗ trợ cũng ứng dụng kết quả để tập huấn cho nông dân trong quá trình triển khai các chương trình.
Nguồn: Tia sáng, 12/2007