Tiềm năng đất đai vùng ven biển Việt Nam
Tiềm năng đất đai phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Vùng ven biển đồng bằng sông Hồng: Có nhiều thuận lợi về đất đai cho việc phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp. Đất phù sa từ các con sông lớn như sông Hồng, sông Thái Bình bồi đắp hằng năm cho các khu vực đồng bằng ven sông, tạo cho vùng một diện tích đất phì nhiêu, màu mỡ thích hợp với việc trồng lúa nước, các cây màu hằng năm.
Các loại đất cát, đất mặn, đất phèn… là loại “đất xấu” của vùng, nhưng nếu cải tạo thì chúng trở thành những loại đất có tiềm năng để phát triển cây lương thực, cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây ăn quả. Diện tích đất đồi núi thuộc địa hình thấp là tiềm năng có thể khai thác sử dụng đất bãi bồi, sình lầy, đất cát ven biển, đất phèn, đất mặn là một tiềm năng rất lớn cho phát triển rừng ngập mặn, nuôi trồng thủy sản và các mục đích khác. Đất sông suối, bãi bồi ven sông và mặt nước chuyên dùng, đất lúa 1 vụ kém hiệu quả là tiềm năng cho nuôi trồng thủy sản bằng hệ thống lồng bè.
Vùng ven biển Bắc Trung Bộ: Giàu tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp, đầu tư thâm canh, xen canh tăng vụ mở rộng diện tích gieo trồng, nâng cao hệ số sử dụng đất và hiệu quả trên một ha đất canh tác thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bố trí lại mùa vụ, kiến thiết đồng ruộng.
Ngoài việc chăm sóc, bảo vệ vốn rừng hiện có, còn có thể mở rộng diện tích đất rừng trên cơ sở khoanh nuôi, trồng mới đất rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, đất cồn cát, bãi cát ven biển và trồng rừng ngập mặn tại các vùng cửa sông và ven biển vùng bãi triều. Với quỹ đất hiện có, khả năng mở rộng diện tích đất lâm nghiệp các huyện ven biển tối đa khoảng 100.000 ha.
Với chiều dài hơn 670km bờ biển, trữ lượng hải sản phong phú và ổn định, đây chính là tiềm năng để khai thác nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ, ngọt của vùng Khu 4 cũ. Ngoài diện tích chuyên nuôi trồng thủy sản hiện có, đất nuôi trồng thủy sản tiếp tục được mở rộng bằng việc chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, khai thác đất mặt nước, bãi bồi ven sông, ven biển để nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, còn có thể nuôi xen canh trong đất trồng lùa, cói, khai thác mặt nước chuyên dùng vào nuôi trồng thủy sản.
Vùng ven biển Duyên hải Nam Trung bộ: Thuận lợi trong phát triển trồng cây lâu năm hiện đang là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của vùng. Hiện nay, vùng có một số loại đất thích hợp để trồng cây hằng năm như: Đất mặn, đất xám bạc màu, đất phù sa, đất đỏ vàng… Do đặc thù thời tiết, vùng có thể trồng được những cây trồng mà nơi khác không có được.
Tiềm năng đất của vùng có rất nhiều nhóm đất thích hợp cho việc trồng rừng như: Nhóm đất mùn trên núi, nhóm đất xám bạc màu, nhóm đất đỏ vàng, nhóm đất mặn… Đặc biệt, đất mặn rất thích hợp cho việc trồng rừng bảo vệ đầu nguồn.
Với bờ biển dài, nhiều đầm phá… rất thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là các loài thủy sản ưa nóng như tôm hùm, tôm sú. Mùa khô, nước biển vùng trong sạch và có độ mặn cao, là nơi sản xuất giống hải sản tốt nhất Việt Nam .
Tài nguyên lớn nhất của vùng là kinh tế biển, bao gồm: Nguồn lợi hải sản (chiếm gấn 20% sản lượng đánh bắt của cả nước) và nuôi trồng thủy sản, với diện tích có thể nuôi trồng là 60.000 ha trên các loại thủy vực: Mặn, ngọt, lợ. Đất nuôi trồng thủy sản tiếp tục được mở rộng bằng việc chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, khai thác đất mặt nước, bãi bồi ven sông, ven biển. Ngoài ra, còn có thể nuôi xen canh trong đất trồng lúa.
Vùng ven biển Đông Nam bộ: Đất nông nghiệp trong vùng đang có xu hướng giảm. Trong tổng diện tích đất nông nghiệp, diện tích đất nhiễm phèn chiếm tỷ lệ khá cao, 31,8%, phần lớn đất đai có chất lượng trung bình.
Đất đai trong vùng thích hợp cho trồng lúa và một số cây trồng hằng năm khác như: Ngô, khoai, sắn… Đối với những khu vực trồng cây lúa không cho năng suất và sản lượng cao, nên chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác như rau, cây cảnh, nuôi thủy sản… nhân rộng mô hình sản xuất công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất gấp nhiều lần so với trồng lúa hiện có.
Đất đai trong vùng phù hợp với việc trồng các loại cây ăn quả và cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, điều, hồ tiêu… Vùng có 8.860 ha đất đen, 50.000 ha đất đỏ vàng rất thích hợp với việc trồng cây lâu năm, cần đặc biệt quan tâm đến biện pháp chống xói mòn rửa trôi đất, tăng độ che phủ cho đất.
Hiện trong vùng có 76.690 ha đất lâm nghiệp. Tiềm năng đất đai để phát triển lâm nghiệp rất lớn đối với cây rừng vùng trũng thấp, phèn mặn, thực vật đặc trưng của vùng ven biển Đông Nam bộ. Vùng có Côn Đảo với 5.960 ha rừng, đây là vùng cuối cùng ở Việt Nam còn rừng nguyên sinh chưa bị xâm phạm; rừng ngập mặn Cần Giờ với trên 25.000 ha. Vùng rất giàu tiềm năng, với 171 km chiều dài bờ biển, trong đó tiềm năng đất nuôi trồng thủy sản là rất lớn. Vùng có 14.670 ha diện tích đất nuôi trồng thủy sản.
Vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long: Sản xuất lương thực quan trọng của cả nước, vùng có thế mạnh để phát triển nông nghiệp. Cơ cấu cây trồng có giá trị sản phẩm hàng hóa ngày càng tăng như lúa, ngô, đậu phộng, vừng, rau, đậu, đỗ, mía… cây ăn quả cũng tăng diện tích phù hợp với điều kiện sinh thái của các tiểu vùng, có giá trị sản phẩm hàng hóa.
Với lợi thế về điều kiện địa hình, khí hậu, đất đai, vùng có thế mạnh lớn về cây ăn quả và cây công nghiệp. Đất lâm nghiệp có ý nghĩa và vai trò khá đặc biệt trong việc bảo vệ môi trường sinh thái đất ngập mặn ven biển, bảo vệ nguồn gen và đa dạng sinh học và các động vật sống dưới rừng như tôm, cá, loài giáp xác…Tiềm năng đất để phát triển trồng rừng của vùng không còn nhiều, có thể khai thác trồng rừng từ đất chưa sử dụng khoảng 10.000 ha.
Thủy sản là ngành mũi nhọn đứng thứ hai sau ngành sản xuất lương thực của vùng, gắn phát triển thủy sản với sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, xây dựng hệ thống thủy lợi và bảo vệ môi trường.
Tiềm năng đất đai cho phát triển cảng biển
Vùng ven biển đồng bằng sông Hồng: Có chiều dài bờ biển là 650 km, kéo dài từ Quảng Ninh đến Ninh Bình, đã hình thành nên các tuyến giao thông thủy nội địa quan trọng cùng với 20 cảng lớn và các điểm xếp dỡ hàng hóa ven theo các triển sông ở các tỉnh trong vùng, góp phần vào sự nghiệp phát triển nền kinh tế - xã hội.
Trong vùng có một số khu vực có mực nước sâu phù hợp cho việc phát triển cầu cảng nước sâu như càng Lạch Huyện – Hải Phòng. Phát huy lợi thế của vùng có nhiều kiểu đất ngập nước cửa sông, vũng vịnh, thuận lợi cho xây dựng và phát triển các cảng biển nên tập trung nâng cấp và mở rộng các cảng biển hiện có trong vùng như: Cái Lân, Cửa Ông (Cẩm Phả), Hòn Nét, Con Ong (vịnh Bái Tử Long), Vạn Gia (Móng Cái), cảng Hải Phòng…; nghiên cứu, đầu tư xây dựng các cảng tổng hợp tại khu đầm Nhà Mạc, cảng trên sông Bạch Đằng và cảng trên sông Chanh (Hải Phòng), các cảng phục vụ phát triển du lịch ở Hòn Miều, Cái Chiên…
Vùng ven biển Duyên hải Nam Trung bộ: Về đường biển, vùng có nhiều cảng biển quan trọng như cảng Đà Nẵng, Tiên Sa, Liên Chiểu (Đà Nẵng), Kỳ Hà (Quảng Nam)… tạo nên hệ thống cảng biển phục vụ cho phát triển kinh tế vùng và tạo thành con đường huyết mạch trên biển thông thương với khu vực và thế giới. Đặc biệt, cảng Kỳ Hà không những nằm ở cửa ngõ của khu kinh tế mở Chu Lai mà còn là điểm nhấn quan trọng để phát triển vùng kinh tế được gọi là mở của vùng nói riêng và cả nước nói chung, đồng thời cũng là cảng tiên phong cho việc phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai. Ngoài cảng Kỳ Hà, vùng còn có cảng Quy Nhơn. Trong tương lai, cảng biển nước sâu Quy Nhơn không chỉ là cửa ngõ, xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng hậu phương mà còn là cảng trung chuyển quan trọng giữa Đông – Tây và khu vực Đông Nam Á (với khả năng thiết lập cảng trung chuyển container công suất 500.000 container/năm).
Vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long: Tập trung xây dựng mới hoặc nâng cấp một số cảng biển đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế hướng ngoại. Chú trọng phát triển dịch vụ cảng biển và không gian biển. Xây dựng một số cảng biển địa phương trên cơ sở cân nhắc hiệu quả đầu tư, nhu cầu vận tải và mức độ phát triển kinh tế địa phương. Đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cảng biển, đội tàu, công nghiệp đóng mới, sửa chữa và dịch vụ hàng hải.
Cảng biển, luồng tàu là những khâu đột phá trong khai thác lợi thế kinh tế biển của ĐBSCL. Vùng ven biển ĐBSCL có 700 km bờ biển, chiếm 23% chiều dài bờ biển cả nước, khoảng 360.000 km 2vùng kinh tế đặc quyền, giáp Biển Đông và Vịnh Thái Lan, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, với hệ thống cảng biển: Mỹ Hóa, Trà Vinh, Hòn Chông, cảng An Thới, cảng bờ Dương Đông, Hàm Ninh… Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển hệ thống cảng biển cần gắn với công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển.
Theo quy hoạch, các cảng biển khu vực ĐBSCL sẽ được chia thành ba nhóm là nhóm cảng biển khu vực sông Tiền, nhóm cảng biển khu vực sông Hậu và nhóm cảng biển khu vực bán đảo Cà Mau và ven biển vịnh Thái Lan.
Tiềm năng đất đai phát triển du lịch, dịch vụ
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên cũng như cảnh quan thiên nhiên, các vùng ven biển có nhiều thuận lợi để phát triển ngành du lịch và dịch vụ. Đặc biệt, tài nguyên du lịch biển là một ưu thế đặc biệt, mở ra triển vọng để khai thác phát triển tổng hợp.
Dọc bờ biển của vùng có nhiều danh lam thắng cảnh và bãi biển đẹp như: Vịnh Hạ Long, Cát Bà, Đồ Sơn,… Các bãi biển có địa hình khá bằng phẳng, nước trong, sóng gió vừa phải thuận lợi cho xây các bãi tắm và vui chơi giải trí.
Vùng còn có các danh thắng nổi tiếng như Vườn quốc gia Cát Bà, Bạch Long Vĩ, Bái Tử Long, Bạch Mã, khu bảo tồn thiên nhiên hồ Kẻ Gỗ, Vườn quốc gia Xuân Thủy, Núi Chúa – Ninh Thuận… với nhiều loài động thực vật quý hiếm không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới.
Bên cạnh các bãi biển đẹp, danh thắng nổi tiếng, các vùng ven biển còn có hàng trăm di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng đã được Nhà nước xếp hạng là tài sản văn hóa quốc gia.