Tích cực bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng
Bảo vệ người tiêu dùng trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế là trách nhiệm của toàn xã hội. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ mang lại lợi ích tiêu dùng mà còn thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp, cá nhân, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định.
Trong nhiều năm qua, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam với tư cách là một tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật ngày càng có nhiều hành động thiết thực nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 quy định rất rõ về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Mặc dù Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng đã được tuyên truyền rộng rãi nhưng nhiều người tiêu dùng chưa nhận biết đầy đủ quyền lợi chính đáng của mình được pháp luật bảo vệ. Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng hiện nay chưa thực sự quan tâm đến việc lấy hóa đơn, chứng từ, kiểm tra, xem xét hàng hóa, dẫn đến việc khi sự cố xảy ra không có cơ sở để giải quyết. Nhiều người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi nhưng không biết phải làm gì nên chỉ im lặng chấp nhận.
Người tiêu dùng cần nhận biết đầy đủ quyền lợi chính đáng của mình được pháp luật bảo vệ
Trước thực trạng trên, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã tổ chức Hội thảo giới thiệu Bộ Quy tắc ứng xử tiêu dùng có trách nhiệm và tiêu dùng xanh. Theo chia sẻ của lãnh đạo Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Bộ Quy tắc được xây dựng để làm cơ sở kêu gọi các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô hoạt động trong sản xuất, chế biến, thương mại, quảng bá, phân phối thực phẩm, cũng như các bên liên quan trong hệ thống thực phẩm, đoàn kết để cùng chung tay hướng tới hệ thống thực phẩm bền vững, phục vụ cho tiêu dùng có trách nhiệm và tiêu dùng xanh.
Hội còn tổ chức chương trình truyền thông và tập huấn “Người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả” cho các tỉnh/thành phố miền Tây Nam bộ. Chia sẻ về chương trình này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, điện là một nguồn năng lượng quan trọng, là mặt hàng đặc biệt, cung - cầu giữa sản xuất và tiêu dùng luôn cân bằng tại mọi thời điểm; gần như không thể lưu trữ với chi phí thấp. Điện tác động đến mọi đối tượng và toàn bộ nền kinh tế. Chính vì vậy, việc bảo đảm nguồn cung về điện cho quốc kế, dân sinh luôn là một thách thức.
Với đa dạng các hình thức tuyên truyền cho người tiêu dùng về sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam hy vọng người tiêu dùng tiếp tục lan tỏa sâu rộng, cùng hành động trong suốt 365 ngày với thông điệp “Tiết kiệm điện – Thành thói quen”, hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất.
Hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023
Người tiêu dùng ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, hệ thống pháp luật như Pháp lệnh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lần lượt ra đời. Đặc biệt, ngày 22/1/2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 30 - CT/TW, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (2010) được tổng kết, đánh giá; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 20/6/2023 với tỷ lệ tán thành là 93,72%. Có thể thấy, người tiêu dùng được coi là bên yếu thế, nên bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là tất yếu, đồng thời qua đó cũng bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Trong năm 2023, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã triển khai tổ chức nhiều hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023. Chương trình "Doanh nghiệp vì người tiêu dùng" do Hội Bảo về người tiêu dùng Việt Nam phát động với thông điệp ngắn gọn, dễ hiểu, tiêu chí gắn với các quyền của người tiêu dùng đã được pháp luật quy định. Sự tham gia là tự nguyện, việc cấp Giấy chứng nhận không thu phí, vì lợi ích của chính doanh nghiệp.
Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, bằng những hoạt động thiết thực, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã đưa công tác bảo vệ người tiêu dùng lên một tầm mức mới, trên bề rộng là đối tượng người tiêu dùng và bề sâu là các lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua sắm và sử dụng ngày càng phong phú, yêu cầu ngày càng cao. Trong hoạt động Hội đã bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng. Bằng trải nghiệm thực tế đã cho thấy các chủ trương, chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động đa chiều, tích cực bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Hội Bảo vệ người tiêu dùng chú trọng mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế học tập kinh nghiệm hoạt động, bổ sung nguồn lực, nhất là với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ). Hội tích cực tham gia các chương trình có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hưởng ứng Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Để phát triển hoạt động Hội và có những đóng hóp thiết thực hơn nữa trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, trong thời gian tới, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực vào việc sửa đổi bổ sung Luật Bảo vệ người tiêu dùng; mở rộng hợp tác quốc tế; tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương; mở rộng mạng lưới đi đôi với nâng cao chất lượng hoạt động của các Hội thành viên và các hội viên; phát huy năng lực hoạt động của các cơ quan chuyên môn của Hội nhất là về mặt pháp lý, tư vấn giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.