Thư gửi GS Hoàng Tuỵ và GS Đặng Mộng Lân: Khoa học-công nghệ: Chúng ta đang khủng hoảng?
Tôi đã đọc rất kỹ các ý kiến phát biểu của các GS Hoàng Tụỵ, Đặng Mộng Lân… và xin được chia sẻ với các anh các ý kiến đã được trình bày với sự đau lòng, sự tận tâm và nhiệt huyết của người làm khoa học.
Hai mươi năm đổi mới chúng ta đã có được những thành tựu và kinh tế do khai thác được điều kiện tự nhiên (dầu khí, cây trồng, đất đai, nước, thủy sản…) Song chưa khai thác được tiềm năng con người, đặc biệt của các nhà khoa học - kỹ thuật - công nghệ .
Chúng ta đã bị tụt hậu và rơi vào khủng hoảng về khoa học, kỹ thuật, công nghệ.
Còn lâu lắm chúng ta mới có nền kinh tế tri thức.
Chúng ta có tới 21.000 nhà khoa học làm R & D, tỷ lệ TS, GS, PGS của chúng ta trên đầu người vào loại đầu bảng. Song liệu trong số đó có bao nhiêu phần trăm thực sự có tài và tâm huyết như các anh ? Bao nhiêu người có thể giảng bài, viết bài, giao lưu được với đồng nghiệp quốc tế ? Bao nhiêu người có thể khai thác được thông tin trên mạng ? Bao nhiêu người có thể “bán” các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao và có hiệu quả cho đời ? Bao nhiêu người sống thực sự bằng khoa học kỹ thuật công nghệ ? Ai là lãnh tụ của khoa học kỹ thuật Việt nam ? Ai sẽ thay thế các Anh và chúng tôi trong vài năm tới ?
Tìm đâu bóng dáng cũ của các nhà khoa học suất sắc như: Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Trần Hữu Tước, Tôn Thất Tùng, Đào Duy Anh, Phạm Ngọc Thạch, Lương Đình Của, Bùi Văn Các…
Càng đi vào kinh tế thị trường, càng thấy sự phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo càng xuống cấp, tụt hậu, giảm chất lượng vì Giá trị nhà khoa học càng giảm theo công thức : Chất lượng /Giá trị = Tiền
Mọi chuyện có mua bằng tiền (bằng cấp, địa vị, danh hiệu, dự án…) và tạo nên các công trình, các đề tài, các dự án kém chất lượng thì đương nhiên Giá trị sẽ giảm.
Chúng ta có quá nhiều nghịch lý.
Dân số chúng ta hơn 80 triệu người bằng 16% dân số ASEAN song tại các Hội nghị Khoa học kỹ thuật ASEAN hằng năm chúng ta thường chỉ có 1- 3% báo cáo khoa học kỹ thuật được trình bày và khoảng 10% đại biểu Việt nam tham dự Hội nghị quốc tế giao dịch được với các bạn đồng nghiệp bằng tiếng Anh.
Chúng tôi có dịp dự nhiều hội nghị quốc tế trên thế giới, tham gia giảng dạy ở một số nước và tổ chức nhiều hội thảo quốc tế tại Việt nam và trong khu vực từ 25 năm nay.
Cảm giác của chúng tôi là dân mình đi Hội thảo là để đi du lịch và mua sắm đồ. Rất ít người mua sách, ít người dành thời gian tìm bạn để trao đổi thông tin, tài liệu, ý tưởng…
Nhiều bạn quốc tế là các nhà khoa học hàng đầu của thế giới đến đọc bài giảng ở Việt nam đã không có sự quan tâm của các bạn trẻ và ngay cả các nhà khoa học đương nhiệm.
Các tổ chức nghề nghiệp của chúng ta không tập hợp được hội viên tâm huyết với nghề nghiệp, với dân tộc.
Một giờ học thực hành của sinh viên Khoa Công nghệ-Môi trường, ĐH Văn Lang-TP.HCM |
Các nhà khoa học kỹ thuật chân chính kiên trì làm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, lăn vào thực tiễn thì thường bị coi thường, thiếu kinh phí, thiếu phương tiện làm việc và nhiều khi phải tích góp tiền túi để làm thực nghiệm.
Từ 10 năm nay chúng tôi xin làm các đề tài về chống trượt lở đất, trượt lở bờ sông, bờ biển… nhưng chưa được chấp nhận. Chi phí làm 1.000m đê biển hiện nay khoảng 100 tỷ, song thiếu các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn và sử dụng lâu dài. Chúng tôi tham gia đấu thầu đề tài nhiều lần, song đều là “á hậu”.
Từ hơn 6 năm nay, chúng tôi thực hiện dự án làm nhà ở, trường học, nhà trẻ và cơ sở hạ tầng cho vùng ngập lụt đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là cả một cuộc trường chinh và hy sinh lớn để có thể giảm 50% chi phí cho xây dựng. Song chúng tôi gặp quá nhiều khó khăn để đầu tư và nhân rộng sản phẩm của mình cho các địa phương khác.
Nhiều nhà khoa học trở thành quản lý lại sớm quên đi nỗi khổ của nhà khoa học.
Làm khoa học ở Việt nam thật khó, quyết toán một đề tài khoa học với hàng loạt các thủ tục, giấy tờ và buộc phải lấy chứng từ không đúng. Quản lý khoa học của chúng ta có khi lại do những người chưa làm khoa học bao giờ thực hiện. Các thủ tục hành chính rườm rà, các quy chế tưởng là chặt lại hết sức lỏng. Sự áp đặt chương trình, đề tài, phân bổ kinh phí và đấu thầu… là sự duy ý chí, thiếu phương pháp khoa học và tầm nhìn lâu dài. Như vậy làm sao chúng ta thúc đẩy sự sáng tạo?
Chúng ta phải định lượng lại giờ công lao động của một nhà khoa học. Một giờ có giá bao nhiêu như thông lệ quốc tế. Đây là phương thức được sử dụng để trả lương, ký hợp đồng cung cấp dịch vụ. Nhà khoa học và quản lý khoa học không thể tách rời kinh tế và quy luật thị trường. Chúng ta đang mất quá nhiều thời gian. Chúng ta vẫn cứ phải kiên trì, nhẫn nại, thông minh để tìm kiếm các cơ hội nghiên cứu phát triển. Chúng ta phải cải tổ và tổ chức các hội nghề nghiệp để có thể cùng động viên lẫn nhau, cùng tổ chức thực hiện các ý tưởng khoa học, kỹ thuật và công nghệ cho sự phát triển lâu dài.
Chúng tôi đã xây dựng mô hình doanh nghiệp khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo từ hơn 10 năm nay để phát huy và áp dụng kiến thức của mình trong các dự án và dịch vụ tư vấn.
Còn nhiều khó khăn lắm, song chúng ta vẫn phải làm việc và cố gắng thuyết phục các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý thay đổi dần cơ chế và chính sách. Chúng ta lại phải tiếp tục đề xuất các giải pháp và có tiếng nói chung của các trí thức.
Xin cám ơn các Anh !
Nguồn: vnn.vn24/3/2006