Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 21/02/2011 18:54 (GMT+7)

Thơ Nguyễn Trãi và cửa biển Thần Phù

Cửa biển Thần Phù hiện thuộc ranh giới giữa hai xã Yên Lâm, Yên Mô (Ninh Bình) và Nga Điền, Nga Sơn (Thanh Hóa). Ngày nay khu vực này đã được phù sa bồi đắp thuộc lưu vức ông Càn, con sông cùng với dãy núi Tam Điệp là ranh giới giữa hai miền Trung – Bắc Việt Nam. Cả một vùng mênh mông Thần Phù xưa, nay là đồng bằng làng mạc. Biển đã lùi xa cách Thần Phù hàng chục cây số. Núi Chích Trợ (núi Chiếc Đũa) xưa đứng giữa sóng làm cây tiêu chỉ hướng cho thuyền bè ra vào cửa Thần Phù nay nằm một mình trên cánh đồng làng Văn Đức xã Nga Phú. Gần động Lục Vân có chữ “Thần” mỗi chiều khoảng 1,5m khắc trên vách đá núi Bia Thần cao cách mặt nước khoảng 12m. Theo sách Đại Nam nhất thống chíghi: tương truyền chữ “Thần” là chữ viết của vua Lê Thánh Tông, gần đây hai ông Võ Hồng Phi và Hương Nao trong sách Những bút tích Hán Nôm hiện còn có ở các hang động vách núi xứ Thanhcho biết có ghi bên cạnh chữ “Thần” dòng chữ “Nhật Nam nguyên chủ đặc thư” nghĩa là chúa Trịnh Sâm đề chữ đặc biệt này. Gần chữ “Thần” còn một bài thơ Trịnh Sâm khắc trên vách đá cao Nguyệt dạ phiếm chu quá Thần Phù(Đêm trăng bơi thuyền qua Thần Phù). Bài thơ Đường luật ca ngợi cảnh đẹp nên thơ của vùng cửa biển Thần Phù.

Dù là ai đề thì chữ “Thần” cùng với núi Thần Phù trải qua bao thăng trầm của thời gian vẫn không mòn. Một chữ “Thần” ghép vào chữ “Phù” ta có thể hiểu ra một cửa bể Thần Phù đẹp, hiểm, linh. Đó là nơi các bậc vua chúa thường thăm thú, các văn nhân mặc khách thường vãng cảnh ngao du. Thần Phù nằm giữa một vùng núi Tam Điệp, Động Từ Thức, đảo Mai An Tiêm, một vùng trời nước huyền thoại bên nhau gang tấc.

Nhớ câu ca xưa:

Lênh đênh qua cửa Thần Phù

Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm.

Câu ca dân gian gợi về một vùng cửa biển mênh mông sóng gió, nơi xung yếu, hiểm trở và linh thiêng. Từ “Tu” nghĩa thông thường là người có tu nhân tích đức giữ lòng thành cầu cúng thì thuyền đi qua sẽ bình an. Nghĩa khác là giỏi nghề chèo lái thì mới qua được vụng hiểm. Lại có tính liên tưởng đến việc người, việc đời, ai khéo phụng thờ, chiều ý, luồn lách, giữ gìn… thì vượt qua chặng khó, khúc hiểm mà sống yên bình…

Đây là nơi thuyền bè từ biển đổ bằng đường thủy vào Thanh Hóa – Tây Đô. Để chống quân xâm lược nhà Minh, cha con Hồ Quý Ly cho đóng cọc sắt, chăng xích để cản giặc. Nơi ấy, Nguyễn Trãi, quân sư của anh hùng Lê Lợi đã nhiều lần qua và để lại những bài thơ mênh mang trời nước, ngổn ngang tâm sự về thời thế, đời người.

Trong Nguyễn Trãi toàn tập(Nxb KHXH, 1976), có ghi bốn bài: Quan hải(Đóng cửa biển); Quá Thần Phù hải khẩu(Qua cửa bể Thần Phù); Thần phù hải khẩu(Cửa Thần Phù); Lâm Cảng dạ bạc(Đêm đậu thuyền ở Lâm Cảng).

Bốn bài đều là thơ chữ Hán, viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Riêng bài Lâm Cảng dạ bạcthì trong sách Nguyễn Trãi toàn tậpchú thích như sau “ Đại Nam nhất thống chíchép là: Lâm Cảng tức là sông Thần Phù ở địa phận các xã Thần Phù, Phù Sa, Ngọc Lâm (có lẽ tên Lâm Cảng là do tên Ngọc Lâm mà ra). Huyện Yên Mô, xưa có lạch thông với sông Hồ (Hạ lưu sông Vân Sàng đổ ra cửa Càn). Hồ Quý Ly chống quân Minh, sai chở đá lấp sông ấy. Nay chỉ còn là cái đầm gọi là đầm Lẫm”.

Ta thử xem thiên nhiên của vùng cửa biển ấy trong thơ Nguyễn Trãi hiện ra như thế nào?

Trong bài Quan hải(Đóng cửa biển)

Thung mộc trùng trong hải lãng tiền

(Cọc cắm hết lớp này đến lớp khác trước sóng)

Cảnh sóng biển vỗ tràn lên lớp cọc gợi về một vùng thủy trận còn nguyên dấu vết hiện ra trước mắt.

Quá Thần Phù hải khẩu(Qua cửa bể Thần Phù)

Thần Phù hải khẩu dạ trung qua

Nại thứ phong thanh nguyệt bạch hà

Giáp ngạn thiên phong bài ngọc duẩn

Trung lưu nhất thủy tẩu thanh xà.

(Ban đêm qua cửa bể Thần Phù

Trăng thanh gió mát biết làm sao đây

Ngàn ngọn núi sát bờ bày ra như măng ngọc

Một dòng nước ở giữa chạy (ngoằn ngoèo) như con rắn xanh).

Thần Phù hải khẩu (Cửa bể Thần Phù)

Cố quốc quy tâm nhạn lạc biên

Thu phong nhất diệp hải môn thuyền

Kình phun lãng hống lôi nam bắc

Sáo ủng sơn liên ngọc hậu tiền

(Lòng quê cũ đi theo chỗ chim nhạn đậu

Chiếc thuyền ở cửa biển như chiếc lá trước gió

Sóng rống như kình phun, sấm gầm ở nam bắc

Núi liền như giáo dựng, ngọc bày cả trước cả sau).

Lâm Cảng dạ bạc(Đêm đậu thuyền ở Lâm Cảng).

Cảng khẩu thanh triều tạm hệ đao

Am am cách ngạn hưởng bồ lao

Thuyền song khách dạ tam canh vũ

Hải khúc thu phong thập trượng đào.

(Cửa lạch nghe thủy triều tạm buộc thuyền con

Văng vẳng cách bờ nghe tiếng chuông

Bên cửa thuyền đêm ở đất khách mưa suốt ba canh

Trong vụng biển gió thu sóng nổi mường trượng).

Ở cả bốn bài ta đều thấy có gió, sóng, núi non, lúc chiều xuống, lúc qua đêm, lúc trăng thanh, lúc mưa dội dù trong thời điểm nào cửa Thần Phù cũng hiện lên vẻ thiên nhiên đẹp và lạ. Nhưng Nguyễn Trãi đã phả hồn thời đại vào cảnh. Cùng ở cửa biển Thần Phù mà thiên nhiên hiện lên mỗi lúc một khác. Ấy là thiên nhiên cửa biển Thần Phù trong tâm sự nhà thơ.

Một tâm sự bao trùm lên cả bốn bài thơ là nỗi lòng của người sau những năm tháng hào hùng dốc tâm trí cho sự nghiệp lớn, nay gặp cảnh mà cảm động tiếc nuối, thấm một vị chua chát, chán chường, trăn trở một triết lý nhân sinh trong cái vô cùng của vũ trụ và đời người.

Cố thể nói thơ chữ Hán và chữ Nôm của Nguyễn Trãi hầu hết là những bài ngợi ca thiên nhiên, đất theieng, người hùng, giãy bày tâm sự, buồn vui ngẫm ngợi trước thời thế.

Trong bài Quan Hải(Đóng cửa biển), nhìn cảnh cọc, xích sắt hiện lên trước biển, Nguyễn Trãi cảm khái, than tiếc cho công nghiệp đổi mới đất nước của nhà Hồ. Mới giành quyền được 5 năm thì nhà Hồ phải lao vào cuộc chiến chống quân Minh và cuộc chống trả quyết liệt trong một thời gian ngắn thì thất bại.

Anh hùng di hận kỷ thiên niên

(Anh hùng để hận đến mấy ngàn năm)

Trong câu này hai chữ “anh hùng” có người hiểu là nhằm chỉ Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi than tiếc cho sự kinh bang tế thế của mình, chứ không phải là cảm khái cho công nghiệp nhà Hồ. Nhưng sự thực thì Nguyễn Trãi đã lấy thơ cảm khái công nghiệp nhà Hồ để gửi thác ít nhiều tâm sự của mình, tâm sự của người có chí lớn chứ không phải Nguyễn Trãi tự nói mình là anh hùng. Điều đó được thể hiện ngay trong bài Quá Thần Phù hải khẩu(Qua cửa Thần Phù).

Giang sơn như tạc anh hùng thệ

Thiên địa vô tình sự biến đa.

(Non sông vẫn như trước mà anh hùng thì đã qua rồi

Trời đất xem ra vô tình cho nên biến cố xảy ra nhiều).

Lại nữa trong bài Thần Phù hải khẩu(Cửa bể Thần Thần phù):

Thiên địa đa tình khôi cự tẩm

Huân danh thử hội tưởng đương niên.

(Trời đất đa tình mở vụng biển lớn

Công danh gặp hội ấy nhớ năm nào).

“Nhớ năm nào”, tức nào thời chiến trận mà Hồ Quý Ly đã đóng cửa biển ở đây. Rõ ràng “anh hùng” mà Nguyễn Trãi nói đến trong thơ mình chính là Hồ Quý Ly. Công nghiệp của Hồ Quý Ly còn có nhiều bàn cãi. Nhưng sự thật là Quý Ly giành lấy chiếc ngai vàng để thực hiện công nghiệp cải cách, nhằm thúc đẩy xã hội Việt Nam phát triển. Trong thời kỳ đen tối của chế độ phong kiến đại điền trang, Quý Ly giương ngọn cờ cải cách. Khát vọng và hành động đó quả là việc của kẻ có chí lớn. Trần Nguyên Đán, một người thông tuệ, biết trước chuyện trăm năm sau, chắc cũng đã nói rõ cho Nguyễn Phi Khanh con rể của mình. Cha con Nguyễn Trãi đều làm quan cho nhà Hồ. Nghĩa là họ tán đồng, ủng hộ công nghiệp lớn lao đó. Sau khi Hồ Quý Ly thất bại, Nguyễn Trãi phò Lê Thái Tổ làm cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi,những mong tiếp tục thực hiện khát vọng thúc đẩy xã hội phát triển. Ngờ đâu sau chiến thắng thì triều chính nhà Lê lại rơi vào rối ren. Nguyễn Trãi thất vọng, buồn chán và còn thấp thỏm một nỗi lo lắng. Đó là sự linh cảm đau lòng báo trước thảm họa “Lệ Chi Viên”.

Một ám ảnh mông lung, rợn ngợp đã len vào những bài thơ Nguyễn Trãi viết ở cửa bể Thần Phù:

Càn khôn kim cổ vô cùng ý

Khước tại thương lang viễn thị yên.

(Cái sinh ý vô cùng của trời đất xưa nay

Chính ở đám khói trên chòm cây xa xa bên dòng nước trong xanh).

(Quan hải)

Mạc ngoại hư danh thân thị huyễn

Mộng trung phù tục sự kham phao.

(Danh hão để ngoài lòng, thân là ảo ảnh

Đời phù sinh trong giấc mộng, việc đáng quăng đi).

( Lâm Cảng dạ bạc)

Mới thấy cửa bể Thần phù qua bao nhiêu biến thiên vẫn giữ nguyên một chữ “Thần” trên vách đá. Hình như thiên địa sinh ra nơi ấy để sóng gió ngàn đời khắc nhủ, đồng cảm, cảnh báo cho con người trước mọi thời thế.

Nhật tà ỷ thạo thương mang lập

Nhiễm nhiễm hàn giang khỉ mộ yên.

(Lúc mặt trời xế, dựa chèo đứng giữa mênh mông

Ngùn ngụt sông lạnh, chiều hôm nổi khói

( Cửa Thần Phù)

Cửa Thần Phù trên đất Nga Sơn Thanh Hóa đã trở thành một địa danh lịch sử, văn hóa, thắng cảnh lưu lại muôn đời. Chung quanh cửa Thần Phù là cả một vùng hội tụ sơn thủy, với bao huyền thoại và những bài thơ bất hủ.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Thanh Hoá: Tập huấn Bình dân học vụ số cho cán bộ, hội viên
Ngày 22/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tập huấn về Công nghệ số ứng dụng trong sản xuất và đời sống (Bình dân học vụ số) cho gần 200 cán bộ, hội viên của các hội thành viên, trung tâm trực thuộc, đơn vị liên kết trong hệ thống Liên hiệp hội.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tiền Giang: Họp mặt và vinh danh trí thức KH&CN
Ngày 20/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức họp mặt trí thức KH&CN và vinh danh 2 trí thức được phong hàm Phó Giáo sư, 8 trí thức được công nhận học vị Tiến sĩ.
ĐẨY MẠNH HỢP TÁC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG HỆ THỐNG LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM
Sáng ngày 13/5/2025 tại tỉnh Sóc Trăng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xúc tiến hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam”.
VUSTA đóng góp cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và Dự thảo Luật KHCN & ĐMST
Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, đội ngũ trí thức Liên hiệp Hội Việt Nam nhấn mạnh tính cấp thiết và chiều sâu cải cách, từ mô hình chính quyền hai cấp đến quy định cụ thể cấp hành chính, làm rõ vị trí tổ chức chính trị - xã hội...