Thanh Hóa: Phản biện Đề án Bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống
Sáng ngày 08/6/2022, tại Hội trường Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (Liên hiệp hội) tổ chức Hội thảo khoa học phản biện Đề án “Bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa” (Đề án).
Tham gia Hội thảo có các thành viên Hội đồng phản biện, các cơ quan, đơn vị có liên quan, cơ quan Liên hiệp hội và cơ quan soạn thảo.
Đồng chí Nguyễn Văn Phát, Chủ tịch Liên hiệp hội chủ trì Hội thảo
Căn cứ vào dự thảo Đề án và các tài liệu liên quan do cơ quan soạn thảo là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa gửi đến Liên hiệp hội và ý kiến của các thành viên Hội đồng, Liên hiệp hội đã xây dựng thành Báo cáo nghiên cứu phục vụ Hội thảo phản biện.Dự thảo Đề án được xây dựng với đối tượng, phạm vị rộng, quy mô lớn; được thực hiện một cách công phu, bài bản, đầu tư nhiều công sức trí tuệ.
Tuy nhiên, dự thảo Đề án là một công trình khoa học, nghiên cứu về tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa, chưa phải là Đề án theo quy định để có đủ điều kiện trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt; vẫn còn nhiều vấn đề về kết cấu, nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để Đề án có cơ sở khoa học, khả thi khi triển khai thực hiện.
Các thành viên Hội đồng phản biện, các đại biểu tham dự Hội thảo cơ bản thống nhất với nội dung của Báo cáo nghiên cứu phục vụ phản biện do Liên hiệp hội chuẩn bị. Các ý kiến chủ yếu tập trung vào một số nội dung, như: Đề nghị sửa tên Đề án thành “Bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030”, bởi bảo tồn luôn phải gắn với khai thác, phát huy giá trị thì mới có ý nghĩa, tránh lãng phí.
Ngoài ra, cần bổ sung thêm căn cứ thực tiễn như; chỉ rõ các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân để có cơ sở xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn tới. Đối tượng và phạm vi của Đề án rất rộng và đa dạng, cần nghiên cứu cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp sát với khả năng thực hiện để có thể rút gọn Đề án hơn. Cần làm rõ mục đích của 6 dự án thành phần trong thực hiện nhiệm vụ của Đề án, tránh chồng chéo, trùng lắp với các nhiệm vụ khác đã đề ra…
Sau Hội thảo, Liên hiệp hội sẽ hoàn thiện Báo cáo phản biện, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu và hoàn thiện Đề án theo quy định./.