Thanh Hóa: Kiểm tra kết quả các dự án của Trung tâm trực thuộc
Trong hai ngày 14-15/11, Đoàn công tác của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (Liên hiệp hội) đã đến kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện 2 dự án của đơn vị trực thuộc - Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn quản lý Tài nguyên thiên nhiên và thích ứng Biến đổi khí hậu (CORENACCA)
Dự án “Quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng để tăng cường khả năng chống chịu với rủi ro biến đổi khí hậu ở tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam” và tiểu dự án “Tăng cường năng lực Quản lý rừng bền vững và phát triển sinh kế cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số” do CORENACCA triển khai thực hiện.
Đoàn công tác do Chủ tịch Liên hiệp hội Nguyễn Văn Phát làm trưởng đoàn, đã đến kiểm tra các mô hình sử dụng phân vi sinh trong canh tác hoa màu, nuôi ong lấy mật và trồng rừng ngập mặn tại xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc) và xã Nga Thủy (huyện Nga Sơn).
Đây là các mô hình sinh kế thuộc Dự án “Quản lý rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng để tăng cường khả năng chống chịu với rủi ro biến đổi khí hậu ở tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam” do Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới tài trợ.
Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 9/2021 đến tháng 10/2024, tại 3 xã: Đa Lộc (huyện Hậu Lộc), Nga Thủy và Nga Tân (huyện Nga Sơn), tỉnh Thanh Hóa. Dự án đã được đánh giá giữa kỳ vào tháng 5/2023. Lần kiểm tra này để đánh giá tính hiệu quả, bền vững và khả năng phát huy, nhân rộng các mô hình của người dân địa phương sau khi Dự án hoàn thành.
Trong cùng ngày, Đoàn công tác có buổi làm việc với Thường trực UBND huyện Thường Xuân và Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên về kết quả triển khai tiểu dự án “Tăng cường năng lực Quản lý rừng bền vững và phát triển sinh kế cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số” do Đại sứ quán CHLB Đức tài trợ. Tiểu dự án được giao cho Trung tâm CORENACCA phối hợp với Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thực hiện. Tiểu dự án dự kiến thực hiện từ tháng 7 - 12/2023, tại xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa với mục tiêu: Góp phần nâng cao nhận thức, năng lực của cộng đồng vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên về luật lâm nghiệp và xây dựng mô hình thí điểm trồng cây Na rừng dưới tán rừng.
Theo báo cáo, đến nay, tiểu dự án đã tổ chức được 06 khóa tập huấn nâng cao năng lực một số nội dung về pháp luật lâm nghiệp cho các thành viên tổ bảo vệ rừng; tổ chức biên soạn Sổ tay tuyên truyền và phổ biến về pháp luật lâm nghiệp, dự kiến xuất bản 1.200 cuốn; tập huấn, lựa chọn 15 hộ gia đình tại bản Lửa, xã Yên Nhân tham gia mô hình trồng Na rừng và cung cấp 3.500 cây giống cho các hộ gia đình tham gia; khảo sát, lựa chọn và đã hoàn thành trồng 1,5 ha cây Na rừng dưới tán rừng tại bản Lửa.
Trung tâm CORENACCA kiến nghị với UBND huyện Thường Xuân giao Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên tiếp nhận mô hình sau khi dự án kết thúc để tiếp tục hỗ trợ, giám sát hộ gia đình chăm sóc cây Na rừng theo đúng quy trình kỹ thuật và đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình. Liên hiệp hội mong muốn đánh giá hiệu quả của dự án để làm cơ sở nghiên cứu nhân rộng mô hình, đồng thời đề nghị xây dựng kế hoạch phối hợp với UBND huyện để triển khai các dự án khác do các tổ chức quốc tế tài trợ trên địa bàn huyện.
Đoàn công tác cũng đã thăm và trực tiếp quan sát quá trình trồng cây giống của người dân tại khu vực dự án thuộc bản Lửa, xã Yên Nhân. Người dân địa phương đã được cán bộ kiểm lâm, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm CORENACCA hướng dẫn kỹ thuật trồng cây giống và tặng Sổ tay tuyên truyền và phổ biến pháp luật lâm nghiệp.
Sau hai ngày làm việc, chuyến công tác của Liên hiệp hội được diễn ra theo đúng kế hoạch, đã kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện 2 dự án và hiệu quả hoạt động của Trung tâm CORENACCA; từ đó làm cơ sở để triển khai thêm nhiều dự án tương tự trong thời gian tới./.