Thái Nguyên: Hiện tượng xâm phạm quyền sở hữu cho các sản phẩm chè vẫn tồn tại
Ngày 29/8, tại TP. Thái Nguyên, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo “Đánh giá hệ thống cơ chế chính sách của tỉnh Thái Nguyên về đảm bảo thực thi quyền Sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chè đã được bảo hộ”.
Hội thảo có sự tham dự của các Sở, ngành liên quan, Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên, các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân đang trồng và chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh
Theo báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Vỵ - Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh cho biết: Thái Nguyên có diện tích chè lớn nhất cả nước với 22.649 ha, giá trị sản phẩm chè qua chế biến đạt trên 10.400 tỷ đồng.Tính đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có 33 đơn đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm của địa phương và được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cấp 26 văn bằng bảo hộ (01 Chỉ dẫn địa lý; 05 Nhãn hiệu chứng nhận; 20 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, hàng hóa nông sản tiêu biểu của tỉnh). Trong đó, có 12 nhãn hiệu cho sản phẩm Chè (01 Chỉ dẫn địa lý; 02 Nhãn hiệu chứng nhận; 9 nhãn hiệu tập thể).
Đặc biệt, nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên được bảo hộ thành công tại 6 nước và vùng lãnh thổ Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đài Loan Nhật Bản, Hàn Quốc. Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” được công nhận bảo hộ tại Liên minh châu ÂU (EU) thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Tại hội thảo, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Đinh Bộ Sơn cho biết: Những năm qua tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách trong lĩnh vực SHTT, trong đó, có các sản phẩm chè đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống của chè Thái Nguyên. Từ đó, nâng cao giá trị, uy tín, sức cạnh tranh của chè Thái Nguyên trên thị trường, gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm chè từ 1,5- 2 lần so với trước khi được bảo hộ, góp phần mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tăng thu nhập cho người trồng chè, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái sản phẩm chè Thái Nguyên trên thị trường.
Tuy nhiên, qua công tác quản lý nhà nước, nhận thấy có một số tồn tại hạn chế trong thực hiện cơ chế, chính sách thực thi quyền SHTT đối với các sản phẩm chè của tỉnh Thái Nguyên, cụ thể như: Hiện tượng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra, chưa được giải quyết dứt điểm; Việc duy trì và phát triển thương hiệu sản phẩm nói chung và sản phẩm chè nói riêng sau khi được bảo hộ quyền SHTT còn bị xem nhẹ, chưa thực hiện quản lý tốt chất lượng đầu ra cho sản phẩm; Việc quản lý của các chủ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao; Nhận thức về lĩnh vực SHTT và thực thi bảo hộ quyền SHTT của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất chưa đầy đủ, chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức trong lĩnh vực SHTT - ông Đinh Bộ Sơn nói.
Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - Đào Thanh Vân, Thái Nguyên được mệnh danh là vùng đất “đệ nhất danh trà” nhưng từ năm 2006 tới nay mới chỉ có 1 chỉ dẫn địa lý Tân Cương và 11 nhãn hiệu tập thể cho cây chè là quá ít, trong khi đó tỉnh có 173 sản phẩm OCOP thì có tới 121 sản phẩm chè được đánh giá, phân hạng từ 3- 5 sao. Do đó, tỉnh cần chú trọng hơn nữa cơ chế, chính sách, đầu tư hơn nữa cho sở hữu trí tuệ đối với chè và xem xét đưa các sản phẩm OCOP vào dự án phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2022- 2030 để hỗ trợ người trồng, chế biến chè. Đồng thời, tỉnh cần xây dựng bộ nhận diện chè Thái Nguyên bằng công nghệ số để độc quyền cấp cho người dân nhằm truy xuất nguồn gốc, xác nhận chính xác sản phẩm chè Thái Nguyên khi tiêu thụ trên thị trường, tránh hàng giả, hàng nhái,…gây ảnh hưởng tới thương hiệu chè Thái Nguyên, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã trồng, chế biến chè trên địa bàn tỉnh đã trao đổi và tập trung thảo luận các nội dung, như: Tác động của hệ thống chính sách đến quản lí và phát triển các sản phẩm chè đã được bảo hộ quyền SHTT; những khó khăn trong thực thi quyền SHHT cho các sản phẩm chè đã được bảo hộ; những bất cập, tồn tại, của hệ thống CCCS về thực thi quyền SHTT cũng như những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung về cơ chế chính sách của địa phương đảm bảo thực thi quyền SHTT cho các sản phẩm chè, cho phù hợp với thực tiễn giai đoạn sau 2023….
Hội thảo đã phát huy vai trò của các cơ quan nhà nước, hội nghề nghiệp, nhà khoa học trong hoàn thiện hệ thống chính sách của tỉnh trong bảo hộ quyền SHTT tuệ;… góp phần thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao giá trị, thương hiệu chè Thái Nguyên. Hội thảo cũng đã cung cấp thêm thông tin cho các tổ chức có thẩm quyền trong việc điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm tăng hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm chủ lực của địa phương phù hợp với điều kiện thực tiễn./.