Tăng cường các dịch vụ y tế phòng, chống HIV/AIDS và COVID-19 cho các nhóm cộng đồng
Ngày 14/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - Dự án VUSTA - Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS đã tổ chức Hội thảo “Tăng cường sự tiếp cận với các dịch vụ y tế liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS và COVID-19 và các gói an sinh xã hội cho các nhóm cộng đồng của dự án VUSTA”.
Ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, đảm bảo sự tiếp cận của toàn dân với các dịch vụ y tế công bằng và hiệu quả, luôn là một ưu tiên cao của Đảng và Nhà nước. Và đó cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của dự án VUSTA trong nhiều năm qua. Trong giai đoạn 2018-2020, mục tiêu cụ thể số 3 của dự án là thúc đẩy môi trường thuận lợi về mặt pháp lý và thực thi chính sách, pháp luật tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng chính của dự án tiếp cận với dịch vụ y tế.
Trong giai đoạn 2021-2023, mục tiêu 3 của dự án vẫn là đẩy mạnh việc hoàn thiện và thực thi khung pháp luật và chính sách nhằm tăng cường việc tiếp cận các dịch vụ y tế một cách công bằng và thuận lợi, ông Chiến cho biết thêm.
Tại hội thảo các biểu đã nghe trình bày về đánh giá sự tiếp cận với các dịch vụ y tế của các nhóm khách hàng của dự án nghĩa là từ góc nhìn của người hưởng lợi. Nhóm chuyên gia của dự án cũng đã tiến hành khảo sát bảng hỏi với 556 khách hàng, 6 phỏng vấn sâu và 5 thảo luận nhóm. Cuộc khảo sát được thiết kế, triển khai và xử lý số liệu một cách chuyên nghiệp, bài bản và khoa học; Triển khai các gói an sinh xã hội và sự tiếp cận của các nhóm khách hàng với góc nhìn từ các nhà quản lý. Nhóm chuyên gia đã tiến hành phỏng vấn sâu các nhà hoạch định chính sách ở Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các bộ nghành có liên quan; Sự tham gia của cộng đồng trong giám sát và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho chúng ta hiểu về tầm quan trọng của hoạt động giám sát dựa vào cộng đồng. Phản hồi từ khách hàng sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ; Tóm tắt kết quả của 4 năm hợp tác giữa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ với Đại học Y Hà Nội, CDC các tỉnh và các nhóm cộng đồng nhằm xây dựng các cơ sở y tế thân thiện với cộng đồng.
Bà Lê Phương Hòa - Trưởng phòng phòng quản lý khoa học và hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Bà Lê Phương Hòa - Trưởng phòng phòng quản lý khoa học và hợp tác quốc tế, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, từ năm 2016 đến nay tỷ lệ nhiễm HIV nam giới có chiều hướng gia tăng trở lại, tỷ lệ nhiễm ở đối tượng MSM và NCG gia tăng hàng năm và đây được cảnh báo là hai nhóm có tỷ lệ nhiễm HIV mới chính trong thời gian tới;
Công tác phòng chống, giảm nguy cơ lây nhiễm vẫn đang được các cấp, các ngành triển khai. Việc xét nghiệm sàng lọc HIV hiện đã bao phủ 100% tuyến huyện và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh thành; Đại dịch COVID-19 xuất hiện đầu năm 2020 khiến cho công tác phòng chống chống HIV/AIDS trở nên khó khăn hơn.
Chia sẻ tại hội thảo, các nhóm chuyên gia cho biết, vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai như thời gian triển khai mô hình còn ngắn (3-6 tháng) do dịch COVID-19; Nhân lực ở các cơ sở còn hạn chế về số lượng, khó khăn sắp xếp thời gian triển khai các hoạt động; Khảo sát tiền và hậu thí điểm chưa tập trung trên nhóm khách hàng thuộc cộng đồng đích.
Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật bằng các buổi tập huấn liên quan đến nhạy cảm giới và các cách tiếp xúc để thấu hiểu cộng đồng hơn; Phía tổ chức có những hoạt động hỗ trợ duy trì: tập huấn, đánh giá theo quý lấy ý kiến khách hàng…; Hỗ trợ thêm việc quản lý và đồng hành giải quyết các phản hồi của khách hàng.
Quang cảnh hội thảo