Tài nguyên vàng - hiện trạng và tương lai
Những số liệu trên chỉ để nghiên cứu, tham khảo chứ không có ý nghĩa kinh tế và không ai khai thác vàng trong đá, trong nước, trong các đối tượng chứa vàng với hàm lượng thấp như vậy. Người ta chỉ khai thác vàng trong các mỏ vàng đã được các nhà địa chất tìm kiếm thăm dò, đánh giá trữ lượng với hàm lượng vàng tối thiểu phải đạt trên vài - ba g/T.
Trên toàn thế giới người ta đã tính được tài nguyên trữ lượng vàng đạt 250.000 tấn. Từ thời Thượng cổ đến nay, loài người đã khai thác khoảng 150 nghìn tấn vàng từ lòng đất. Như vậy, với hiểu biết hiện tại, số vàng ở các mỏ vàng trên thế giới chỉ còn 100 nghìn tấn. Vào những năm 70 của thế kỷ XX, sản lượng vàng khai thác đạt trên 1.500 tấn/năm. Từ năm 1990 đến nay, sản lượng khai thác vàng trên thế giới tương đối ổn định ở mức khoảng trên dưới 2.000 tấn/năm.
Hai mươi năm qua, sản lượng khai thác vàng tăng bình quân là 0,24%. Các nhà địa chất đã tích cực tìm kiếm phát hiện thăm dò vàng ở các vùng có cấu trúc địa chất, kiến tạo thuận lợi cho sinh khoáng vàng và đã làm tăng tài nguyên trữ lượng vàng tự nhiên hàng năm đạt 5%. Nếu chỉ làm phép tính cơ học đơn giản thì thế giới hiện còn 100.000 tấn tài nguyên vàng và với sản lượng khai thác hàng năm trung bình là 2.300 tấn thì quặng vàng sẽ cạn kiệt vào năm 2050, nghĩa là hơn 40 năm nữa con cháu chúng ta sẽ không còn vàng để khai thác.
Tính toán như vậy, nhưng thực tế không diễn ra như đã dự báo, vì lòng đất vẫn còn nhiều điều bí ẩn, vẫn còn nhiều mỏ vàng chưa được phát hiện, chưa tìm kiếm hết… Mười lăm năm trước đây, năm 1993 tài nguyên trữ lượng vàng chỉ biết có 57 nghìn tấn và sản lượng khai thác hàng năm là 2200 tấn. Lúc đó đã có nhà kinh tế lo ngại thế giới sẽ cạn kiệt vàng vào năm 2018. Nhưng, đến năm 2008, các nhà địa chất đã làm gia tăng thêm đến 43.000 tấn vàng đưa số vàng dự trữ trong thiên nhiên lên 100 nghìn tấn. Hy vọng với các công cụ, phương tiện kỹ thuật hiện đại và các lý luận mới, các nhà địa chất sẽ phát hiện thêm nhiều tài nguyên quý giá hơn nữa phục vụ cho cộng đồng.
Số lượng vàng khai thác được dùng trong các ngành như sau: Kim hoàn 83%, điện tử 5,8%, tiền tệ 5,6%, y tế 2,2%, huân huy chương 0,9% và các ngành công nghệ khác 2,5%.
Vàng gắn chặt với đời sống con người, với mỗi quốc gia nên giá vàng thường không ổn định và có biến động lớn. Năm 1944, giá vàng đạt 35 USD/ounce (một ounce - OZ bằng 31,103 g), sau đó, năm 1979, giá vàng tăng dần lên 350 USD/OZ. Năm năm sau 1984 - 1985, giá vàng tăng vọt lên 850 USD/OZ, sau đó lại hạ nhiệt vào năm 1993 còn 355 USD/OZ. Mười lăm năm qua giá vàng tăng hàng năm bình quân là 10,23%, đến năm 2008 đạt 900 USD/OZ và hiện nay là 930 USD/OZ. Giá vàng biến động phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước hết phải nói đến trữ lượng vàng không phải là vô tận, nó là loại kim loại quý không thể tái tạo được, số lượng vàng ngày càng cạn kiệt theo thời gian. Thứ đến giá cả phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng của con người, vàng ngày càng được sử dụng nhiều trong các ngành công nghệ cao và nhu cầu trang sức ngày càng tăng cao. Với xu thế tiêu dùng hiện nay, các nhà kinh tế dự báo xu thế giá vàng sẽ tăng lên trong những năm tới với tỷ lệ tăng 10-15%/năm.
Trên thế giới có hơn 20 nước được thiên nhiên ưu đãi có trữ lượng vàng trên 1.000 tấn. Đứng đầu thế giới là Nam Phi đạt 31.000 tấn, chiếm 31% trữ lượng vàng thế giới. Liên bang Nga chiếm vị trí thứ hai với tài nguyên 7.000 tấn và sản lượng năm 2008 đạt 160 tấn. Úc có tài nguyên vàng là 6.000 tấn, năm 2008 khai thác 225 tấn. Indonesia cũng có tiềm năng lớn đạt xấp xỉ 6.000 tấn, Mỹ 5.500 tấn, Canada 4.200 tấn, Trung Quốc 4.100 tấn, Mexico, Chilê, Ghana, Peru, Papua New Guinea là những nước đã có nhiều cố gắng săn lùng, tìm kiếm vàng và đạt tài nguyên trữ lượng từ 2.300 đến 3.400 tấn.
Ở Việt Nam , các nhà địa chất đã phát hiện vàng ở hai loại hình: vàng sa khoáng và vàng gốc. Vàng sa khoáng phân bố ở nhiều vùng trong 150 tụ khoáng, trong đó có 27 nơi được đánh giá thăm dò thuộc các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An…
Vàng gốc được phát hiện ở nhiều nơi với nhiều kiểu quặng hoá vàng khác nhau. Kiểu quặng hóa vàng - thạch anh có ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hoá, Quảng Nam. Kiểu quặng hóa vàng - thạch anh - sunfua có ở Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Phúc Yên, Đồng Nai. Kiểu quặng hóa vàng - anitmon có ở Tuyên Quang, Hoà Bình, Nghệ An…
Nói chung, quặng hoá vàng ở Việt Nam phân bố rải rác ở nhiều nơi với quy mô nhỏ. Hiện tại, chúng ta chưa tìm thấy các mỏ vàng gốc có trữ lượng lớn, thường một số mỏ chỉ đạt 1-5 tấn. Tổng tài nguyên tính được khoảng vài nghìn tấn và trữ lượng chỉ đạt vài trăm tấn.
Với nhu cầu vàng ngày càng tăng thì việc điều tra phát hiện các mỏ vàng mới là nhiệm vụ rất quan trọng của các quốc gia, các nhà địa chất trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng; Vì trước mắt, vàng được xem là loại khoáng sản "nóng", quý hiếm đang rất cần cho mỗi quốc gia và cho đời sống con người. Với các công nghệ hiện đại ngày càng phát triển, hy vọng khoáng sản vàng sẽ không còn là khoáng sản "nóng" trong tương lai và sẽ thoả mãn được nhu cầu của loài người. Ở Việt Nam , Nhà nước cần chú ý đầu tư hơn nữa cho công tác điều tra, đánh giá triển vọng tài nguyên khoáng sản nói chung và tài nguyên vàng nói riêng.