Sự thật về vụ bê bối khoa học tại Hàn Quốc
Người hùng hay tội đồ?
GS Hwang Woo-suk hiện đang nằm điều trị tại một bệnh viện vì bị stress, được HQ xem là anh hùng dân tộc và là nhà tiên phong trên thế giới trong lĩnh vực nhân bản phôi người. GS Hwang và các đồng sự đã lấy những phôi thai nhân tạo theo phương pháp nhân bản vô tính, rút ra các tế bào mầm, loại tế bào có thể biến thái thành nhiều loại tế bào chuyên biệt trong các bộ phận cơ thể con người. Có thể lấy một tế bào thường của một người cấy với trứng để sinh ra một phôi thai. Tế bào mầm được rút từ phôi thai nhân tạo đó có thể thích hợp với người đã cho tế bào. Việc nghiên cứu tế bào mầm có triển vọng đưa tới các phương pháp trị liệu đối với nhiều thứ bệnh khó chữa như bệnh tiểu đường, bệnh Alzheimer… bằng cách thay các tế bào bệnh bằng các tế bào mới. Tháng 2-2004, GS Hwang và cộng sự tuyên bố nhân bản thành công phôi người đầu tiên trên thế giới và năm 2005, nhóm này đã cho ra đời con chó nhân bản đầu tiên. Tạp chí Time bình chọn đây là phát minh của năm 2005. Cũng trong năm nay, nhóm nghiên cứu của ông đã nghiên cứu từ 185 tế bào trứng của những người hiến tặng bằng cách bỏ đi nhân tế bào, sau đó phân biệt cho dung hợp với tế bào da của 11 người bị tổn thương tuỷ sống có người mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh di truyền miễn dịch… Và thật bất ngờ, tế bào gốc mới nhân bản thành công có thể hy vọng dùng chữa trị bệnh cho chính họ. Chính phủ HQ rất tự hào về lĩnh vực nghiên cứu tiên phong này của GS Hwang. Ngoài sự tài trợ của chính phủ, công trình nghiên cứu của vị GS này còn được ủng hộ hàng triệu USD từ các doanh nghiệp trong nước. Sự thành công vượt bậc của công trình nghiên cứu nhân bản phôi thai người đã khiến Chính phủ HQ quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu tế bào gốc thế giới (World Stem Cell Hub-WSCH) ngày 19-10-2005, với mục tiêu tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế trong nghiên cứu tế bào gốc. WSCH hoạt động với nguồn vốn 6,5 tỉ won của chính phủ. Ngoài một số chức năng chính, WSCH còn lưu trữ tế bào phôi và tế bào người lớn, đồng thời cung cấp tế bào đa năng cho các bệnh nhân trên toàn thế giới. GS Hwang được cử nắm quyền điều hành WSCH.
Bê bối bắt đầu được lôi ra ánh sáng khi Gerald Schatten, một đồng nghiệp nổi tiếng của GS Hwang, do bất đồng quan điểm với vị GS này và cho rằng ông rất lo ngại cách mà nhóm của GS Hwang “tìm kiếm” người. Trước đó vào tháng 5-2004, tạp chí y khoa Nature từng hỏi GS Hwang về nguồn gốc một số người mà ông sử dụng, và ông Hwang đã bác bỏ rằng đó chính là của các nữ khoa học trong nhóm ông. Trong cuộc họp báo tuyên bố từ chức mới đây, GS Hwang thừa nhận, khi ấy ông đã nói dối. Giải trình về nguyên nhân che giấu, ông Hwang cho biết, quả thật có hai nhà khoa học trong nhóm đã hiến trứng của họ cho ông, song ông một mực từ chối. Tuy nhiên, những người này sau đó đã giấu ông và tiếp tục hiến trứng dưới những cái tên giả. Khi bị phát hiện, các nữ khoa học này khẩn thiết đề nghị ông không tiết lộ. Ngoài ra, GS Hwang cũng thừa nhận không hề biết về việc các đồng sự đã sử dụng một số trứng từ những người phụ nữ khác và đã trả tiền cho họ. Trước vụ bê bối này, Bộ Y tế và Xã hội HQ đứng ra bảo vệ ông Hwang và cho rằng vị GS này không làm điều gì sai trái, cả về mặt đạo đức lẫn pháp lý, và cũng không chịu một sức ép nào. Chính phủ HQ cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính cho GS Hwang và các công trình nghiên cứu của ông.
GS Hwang Woo-suk đã mang lại niềm hãnh diện cho HQ, ông trở thành một thần tượng của quốc gia. Tuy nhiên, trong bất cứ cuộc nghiên cứu nào, việc sử dụng các bộ phận của con người đều được quy định bởi những quy tắc đạo lý. Việc lấy trứng của một phụ nữ để làm thí nghiệm kéo dài nhiều ngày có thể gây đau đớn và các biến chứng có hại cho sức khoẻ người cho. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng tránh không trả tiền cho những người tình nguyện hiến trứng của họ. GS Hwang phải lên tiếng xin lỗi là vì trước đó ông đã phủ nhận những tin trên, và còn quả quyết rằng các phụ nữ cho trứng đều tình nguyện và không có ai trong nhóm khảo cứu đã cho trứng. Sở dĩ ông không tiết lộ là vì muốn bảo vệ đời tư của nhân viên. Còn về vụ mua trứng thì ông cũng chỉ biết ngày 21-11-2005, khi người giám đốc y viện chuyên về thụ thai tiết lộ ông ta đã trả tiền. Tuy nhiên, ông Hwang muốn xác định là Đại học Seoul và nhóm nghiên cứu của ông hết sức tôn trọng các quy tắc đạo lý nghiên cứu y học.
Người dám làm dám chịu
Trước mặt các nhà báo, GS Hwang nói: “Tôi cảm thấy hổ thẹn”. Ông đã xin rút khỏi tất cả mọi chức vụ và chỉ chuyên tâm về nghiên cứu tế bào mầm. Người dân HQ nghĩ gì về hành động sai lầm và lời xin lỗi của ông Hwang Woo-suk? Hai phần ba số người HQ được hỏi trong một cuộc thăm dò của Đài Truyền hình trung ương HQ cho biết những việc GS Hwang làm không vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, có rất nhiều người HQ tình nguyện tặng trứng cho các cuộc nghiên cứu của GS Hwang. Nhiều người dân HQ thừa nhận rất quý mến và kính trọng vị giáo sư này nhưng cũng cho rằng ai vi phạm những quy tắc đạo đức nghề nghiệp thì có lỗi với các đồng nghiệp, có lỗi với tất cả công chúng. Việc ông xin lỗi là đáng làm.
Nhưng diễn biến mới nhất liên quan tới vụ GS Hwang Woo-suk lại đi theo một hướng khác đó là cáo buộc của nhà khoa học Roh Sung-il. Roh cho rằng, Hwang lừa dối trong nghiên cứu tế bào mầm, nói cách khác là công trình nghiên cứu tế bào mầm giúp GS Hwang trở thành người hùng của HQ đang bị nghi ngờ là bịa đặt. Tuy nhiên, ngay lập tức GS Hwang đã lên tiếng phủ nhận, đồng thời đưa ra nghi vấn có sự tráo đổi các tế bào mầm trong công trình của ông và giai đoạn đầu của cuộc nghiên cứu.
GS Roh cho biết, ông vừa phát hiện ra 5 tế bào mầm trong công trình của ông giống với những tế bào của Bệnh viện MizMedi, nơi ông Roh công tác và nghi ngờ nhà khoa học Kim Seon-jong, trước đây từng công tác tại bệnh viện MzMedi, sau đó chuyển sang làm tại phòng thí nghiệm của GS Hwang, đã đánh tráo chúng từ Bệnh viện MzMedi. GS Hwang đang nhờ Cơ quan điều tra tìm thủ phạm của việc đánh tráo trên. Ông Hwang còn khẳng định có thể chứng minh sự thật về kết quả nghiên cứu của ông bằng những ghi chép thí nghiệm và hình chụp qua kính hiển vi mà nhóm ông thực hiện trong quá trình nghiên cứu. Hiện vị GS này đang tiến hành rã đông 5 tế bào mầm khác còn trữ lại từ những thí nghiệm trước và sẽ chứng tỏ sự thật về công trình của mình trong một vài ngày tới.
Trong khi đó, ông Roh Sung-il vẫn giữ nguyên lời cáo buộc và chỉ trích ông Hwang đã trốn tránh trách nhiệm khi đổ lỗi cho người khác.
Sự việc còn chờ điều tra nhưng sẽ là cú sốc tâm lý bởi GS Gwang được dân chúng HQ xem là anh hùng dân tộc vì những thành công vang dội trong nghiên cứu tế bào mầm làm vinh danh HQ. Nếu cơ quan pháp luật HQ vào cuộc và nếu những lời cáo buộc của ông Roh là đúng thì GS Hwang và các thành viên trong nhóm nghiên cứu của ông có thể sẽ phải ra toà.
Nguồn: An ninh thế giới, số 514, ngày 21/12/2005.